Huỳnh Ngọc Chênh - Từ sau năm 1975, đô thị và giao thông đô thị ở Việt Nam đã phát triển một cách hoang dã. Đó là hệ quả của một thời đưa những người không có một chút am hiểu lên quản lý đô thị và giao thông đô thị. Nhà cửa và các khu dân cư cho xây dựng bừa bãi không theo một tiêu chí quy hoạch hợp lý nào. Xe gắn máy cho nhập về thả cửa và không hề nghĩ gì đến việc phát triển hệ thống giao thông công cộng. Quốc lộ 1 A là xương sống giao thông Bắc Nam, là huyết mạch vận hành và phát triển kinh tế của cả nước mà đến bây giờ nhiều đoạn vẫn còn như con đường làng. Trong khi đó thì cách đây hơn 10 năm, dồn hết tiền của vào xây dựng con đường Trường Sơn đầy tốn kém để rồi bỏ không và lại tốn tiền duy tu bảo dưỡng hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa nói là nhờ con đường nầy mà bọn lâm tặc, bọn kinh doanh gỗ lậu đã phá tan nát hết núi rừng Trường Sơn gây ra những trận lũ càng ngày càng dồn dập và khốc liệt cho vùng đồng bằng miền Trung. Những tưởng sau hơn 35 năm, thế hệ những người quản lý sau nầy có học hành bài bản hơn. Nhưng những gì họ làm ra cho thấy phần lớn họ cũng chỉ là những cái đầu đất sét. Trước hết là những con đường ven biển mà hầu như tỉnh nào có bờ biển cũng đua nhau làm để tăng quỹ đất. Những cái đầu đất sét ấy cứ đều đều cách mép biển chừng 100 mét là vẽ một con đường và cho như vậy là đẹp. Không có cái đầu nào hiểu rằng đường ven biển là con đường du lịch. Con đường đó phải có lúc ăn sát ra biển để có cảnh quan và có lúc đi sâu vào trong để tạo ra quỹ đất du lịch biển và để bảo tồn những làng ngư dân ven biển lâu đời. Con đường từ Phan Thiết đến mũi Kê Gà là một minh chứng hùng hồn cho những cái đầu đất sét quy hoạch giao thông. Con đường ấy cứ đều đặn bò sát mép biển, chỗ nào mép đất nhô ra thì nhô ra theo, chỗ nào mép đất thụt vào thì thụt vào theo một cách ngây ngô. Con đường ấy làm cho đất phía bên biển quá hẹp không thể xây dựng công trình du lịch được, còn đất phía bên trong thì chỉ còn xây dựng nhà phố chứ không thể nào phát triển khách sạn lớn hoặc các khu resort, du lịch to đẹp đúng chuẫn được vì du khách muốn ra biển thì phải băng qua đường.(xem bản đồ đường từ Phan Thiết đi mũi Kê Gà)(hoặc xem đây) Ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng được ca ngợi là có đầu óc lắm nhưng con đường ven biển từ Sơn Trà vào đến Ngũ Hành Sơn thì cũng được vạch ra ngây ngô không khác gì đường Kê Gà. Từ Sơn Trà vào đến Bắc Mỹ An dài gần chục cây số, con đường cứ đơn điệu chạy sát mép biển. Ở khu vực biển tuyệt đẹp nầy chỉ có thể xây dựng được các khách sạn cở 2, 3 sao như khách sạn Mỹ Khê là cùng. Đoạn từ Bắc Mỹ An vào Non Nước, may mắn là trước khi vạch ra con đường, đã có khu resort Furama nằm sát biển, do vậy con đường chạy tránh vào trong tạo ra một quỹ đất du lịch ven biển rất đẹp nép theo khu Furama. Nhờ vậy mà thu hút được hàng loạt dự án đầu tư lớn vào du lịch ăn ttheo khu Furama.(xem bản đồ đường Hoàng Sa ven biển Đà Nẵng)(hoặc xem đây) Nhưng cũng hết sức buồn cười, kể từ đó chạy vào đến cửa Đại (Hội An) dài gần 20km, con đường cứ thế đều đều chạy sâu trong đất liền không có một chỗ nào nhô ra sát biển để có được cảnh quan biển, thật là đáng tiếc. Trong đô thị thì những cái đầu đất sét thể hiện rất rõ qua các biển báo giao thông và cách phân luồng. Lấy Sài Gòn là một đô thị tự hào là văn minh, hiện đại nhất nước ra đơn cử. Đến tận bây giờ thì một số giao lộ phức tạp mới xây mới có biển chỉ đường. Vẫn còn rất nhiều giao lộ khác chưa có biển chỉ đường như giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh- chân Cầu Thủ Thiêm, giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh- chân cầu Sài Gòn, vòng xoay Dân Chủ, vòng xoay Phù Đổng, vòng xoay Quách Thị Trang…Và những biển chỉ đường đến những địa điểm quan trọng như sân bay, ga xe lửa, bưu điện trung tâm, chợ Bến Thành, bệnh viện lớn, tòa thị chính, dinh Thống Nhất, ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Bãy Hiền…hầu như không có. Người dân làm ăn cạnh những giao lộ đã quá bực mình vì bị khách đi đường hỏi đường nên phải tự vẽ những bảng chỉ đường như sau để bớt bị phiền hà. Thật không còn gì bôi bác chế độ hơn thế này! * Bị phiền vì bị hỏi đường quá nhiều, người dân tự chế bảng chỉ đường Một thành phố hiện đại thì phải có hệ thống biển báo thật khoa học để cho bất cứ ai muốn tìm đường cũng không cần phải dừng xe hỏi đường. Điều nầy tôi thường viết báo nói đi nói lại rất nhiều lần từ 20 năm qua nhưng những cái đầu đất sét chỉ biết "kiếm chát" không hề nghĩ đến. Còn việc phân luồng thì hết sức tùy tiện, không am hiểu một chút gì về vận trù học. Cứ hứng lên thì cho hàng loạt đường thành một chiều. Thấy rối tinh lên lại điều chỉnh về như cũ. Chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại ở Sài Gòn khá nhiều lần. Việc phân làn xe cũng rất bất nhất giữa các địa phương. Trên Quốc lộ 13, đoạn ở Sài Gòn thì cho xe tải và xe con đi chung làn nhưng qua Bình Dường thì xe tải và xe con lại tách riêng ra. Tương tự như vậy với quốc lộ 1A giữa Sài Gòn và Đồng Nai. Kiểu cố tình bất nhất như vậy là nhằm mục đích gì nếu không phải là để tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông kiếm ăn? Những bất hợp lý trong giao thông nói chung và trong giao thông đô thị nói riêng thể hiện qua các chuyện nhỏ như: biển báo, cách phân làn, các quy định…kể ra không thể nào hết. Biển báo dưới chân cầu Thủ Thiêm, hướng đi Đại lộ Đông Tây với rất nhiều chữ khiến người đi đường khó có thể đọc hết nếu không dừng lại. Ảnh: H.C. /nguồn VNE Một biển báo thay thế biển báo "cấm" ở trên được thành viên của một diễn đàn trên Internet đưa ra để dạy quan chức giao thông đầu đất sét. Gần 40 năm sau hòa bình, tôi tin là đã có một thế hệ quản lý mới được cho ăn học và có bằng cấp chuyên môn đàng hoàng. Tôi vốn tôn trọng nhà cầm quyền nên không tin rằng đám quan chức quản lý mới ấy chỉ toàn là phường giá áo túi cơm, toàn là bọn bằng cấp giả hoặc bằng thật học giả như dư luận khắp nơi luôn râm ran. Nhưng những gì tôi thấy các vị ấy làm, chỉ trong lãnh vực quản lý đô thị và giao thông, thì không thể nào làm tôi không tin rằng đầu óc các vị ấy chỉ toàn là đất sét. Mà đỉnh cao đất sét ấy là ngài bộ trưởng Đinh La Thăng. Còn ai cao hơn nữa không, tôi không biết nên không dám nói. Tại sao tôi phải tin rằng các vị là đầu đất sét? Vì tất cả những điều tôi nói ở trên là những kiến thức cơ bản mà một học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông một cách nghiêm túc đều phải biết, không cần đến trình độ chuyên ngành gì cao siêu ghê gớm như bằng cấp của các vị ghi. Và thành thật xin lỗi những vị quan chức khác, số rất ít thôi, không phải là đầu đất sét. Huỳnh Ngọc Chênh |
(TNO) Khoảng 9 giờ sáng nay 6.4, hàng chục công nhân Công ty thép Việt Nhật (có trụ sở tại Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) đã kéo nhau đến vây kín Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hồng Hà (Agribank Hồng Hà) có địa chỉ ở 164 Trần Quang Khải, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
>> Làm ngay việc cứu đói cho dân
>> 6 bị can nguyên cán bộ Agribank tại ngoại
>> Máy ATM của Agribank tại Huế tê liệt 3 ngày
>> Nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Q.8 lãnh án chung thân
|
Trước sự bao vây của công nhân, hoạt động của chi nhánh ngân hàng này gần như bị ngưng trệ vì không có người đến giao dịch mặc dù vẫn có nhân viên làm việc.
Vụ việc nói trên đã gây ra sự tò mò cho nhiều người dân qua lại trên đường Trần Quang Khải.
Để vãn hồi trật tự, Công an P.Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm đã cử một tổ công tác đến giải tỏa người dân hiếu kỳ đứng xem gây tắc đường. Đồng thời yêu cầu các công nhân không được gây ảnh hưởng đến hoạt động của chi nhánh ngân hàng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Tuấn (40 tuổi, quê Thái Nguyên) là nhân viên Công ty thép Việt Nhật cho biết, công ty nợ lương anh em đã 5 tháng nay. Khi công nhân hỏi thì được lãnh đạo công ty trả lời do Agribank Hồng Hà nợ 30 tỉ đồng nên chưa có tiền trả.
"Đây là lần thứ 3 anh em chúng tôi khăn gói từ Thái Nguyên (nhà máy sản xuất của Công ty thép Việt Nhật ở Thái Nguyên - PV) xuống đây đòi tiền cho công ty. Rất mong phía ngân hàng trả tiền cho công ty để chúng tôi sớm có lương đóng học phí cho con, trang trải cuộc sống", anh Tuấn nói.
Trước cửa Agribank Hồng Hà, chúng tôi còn ghi nhận sự có mặt của ông Hoàng Minh Phương - Giám đốc Công ty thép Việt Nhật. Ông này thừa nhận công ty đã nợ lương công nhân từ tháng 11.2011 đến nay.
"Do công nhân không tin rằng công ty chưa đòi được tiền từ ngân hàng để trả lương nên chúng tôi buộc phải để công nhân xuống tận nơi cho họ hiểu rõ", ông giám đốc thép Việt Nhật cho biết.
Lý giải về khoản tiền 30 tỉ đồng mà Agribank Hồng Hà nợ thép Việt Nhật, ông Phương cho biết đây là khoản tiền ngân hàng này bảo lãnh thanh toán cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu (CP XNK) Tân Hồng mua hàng của Việt Nhật có giá trị gần 30 tỉ đồng từ tháng 5.2011. Hiệu lực bảo lãnh đến ngày 25.8.2011.
Theo ký kết giữa hai bên cũng như bảo lãnh thanh toán, trong trường hợp người mua là Công ty CP XNK Tân Hồng không thanh toán thì Agribank Hồng Hà phải có trách nhiệm thanh toán số tiền hàng cho Công ty thép Việt Nhật.
Ông Phương cung cấp nhiều tài liệu thể hiện khoản nợ 30 tỉ đồng. Trong đó có chứng thư bảo lãnh thanh toán có con dấu và chữ ký giám đốc Agribank Hồng Hà.
Theo ông Phương, từ tháng 8 năm ngoái đến nay, công ty đã nhiều lần hối thúc các bên liên quan thanh toán nhưng không nhận được sự hợp tác. "Chúng tôi nhiều lần gửi văn bản đòi nợ thậm chí trực tiếp gặp Công ty CP XNK Tân Hồng thì họ chỉ sang đòi nợ Agribank vì đây là đơn vị bảo lãnh thanh toán".
"Tôi đến đòi nợ Agribank chi nhánh Hồng Hà đã hơn 10 lần, nhưng đều không đòi được một xu. Lãnh đạo đều kiếm cớ trả lời ậm ừ, cố tình kéo dài không chịu trả tiền cho công ty chúng tôi", ông Phương cho hay.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Trần Thanh Hà, Phó giám đốc điều hành Agribank Hồng Hà cho biết, do chứng thư bảo lãnh thanh toán không đúng quy định nên Agribank Hồng Hà chưa có cơ sở để thanh toán bảo lãnh kịp thời. "Hiện chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ", ông Trần Thanh Hà cho biết.
"Chúng tôi rất chia sẻ với Công ty thép Việt Nhật, tuy nhiên hành động của họ đã gây ảnh hưởng rất xấu đến ngân hàng cũng như hoạt động của chúng tôi", ông Hà nói.
Được biết liên quan đến vụ việc này, ông Đỗ Đức Hưng, Giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà, là người ký chứng thư bảo lãnh đã bị ngân hàng "mẹ" ra quyết định cho thôi việc, hiện chi nhánh này vẫn đang trống vị trí giám đốc.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo cao cấp của Agribank cũng cho biết, vụ việc phát hành chứng thư bảo lãnh tại Agribank Hồng Hà có dấu hiệu phức tạp nên ngân hàng đã đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vào cuộc để làm rõ.
Thái Sơn - Lê Quân