THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 June 2011

Calendar











CHÚ Ý:  Tất cả sự kiện trong lịch này có thể được thay đổi tùy theo hoàn cảnh, không thông báo trước.

free counters

Alexander Belov -Thuyền trưởng tàu Bình Minh 02: "Tôi chứng kiến điều không tin nổi" TT


TT - Thuyền trưởng Alexander Belov (người Nga) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về hải trình này và sự kiện tàu Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc cản trở, phá hoại trên thềm lục địa Việt Nam.

>> Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Tối 31-5, tàu Bình Minh 02 về đến cảng Nha Trang, Khánh Hòa sau khi hoàn tất công việc khảo sát địa chấn biển như kế hoạch đề ra từ trước.

Ông Alexander Belov - Ảnh: Q.V.

* Ông đã làm việc ở Việt Nam từ khi nào?

- Tôi ở Việt Nam từ ngày 28-2-2011. Trước đây tôi từng làm việc trên vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới như Na Uy, Iceland, Greenland, Mỹ, Anh, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.

* Ông từng gặp những trường hợp như vụ tàu hải giám Trung Quốc gây cản trở, phá hoại tàu Bình Minh 02 ở vùng biển Việt Nam vừa rồi?

- Tôi chưa từng gặp và cũng hi vọng trường hợp vừa rồi sẽ là lần cuối cùng. Vụ chạm trán này cũng là một kinh nghiệm cho tôi. Thông thường những tàu hải giám như tàu Trung Quốc vừa qua phải tìm cách liên lạc với chúng tôi thay vì phá hoại các thiết bị của tàu. Đây là hành động trái pháp luật vì chúng tôi đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

* Trong tình huống đó ông đã xử lý thế nào?

- Lúc đầu chúng tôi cố gắng bắt liên lạc với các tàu Trung Quốc và bảo họ tránh xa các thiết bị của chúng tôi. Tôi nghe trên sóng radio họ đọc một tuyên bố gì đó rằng chúng tôi phải rời đi vì đã vi phạm vào chủ quyền Trung Quốc. Chúng tôi bảo để các quan chức giải quyết vấn đề này. Nhưng họ cố đuổi theo tàu chúng tôi. Cuối cùng, một trong ba chiếc tàu Trung Quốc tiến hành cắt cáp của chúng tôi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình, sau đó gọi về văn phòng công ty nhờ giúp đỡ, hỏi xin chỉ dẫn hành động kế tiếp và thu hồi thiết bị bị mất nhằm giảm thiểu thiệt hại.

* Là một người có kinh nghiệm đi biển lâu năm, ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc?

- Đây thật sự là một tình huống rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vừa rồi, họ biết rõ rằng mình đang làm gì, rằng họ đến đó để phá hủy các thiết bị của chúng tôi.

* Từng làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, có bao giờ ông gặp phải những vụ vi phạm chủ quyền giống như vụ các tàu hải giám Trung Quốc vừa rồi không?

- Không hề! Chúng tôi đang làm việc trên vùng biển của Việt Nam và những chiếc tàu (Trung Quốc) đến, điều này thật khác thường.

* Là công dân của một nước có chủ quyền, ông đánh giá về vụ phá hoại này thế nào?

- Tôi nghĩ không thể chấp nhận được. Một điều không thể tin nổi là có chuyện phá hoại thiết bị như vậy. Nhưng lần này tôi đã chứng kiến tận mắt, và cảm thấy rất ghê tởm.

* Trong vụ việc vừa rồi ông có nhận xét gì về thái độ, cách giải quyết hòa bình của người Việt Nam?

- Tôi cho rằng tình huống vừa rồi được giải quyết khá tốt, thủy thủ đoàn và con tàu đều an toàn, thiết bị không bị hư hỏng quá nhiều.

* Sắp tới ông sẽ tiếp tục làm việc ở Việt Nam?

- Vâng, chắc chắn vì chúng tôi đã có hợp đồng và tôi cũng thích làm việc ở đây.

Chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi

Có mặt trên tàu Bình Minh 02 trong sáng 1-6, chúng tôi chứng kiến không khí khẩn trương, chuẩn bị cho hải trình khảo sát địa chấn tiếp theo. Các kỹ thuật viên, thủy thủ đoàn bắt tay nhận ca làm việc mới từ đội ngũ vừa kết thúc chuyến đi.

Kỹ sư thu nhận tín hiệu địa chấn Trần Văn Nhật đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới, hào hứng nói: "Mấy ngày qua, tôi có liên lạc với anh em trên tàu và biết rõ sự kiện cản trở, phá hoại của tàu Trung Quốc. Sự việc này rất nghiêm trọng, nguy hiểm nhưng anh em chúng tôi vẫn háo hức chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo. Chúng tôi làm việc trên vùng biển Tổ quốc và chúng tôi hoàn toàn tự tin vì chúng tôi có lẽ phải".

Trên cabin, thuyền trưởng Trần Anh Vũ đang nhận bàn giao ca mới từ thuyền trưởng Alexander Belov. Anh khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm tiếp tục ra khơi hoàn thành tốt nhiệm vụ trên vùng biển của đất nước có chủ quyền. Đó cũng là nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc".

Trong đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên khảo sát địa chấn làm việc trên tàu Bình Minh 02 có nhiều người đến từ Canada, Mỹ, Philippines, Malaysia,  Anh... Mặc dù chứng kiến sự cản trở, phá hoại của tàu hải giám Trung Quốc nhưng tất cả họ đều khẳng định sẽ tiếp tục làm việc bình thường trên tàu Bình Minh 02 đúng như hợp đồng đã ký từ trước.

Kỹ sư Phạm Khôi - quốc tịch Canada, đội trưởng đội khảo sát địa chấn đã làm việc trên biển Việt Nam - cho biết ngay sau chuyến lên bờ nghỉ để đổi ca này, anh sẽ tiếp tục cùng Bình Minh 02 ra khơi.

"Lúc bị tàu Trung Quốc phá hoại cáp thu tín hiệu địa chấn, tôi không có thời gian để suy nghĩ gì khác ngoài việc cùng anh em cố gắng bảo vệ thiết bị. Nhưng sau đó, tôi nghĩ mình làm việc trên vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia có chủ quyền thì không có gì phải e ngại. Chắc chắn tôi sẽ còn tiếp tục làm việc lâu dài ở quê hương tôi" - anh Khôi nói.

QUỐC VIỆT - TRẦN PHƯƠNG thực hiện

Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/zingme_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
(2)
Chủ Quyền Biển Đông
02/06/2011 7:51:41 SA
Ôi! May quá, may có người nước ngoài làm chứng không thì Trung Quốc ăn gian mệt lắm. Việt Nam cần phải mạnh tay đi, càng nhẫn nhịn họ lại càng lấn tới.
Hoàng
Biện pháp đàm phán
02/06/2011 7:50:37 SA
Tất cả chúng ta đều thấy, không hề có sự vi phạm nào từ phía tàu VN. Vậy, lấy cớ gì mà tàu hải giám TQ uy hiếp tàu chúng ta? Có thể gọi đây là hành vi cố tình gây hấn hay hành vi cố tình xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển của nước ta. Ngay chính trên lãnh thổ của nước ta nơi luật pháp VN vẫn có hiệu lực quản lý, mà tàu của ta còn bị bắn nói gì đến tàu ta ra vùng biển quốc tế... Làm sao để bảo vệ các tàu đang ra khơi, nếu tiếp tục tình trạng này, tàu của chúng ta sẽ ít dần trên biển Đông. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần có biện pháp đàm phán với TQ rõ ràng về chủ quyền biển trên khu vực biển Đông, cũng như có biện pháp đáp trả lại nếu tàu chúng ta hoạt động bình thường (không xâm phạm biên giới biển) mà bị bắn theo đúng như nguyên tắc báo phục quốc.
hà ly

Ngân hàng tăng giá mua đôla


Mất mốc 37,8 triệu đồng một lượng, sáng nay, giá vàng trong nước và quốc tế cùng giảm sâu. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại nâng giá USD mua vào.
> Vàng cán mốc 37,8 triệu đồng

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp lớn đồng loạt báo giá mua vào-bán ra đối với vàng là 37,69-37,79 triệu đồng một lượng. Mức giá này đã giảm 90.000 đồng chiều mua và 50.000 đồng chiều bán so với sáng qua 31/5.

Tại TP HCM, bảng giá cũng được điều chỉnh, phổ biến 37,71-37,77 triệu đồng một lượng (mua vào-bán ra). Khoảng cách chênh lệch ở cả chiều mua và bán so với sáng qua khoảng 60.000 đồng.

Giá vàng trong nước và thế giới cùng theo đà giảm. Ảnh minh họa: Tuệ  Minh
Giá vàng trong nước và thế giới cùng theo đà giảm. Ảnh minh họa: Tuệ Minh

Sau chuỗi ngày đứng im mức 20.643 đồng, sáng nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã giảm thêm 5 đồng, xuống còn 20.638 đồng một USDTuy nhiên, một số ngân hàng thương mại lại đồng loạt điều chỉnh tỷ giá hối đoái với xu hướng giảm chiều bán và tăng chiều mua.

Vietcombank báo giá USD mua vào - bán ra lần lượt là 20.520-20.600 đồng một USD. So với những ngày trước đó, giá mua vào đã tăng 10 đồng còn giá bán ra lại mất 10 đồng. ACB còn "mạnh tay" tăng giá thu mua USD thêm 70 đồng, từ 20.470 đồng lên 20.540 đồng một USD và giảm 10 đồng ở chiều bán ra.

Cùng với đà đi xuống của giá vàng trong nước, giá vàng giao ngay thế giới vẫn bám trụ mức trên 1.530 USD một ounce trong cả sáng nay. Tại phiên giao dịch châu Âu trước đó, giá vàng dao động trong biên độ 1.531,6-1.541,1 USD một ounce.

Phiên châu Á mở cửa sáng nay, tính đến hơn 10h giờ Việt Nam, giá vàng ở ngưỡng 1.529,7 USD một ounce và có xu hướng giảm so với những hôm trước.

Theo Bloomberg, những dấu hiệu khả quan rằng Hy Lạp sẽ có thể được nhận một khoản vay cần thiết để giải quyết nợ công là một trong những nhân tố khiến giá vàng giảm.

Tuệ Minh

Phản ứng sau phiên tòa ở Bến Tre


Công an Việt Nam (ảnh chỉ có tính minh họa)

Hoa Kỳ vừa lên tiếng chỉ trích phiên tòa xét xử 7 nhân vật đấu tranh về đất đai ở tỉnh Bến Tre về tội Âm mưu lật đổ chính quyền.

Bảy người này, trong có ba đảng viên Việt Tân, lãnh tổng cộng 33 năm tù giam và 28 năm quản chế tại địa phương sau khi bị khép tội theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự trong phiên tòa kéo dài một ngày.

Các ông bà Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành, Cao Văn Tỉnh và Phạm Ngọc Hoa đã bị bắt từ giữa năm ngoái và bị giam cho tới khi ra tòa tại thị xã Bến Tre hôm thứ Hai 30/05.

Trước phiên xử, một nhóm dân biểu Mỹ đã gửi thư phản đối tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu trả tự do cho họ.

Hôm thứ Ba 31/05, một người phát ngôn cho Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với hãng thông tấn Associated Press rằng dù đã yêu cầu, các nhân viên ngoại giao vẫn không được tham dự và Washington đã bày tỏ quan ngại về diễn biến phiên tòa tới giới chức cao cấp của Việt Nam.

Người phát ngôn này, ông Beau Miller, được dẫn lời nói: "Chúng tôi đặc biệt quan ngại về thông tin rằng một số bị cáo đã không được hỗ trợ pháp luật trước phiên tòa".

"Tự do tụ họp và bày tỏ chính kiến là quyền cơ bản đã được quốc tế công nhận. Không cá nhân nào có thể bị trừng phạt vì thể hiện các quyền đó một cách hòa bình."

'Án quá cao'

Luật sư Huỳnh Văn Đông từ văn phòng luật Thiên Tuế, là người bào chữa cho bà Trần Thị Thúy và ông Phạm Văn Thông, nói tuy khi ra trước tòa tất cả các bị cáo đều có luật sư bào chữa, trong quá trình tố tụng đã diễn ra nhiều sai sót.

Ông Đông nói với BBC rằng cho tới trước khi tòa mở, ông chỉ được tiếp cận tài liệu cáo trạng một cách có giới hạn, không được sao chụp.

Luật sư này cho biết "các bị cáo cũng không được tiếp cận gia đình."

Bản thân luật sư Đông đã bị công an áp giải khỏi phòng xử án vào chiều thứ Hai, khi cố gắng đưa ra các chứng cứ để bào chữa cho thân chủ.

BẢN ÁN

  1. Mục sư Dương Kim Khải, 6 năm tù giam và 5 năm quản chế.
  2. Bà Trần Thị Thúy, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.
  3. Ông Phạm Văn Thông, 7 năm tù giam và 5 năm quản chế.
  4. Ông Cao Văn Tỉnh, 5 năm tù giam và 4 năm quản chế.
  5. Bà Phạm Ngọc Hoa, 2 năm tù giam và 3 năm quản chế.
  6. Ông Nguyễn Thành Tâm, 2 năm tù giam và 3 năm quản chế.
  7. Ông Nguyễn Chí Thành 2 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Con trai của mục sư Tin Lành Mennonite Dương Kim Khải, người lãnh án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế, thì nói bản án dành cho cha mình là quá cao.

Anh Dương Mạnh Hùng nói với BBC rằng gia đình sẽ kháng cáo lại bản án, vì cha anh "chỉ khiếu kiện các bất công về đất đai một cách hòa bình".

Mục sư Khải cùng hai ông bà Trần Thị Thúy và Nguyễn Thành Tâm được đảng Việt Tân tại hải ngoại nhận là đảng viên của họ.

Ba người này cũng lãnh án tù cao nhất, với bà Thúy nhận 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Đảng Việt Tân ra thông cáo "cực lực lên án" và nói: "Đây là những bản án phi lý, chỉ nhằm bịt miệng bà con dân oan trước những oan trái do chế độ gây ra".

Phiên tòa được biết diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt, " công an rải xung quanh, không cho vào bên trong và cũng không cho ngồi xem bên ngoài".

Ông Trần Đình Kỷ, truyền đạo của Hội thánh Mennonite Chuồng bò, nói khi tới tòa để theo dõi phiên xử, ông chứng kiến cảnh an ninh quay phim và tăng cường an ninh ở bên ngoài.

Ông cũng nói "khá đông người muốn đến xem phiên tòa ở thị xã Bến Tre, nhưng đã bị công an tới tận nhà để cảnh cáo không nên tới tham gia".

Xem không quân Việt Nam ném bom, bắn tên lửa trên biển

Chiến đấu cơ Su 30, trực thăng MI của Không quân Việt Nam đã bắn tên lửa, rocket, thả bom... tiêu diệt thành công mục tiêu trên biển.

Đầu tháng 5, Đoàn Không quân B70 đã tổ chức bắn, ném bom nhằm đánh giá trình độ tổ chức chỉ huy, kiểm tra thực tế chiến đấu.

 

Trong 2 ngày, các đơn vị đã thực hiện được 37 lần chuyến bay bắn, ném bom với kết quả 100% phi công đạt yêu cầu trong đó 43,3% đạt xuất sắc ném trúng tâm bia, 32,4% đạt giỏi, 13,5% đạt khá và 10,8% đạt yêu cầu.

 


Kiểm tra tên lửa trước khi tập luyện

 

Lên phương án tác chiến

 

Máy bay Su30 phóng tên lửa

 

Bắn rốc ket

 

Máy bay Su30 thả bom

 

Phóng tên lửa từ trực thăng

 

 
Bom nổ tung dưới nước.

 

Trở về trong nụ cười chiến thắng.
 

 

Theo Năng lượng mới/VTC

Sài Gòn ơi “nắng bụi mưa sình”


Chiều ngày 28 tháng 5 năm 2011, một cơn mưa lớn đổ ập xuống thành phố Sài Gòn. Hệ quả ai cũng biết, người chạy xe trên đường phải… vượt sông tại rất nhiều khu vực.

Mưa xuống là đường phố ở đây biến thành sông vì nước mưa không có lối thoát dù các công trình, dự án thoát nước tốn kém được đầu tư dài dài bằng các khoản tín dụng quốc tế.

Mấy chục năm trước, thành ngữ "nắng bụi mưa sình" dường như là "đặc sản độc quyền" của vùng đất tuổi "mầm non" miền Tây Nam bộ, nơi mà lịch sử khẩn hoang vỡ đất của người Việt mới tròm trèm 300 năm. "Vĩnh Châu nắng bụi mưa sình/ Đường đi lầy lội lộ trình gian nan" hay một dị bản khác là "Bạc Liêu giàu lúa, ngô, khoai/ Giàu cô gái đẹp, giàu trai anh hùng/ Bạc Liêu nắng bụi mưa sình/ Muối mặn, nhãn ngọt đậm tình quê hương".

Ở vùng đất chằng chịt kênh rạch như mạng nhện này, thuở ấy phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, ghe chạy dưới nước, còn đường sá chỉ toàn đường đất sét được người dân đổ đất đỏ lên cho bớt lún. Đất đỏ này không phải là thứ đất đỏ bazan ở miền Đông Nam bộ mà là đất sét đào ngoài ruộng đem về chất củi xung quanh đống đất đốt một ngày một đêm, chừng lửa tắt đất nguội hết mới dở ra thì đống đất bên trong bị lửa nung giống như khi ta nung gạch lửa không đều, chổ nào đủ lửa thì đất có màu đỏ, chổ nào lép lửa cục đất có màu đen đen, trắng trắng. Cục đất lúc mới đào làm sao thì đốt xong hình thù nó ra làm vậy, nhiều cục còn in nguyên hình thù lưỡi dá đào đất. Vì kiểu đốt như vậy, đất đỏ không cứng bằng đất được nhào trộn kỹ đóng khuôn rồi nung trong lò gạch, đổ ra làm đường đi một thời gian ngắn nó bể vụn hết, tạo thành bụi. Khi có mưa nó lại quện với đất sét thành một thứ sình lẹp nhẹp.

"Nắng bụi mưa sình" bây giờ không còn là "độc quyền" của miền Tây, mà nó đã "thường trú" chình ình lâu ngày ở giữa mảnh đất một thời từng được thế giới ca ngợi là "hòn ngọc Viễn Đông" xinh đẹp và hoa lệ.

Công trình cầu, đường Nguyễn Hữu Cảnh gồm ba cây cầu (Thị Nghè 2, Văn Thánh 2, cầu vượt nút giao thông đầu cầu Sài Gòn) và một phần đường, khởi công tháng 5/1997, đưa vào sử dụng đầu năm 2002, đến tháng 8/2004 bắt đầu liên tục hư hỏng hết chổ này đến chổ khác. Có hư hỏng tất có sửa chữa, biến khu vực này trở thành "đại công trường" quanh năm "nắng bụi mưa sình". Mùa mưa năm ngoái, tôi có việc đi ngang hầm chui Văn Thánh thấy những con đường quanh khu vực này đều lầy lội sình bùn, đi xe máy mà cứ lo đêm tối rủi xe bị ngập dưới sình thì tôi không đủ sức lôi nó lên. Cuối năm 2010, "Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo Sở GTVT TP phải yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp và chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian sớm nhất, hoàn thành trước mùa mưa 2011". Do đó, dù hiện nay có cầu Thủ Thêm rộng 6 làn xe, người dân đi từ quận 2 sang quận 1 (hoặc ngược lại) chọn giải pháp đi phà (như hơn chục năm về trước), tốn có 3 ngàn đồng/xe máy mà rút ngắn được đường đi trong thờ buổi xăng lên giá, vừa né được khu vực thi công "nắng bụi mưa sình".

Khu vực hồi xưa được mệnh danh là đẹp nhất Sài Gòn gồm các con đường mang tên các danh nhân nổi tiếng như: Tú Xương, Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản), Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch), Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu)…. Người Sài Gòn cố cựu ai mà không nhớ câu hát "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát".

Sài Gòn ngày càng nóng bức chói chang khi mà đường phố bóng cây xanh ngày càng ít đi, từng khối nhà bê-tông cốt thép, đường nhựa, đường xi măng xám xịt ngày càng nhiều. Đó cũng là các loại vật liệu hút và giữ nóng hừng hực đến 8-9 giờ tối mới nhả nóng. Bóng cây trở nên khan hiếm và quý giá, người nước ngoài đến Sài Gòn hết sức ngạc nhiên khi thấy mỗi lần dừng đèn đỏ, người tham gia giao thông dừng xe ở cách vạch dừng xe rất xa, đến gần mới thấy người ta tranh nhau dừng xe dưới bóng cây để tránh nắng. Ngoài đường phố, tất cả người lớn, trẻ con, nam cũng như nữ, đều bịt khẩu trang che kín mặt, không chỉ đeo khẩu trang ban ngày, mà đeo cả buổi tối. Có lần, tôi đi đường ban đêm, nghĩ rằng không có ánh nắng thì để mặt trần cho mát, không ngờ đi một đoạn mới cảm thấy "hối hận", phải dừng xe máy lại móc khẩu trang ra đeo, vì tôi bị "kính thưa các loại bụi" thi nhau tấp ào ào vô mặt, mũi, miệng không ngừng.

Đường Duy Tân và những con đường từng là nét đẹp hồn thơ quanh đó bây giờ cây cối thưa thớt và nhỏ bé, vắng bóng những cây cổ thụ "dài bóng mát" trên đầu khách bộ hành, nhường chổ cho cái nắng cháy da chực thiêu đốt người qua lại.

Đường Trần Quốc Toản từ đầu đến cuối đường không một bóng cây xanh. Trời nắng, đi ngoài đường hơi nóng hừng hực táp vào mặt bởi sức nóng từ mặt đường nhựa hắt lên. Nhà ở thì luôn luôn đóng kín cửa (nếu không có cửa kính che bên ngoài), vậy mà mỗi lần xe chạy qua thì cuốn theo hàng đống bụi đường tràn vào khe cửa bên dưới, bụi bay vào tận chổ sâu nhất bên trong nhà.

Sáng tôi đi xe máy ngoài đường chừng vài giờ, có đeo khẩu trang đàng hoàng, khi vào nhà lấy cái khăn giấy lau mặt xong nhìn xuống thấy khăn dính đen thui bụi.

Người Sài Gòn cố gắng chống bụi trong khu vực nhà mình bằng cách sắm máy phun sương.

Đường Điện Biên Phủ mỗi lần có mưa là ngập lụt, nước cống tràn lên đen thủi đen thui, mùi hối thúi nồng nặc, mỗi lần có xe 4 bánh chạy qua là người đi xe máy hứng 'trọn gói" đám nước sình bùn ấy. Ngã tư Trần Quốc Toản – Hai Bà Trưng cũng không kém cạnh, hễ mưa lớn một chút là ngập nửa bánh xe ("khuyến mãi" thêm sình bùn dưới cống tràn lên). Chủ tiệm vải Hạ Vy ở đầu đường Trần Quốc Toản nói: "Hồi trước chổ này không bao giờ ngập, nền nhà cao chớ có thấp đâu. Bây giờ mỗi lần mưa lớn một chút là ngập hết ngã 4 và một nửa trên đường này, nước tràn vô tới trong nhà, tụi em phải khiêng vải chạy nước mệt gần chết".

Đây là khu vực trung tâm thành phố, chớ các quận ngoại ô như Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, quận 8, quận 9, quận 7… thì người dân khổ hết biết vì cái sự "nắng bụi mưa sình" này.

Tại khu vực ngã tư An Sương, khói bụi từ các nhà máy gần đó cùng với bụi của các công trình xây dựng, bụi mịt mù từ những xe tải chở đất, đá… chạy qua "thi đua" tống vào mũi, miệng, đồ ăn thức uống của con người. "Các con đường gần Khu công nghiệp Tân Bình thì ngoài khói, bụi của đường phố, của các công trình đang thi công xây dựng lại còn khói bụi đầy mùi hôi bốc ra từ các nhà máy sản xuất gần đó. Khu vực ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Linh Trung (Thủ Đức) vòng qua khu vực xa lộ Hà Nội (Quận 2) rồi về miệt đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập (Quận 7)…, cũng không kém cạnh, đâu đâu cũng tràn ngập trong khói bụi đặc quánh".

Tại hội thảo bàn về giải pháp chống ngập tổ chức ngày 26/5/2010, Tiến sĩ Lê Vinh Danh- Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: "Hiện TPHCM vẫn còn đến 163 điểm thường xuyên ngập kéo dài ở khắp 24 quận huyện" (Dân Trí ngày 27/05/2010). Có người nói vui rằng: "Bây giờ có 163 điểm ngập, sang năm tiến tới chỉ còn 1 điểm duy nhất thôi, nhưng là điểm bự vì nó nối hết các điểm nhỏ lại, tức là ngập toàn thành phố".

Môi trường sống ô nhiễm, ăn uống thì thiếu chất, thanh niên Sài Gòn muốn tăng chiều cao đã thấy rất khó, nói gì đến khu vực miền Trung, vùng sâu vùng xa "chó ăn đá, gà ăn muối". Xem ra "Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030 vừa được phê duyệt với mục tiêu sau 20 năm chiều cao thanh niên Việt Nam tăng trung bình 3- 4 cm" dường như để nói cho vui miệng vui tai một số người, để "giải quyết khâu oai" với thế giới mà thôi.

Tạ Phong Tần

Con bị cha đốt, mẹ bị thẩm phán gạ tình, vòi tiền

In
Viết bởi Nguoiduatin   
Thứ tư, 01 Tháng 6 2011 00:00

Chị Lê Thị Hà - người mẹ khốn khổ trong vụ án "cha tẩm xăng đốt con" gây phẫn nộ dư luận mới đây vừa tiết lộ thêm một tình tiết bất ngờ. Theo chị, vị thẩm phán thụ lý đơn xin ly hôn với người chồng vô nhân tính đã gạ tình, vòi tiền nên việc xin ly hôn của chị bị trì hoãn.

Theo xác minh của PV báo Nguoiduatin.vn, không chỉ chị Hà mà có ít nhất 3 người phụ nữ nữa cũng tố cáo vị thẩm phán này từng gạ tình, vòi tiền khi họ đến toà xin ly hôn.

Vừa gạ tình, vừa vòi tiền?

Chị Lê Thị Hà - mẹ của bé Vũ Quốc Linh bị cha tẩm xăng đốt
Chị Lê Thị Hà cho biết, trong thời gian chờ Toà giải quyết vụ án ly hôn, thẩm phá D. (người thụ lý đơn xin ly hôn của chị) nhiều lần có biểu hiện gây khó dễ cho chị. Do muốn nhanh chóng thoát khỏi người chồng vũ phu, chị Hà đã đồng ý làm theo gợi ý của ông D. Cụ thể, thông qua một người ở cùng xã, chị Hà đã đưa cho người này 2 triệu đồng để đưa trước cho thẩm phán D. (trong tổng số tiền 3 triệu đồng để vụ việc sớm được đưa ra xét xử theo như thỏa thuận). Sau đó, thẩm phán D. hứa trong vòng một tuần sẽ đưa vụ ly hôn ra xét xử. Nhưng phải đến  gần một tháng sau (ngày 21/4/2011) phiên toà mới được mở và phải tạm dừng do chồng Hà đổ xăng doạ thiêu con giữa phòng xử.

Tiếp đến, thẩm phán D. còn đòi thêm 1 triệu tiền "chi phí đi lại" để vào xã Tế Tân, quê của chị Hà làm việc, nhưng ý định chưa thành thì xảy ra việc chồng chị Hà đốt cháu bé gây phẫn uất trong dư luận vừa qua và vì thế vụ xét xử ly hôn đến nay vẫn chưa tiến hành được.

Không chỉ có chị Lê Thị Hà mà một phụ nữ khác cũng tố cáo thẩm phán D. có hành vi vòi tiền là chị Đới Thị H (SN 1985, ngụ xã Công Liêm, huyện Nông Cống). Theo chị H, vào cuối năm 2010, vợ chồng chị làm đơn lên toà xin ly hôn. Do phải chờ đợi lâu trong khi muốn được giải quyết nhanh chóng việc ly hôn giữa mình và chồng nên chị đã nhiều lần gặp thẩm phán D. bày tỏ nguyện vọng, nhưng thẩm phán D. nêu khó khăn và nói muốn nhanh được việc thì phải chi 2 triệu đồng.

Sau đó, do chồng chị xuống nhà gây sự, doạ hành hung chị và bắt con chung của hai người nên chị đành đồng ý chi tiền để nhanh xong việc. Vào khoảng thời gian giữa tháng 01/2011, chị tìm gặp và đưa tiền, được thẩm phán D. hứa sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 29/03/2011. Đến chiều 20/04/2011 vụ án mới được xử và trước khi xử "Anh D. còn gọi điện bảo tôi lên phòng làm việc rồi kêu đau đầu, ngồi ngả người trên ghế, bắt tôi phải mát xa đầu, bóp vai. May mà vừa khi ấy, có một anh công an vào nên tôi đã thoát ra được"-chị H kể lại.

Ngoài hai trường hợp đã nêu, 2 phụ nữ khác tại huyện Nông Cống cũng tố cáo thẩm phán D đã vòi tiền và có những hành vi bất thường với mình khi thụ lý vụ ly hôn mà các chị là đương sự. Chị Vũ Thị N (SN 1965, ngụ xã Công Bình) tố cáo đã phải ba lần đưa cho thẩm phán D tổng số tiền 1.950.000 đồng mới được giải quyết ly hôn. Còn theo tường trình của chị Nguyễn Thị H (SN 1983, ngụ xã Tượng Sơn), năm 2008, khi làm đơn ly hôn với chồng là một phạm nhân đang thụ án tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), chị đã nhờ thẩm phán D cùng đi với mình ra trại giam gặp chồng để làm thủ tục ly hôn. Khi hai người ngồi trên xe ô tô từ Nông Cống ra Ninh Bình, chị đã bị thẩm phán D nhiều lần có hành vi sàm sỡ. Chưa dừng lại ở đó, lúc xong việc quay về,  ông D còn gợi ý chị phải vào nhà nghỉ, khách sạn nhưng chị không đồng ý. "Không đạt được mục đích, ông D quay sang đòi tiền, nhưng tôi bảo tôi nghèo lắm, chỉ có hai trăm nghìn đã đưa anh hôm nọ, giờ không còn tiền nữa"-chị H kể lại.

Cần làm rõ, xử lý nghiêm sự việc

Để làm sáng tỏ vụ việc, sau khi gặp gỡ các nhân chứng, PV Nguoiduatin.vn đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Huệ, Chánh án TAND huyện Nông Cống và cả thẩm phán D -người bị tố cáo "gạ tình, vòi tiền" đương sự. Ông D thừa nhận đã từng được giao thụ lý các vụ ly hôn của các đương sự trên và gặp gỡ, làm việc với những phụ nữ nêu trên. Tuy nhiên, ông D khẳng định hoàn toàn không có hành vi gạ tình, tiền các đương sự như bị tố cáo. Theo ông, có thể vụ việc này bắt nguồn từ một ai đó vì ghen tức nên tìm cách dụ dỗ, xúi giục họ làm việc này, mục đích để bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân ông.

Chánh án Nguyễn Thị Huệ cho biết, trước khi chuyển về Toà án huyện Nông Cống vào năm 2004, ông D từng có 10 năm công tác tại TAND huyện miền núi Quan Hoá. "Từ khi về cơ quan đến nay, Thẩm phán D luôn gương mẫu trong công tác, giữ gìn đạo đức, tác phong người cán bộ toà án, chưa hề có bất cứ vi phạm gì. Do có tín nhiệm cao trong cơ quan, vừa qua, Thẩm phán D đã được tái bổ nhiệm chức danh Thẩm phán. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước thông tin báo chí vừa nêu và không tin cán bộ của mình có những hành vi như nội dung tố cáo", bà Huệ nói.

Trong cuộc làm việc này, PV báo Nguoiduatin.vn cũng đã bật cho ông D. nghe những đoạn băng ghi âm các đương sự nữ tố cáo. Sau một hồi suy nghĩ, ông D. xin đứng dậy uống nước để lấy lại bình tĩnh và sau đó không có phản hồi gì trước những lời tố cáo vừa nghe.

Trả lời PV báo Nguoiduatin.vn về những lời tố cáo xung quanh nghi án làm tiền, gạ tình của Thẩm phán D. Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ cho biết: "Đương sự cũng nhiều vấn đề lắm, thông tin đưa ra có thể đúng hoặc không đúng, nếu sai thì sau đó lại phức tạp ra. Nếu thông tin trên là đúng, chúng tôi sẽ có hội đồng kỷ luật của tỉnh đấu mối với huyện để xem xét".

Câu hỏi mà dư luận hiện đang quan tâm đặt ra là có hay không việc gạ tình, tiền các đương sự của Thẩm phán D.? Theo chúng tôi, câu hỏi này cần được lãnh đạo ngành Toà án tỉnh Thanh Hoá khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm minh; bảo vệ uy tín, sự trong sạch cho cán bộ Toà án nếu sự tố cáo trên chỉ là vu cáo, bôi nhọ.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm phóng viên

Diễn biến sự việc vụ: "Bố đốt con ở  Thanh Hóa"

Do mâu thuẫn gia đình, chị Lê Thị Hà (Nông Cống - Thanh Hóa) gửi đơn lên tòa án xin ly hôn. Không đồng ý với quyết định của vợ, anh Vũ Văn Quang (31 tuổi) dội can xăng 2 lít vào con trai, châm lửa ngay trớc cửa nhà mẹ vợ. Theo đó, năm 2006, chị Lê Thị Hà kết hôn với anh Vũ Văn Quang (31 tuổi - xã Tế Thắng - Nông Cống - Thanh Hóa), sau đó chị sinh bé Vũ Quốc Linh. Ở với nhau mới được một thời gian ngắn, đôi vợ chồng trẻ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Hơn một năm trước, chị Hà đã làm đơn ly thân và bỏ nhà lên thành phố đi làm.

Cảm thấy không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân này, chị Lê Thị Hà đã gửi đơn đến tòa án xin ly hôn. Lá đơn ly hôn đã không được anh Vũ Văn Quang chấp thuận mà còn dọa sẽ giết chết cả nhà.

Khoảng 8h sáng 27/4, anh Vũ Văn Quang đưa con trai là Vũ Quốc Linh  3 tuổi đến nhà mẹ vợ ở xã Tế Tân. Anh ta lớn tiếng dọa sẽ dùng xăng thiêu sống con sau đó sẽ chết theo.

Người nhà chạy ra can ngăn, Quang bế con phóng xe máy bỏ đi. Khoảng 30 phút sau, anh ta quay lại mang theo can xăng 2 lít. Trước cổng nhà mẹ vợ, Quang dội can xăng 2 lít vào con trai, nhẫn tâm châm lửa đốt chính con trai của mình. Ngọn lửa bốc lên, người nhà vội bế cháu Linh nhảy xuống ao gần đó. Khi đưa lên bờ thì toàn thân cháu bé như một hòn than đen, hai mắt có nguy cơ bị hỏng nặng.

Mặc dù đã được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời đến nay cháu đã qua cơn nguy kịch.

Gây tội ác xong, Vũ Văn Quang lẩn trốn vào nhà người thân. Sau đó 1 tiếng, hung thủ đã bị bắt và được giao cho công an huyện Nông Cống -  Thanh Hóa.

Tiếp tục siết vốn ngoại tệ


Với quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1% do Ngân hàng Nhà nước ban hành chiều 1/6, lãi suất vay vốn USD ở các ngân hàng có thể tăng cao trong thời gian tới.

Cùng với việc khống chế lãi suất tiền gửi ở mức 1-3% để người dân  không mặn mà gửi đôla, quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn khi cho vay bằng ngoại tệ. Ảnh minh họa: Tuệ Minh
Cùng với việc khống chế lãi suất tiền gửi ở mức 1-3% để người dân không mặn mà gửi đôla, quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn khi cho vay bằng ngoại tệ. Ảnh minh họa:Tuệ Minh

Theo Quyết định số 1209/QĐ-NHNN, ngay từ kỳ dự trữ của tháng 6, các ngân hàng (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) phải dành 7% vốn ngoại tệ huy động được để dự trữ bắt buộc, nếu nguồn tiền gửi này có kỳ hạn dưới 12 tháng. Với tiền gửi kỳ hạn từ một năm trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 5%.

Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, ngân hàng hợp tác, tỷ lệ dự trữ với kỳ hạn dưới 12 tháng là 6%, từ một năm trở lên là 4%.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ. Mức tăng từ đầu tháng 5 là 2%, sau 16 tháng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ được duy trì ở 2-4%.

Động thái này được đưa ra sau khi tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ luôn ở mức cao từ đầu năm tới nay. Tính đến 23/5, lượng vốn ngoại tệ các ngân hàng cho vay với nền kinh tế tăng tới 18,9% trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 2,59%. Chênh lệch giữa tín dụng nội tệ và ngoại tệ chủ yếu do lãi suất vay tiền đồng cao hơn nhiều so với đôla Mỹ. Lãi suất vay VND tại các ngân hàng hiện phổ biến trên 20%, trong khi lãi vay USD chưa bằng phân nửa.

Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất này và hãm đà tăng trưởng tín dụng ngoại tệ quá nóng thời gian qua.

Một số ý kiến gần đây đề nghị tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với cả tiền đồng để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa tính tới khả năng này do lo ngại lãi suất tiền đồng có thể tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc nội tệ vẫn là 1% và 3% cho kỳ hạn dưới 12 tháng và từ 12 tháng trở lên.

Song Linh

Mỹ lên tiếng về tình hình Biển Đông


Thứ tư, 1/6/2011, 17:35 GMT+7



Trước những diễn biến phức tạp mới đây tại Biển Đông, như vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm và phá hoại tàu Việt Nam, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Robert Willard đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.
Toàn cảnh vụ Trung Quốc xâm phạm Việt Nam

Bloomberg dẫn lời Đô đốc Robert Willard cho hay ông lo ngại trước những căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Mới đây nhất là sự kiện hôm 26/5, khi các tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để phá hoại cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Đô đốc Robert Willard. Ảnh: AFP
Đô đốc Robert Willard. Ảnh: AFP

"Trong năm 2010, toàn bộ khu vực đã lo ngại trước những xung đột tiềm tàng có thể xảy ra tại Biển Đông", ông Willard hôm nay nói trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, Malaysia. "Tất nhiên, tôi cũng luôn lo ngại bởi có thể thấy căng thẳng đang gia tăng, với những va chạm xảy ra tại khu vực có ý nghĩa rất quan trọng và chiến lược đối với tất cả chúng ta", đô đốc Mỹ nói thêm.

Trong khi đó, Trung Quốc đang liên tục ra yêu sách vô lý về "đường lưỡi bò" đòi chủ quyền tới 80% Biển Đông, đồng thời chối bỏ chủ quyền hợp pháp của các nước trong đó có Việt Nam tại khu vực này. Trong khi đó, một số công ty như Exxon Mobil, Talisman Energy hay Forum Energy đang lên kế hoạch cho các hoạt động khai thác tại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

"Mỹ không đứng về bên nào trong một cuộc tranh chấp", ông Willard cho hay, "Đây là một cam kết chắc chắn để cho thấy rằng các bên liên quan tới tranh chấp cần phải cùng nhau giải quyết vấn đề một cách hòa bình và thông qua đối thoại, chứ không phải bằng những va chạm trên biển hoặc trên không".

Tranh chấp trên biển sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao thường niên về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore từ ngày 3/6. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ có một bài phát biểu tại hội nghị này. Trong hội nghị năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố nước này phản đối những đe dọa hoạt động của các công ty trên biển.

Đại diện phái đoàn Mỹ dự Đối thoại Shangri-La 2011 vẫn là ông Robert Gates với sự tháp tùng của đô đốc Robert Willard. Đây sẽ là lần cuối ông Gates xuất hiện tại diễn đàn quốc tế trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, trước khi cơ quan này có ông chủ mới. Ông Gates và tướng Lương được dự đoán sẽ có thảo luận song phương bên lề hội nghị, nhằm cải thiện hợp tác và đối thoại giữa hai quân đội.

Phan L
ê

Quốc hội sẽ dành 11 ngày quyết định nhân sự cấp cao


Trong kỳ họp đầu tiên của khóa 13 (khai mạc 21/7), Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và phê chuẩn bổ nhiệm các bộ trưởng.

Sáng 1/6, Thường vụ Quốc hội đã họp bàn về nội dung của kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa 13. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa mới sẽ diễn ra trong hai tuần, phiên khai mạc vào ngày 21/7.

Quốc hội dự kiến dành tới 11 ngày để xem xét, quyết định bầu Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội; thành viên Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

quoc hoi
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong tháng 7. Ảnh:TTXVN.

Quốc hội cũng sẽ quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ... Ngay tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng nhiệm kỳ mới sẽ ra mắt.

Ngoài công tác nhân sự, trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa mới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011...

Trong sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử trung ương về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong tuần này, kết quả bầu cử sẽ được công bố.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XI (tháng 1/2011), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không tham gia Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI.

Nguyễn Hưng

Hành khách bị trói tay vì đánh tiếp viên Vietnam Airlines


Một người nước ngoài bị trói tay vì đánh hành khách ngồi bên cạnh và tiếp viên phục vụ của Vietnam Airlines trên chuyến bay từ Australia về Việt Nam hôm nay.

Hành khách gây rối không phải là chuyện hiếm trong các chuyến bay đường dài.
Hành khách gây rối không phải là chuyện hiếm trong các chuyến bay đường dài.

Theo nguồn tin từ Vietnam Airlines, hành khách tên Barnes Graeme, 53 tuổi, người Australia bay từ Melbourne về TP HCM chiều nay. Khi máy bay cất cánh được vài giờ, ông Barnes kêu đau răng và xin tiếp viên chai rượu nhỏ để uống cho dễ ngủ.

Ít phút sau đó, hành khách này bắt đầu la hét. Nữ hành khách ngồi gần đó báo với tiếp viên và đề nghị được can thiệp. Khi tiếp viên đến, yêu cầu hành khách giữ trật tự và ngồi vào vị trí, ông Barnes tiếp tục la hét và tháo đồng hồ đeo tay ném vào đầu một nữ hành khách người Australia có mặt gần đó. Nam tiếp viên làm nhiệm vụ khuyên giải cũng bị đánh, gây thương tích nhẹ.

Theo lệnh của cơ trưởng, ông Barnes cùng một số thành viên trong gia đình được đưa xuống khoang dưới của máy bay.

Vẫn theo Vietnam Airlines, do vị khách tiếp tục la lối và ở trong tình trạng mất kiểm soát, phi hành đoàn quyết định trói tay người này vào ghế máy bay để tiếp tục hành trình.

Chiều nay, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, lực lượng an ninh và công an cửa khẩu lên áp giải hành khách này. Ông Barnes đã ký vào biên bản xác nhận hành vi gây rối. Hành khách này cho rằng, tác dụng phụ của thuốc ngủ kết hợp với rượu đã khiến ông mất kiểm soát.

Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất sau khi giữ lại hộ chiếu, giấy tờ tùy thân đã cho phép ông Barnes về.

Một lãnh đạo của Vietnam Airlines cho hay, chuyện hành khách uống rượu say, la lối hoặc đánh nhau trên chuyến bay vẫn thường xảy ra trên các chặng bay dài. Tuy nhiên, việc hành khách mất kiểm soát đến độ phải trói tay lại là chuyện hãn hữu xảy ra trên các chuyến bay của hãng.

Ngày mai, nhà chức trách hàng không sẽ làm việc với hành khách để ra quyết định xử phạt.

Hồng Anh