THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 August 2011

Nhà chùa phát quà, nhà nước ăn cướp

Tạ Phong Tần

-
Vào nhà chùa nhận quà
Cách đây vài ngày, thầy Thích Không Tánh (trụ trì chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn) nhắn mời tôi và mấy chị em bạn trưa ngày 12/8/2011 sang ăn cơm chùa nhân dịp lễ Vu Lan và phát quà cho thương phế binh (TPB) VNCH. Đúng hẹn, tôi và chị Dương Thị Tân (vợ cũ Điếu Cày), cô Lưu Thị Thu Trang (dân oan), ông Nguyễn Văn Mỹ (bạn tôi) đến chùa Liên Trì.

Tại đây, tôi được tiếp xúc nhiều chú, bác TPB tình trạng thân thể rất thê thảm. Thương tật nhẹ nhất là mất 1 chân, trung bình là mất 2 chân, kế tiếp là mất 2 chân 1 tay hoặc mất 2 tay 2 chân, nặng nhất có chú Hai Giúp ở Đồng Tháp mất 2 mắt, 2 chân cụt tới háng và 1 tay.


Anh Tùng (con trai chú Hai Giúp) nói: “Ba tôi suốt ngày ngồi một chỗ giữ nhà và canh điện thoại, ai gọi đến ba tôi trả lời. Phiếu nhận quà của chùa gởi xuống nhà tôi bị Công an xã đến tận nhà lấy, hăm dọa ba tôi không được đi nhận quà. Tôi cõng ba tôi trốn đi từ 5 giờ sáng. Còn ở xóm tôi có 5 chú TPB cũng bị CA lấy mất phiếu nhận quà, hăm dọa nên mấy chú đó sợ không dám đi”.

Chùa Liên Trì mỗi năm tổ chức phát quà kèm theo đãi cơm chay bữa trưa cho TPB và người nghèo bị ung bướu ít nhất 4 lần (trước Tết Nguyên đán, rằm tháng 8 âm lịch, rằm tháng giêng, lễ Vu Lan tháng 7). Ngoài ra, chùa còn phát quà vào những dịp đột xuất khác. Mỗi lần phát khoảng 250 đến 350 suất quà tùy theo nguồn tiền ủng hộ của Mạnh Thường Quân là bà con Việt kiều ở hải ngoại. Vu Lan năm nay, thầy Thích Không Tánh gửi giấy mời nhận quà đích danh 150 TPB VNCH và 50 cựu tù nhân chính trị đến chùa nhận quà.

Công an đặt chốt chặn hai con đường vào chùa, nghe nói TPB nào đi ngang họ chặn lại, bắt nộp giấy mời. Một số người tàn tật khác (có phải thương binh nhà nước hay không thì chưa biết) lại có nhiều giấy mời cầm vào chùa giả TPB VNCH nhận quà. Tuy nhiên, các Phật tử phụ giúp chùa cảnh giác xem xét lại giấy tờ, phát hiện nhiều người mặt non choẹt mà cầm giấy của ông cụ, giấy ghi quê quán miền Bắc mà nói giọng Nam hoặc ngược lại, nên không phát quà. Bọn này tức giận, văng tục um sùm ngay chánh điện.

Rất đông TPB ngồi ở sân trước chánh điện, hành lang dọc hai bên hông chánh điện, trong chánh điện. Thầy Thích Không Tánh liên tục phát loa mời anh em TPB vào chánh điện ngồi trật tự thầy sẽ phát quà tận tay, không có chuyện chùa không phát quà như Công an tuyên truyền sai sự thật, những TPB bị mất phiếu mời nhận quà chỉ cần báo họ tên, địa chỉ, số quân đúng với danh sách nhà chùa đang giữ cũng được nhận quà, ai ở xa sẽ được cho thêm tiền xe 2 chuyến đi về. Thầy Không Tánh còn phát loa lớn ra đường lặp di lặp lại: “Hôm nay là Vu Lan, chùa chỉ phát quà an ủi các TPB VNCH, chứ có làm gì đâu… Tại sao các ông công an lại cướp phiếu mời lãnh quà của các TPB? Các TPB nào có mất phiếu thì cứ vào chùa, danh sách đã có sẵn, sẽ phát sau khi kiểm soát lại giấy tờ. Còn mấy thương binh cộng sản vào cướp phần quà của TPB VNCH sẽ bị lộ”.

Ngoài số TPB ở Sài Gòn, còn có những TPB từ miền Đông, miền Tây Nam bộ đến nhận quà.

Tại chùa, tôi được gặp thầy Thích Thiện Minh là đồng hương với tôi, cô Trần Thị Lệ (mẹ cô Lê Thị Công Nhân), anh Ngô Duy Quyền (chồng cô Công Nhân), cô Ngọc Minh (mẹ cô Đỗ Thị Minh Hạnh đang bị án tù), chú Đoàn Văn Viên (cha anh Đoàn Huy Chương đang bị án tù), cô Anh Thư (con gái tù nhân Nguyễn Hữu Cầu), cô Lê Thị Kim Thu (dân oan, cựu tù) và một số anh chị em cựu tù chính trị khác. Mọi người vui mừng hàn huyên chuyện nhà chuyện cửa, chuyện những người con, người cha người chồng tù nhân mà gia đình họ từ “không biết gì” chuyển sang thái độ “tự hào” vì “đứa con (người cha, người chồng) tù” kiên cường, bất khuất của mình. Tôi sẽ trở lại câu chuyện về những người mẹ “tự hào có con tù” này vào một bài viết chi tiết khác.

Sáng nay, tôi đếm thấy có ít nhất là 3 tay công an mặc thường phục cầm camera xộc vào chùa nghênh ngang như chỗ không người để ghi hình tất cả những người có mặt trong chùa. Xộc vào tận phòng ăn ghi hình mọi người đang ăn cơm. Một tay mặc thường phục đứng tuổi, đeo kính trắng, lưng giắt máy bộ đàm đi tới đi lui trong chùa để chỉ huy hơn 20 công an khác mặc thường phục vây kín từ cổng chùa vào đến mọi nơi trong chùa. Có mấy tay trẻ còn vào phòng ăn lấy bánh mì, lấy nước đá uống “tự nhiên như ruồi”.
Ở quán cà phê đối diện cổng chùa, công an mặc thường phục đặt camera lớn có 3 chân chống chỉa thẳng vào chùa để ghi hình.

Ra nhà nước ăn cướp
1 giờ chiều, tôi đứng trước cổng chùa quan sát thấy ở quán cà phê đối diện chùa có 5 tên công an mặc thường phục, trong đó có tên mập áo trắng vô phòng ăn của chùa lấy bánh mì và tên áo tím mắm ruốc quay camera. Khoảng đất trống cạnh đó có 15 tên đứng lố nhố, một số tên đứng núp sát vách nhà dân. Xa hơn một chút, một xe công an màu đen núp trong đám cỏ ở khu đất nhà dân vừa bị giải tỏa gạch đá nát vụn tan tành. Cách đó một chút về bên phải, nơi có tấm bảng trụ sở tổ dân phố đỏ đỏ lố nhố 8 tên công an thường phục. Chễm chệ bên lề đường phải (tức hướng về quận 1, lối chúng tôi phải đi qua) là một chiếc “bồ câu trắng” và 2 CSGT áo vàng. Giữa khu phố không còn nhà dân, đường vắng, nắng chang chang mà CSGT “kiên trì và nhẫn nại” đứng phơi ở đó thì ai ngu lắm cũng hiểu bọn họ đang nhằm vào chúng tôi.

Khi tất cả TPB và khách mời đã về hết, tôi và anh Mỹ (đi 1 xe máy), chị Tân và cô Trang (đi 1 xe máy) cùng nhau ra về theo hướng cầu Thủ Thiêm mới (đường Lương Định Của, quận 2). Xe máy tôi đi trước, xe chị Tân- cô Trang đi sau, 2 xe cách nhau 1 mét. Phía sau là “bầy lòng ròng” tôi đã liệt kê ở trên ùn ùn kéo theo.
Cách chùa khoảng 30 mét thì xe tôi bị 3 xe máy chở 6 thanh niên bặm trợn mặc thường phục ép lại cúp đầu xe. Chúng tôi bị bọn chúng lôi vào trụ sở Công an phường An Bình, quận 2. Ở đây, tôi thấy có khoảng 20 tên mặc thường phục, trong số này có tên Nguyễn Minh Thắng, tên Quân mặt đen đầu quăn (PA35) từng nhiều lần vào nhà tôi cướp tài sản của tôi.

Bọn chúng dùng vũ lực lôi tôi vô một căn phòng sâu phía trong. Tên Thắng và 3 tên khác xông vào đạp tôi té vào một góc phòng. Tên mặc áo sơ mi xanh sọc trắng đạp vào bụng tôi. Phía bên kia, bạn tôi cũng bị bọn chúng lôi vào phòng đánh đập dã man, tôi nghe tiếng kêu “Trời ơi” thật lớn vọng vào. Tôi bị bọn chúng đè đầu xuống bàn, bẻ tay để cướp túi xách tôi đang đeo trên người, cướp điện thoại di động và cướp xâu chìa khóa nhà trong túi quần.

Đến 5 giờ 30 phút chiều, bọn chúng đuổi tôi đi về. Tôi không đi, chúng cho 2 tên khiêng tôi ra ngoài, rồi đem túi xách, áo khoác, nón, dép của tôi ném ra ngoài cổng. Hai tên công an thường phục kéo cánh cửa sắt cổng đóng kín lại.

Trong túi xách của tôi chỉ có một ít tiền Việt Nam, một số đồ vật linh tinh của phụ nữ. Theo quy định tại điều 133 BLHS, tội cướp tài sản được hoàn thành từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, từ lúc thực hiện hành vi phạm tội, không cần thiết phải có hậu quả xảy ra và cũng không cần thiết phải có thiệt hại tài sản.
Về nhà, tôi được biết cô Lư Thị Thu Trang, chị Dương Thị Tân, cô Lê Thị Kim Thu cũng bị bọn công an ép xe, bắt cóc vào Công an phường khác thuộc quận 2, và tên Quân là người chủ công đánh anh Mỹ với sự trợ giúp của mấy tên công an đồng bọn.

Tôi không liên lạc được với cô Lệ, anh Quyền, thầy Thích Thiện Minh nên không biết họ có bị bắt cóc, hay đã trở về bình an.

Tôi sẽ trở lại chủ đề này trong bài tường thuật chi tiết khác.

Sài Gòn, ngày 12/8/2011

Tạ Phong Tần

Chủ đầu tư nhà thu nhập thấp giải trình chuyện giá trên trời

Khi người dân liên tục kêu trời, thậm chí từ chối ký hợp đồng vì giá nhà quá cao thì chủ đầu tư cho rằng, chính chi phí giải phóng mặt bằng, khó khăn về công nghệ, tâm lý thương hiệu khiến giá thành đội lên cao.
>Công chức nghèo không đủ tiền mua nhà thu nhập thấp

Trong khi giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội như Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2 (đã bao gồm thuế VAT) thì khu vực Đà Nẵng chỉ bán với mức 5,2 triệu đồng. Mức giá khác nhau dẫn đến nhà thu nhập thấp tại Đà Nẵng bán hết veo 800 căn trong vòng 6 tháng. Còn tại Hà Nội, sau đợt sốt đầu tiên, loạt chung cư thu nhập thấp thứ hai lại rơi vào cảnh ế ẩm. Sự việc gây xôn xao dư luận khi hàng loạt khách hàng đã từ chối ký hợp đồng mua nhà thu nhập thấp Sài Đồng vì giá quá cao.

Bài toán nhà thu nhập thấp được bàn đến nhiều lần, thậm chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã không ít lần đăng đàn khẳng định nhà thu nhấp thấp ở Hà Nội đang cao ngang bằng giá nhà thương mại ở khu vực phía Nam. Nhưng lời giải để tháo gỡ vẫn còn bỏ ngỏ.

Ảnh: Hoàng Lan
Sở dĩ nhà Hà Nội đang quá cao do chưa áp dụng được công nghệ hiện đại. Ảnh: Hoàng Lan.

Thực tế ngay tại Hà Nội cùng là nhà thu nhập thấp, song mỗi nơi một giá, chênh nhau gần gấp 2 lần. Ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Bất động sản Vicoland, đơn vị bán nhà thu nhập thấp ở Đà Nẵng cho hay, mỗi công ty đều có chiến thuật kinh doanh riêng. Sở dĩ nhà bán ra với giá rẻ vì công ty ông áp dụng công nghệ, và thiết kế tối ưu nhằm giảm tối đa giá thành. Giá mỗi m2 xây dựng được giảm 40-50% so với thông thường, ban công được thu gọn xuống còn 1,8 m thay vì 2,2 m như thường lệ. Ngoài ra, nhà chỉ có 7 tầng nên sử dụng móng băng, tiết kiệm 30% giá thành so với áp dụng cọc khoan nhồi.

Điều quan trọng hơn cả, theo ông Long, nhà ở Đà Nẵng bán giá rẻ vì công ty ông được giao đất sạch, không phải lo giải phóng mặt bằng.

Số đông chủ đầu tư Hà Nội cho hay, nguyên nhân cơ bản đẩy giá nhà thu nhập thấp Hà Nội lên cao là áp lực giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Lê Ngọc Ước, Phó Giám đốc Công ty đầu tư hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá, cho hay, giá đền bù giải phóng mặt bằng ở Hà Nội luôn cao nhất cả nước nên rất khó so sánh với khu vực miền Trung. Tiền đền bù tính trung bình khoảng một triệu đồng mỗi m2, đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 500.000 đồng mỗi m2. "Nếu được giao đất sạch, chúng tôi chỉ xây dựng mất khoảng 6-7 triệu đồng mỗi m2", ông Ước khẳng định.

Ngoài ra, tâm lý quen với phong cách nhà thương mại cũng khiến nhà thu nhập thấp trở nên đắt đỏ. Hiện nay, vẫn chưa có tiêu chí xây dựng nhà thu nhập thấp, số đông các đơn vị vẫn làm theo chuẩn nhà chung cư do Bộ Xây dựng quy định. Gạch xây dựng có chất lượng loại một, nhà có thang máy thậm chí có cả tầng hầm, không kém gì nhà thương mại. Đơn cử như nhà thu nhập thấp Đặng Xá mỗi căn hộ gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, phòng bếp. Là đơn vị đầu ngành trong các thiết bị gốm sứ, Viglacera không ngần ngại cho đến 2 nhà vệ sinh trong mỗi căn hộ. Còn dự án nhà thu nhập thấp ở Sài Đồng có tầng hầm, áp dụng cọc khoan nhồi, mỗi tòa đều có thang máy chở hàng và chở người riêng biệt.

Nhiều người xếp hàng để được bốc thăm suất mua nhà thu nhập thấp đã thất vọng vì giá quá cao. Ảnh: Hoàng Lan
Nhiều người xếp hàng để được bốc thăm suất mua nhà thu nhập thấp đã thất vọng vì giá quá cao. Ảnh: Hoàng Lan

Ông Nguyễn Đức Sơn, cán bộ thuộc Ban quản lý dự án số 2, Công ty Hanco 3 cho hay, sở dĩ dự án Sài Đồng lên tới 13,27 triệu đồng mỗi m2, một mức giá cao nhất trong các nhà thu nhập thấp, do công ty đầu tư tầng hầm lên đến hàng chục tỷ đồng để phục vụ cư dân. Thêm vào đó, do tòa nhà lên tới 16 tầng nên, kết cấu móng buộc phải dùng cọc khoan nhồi dẫn đến chi phí bị đội lên cao.

Lãnh đạo Viglacera thừa nhận, do Bộ Xây dựng chưa có tiêu chuẩn đối với nhà thu nhập thấp nên công ty ông vẫn áp tư duy nhà thương mại cho nhà thu nhập thấp. "Dù là nhà thu nhập thấp nhưng chủ đầu tư vẫn phải đảm bảo có thương hiệu, tránh hiện tượng xuống cấp như Nam Trung Yên. Chỉ khi nào Bộ Xây dựng định ra tiêu chí giá trần, quy định rõ giá nhà có tầng hầm cũng như quy chuẩn nhà chung cư thì doanh nghiệp mới có thước đo để đối chiếu", ông Ước cho hay.

Ngoài ra, ông Sơn nhấn mạnh, dự toán được lập từ năm 2010, nay chi phí đã dội lên tới 20%, công ty đã phải điều chỉnh giá và tính cả 10% phí dự phòng cho đến khi công trình được bàn giao. Tổng diện tích sàn xây dựng là 42.898 m2 nhưng diện tích công ty được phép kinh doanh chỉ vào khoảng hơn 30.700 m2. Tổng mức đầu tư sau thuế lên đến 364 tỷ đồng nên tính ra giá bán trước thuế đã bao gồm lãi của doanh nghiệp chỉ lên đến 11,8 triệu đồng. Nếu tính cả thuế VAT 10% và phí bảo trì 2%, giá bán mới lên tới gần 13,27 triệu đồng mỗi m2.

"Theo giá được lập từ ban đầu, mỗi m2 chỉ khoảng trên 11 triệu đồng, song với mức trượt giá như hiện nay, nếu không điều chỉnh, sau khi quyết toán, giá sẽ tiếp tục bị đội lên. Công ty không muốn đẩy người dân vào sự đã rồi nên buộc phải điều chỉnh giá", ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cho rằng, sở dĩ nhà Hà Nội đang quá cao do chưa áp dụng được công nghệ hiện đại. Ở Hà Nội, nhà ở thu nhập thấp được ra giá 10 triệu -13 triệu đồng thì một tập đoàn liên danh giữa Đức và Malaysia sang Việt Nam đang chào công nghệ làm nhà 20 tầng với giá chưa đến 5 triệu đồng mỗi m2. Một số nước như Australia, Ấn Độ, NewZealand dùng công nghệ bằng rơm, tro, trấu, xơ dừa và một số chất liệu phế thải nên giá thành giảm chỉ bằng một nửa của Việt Nam. Ngoài ra, một số nước còn sử dụng công nghệ lắp ghép có tuổi thọ 50 năm đến 100 năm như Singapore.

"Điều quan trọng là Nhà nước cần phải có chính sách mang tầm quốc gia, có quỹ đất sạch, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tạo cơ chế giá cạnh tranh thì thì giá thành mới hạ", ông Tiến cho hay.

Theo Quyết định 67 của Thủ tướng có hiệu lực từ 10/6/2009 thì chủ đầu tư xây nhà thu nhập thấp được miễn thuế giá trị gia tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp miễn trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và áp dụng thuế suất thuế 10% trong suốt thời gian hoạt động. Tuy nhiên, tại Quyết định 96, các ưu đãi cho nhà thu nhập thấp được sửa đổi lại, chủ đầu tư chỉ còn được giảm 50% thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2009, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ được miễn trong năm 2009. Do đó, doanh nghiệp cũng có cái khó riêng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu khéo thu xếp thì doanh nghiệp vẫn có lãi.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty tư vấn Bất động sản Navigat cho rằng nhà thu nhập thấp bán ra với giá 13,27 triệu đồng mỗi m2 là quá cao, mỗi m2 nhà cho người thu nhập trung bình chỉ khoảng 9-10 triệu đồng thì người dân mới tiếp cận được. Ông Quang tính toán, với đơn giá 6,5 triệu mỗi m2 chi phí xây dựng thì để triển khai tòa nhà 20 tầng trên diện tích xây dựng khoảng 20.000 m2 thì chủ đầu tư mất khoảng 130 tỷ đồng. Nếu tính mật độ xây dựng khoảng 40%, tiền đền bù giải phóng mặt bằng trung bình khoảng 1,3 triệu đồng mỗi m2 thì chi phí cho 4.000 m2 giải phóng mặt bằng sẽ khoảng 5,2 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi phí cho căn nhà 20 tầng sẽ khoảng 135 tỷ đồng, chia cho khoảng 16.000 m2 diện tích kinh doanh thì mỗi m2 chỉ khoảng 8,5 triệu đồng.

"Nếu tính toán khéo và đưa ra các thiết kế hợp lý, chủ đầu tư có thể làm giá rẻ hơn và vẫn có lãi. Nếu tính cả thuế, nhà thu nhập dành cho người trung bình chỉ nên dao động quanh mức 9-10 triệu đồng", ông Quang nói.

Hoàng Lan

Giá vàng tăng tốc trở lại

Do đà tăng mạnh và vượt mốc 1.774 USD của thị trường quốc tế, chiều nay, mỗi lượng vàng trong nước tăng thêm 250.000 đồng so với sáng, và gần 800.000 đồng một lượng so với cuối ngày hôm qua.

Lực tăng của quốc tế kéo giá trong nước chiều nay bật tăng 250.000 đồng. Ảnh: Tuệ Minh.
Lực tăng của quốc tế kéo giá trong nước chiều nay bật tăng 250.000 đồng. Ảnh: Tuệ Minh.

Đầu giờ chiều, mỗi lượng vàng miếng tại Hà Nội giao dịch ở 44,7-44,92 triệu đồng, tăng 250.000 đồng chiều thu gom và 200.000 đồng chiều bán so với giá lúc 8h15 sáng. Biên độ mua bán tiếp tục được thu hẹp, chỉ 220.000 đồng.

Tập đoàn DOJI chiều nay, lúc 14h20 công bố mua bán lẻ ở 44,75-44,95 triệu đồng. Biên độ mua bán là 200.000 đồng. Với mua bán buôn, đơn vị này thông báo ở 44,8-44,9 triệu đồng một lượng, biên độ là 100.000 đồng. Theo thống kê, trong sáng nay, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, giao dịch của DOJI đạt khoảng 600 lượng, trong đó chủ yếu khách lẻ đi mua.

Tại một số cửa hàng khác ở Hà Nội, giá vàng lên cao so với hôm qua cũng không khiến cho giao dịch cải thiện hơn. Sau những ngày "nổi sóng", khu phố tập trung nhiều cửa hàng vàng là phố Trần Nhân Tông từ sáng đến trưa vẫn đón lượng khách bình thường. Nhân viên một tiệm vàng tại đây cho hay, mấy ngày này, các chị cũng nhàn hơn vì lượng khách đến giao dịch bình thường, không ào ạt như trước.

Từ mức bán ra 44,15 triệu đồng một lượng lúc đóng cửa ngày hôm qua, đến hơn 8h15 sáng nay, giá vàng tại TP HCM đã tăng mạnh 550.000 đồng một lượng, lên 44,70 triệu đồng. Trong khi đó, giá mua vào cũng vọt lên 44,45 triệu đồng, đắt thêm 450.000 đồng so với chốt ngày 15/8. Khoảng cách mua bán hiện được nới ra 250.000 đồng so với mức 150.000 đồng của chiều qua.

Trên thị trường quốc tế, vàng giao ngay lúc 14h50 giờ Việt Nam chính thức vượt mốc 1.774 USD mỗi ounce và có xu hướng tiếp tục đi lên. So với cách đây vài giờ, giá đã có biến động đáng kể. Nguyên nhân của sự trỗi dậy này được cho là lo ngại về lạm phát quay lại đe dọa nền kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư lại tìm đến vàng như kênh trú ẩn tốt nhất hiện nay.

Một số chuyên gia thế giới lý giải, nếu giá về vùng 1.600 USD mỗi ounce, xu hướng mua vào của các nhà đầu tư có thể được kích thích và ngay sau đó, có khả năng mốc 1.800 USD sẽ tiếp tục được chạm. Trong khi một số chuyên gia khác nhìn nhận sự lùi sâu của vàng như là một cách để "lấy đà" và đi tiếp.

Lệ Chi - Tuệ Minh

HÌNH ẢNH CẢM ĐỘNG NHẤT TRONG CUỘC BIỂU TÌNH 14/8

Chú em đánh giày - nghèo mà không hèn - luôn đồng thanh giơ tay hô đả đảo trung quốc xâm lược.  14/8/2011



Bắt giam cảnh sát bị nghi đánh chết dân


Công an  Việt Nam (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Các vụ bạo hành do công an gây ra đang gây quan ngại

Công an tỉnh Ninh Thuận vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một thượng sỹ cảnh sát bị nghi là đã đánh tử thương một người dân.

Báo trong nước trích lời Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, cho biết Thượng sỹ Lê Khắc Sáu, cảnh sát điều tra tội phạm thuộc Công an Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã bị bắt để điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của ông Trần Gòn (27 tuổi).
Ông Gòn là người thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải.

Theo báo Thanh Niên, ông Gòn bị dân bắt giao cho công an vào trưa ngày 07/08 khi ông có mặt tại chùa Phước Huệ, Phường Mỹ Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm. Lý do là trong chùa xảy ra môt vụ ăn trộm tiền công quả, và ông Trần Gòn bị nghi là thủ phạm.

Ông Gòn bị đưa về công an Phường Mỹ Hải trong tình trạng sức khỏe được nói là bình thường, nhưng lúc 2 giờ chiều cùng ngày ông được mang đi cấp cứu.

Vợ ông cho báo Thanh Niên hay khi bà đến công an Phường thì thấy chồng mình 'bị thương nhiều chỗ, máu chảy ở đầu và tai'.

Sau một ngày, ông Trần Gòn tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Trước khi chết, ông lâm vào tình trạng hôn mê sâu vì chấn thương sọ não và tụ máu bên trong.

Thượng sỹ Lê Khắc Sáu bị cho là liên quan trực tiếp tới việc điều tra nghi vấn 'ăn trộm tiền' của ông Trần Gòn.

Quan ngại bạo hành

Hiện nội vụ đang được công an Ninh Thuận làm rõ.

Tình trạng bạo hành dân của công an Việt Nam đang gây quan ngại sau khi báo chí chuyển tải nhiều thông tin về các vụ người dân tử vong ở đồn công an hay trong khi bị điều tra.

Năm ngoái, các báo đưa tin về ít nhất 19 trường hợp cảnh sát thô bạo, trong đó 15 vụ gây tử vong.

Hồi tháng Bảy, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói họ lo ngại trước việc không có tiến bộ gì trong chấn chỉnh tình trạng bạo hành của nhân viên công quyền ở Việt Nam.

Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam nhanh chóng mở các cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về hàng loạt ca tử vong do công an sử dụng vũ lực chết người gây nên, và xử lý những cán bộ có trách nhiệm trong việc này.

free counters
Free counters