THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 December 2012

Thủy điện Sơn La sở hữu những kỷ lục tầm thế giới



(Kienthuc.net.vn) - Thủy điện Sơn La chính thức đưa vào sử dụng sau 7 năm thi công và đang sở hữu nhiều kỉ lục tầm cỡ thế giới, khu vực Đông Nam Á và trong nước.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, nhà máy thủy điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ Nhà máy vào năm 2015. Thế nhưng, trong quá trình thi công xây dựng nhà máy, Thủy điện Sơn La đã cán đích trước thời hạn 3 năm. Đây được coi là một kỳ tích trong xây dựng thủy điện tại Việt Nam. 

Cụ thể, ngày 17/12/2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La, đã được khởi động không tải vào lúc 9 giờ ngày 23/9, sớm hơn dự kiến. 

Các đơn vị thi công hoàn tất công việc cuối cùng để sẵn sàng cho tổ máy này phát điện, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 27/9. Đến nay, cả sáu tổ máy đã được vận hành, sản xuất được hơn 11,553 tỷ kWh (tính đến ngày 10/10/2012). 

Toàn cảnh thủy điện Sơn La. Ảnh: Vietnamnet

Tháng 12/2012, hoàn thành toàn bộ nhà máy, vượt tiến độ Quốc hội phê duyệt 3 năm.

Ngoài kỳ tích vượt tiến độ, thủy điện Sơn La còn đạt được nhiều kỷ lục ở tầm thế giới, khu vực và trong nước.

Có công suất lớn nhất Đông Nam Á

Dự án thuỷ điện Sơn La là công trình trọng điểm Quốc gia nằm trên dòng sông Đà tại địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. 

Nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, thủy điện này có công suất lắp đặt 2.400MW, với 6 tổ máy cung cấp sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh. Dung tích toàn bộ hồ chứa của Thủy điện Sơn La lên tới hơn 9 tỷ m3 và 4 tỷ m3 dung tích phục vụ chống lũ cho hạ du. 

Với công suất trên, Thủy điện Sơn La là nhà máy có công suất lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà (Thủy điện Hòa Bình: 1.920 MW; Thủy điện Lai Châu: 1.200MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. 

Có cột bê tông đầm lăn trong top 10 lớn nhất thế giới

Thời gian thi công thủy điện Sơn La đã được rút ngắn chỉ còn một nửa nếu so với 15 năm xây dựng thủy điện Hòa Bình. Theo các chuyên gia, Có nhiều yếu tố góp phần làm nên điều thần kỳ ấy, trong đó phải kể đến dấu ấn của việc đắp đập bê tông đầm lăn, hạng mục quan trọng hàng đầu của công trình thủy điện Sơn La.

Với chiều dài gần một km từ bờ trái vắt ngang qua bờ phải nhằm chặn đứng dòng chảy của sông Đà, bề rộng đáy thân đập là 120m và phải đắp lên cao trình 138m, vì vậy, cần đến gần 3 triệu m3 bê tông đầm lăn để đắp đập. Công ty Sông Đà 5 được Chính phủ bảo lãnh cho đặt mua toàn bộ hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông đầm lăn công suất 720m3/giờ từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là công nghệ sản xuất bê tông hiện đại đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới nhưng lần đầu được áp dụng một cách đồng bộ với số lượng lớn tại Việt Nam.
Nhà máy số 6 Thủy điện Sơn La

Để sản xuất ra những mẻ bê tông đặc hiệu trên, Công ty Sông Đà 5 đã phải xây dựng riêng một nhà máy sản xuất đá lạnh công suất lớn, phải đặt mua số lượng nguyên liệu tro bay từ Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí làm phụ liệu. Cùng với đó là lắp đặt cả một hệ thống dây chuyền khai thác cát, đá sau đó đưa qua các trạm nghiền, sàng, tinh lọc thành những nguyên phụ liệu đủ tiêu chuẩn mới đưa vào nhà máy sản xuất. Tất cả mọi công đoạn trên đều phải tiến hành đồng bộ và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật với sự giám sát chặt chẽ. 

Có nhiều thiết bị quan trắc nhất

Theo các chuyên gia, Thủy điện Sơn La cũng là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất bao quanh thân đập chính để đảm bảo an toàn công trình. 

Xung quanh thân đập, chân đập, trong lòng đập gồm có 668 thiết bị đo quan trắc, được bố trí thành bảy tuyến tại 7 khu vực có chức năng khác nhau; mỗi một nhóm thiết bị đo quan trắc “phụ trách” một nhiệm vụ: quan trắc đo áp lực lỗ rỗng trong nền đá (liên quan đến lượng nước thấm qua nền đập); quan trắc đo độ mở của các khe biến dạng; đo ứng xuất trong bê-tông; thiết bị đo địa chấn; thiết bị đo giám sát nhiệt độ trong bê tông; thiết bị đo áp lực tổng của toàn bộ đập; hệ thống mốc đo chuyển vị bề mặt đập được quy chuẩn với hệ thống mốc Quốc gia; hệ thống đo rọi; quan trắc đo thấm tại các hành lang khu nước qua thân đập… 

Hồ chứa nước rộng nhất

Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. 

Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước).
  
Từ thời điểm chặn dòng, đóng cửa đập tích nước, hồ tích nước nhà máy Thủy điện Sơn La đã “xóa sổ” dòng sông Đà mạn thượng nguồn, hàng vạn hộ dân sống xung quanh hồ thuộc ba tỉnh Tây Bắc đã chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, trong đó phát triển nhiều HTX nuôi tròng thủy sản, nhiều làng chài khai thác thủy sản tự nhiên trong lòng hồ. 

Công trình có dự án di dân đông nhất

Để phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, hàng vạn hộ dân thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời lên chỗ ở mới để nhường đất cho dự án. 

Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, tổng số dân phải di chuyển là 20.260 hộ, 95.733 khẩu, trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.436 hộ, 17.805 khẩu và tỉnh Lai Châu 3.324 hộ, 16.419 khẩu. 

Tính đến năm 2009, cả 3 tỉnh đã di chuyển được 18.157 hộ. Như vậy, số dân phải di chuyển đến năm 2010 là 2.103 hộ, trong đó Sơn La 1.012 hộ và Điện Biên 1.091 hộ, còn Lai Châu đã hoàn thành xong việc di dân.

 Theo kienthuc

“Nhẫn nhịn” đến mức kinh ngạc



2012-12-24
Blogger Nguyễn Hữu Vinh: “người dân VN ngơ ngác, không hiểu nỗi nhà cầm quyền đang định làm gì trước hoạ mất nước? Đặc biệt nhiều người không thể hiểu và không thể giải thích thái độ của nhà nước trước kẻ thù”.
AFP
Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô so sánh hộ chiếu Trung Quốc cũ (bên trái) và hộ chiếu điện tử mới (bên phải) hôm 14-05-2012.

Họa mất nước gần kề

Nếu trước đây “thi bá” Tố Hữu – một cột trụ triều đình Hà Nội – từng ca ngợi tình nghĩa “môi hở răng lạnh” rằng  “Bên kia biên giới là nhà, bên này biên giới cũng là quê hương”, hay “Bên ni biên giới là mình, Bên kia biên giới cũng tình quê hương”, thì mấy ngày nay, xem chừng như dư luận xôn xao với bài nói chuyện của đại tá, phó giáo sư tiến sĩ Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị Quốc gia của Bộ Quốc phòng Việt Nam bày tỏ sự căm thù Mỹ và ca ngợi Trung Quốc, cho rằng Việt Nam không thể vong ơn bội nghĩa với Trung Quốc về những giúp đỡ của họ trong những cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ dù rằng Trung Nam Hải từng xâm lược Việt Nam và có tham vọng ở biển Đông.
Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh trong 13 năm có cái nhìn “ân oán sòng phẳng hơn”:

Đúng là Trung Quốc giúp Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ; nhưng bên cạnh sự giúp đỡ ấy cũng có lợi ích của Trung Quốc.
Nguyễn Trọng Vĩnh
“Đúng là Trung Quốc giúp Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ; nhưng bên cạnh sự giúp đỡ ấy cũng có lợi ích của Trung Quốc chứ không phải chỉ đơn thuần 'vô tư' giúp Việt Nam đâu…Từ khi Trung Quốc trở mặt đánh chúng tôi rồi, tôi cho rằng không còn ơn nghĩa gì nữa. Ơn nghĩa gì mà anh giúp tôi rồi bây giờ anh giết dân tôi, anh phá nát mấy tỉnh biên giới của tôi thì còn ân nghĩa gì nữa! Bây giờ anh còn nợ máu với chúng tôi… Hiện nay không có biểu hiện Mỹ lại xâm chiếm hay nô dịch chúng tôi; nhưng hiện nay biểu hiện xâm lấn và nô dịch chúng tôi là từ Trung Quốc. Thì người ta phải xem xét sự việc thực tế để định ai là thù ai là bạn chứ.”
Như vậy, “sự việc thực tế” đó là gì? Qua bài “Lưỡi bò và lưỡi liềm”, blogger Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội báo nguy “cái họa mất nước sừng sững trước mọi nhà”, khi Hoàng Sa đã nằm trong tay TQ từ lâu, một phần Trường Sa cũng đang “dưới gót giày xâm lược”, trong khi mọi nẻo đường quê hương – từ Mũi Cà mau tới địa đầu Móng Cái – đều thấy dân phương Bắc ngênh ngang. Hiện tình quê hương, blogger Nguyễn Hữu Vinh lại báo động, đang tràn ngập người Trung Quốc qua việc thuê đất đai, trúng thầu những công trình trọng yếu, hàng hoá, thực phẩm, hoa quả nhiễm độc, kể cả áo ngực phụ nữ nhiễm độc “made in China”.
“Sự việc thực tế đó” cũng được blogger Thiện Tùng báo động qua bài “Không thể không hỏi, không luận bàn” liên quan hoạ xâm lược của phương Bắc, từ chuyện “tàu lạ”, Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên, vấn đề cho thuê rừng đầu nguồn, phim Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam chọn ngày quốc khánh TQ để kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long”, phía Việt Nam tự ý thêm 1 sao nhỏ vô cờ TQ cho tới những hành động đáng ngại gần đây của Bắc Kinh.
000_Hkg8090526-250.jpg
Công an ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Những hành động đáng ngại gần đây ấy, Blogger Huỳnh Ngọc Chênh từ Saigòn lưu ý, có liên quan đến “hộ chiếu lưỡi bò”, việc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam lần thứ ba, cùng biện pháp quản lý trị an biên phòng duyên hãy nhằm ngăn chận, khám xét, bắt giữ, trục xuất tàu thuyền nào mà Bắc Kinh cho là vi phạm “lãnh hải lưỡi bò” phi pháp của họ tại gần hết biển Đông. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh không quên báo động rằng Trung Quốc lại vào tận vùng nội thủy của Việt Nam, và điều đó cũng có nghĩa là hàng vạn tàu đánh cá của họ ngang nhiên tiếp tục hoạt động trong “đường lưỡi bò đơn phương và phi pháp’ của Bắc Kinh. Như vậy, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh báo nguy, “ đường lưỡi bò phi lý không còn là hình vẽ trên bản đồ nữa mà đang từng bước được hình thành và cũng cố trên thực tế bằng nhiều biện pháp công khai và xảo quyệt của Trung Quốc”. Và tình hình nguy ngập cận kề lắm rồi, như blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy:
Họ ngang nhiên đưa tàu giám ngư, hải giám, tàu đánh cá, tàu thăm dò, giàn khoan, phân lô lãnh hải của ta để gọi thầu thăm dò... để đến ngày 1 tháng Giêng, năm 2013 chính thức đưa tàu cảnh sát ra tuần tra và tuyên bố đuổi bắt, khám xét tất cả các tàu thuyền của Việt Nam ra biển của ta mà họ cho rằng xâm phạm lãnh hải áp đặt theo đường lưỡi bò của họ. Và đàng sau tất cả các tàu bè đó là tàu quân sự của họ… Khi tàu cảnh sát Trung Quốc tung ra tuần tra thì đừng hòng các tàu thuyền của ta ra khơi hoạt động và làm ăn gì nữa. Hàng hải, dầu khí, ngư nghiệp, tài nguyên.... đều mất sạch. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thì đến ngày 1 tháng Giêng, năm 2013, ta chính thức mất biển Đông trên thực tế. Một khi đã mất biển Đông thì nguy cơ mất nước cận kề. Việt Nam đang ở vào tình thế vô cùng nguy kịch.”

Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và quyết tâm thôn tính Biển Đông, lạ lùng thay trước tình thế hiểm nghèo như vậy mà lãnh đạo Việt Nam vẫn bình chân như vại.
Blogger Việt Hoàng
Nhưng blogger Huỳnh Ngọc Chênh thắc mắc rằng đảng và nhà nước “hầu như hoàn toàn nhẫn nhịn” đến mức “kinh ngạc, vượt qua ngưỡng của lòng tự trọng và không biết đã chạm đến đáy chưa?”
Theo nhận xét của blogger Nguyễn Hữu Vinh thì “người dân Việt Nam ngơ ngác, không hiểu nỗi nhà cầm quyền đang định làm gì trước hoạ mất nước? Đặc biệt nhiều người không thể hiểu và không thể giải thích thái độ của nhà nước trước kẻ thù”.

Lại lỡ tàu một lần nữa

Qua bài “Việt Nam lại lỡ tàu một lần nữa”, blogger Việt Hoàng báo động:
“Bên ngoài thì Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và quyết tâm thôn tính Biển Đông, lạ lùng thay trước tình thế hiểm nghèo như vậy mà lãnh đạo Việt Nam vẫn bình chân như vại. Tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội vẫn không hề lên tiếng hay có động thái gì. Người dân, vì vậy không biết đường nào mà lần, xuống đường biểu tình thì bị bắt bớ, đàn áp, vu cáo, bôi nhọ là thế lực thù địch này nọ…”
Theo tác giả Việt Hoàng thì Việt Nam “đang thiếu lãnh đạo”, hay nói cách khác cho đúng hơn, là “những người lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đã từ chối trách nhiệm của mình trước nhu cầu và đòi hỏi của tình thế và thực sự họ đã từ nhiệm vai trò của mình trước nhân dân và tổ quốc”. Tác giả Việt Hoàng nhân tiện liên tưởng tới tình cảnh dân oan hay ngư dân Việt bị bỏ mặc lâm nạn ngay trên vùng biển của Tổ Quốc Việt Nam, từ tiếng súng bất đắc dĩ của Đoàn Văn Vươn tới những cái chết oan uổng của người ngư dân Việt Nam ngoài Biển Đông, nhưng vẫn “không thức tỉnh được giới cầm quyền”. Và “thay vì thay đổi và đứng về phía người dân, họ đã chọn con đường quay lưng lại với nhân dân và thỏa hiệp với kẻ thù, lịch sử của một thời đen tối đang lặp lại…”
Nhắc tới chuyện lịch sử, blogger Thùy Linh không quên lưu ý:
035_pau705177_07-250.jpg
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại một bến cảng ở thành phố Ôn Lĩnh ngày 16-09-2012. AFP photo.
“Lịch sử Việt Nam được viết bằng các cuộc chiến tranh với phương Bắc, với một đất nước lớn hơn nhiều lần. Tham vọng của Trung Quốc chưa bao giờ muốn Việt Nam yên ổn, hòa bình, vững mạnh, mà luôn đẩy đất nước bên bờ biển Đông vào thế bất ổn, suy yếu. Ngược lại với tham vọng đó, gần 20 thế kỷ, Việt Nam chưa bao giờ rơi vào thảm họa tận thế, kể cả 1.000 năm Bắc thuộc. Nhưng giờ đây, chính sách của chính quyền hiện hành khiến người dân đang lo lắng về một tương lai lệ thuộc vĩnh viễn vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc này chính là ngày tận thế của dân tộc Đại Việt.”
Có lẽ tình cảnh ấy khiến blogger Thùy Linh than rằng " Hôm nay, Đất nước tôi vẫn không thể đứng lên, dù một lần được thét gào 'Nam quốc sơn hà nam đế cư' vào mặt quân cướp nước. Đất nước tôi quằn quại dưới sự thờ ơ, dối trá, ươn hèn. Những kẻ cam tâm bán Tổ quốc cho những dự án lớn nhỏ, những đồng tiền nhơ nhớp lót dưới những chiếc ghế chức quyền. Đất nước tôi không biết đi về đâu khi tứ bề thọ địch, lòng người hoang mang, tức tưởi, phẫn uất bởi những kẻ ươn hèn, tham lam... Những kẻ đang được gọi là đồng bào nhưng dị mộng".
Trong khi bọn bành trướng ngày càng hung hăn hơn, thì “những kẻ đồng bào dị mộng” ấy – nói theo lời blogger JB Nguyễn Hữu Vinh – “càng tổ chức đình đám hơn các lễ lạt nhớ ơn Trung Quốc”, kể cả việc blogger Trương Nhân Tuấn “… không ngạc nhiên khi nghe ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, luôn miệng ‘tụng niệm’ câu thần chú ‘biết ơn đảng và nhân dân Trung Quốc … Việt Nam nguyện hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc …’ ”. Khi bọn bành trướng ngày càng hung hăn thì blogger Nguyễn Hữu Vinh “thấy những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam đi ngược lại với thái độ hiếu chiến” ấy, trong khi nhân dân phẫn uất xuống đường biểu tình yêu nước liền bị đàn áp, bị bôi xấu, bị kết tội, bị vu cáo là “thế lực thù địch” đang “diễn biến hoà bình”…
017_107181-250.jpg
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Cảnh nhiễu nhương đó khiến blogger VietTuSaigon không khỏi nêu lên câu hỏi rằng vì sao những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều bị nhà cầm quyền Hà Nội dập tắt bằng mọi giá? Qua bài “Biểu tình và chuyện đàn áp muôn thuở”, blogger ViettuSaigon giải thích rằng vì những cuộc biểu tình yêu nước ấy đều có chung một thông điệp: Chống Trung Quốc bá quyền; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, và hoàn toàn không có sự ủng hộ hay ngầm ủng hộ của nhà cầm quyền, trong khi mọi cuộc biểu tình đều có nguy cơ vạch trần âm mưu bán nước, sự nhu nhược, tính bưng bít và thông đồng giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Tác giả tiếp tục nêu lên nghi vấn - rồi cũng tự giải đáp:
“Tại sao không cùng nhân dân tổ chức chống ngoại xâm? Không ủng hộ nhân dân biểu tình chống mưu đồ bá quyền của Trung Quốc mà lại dập tắt? Vì, hiện tại, ngoài những thứ trần ngôn sáo ngữ “bốn tốt, mười sáu chữ vàng”, “hợp tác cùng phát triển và cùng có lợi”… Thì vẫn còn một món nợ quá lớn mà đảng Cộng sản Việt Nam nợ đảng Cộng sản Trung Quốc từ những năm trước 1975 cho đến nay. Đặc biệt, trong công cuộc nhuộm đỏ chủ nghĩa Cộng sản trên dải đất hình chữ S.”
Qua bài “‘Sâu’ trong sách lược ‘bất chiến tự nhiên thành’”, blogger Hữu Nguyên chua chát rằng phương án tốt nhất vẫn là đàm phán song phương, hòa bình trên cửa miệng nhưng luôn ẩn chứa sự răn đe, trừng trị nếu đối tác không chấp nhận luật chơi được áp đặt bởi nước lớn có binh hùng tướng mạnh đang mai phục sẵn sàng. Phương thức này thuận lợi cho việc chìa ra “củ cà rốt” rồi nắm chặt lấy những con sâu bự nằm trong giới chóp bu quyền hành của quốc gia đối tác mà về lâu dài sẽ biến đối tác trở thành kẻ lệ thuộc, khiếp nhược và ngoan ngoãn. Sách lược này trong binh pháp người Trung Hoa gọi là “bất chiến tự nhiên thành”.
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Và nhân dịp Giáng Sinh, Thanh Quang kính chúc quý vị cùng người thân được nhiều Ơn Chúa.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Xấu hổ với bằng lái xe 'song ngữ' của Bộ trưởng Thăng

GPLX “song ngữ” của Bộ GTVT lại làm cho người Việt... xấu hổ
Lập Xuân (Sống Mới) - Một công dân tên là Lê Văn Thịnh vừa đề nghị Bộ Tư pháp xem xét lại các quy định liên quan đến đề án cấp Giấy phép lái xe (GPLX) mới của Bộ GTVT. Theo ông Thịnh, GPLX mới được uỷ nhiệm cấp sai thẩm quyền, phần tiếng Anh có nhiều lỗi, không phù hợp với các khái niệm trong thông lệ quốc tế.
Mặt trước giấy phép lái xe mới.
Mẫu GPLX mới dự kiến được Bộ GTVT triển khai cấp trên phạm vi cả nước từ đầu năm 2013. Theo ông Nguyễn Thắng Quân, đề án cấp GPLX mới đã được xây dựng từ rất nhiều năm trước. Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 1 triệu USD để trang bị hệ thống máy chủ và máy in đặt tại tổng cục. Bộ GTVT trang bị thêm phần mềm quản lý thông tin khoảng 7 tỉ đồng. Ngoài ra, tùy vào điều kiện tình hình địa phương, các sở GTVT sẽ trang bị hệ thống máy móc in ấn GPLX mới. CSGT khi tuần tra trên đường nếu phát hiện nghi ngờ về GPLX giả có thể nhắn tin, gọi điện về tổng đài trung tâm dữ liệu GPLX đặt tại TCĐB là kiểm tra được.
Ông Thịnh đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý, sai sót trong GPLX mới. Chẳng hạn, trên góc trái GPLX ghi “Bộ GTVT” nhưng người cấp lại là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở GTVT. Hiện nay, các sở GTVT không thuộc sự quản lý trực tiếp về mặt hành chính của Bộ GTVT. Các sở này thuộc sự quản lý của UBND cấp tỉnh, TP nên việc Bộ GTVT ủy quyền cho họ cấp GPLX là sai về thẩm quyền. Góc trái GPLX phải in tên cơ quan cấp là Tổng cục Đường bộ hoặc sở GTVT và dịch ra tiếng Anh.
Về nội dung song ngữ, ông Thịnh chỉ ra lỗi thiếu nhất quán khi Quốc hiệu Việt Nam trong GPLX mới không được dịch sang tiếng Anh. Tiếp theo, ông Thịnh cho rằng việc dịch “Giấy phép lái xe” thành Driver’s License là không chuẩn xác, mà phải dùng cụm từ Driving Licence. Mẫu này Bộ GTVT từng sử dụng phụ lục 30 tại Thông tư 07/2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT.
Ngoài ông Thịnh, nhiều chuyên gia ngôn ngữ cũng đã tham gia phân tích về mẫu GPLX mới dạng song ngữ Việt - Anh. Có vài điểm mà hầu hết mọi người đều chú ý và kết luận là sai sót không thể chối cãi, ví dụ từ "Ngày" dịch thành "Day" mới chính xác, còn từ "Date" dùng trong GPLX mới tức là đã bao gồm cả Tháng và Năm rồi, nên chữ “Month” và “Year” bị thừa. Lỗi này thể hiện trình độ ngôn ngữ và tư duy thiếu chặt chẽ. Tương tự, phần chữ ký không nên dùng từ Signed và Sealed, chính xác phải là Signature, Seal.
Ngoài ra, xét về ý nghĩa và bố cục, đa số phản hồi cho rằng GPLX mới bố trí không cân đối. Trong khi chữ ký, con dấu của người thừa uỷ quyền cấp giấy phép quá to, thì Quốc hiệu Việt Nam trên GPLX lại “không được dịch ra tiếng Anh là bởi không đủ chỗ” – theo giải thích của ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái - Tổng cục Đường bộ.
Mặt sau mẫu Giấy phép lái xe mới.
Trao đổi với báo giới, ông Quân cho rằng ông Lê Văn Thịnh “bắt bẻ” câu chữ. “Chúng tôi áp dụng dịch theo tiếng Anh - Mỹ. Còn việc Quốc hiệu nước ta không được dịch ra tiếng Anh là bởi không đủ chỗ”, ông Quân giải thích.
Ngoài việc không thừa nhận và sửa các lỗi hiển nhiên về từ ngữ như Date – Day, Signed/Sealed - Signature/Seal, cách ông Quân lý giải về phương pháp “dịch thuật” của Bộ GTVT cũng sai ngay từ nhận thức ban đầu. Vấn đề là với GPLX mới, cũng như trong các văn bằng, chứng chỉ song ngữ khác của Việt Nam, người ta không “dịch sang tiếng Anh” các khái niệm mang đặc thù của tiêu đề Việt ngữ.
Với các giấy tờ này, cách làm đúng là đặt các khái niệm tương ứng bằng tiếng Anh – được sử dụng rộng rãi theo thông lệ quốc tế, vào bên cạnh (dưới hoặc sau) các tiêu đề Việt ngữ thể hiện cùng một nội dung. Ví dụ: Giấy phép lái xe/Driving Licence là một cặp khái niệm tương đồng, trong đó từ driving được dùng theo nghĩa của động từ điều khiển phương tiện. Nhưng trong tiếng Việt thì từ lái xe vừa có thể là danh từ - người điều khiển phương tiện, vừa có thể là động từ - lái xe, cho nên tên GPLX mới của Bộ GTVT cũng có thể dùng song song với cụm từ tiếng Anh tương ứng là Driver’s License như hiện nay. Nhiều bang ở Mỹ cũng đặt tên bằng lái xe như vậy. Trong nhiều trường hợp khác, có những tiêu đề Việt ngữ đặc thù quá phức tạp nên khó tìm cụm khái niệm tương đồng đầy đủ bằng tiếng Anh, ví dụ: Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, cho nên có thể dùng từ Place of Residence, hoặc Address cho ngắn gọn cũng được.
Với một mẫu GPLX áp dụng toàn quốc, in song ngữ để có thể xuất trình ở nước ngoài, kích cỡ chỉ nửa bàn tay và có vài chục ký tự... thế mà Bộ GTVT còn để lọt những lỗi Anh ngữ ngô nghê đến như vậy thì thật là... xấu hổ cho nước Việt. Thế mới biết vì sao bất kỳ đề xuất, thông tư nào do Bộ GTVT soạn thảo đều bị công luận ném đá dữ dội. Chỉ có vài cặp từ tiếng Anh – Việt mà không dùng được đúng ngữ nghĩa thì thử hỏi những thông tư, quy định, dự án, hợp đồng... dày hàng trăm, hàng nghìn trang của Bộ GTVT sai biết bao nhiêu mà kể? Chính phản ứng thiếu thiện chí, không thừa nhận sai sót hiển nhiên của ông Vụ trưởng Nguyễn Thắng Quân khi tiếp nhận góp ý của công dân đã lý giải phần nào sự yếu kém và trì trệ của Bộ GTVT. Đến quan chức cấp Vụ mà còn yếu kém, quan liêu và bảo thủ như vậy thì quả nhiên chẳng còn thất bại nào của cái Bộ này là khó hình dung.
Lập Xuân

Đập thủy điện Sơn La phát sinh vết nứt?

TT - Chiều 20-4, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh thông báo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) về kết quả kiểm tra công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - trong đó đề cập vết nứt ngang đập tại khối bêtông 19, một cán bộ có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) xác nhận đã nhận được văn bản này. 

Ông cho biết khá bất ngờ trước ý kiến của HĐNTNN bởi các nhà khoa học lên làm việc chỉ khoảng một ngày, không thật sự trao đổi kỹ với những cán bộ quản lý dự án. Và khi đoàn về, người ký văn bản thông báo lại là người không lên khảo sát, kiểm tra.

Cũng theo cán bộ này, các nhà khoa học lên kiểm tra công trình thủy điện Sơn La cách đây khá lâu nhưng nay mới ra văn bản. Thực tế vết nứt mà HĐNTNN nêu nay đã được khắc phục xong. EVN khẳng định công trình được xây dựng với tư vấn, thiết kế không chỉ của VN mà cả của phía Nga và đảm bảo chất lượng. Vị này cho rằng nếu có trao đổi sâu hơn, chắc chắn HĐNTNN sẽ không có kết luận như vậy. Ông khẳng định an toàn của đập không có vấn đề gì, đồng thời cho biết HĐNTNN sẽ tiếp tục có buổi làm việc với EVN, trực tiếp là đơn vị quản lý dự án thủy điện Sơn La, và trong tháng 5-2012 sẽ có kết luận cuối cùng.

Ngày 18-4, HĐNTNN có thông báo gửi Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La cho hay các vết nứt xuất hiện trong quá trình thi công đập trước đây đã được xử lý ổn định, không có hiện tượng thấm nước qua khe nứt. Riêng vết nứt tại khối bêtông 8 xuất hiện tháng 2-2011 tuy đã được xử lý nhưng vẫn còn hiện tượng nước thấm chảy ở cao trình 105m.

Đặc biệt tại khối bêtông 19, trong tháng 12-2011 đã xuất hiện vết nứt cắt ngang đập tới thượng lưu gây thấm rò nước khá mạnh. Sau khi được xử lý bơm keo PU phía hạ lưu, dòng thấm tập trung chảy vào trong hành lang thân đập ở cao trình 138m, 180m. Lưu lượng thấm đo được tại hành lang 105m dao động 29,83-29,06 lít/giây (trong thời gian từ ngày 31-10-2011 đến 13-1-2012, ứng với mực nước hồ 215m-214m). Theo HĐNTNN, với áp lực lớn và dòng chảy liên tục như vậy có thể gây hiện tượng rửa trôi vật liệu bêtông. Đây là diễn biến bất thường không được lường trước, cần cảnh báo.

HĐNTNN đề nghị chủ đầu tư thuê tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm để xử lý; lập hồ sơ vết nứt, trong đó có phân tích đánh giá, xác định nguyên nhân, đề ra phương án xử lý. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tập trung xử lý dứt điểm trước mùa lũ 2012.
TUẤN PHÙNG - C.V.KÌNH

Nghi vấn từ một cuộc viếng thăm và hành động của Công an Hà Nội

VRNs (23.12.2012) – Hà Nội - Ngày 22/12/2012, báo An ninh Thủ đô đưa tin: Ngày 21/12/2012, “Lãnh đạo CATP chúc mừng Giáo xứ Thái Hà và Giáo xứ Hàm Long”. Bài báo đăng bức ảnh Đại tá Nguyễn Đức Chung Giám đốc Công an TP Hà Nội đến gặp linh mục Bề trên Thái Hà Vũ Khởi Phụng để chúc mừng Giáng sinh. Nội dung cuộc thăm gặp chúc mừng bất ngờ này khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Bởi đã một thời gian dài, Công an Hà Nội đã gây biết bao tội ác với giáo dân Thái Hà không chỉ giáo dân mà ngay cả người dân nhiều nơi đã chứng kiến dưới thời Nguyễn Đức Nhanh làm Giám đốc Công an Hà Nội.
Những người dân nhẹ dạ, cả tin hoặc các linh mục đơn sơ, thánh thiện vẫn hi vọng rằng cuộc thăm viếng, chúc mừng này của ông tân Giám đốc Công an Hà Nội mở đầu một thời kỳ mới với tư duy mới là lời nói sát hơn với thực tế việc làm so với thời Nguyễn Đức Nhanh đã trả giá cho việc làm của mình và đã phải nghỉ hưu.
Bài báo cho biết: “Thông báo với Linh mục bề trên, các linh mục và bà con Giáo xứ Thái Hà về kế hoạch đảm bảo ANTT cho nhân dân Thủ đô và bà con giáo dân trong dịp Lễ Giáng sinh sắp tới, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, Công an Hà Nội đã có kế hoạch triển khai phương án đảm bảo tốt nhất về ANTT trong những ngày này, để nhân dân Thủ đô nói chung, bà con giáo dân nói riêng cùng khách quốc tế đến Hà Nội được đón chào một Lễ Giáng sinh và năm mới tuyệt đối an toàn”.
Như vậy, ông Giám đốc Công an cho biết đã có kế hoạch triển khai phương án tốt nhất không chỉ có giáo dân Hà Nội mà còn cả khách quốc tế, không chỉ Lễ Giáng sinh mà còn cả năm mới, không chỉ có lễ mà cả đón chào!
Thế nhưng
Tối nay, tôi được Cộng đoàn Vinh mời dự Dạ tiệc Giáng sinh, một sinh hoạt hằng năm, thường xuyên của các cộng đoàn tôn giáo. Năm nay, Cộng đoàn đã thỏa thuận với một nhà hàng trên Phố Phạm Hùng để anh em dự Dạ tiệc giáng sinh, chào mừng Thiên Chúa ra đời. Cuộc tâp trung dạ tiệc này, cũng chỉ có số người tương tự một đám cưới nhỏ khoảng vài ba trăm khách. Thậm chí chưa bằng một góc quán bia hơi vẫn thường xuyên đông nghẹt khách khứa, ăn uống văng tục chửi thề và đánh lộn hàng ngày trên Thủ đô của chúng ta.
Để chuẩn bị cho cuộc vui mừng Giáng sinh, anh em sinh viên đã công phu chuẩn bị từ chiếc bàn, cái ghế, phông màn hát Thánh Ca, cây thông Noel và thức ăn nguội từ sáng.
Cuộc vui được bắt đầu khi khoảng gần 7h tối với những giọng hát sinh viên ca ngợi Thiên Chúa ra đời, bài hát về tình yêu thương của Thiên Chúa và tình yêu thương anh em. Bổng nhiên gần 8h, một đám người không quân phục ập đến tự xưng là Công an Phường, một chiếc xe Công an Mỹ Đình đậu ngay trước cửa. Những người tự xưng là công an, đến đòi hỏi giấy tờ Trưởng Cộng đoàn Vinh mà không hề xuất trình giấy tờ của mình, không hề có quân phục hoặc bất cứ thứ gì chứng tỏ mình là nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ. Những người đó yêu cầu giải tán mà không hề nói lý do. Ngay sau đó điện bị tắt phụt. Không chỉ sinh viên mà khách khứa được mời đến dự đêm Dạ tiệc như nhà văn Võ Thị Hảo đều thấy bất ngờ. Một đám thanh niên khác ăn mặc lôi thôi lếch thếch đầu đội mũ lén vào trong khu vực anh em đang sinh hoạt. Một số khác lợi dụng trời tối đã lên tháo gỡ tấm bạt che có hình Chúa giáng trần và cây thông Noel.
Tất cả những hành động đó được thi hành bởi một nhóm người bặm trợn, không hề có một mảnh giấy, một quyết định hay căn cứ luật pháp nào.
Trong bóng tối, sinh viên vẫn giữ được bình tĩnh, tất cả đều im lặng và trật tự, nến được thắp lên và những bài Thánh Ca được tiếp tục hát tập thể không cần micro. Từ phía ngoài đường và hai bên, đèn điện sáng choang chiếu rõ những đám người vây quanh khu nhà hàng thầm thì, lén lút đe dọa các sinh viên.
Bài hát Kinh Hòa bình lại được cất lên dưới ánh nên lung linh, đưa các sinh viên vào cơn xúc động. Những ánh nến này, tưởng đã được nghỉ ngơi, lại đột ngột bùng cháy. Chứng kiến cảnh này, các quan khác ngán ngẩm lắc đầu và ra về, thậm chí nhà văn Võ Thị Hảo hình như còn chưa kịp uống nước.
Những chiếc bánh Gato được mang đến chưa kịp ăn, các em nhỏ đi theo bố mẹ chưa kịp định thần bởi bóng tối ập xuống và đám người đe dọa đã khóc thét. Tất cả đã diễn ra dưới con mắt chứng kiến không chỉ của sinh viên mà cả nhiều quan khách, bạn bè ngoài tôn giáo.
Buổi hát Thánh Ca kết thúc lúc 9h, tất cả tập trung về nhà thờ tiếp tục chương trình Hoan Ca mừng Noel ở nhà thờ Thái Hà, một số ra công viên ôn lại các điệu múa, các chương trình đang dang dở.
Văn nghệ của Cộng đoàn mừng Chúa Giáng sinh
Bên ngoài, đột ngột xuất hiện một đám người
Một số kẻ lạ mặt lén lút đột nhập vào trong khu vực cộng đoàn sinh hoạt và điện tắt phụt
Tất cả sinh viên ngồi xuống và nến được đốt lên
Kinh Hòa Bình cất lên dưới ánh nến
Những thức ăn đang chưa kịp dùng
Thánh Ca Giáng sinh hát tập thể
Bên ngoài những gương mặt rình rập
Ra về, tôi cứ nghĩ mãi: Những viên Công an hôm nay, có phải là quân lính của ông Nguyễn Đức Chung, Đại tá Giám đốc Công an Hà Nội hay không? Nếu đúng, thì ông Chung nghĩ gì với hành động này của quân lính dưới quyền ông khi miệng ông chưa dứt lời đủ 30 tiếng đồng hồ? Nếu không, thì một đám người không sắc phục lại được đưa đi thi hành việc ngăn cản các sinh viên Công giáo dự Dạ tiệc Noel? Nếu không phải là cấp dưới thuộc quyền của ông, thì Giám đốc Công an Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm về việc này. (Hình: Giám đốc CATP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bắt tay. Ảnh Báo An ninh Thủ đô)
Có phải vì họ là những sinh viên Công giáo nên họ mới bị đối xử như vậy? Còn nếu đây là đám say bia rượu, đánh nhau hoặc một đám hò hét với váy ngắn cũn cỡn nhảy nhót loạn xì ngầu ca ngợi “Điện biên phủ trên không” hay “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” thì cứ… vô tư? Điều này làm tôi thấy nghi ngờ cái thiện ý của ông Giám đốc Công an Thành phố.
Nhìn lại hình ảnh trên chính tờ báo ngành Công an này trong cuộc gặp gỡ sáng qua, sự nghi ngờ đó càng tăng lên. Với sự chân tình cởi mở và mến khách, cộng với tính nhân bản dễ thứ tha, các linh mục và giáo dân Thái Hà đã tươi cười đón tiếp ông Giám đốc Công an đúng nghĩa tay bắt mặt mừng như lời cha ông dạy. Tiếc thay cũng hình ảnh đó cho thấy ông Giám đốc Công an đã thiếu đi thái độ chân thành cần có bằng vẻ mặt lạnh tanh, hầm hầm và ngó lơ đi nơi khác ngay khi bắt tay chủ nhà.
Phải chăng sự nghi ngờ của tôi là có cơ sở?
Ngày 22/12/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm


Chủ Nhật, 23/12/2012 23:21

Sáng 23-12, tại tỉnh Sơn La, đã diễn ra lễ khánh thành công trình thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Việc dự án này về đích sớm hơn 3 năm so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra đã giúp Nhà nước tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng.

Công trình Thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW, nằm trên địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La - Sơn La.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự án hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chỉ thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giám sát. Ngoại trừ thiết bị cơ điện, hệ thống phân phối 500 KV, một phần thiết bị thủy công nhập khẩu, còn lại từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do các đơn vị của Việt Nam thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi, động viên công nhân Thủy điện Sơn La. Ảnh: TTXVN
“Với tất cả lòng tự hào, có thể nói công trình thủy điện Sơn La đã tiếp nối thêm “Bản trường ca chinh phục sông Đà” và thật sự trở thành một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam quang vinh” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Đây là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết luận buổi làm việc, theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực của Sơn La trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong quá trình thực hiện dự án, việc thực hiện thành công công tác di dân tái định cư mới chỉ là bước đầu, vấn đề đặt ra là phải phân bổ hợp lý dân cư, quan tâm đến việc ổn định đời sống của người dân gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần này, Thủ tướng lưu ý Sơn La cần đặc biệt quan tâm đến việc ổn định đời sống của các hộ di dân tái định cư thủy điện.
Ng.Tống