THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 December 2012

Thủy điện Sơn La sở hữu những kỷ lục tầm thế giới



(Kienthuc.net.vn) - Thủy điện Sơn La chính thức đưa vào sử dụng sau 7 năm thi công và đang sở hữu nhiều kỉ lục tầm cỡ thế giới, khu vực Đông Nam Á và trong nước.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, nhà máy thủy điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ Nhà máy vào năm 2015. Thế nhưng, trong quá trình thi công xây dựng nhà máy, Thủy điện Sơn La đã cán đích trước thời hạn 3 năm. Đây được coi là một kỳ tích trong xây dựng thủy điện tại Việt Nam. 

Cụ thể, ngày 17/12/2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La, đã được khởi động không tải vào lúc 9 giờ ngày 23/9, sớm hơn dự kiến. 

Các đơn vị thi công hoàn tất công việc cuối cùng để sẵn sàng cho tổ máy này phát điện, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 27/9. Đến nay, cả sáu tổ máy đã được vận hành, sản xuất được hơn 11,553 tỷ kWh (tính đến ngày 10/10/2012). 

Toàn cảnh thủy điện Sơn La. Ảnh: Vietnamnet

Tháng 12/2012, hoàn thành toàn bộ nhà máy, vượt tiến độ Quốc hội phê duyệt 3 năm.

Ngoài kỳ tích vượt tiến độ, thủy điện Sơn La còn đạt được nhiều kỷ lục ở tầm thế giới, khu vực và trong nước.

Có công suất lớn nhất Đông Nam Á

Dự án thuỷ điện Sơn La là công trình trọng điểm Quốc gia nằm trên dòng sông Đà tại địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. 

Nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, thủy điện này có công suất lắp đặt 2.400MW, với 6 tổ máy cung cấp sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh. Dung tích toàn bộ hồ chứa của Thủy điện Sơn La lên tới hơn 9 tỷ m3 và 4 tỷ m3 dung tích phục vụ chống lũ cho hạ du. 

Với công suất trên, Thủy điện Sơn La là nhà máy có công suất lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà (Thủy điện Hòa Bình: 1.920 MW; Thủy điện Lai Châu: 1.200MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. 

Có cột bê tông đầm lăn trong top 10 lớn nhất thế giới

Thời gian thi công thủy điện Sơn La đã được rút ngắn chỉ còn một nửa nếu so với 15 năm xây dựng thủy điện Hòa Bình. Theo các chuyên gia, Có nhiều yếu tố góp phần làm nên điều thần kỳ ấy, trong đó phải kể đến dấu ấn của việc đắp đập bê tông đầm lăn, hạng mục quan trọng hàng đầu của công trình thủy điện Sơn La.

Với chiều dài gần một km từ bờ trái vắt ngang qua bờ phải nhằm chặn đứng dòng chảy của sông Đà, bề rộng đáy thân đập là 120m và phải đắp lên cao trình 138m, vì vậy, cần đến gần 3 triệu m3 bê tông đầm lăn để đắp đập. Công ty Sông Đà 5 được Chính phủ bảo lãnh cho đặt mua toàn bộ hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông đầm lăn công suất 720m3/giờ từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là công nghệ sản xuất bê tông hiện đại đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới nhưng lần đầu được áp dụng một cách đồng bộ với số lượng lớn tại Việt Nam.
Nhà máy số 6 Thủy điện Sơn La

Để sản xuất ra những mẻ bê tông đặc hiệu trên, Công ty Sông Đà 5 đã phải xây dựng riêng một nhà máy sản xuất đá lạnh công suất lớn, phải đặt mua số lượng nguyên liệu tro bay từ Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí làm phụ liệu. Cùng với đó là lắp đặt cả một hệ thống dây chuyền khai thác cát, đá sau đó đưa qua các trạm nghiền, sàng, tinh lọc thành những nguyên phụ liệu đủ tiêu chuẩn mới đưa vào nhà máy sản xuất. Tất cả mọi công đoạn trên đều phải tiến hành đồng bộ và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật với sự giám sát chặt chẽ. 

Có nhiều thiết bị quan trắc nhất

Theo các chuyên gia, Thủy điện Sơn La cũng là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất bao quanh thân đập chính để đảm bảo an toàn công trình. 

Xung quanh thân đập, chân đập, trong lòng đập gồm có 668 thiết bị đo quan trắc, được bố trí thành bảy tuyến tại 7 khu vực có chức năng khác nhau; mỗi một nhóm thiết bị đo quan trắc “phụ trách” một nhiệm vụ: quan trắc đo áp lực lỗ rỗng trong nền đá (liên quan đến lượng nước thấm qua nền đập); quan trắc đo độ mở của các khe biến dạng; đo ứng xuất trong bê-tông; thiết bị đo địa chấn; thiết bị đo giám sát nhiệt độ trong bê tông; thiết bị đo áp lực tổng của toàn bộ đập; hệ thống mốc đo chuyển vị bề mặt đập được quy chuẩn với hệ thống mốc Quốc gia; hệ thống đo rọi; quan trắc đo thấm tại các hành lang khu nước qua thân đập… 

Hồ chứa nước rộng nhất

Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. 

Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước).
  
Từ thời điểm chặn dòng, đóng cửa đập tích nước, hồ tích nước nhà máy Thủy điện Sơn La đã “xóa sổ” dòng sông Đà mạn thượng nguồn, hàng vạn hộ dân sống xung quanh hồ thuộc ba tỉnh Tây Bắc đã chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, trong đó phát triển nhiều HTX nuôi tròng thủy sản, nhiều làng chài khai thác thủy sản tự nhiên trong lòng hồ. 

Công trình có dự án di dân đông nhất

Để phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, hàng vạn hộ dân thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời lên chỗ ở mới để nhường đất cho dự án. 

Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La, tổng số dân phải di chuyển là 20.260 hộ, 95.733 khẩu, trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.436 hộ, 17.805 khẩu và tỉnh Lai Châu 3.324 hộ, 16.419 khẩu. 

Tính đến năm 2009, cả 3 tỉnh đã di chuyển được 18.157 hộ. Như vậy, số dân phải di chuyển đến năm 2010 là 2.103 hộ, trong đó Sơn La 1.012 hộ và Điện Biên 1.091 hộ, còn Lai Châu đã hoàn thành xong việc di dân.

 Theo kienthuc