THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 June 2012

Lại tự bơi !!



TP - Sau việc vùng cà phê Tây Nguyên “bị” doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, nay đến lượt xứ dừa Bến Tre điêu đứng, cũng bởi yếu tố nước ngoài.
Chỉ khác ở chỗ, người dân Bến Tre thê thảm hơn khi phải đốn bỏ những cây dừa phải ít nhất 5 năm mới cho trái, tuổi thọ khai thác tới 30-40 năm nhưng giờ bán một tá chưa đủ tiền mua một kilôgam gạo.
Từ đầu năm tới nay, dừa liên tiếp rớt giá, giảm 10 lần so với đầu năm khiến nông dân nhiều nơi bắt đầu đốn bỏ dừa trồng cây khác
Từ đầu năm tới nay, dừa liên tiếp rớt giá, giảm 10 lần so với đầu năm khiến nông dân nhiều nơi bắt đầu đốn bỏ dừa trồng cây khác.
Người ta cho rằng nguyên nhân là do kinh tế thế giới suy giảm và ảnh hưởng đến thị trường cơm dừa, mặt hàng chủ lực của Bến Tre. Nhưng dường như giải thích này không có nhiều cơ sở vững chắc.
Bởi cơm dừa không phải là mặt hàng xa xỉ. Vậy mà giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu giảm 56%, từ 2.730USD/tấn hồi tháng 9-2011 còn 1.150USD/tấn.
Giá dừa trái từ 10.000 đồng giảm thê thảm, còn 800 đồng. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, giá dừa ở Indonesia cao hơn Việt Nam nhưng thương lái Trung Quốc, khách hàng chính của dừa Việt Nam vẫn đổ qua đó mua.
Có thể đó là chiến lược kinh doanh của phía Trung Quốc. Và dường như chiến lược này cũng đang được một số doanh nghiệp FDI thực thi ở vùng cà phê Tây Nguyên. Hiện nay ở Bến Tre, không chỉ dừa tươi, cơm dừa mà cả ngành sản xuất thạch dừa cũng đang nằm trong bàn tay chi phối của thương lái Trung Quốc.
90% thạch dừa của Bến Tre do thương lái Trung Quốc bao tiêu nên họ quyết định giá cả, sản lượng, thậm chí chất lượng mặt hàng. Ban đầu họ đến từng hộ sản xuất gom thạch dừa thô với giá cao. Họ mở đại lý thu mua ồ ạt, dẫn đến cơn sốt thạch dừa tại địa phương.
Thấy dễ ăn, nhiều hộ dân bắt đầu quay qua làm thạch dừa xuất khẩu khiến nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm ở Bến Tre khốn đốn không có thạch thô để chế biến.
Chỉ trong một thời gian ngắn, thương lái Trung Quốc đã thống lĩnh thị trường thạch dừa ở Bến Tre. Cũng như với nhiều sản phẩm ở nhiều địa phương khác, ngay sau khi chi phối thị trường, họ hạ giá thạch dừa xuống tận đáy.
Từ chỗ mua thạch thô giá 3.950 đồngkg, đến nay họ đã hạ giá chỉ còn 1.300 đồng/kg. Đến lúc này, người sản xuất thạch dừa ở Bến Tre mắc kẹt vì lỡ đầu tư sản xuất.
Như vậy, có thể nói việc giảm nhập dừa Việt Nam nhiều khả năng là một chiêu kinh doanh của thương lái nước ngoài. Rất có thể sau đó họ lại gia tăng nhập dừa, nhưng với giá
chạm đáy.
Ở đây, điều đáng suy ngẫm hơn cả là vì sao trong nhiều năm thị trường dừa Việt Nam chỉ trông vào thương lái Trung Quốc? Và trong khi họ có thể thống nhất với nhau những bước đi nhằm chi phối thị trường nước sở tại thì vì sao giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành nghề không cùng chung tiếng nói với người nông dân để rồi chúng ta liên tiếp phải nghe lại điệp khúc trồng-chặt?
Anh Minh

Nhiều công nhân nhập viện sau bữa ăn tối

Tối 25.6, rất đông công nhân Công ty TNHH Fujikura (chuyên sản xuất dây cáp điện tử, viễn thông, đóng tại đường số 6, KCN VSIP 1, Thuận An, Bình Dương) sau bữa ăn tối đã phải nhập viện cấp cứu do bị nôn ói dữ dội.
Theo nhiều công nhân, hơn 17 giờ cùng ngày, có khoảng 400 công nhân ở lại tăng ca nên được công ty cho ăn cơm, lẩu và bún thịt nướng. Sau khi ăn xong, công nhân xuống xưởng đi làm thì nhiều người bị nôn ói, chóng mặt, đau bụng (chủ yếu là nữ) nên được đưa đến bộ phận y tế của công ty để uống thuốc.
 Tuy nhiên, số công nhân bị đau bụng, nôn ói mỗi lúc một tăng nên công ty cho xe đưa đến Bệnh viện đa khoa Thuận An và Phòng khám đa khoa Hoàn Hảo (P.Thuận Giao, Thuận An) để cấp cứu. Tại Phòng khám đa khoa Hoàn Hảo, các bác sĩ cho biết có khoảng 50 công nhân nhập viện nằm chật kín 2 phòng cấp cứu. Đến 20 giờ cùng ngày, tại phòng khám này vẫn còn nhiều công nhân khác tiếp tục được đưa đến để cấp cứu.
 Đỗ Trường

Phá đường dây đưa người sang Úc trái phép

(TNO) Ngày 25.6, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang điều tra về đường dây tổ chức đưa người vượt biên trái phép bằng tàu cá xảy ra tại TP.Vũng Tàu.
Khoảng 20 giờ ngày 24.6, Phòng An ninh điều tra phối hợp với Phòng CSGT đường thủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lực lượng Cảnh sát biển và Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra tàu cá BT 93700 TS, do Nguyễn Ngọc Lợi (52 tuổi, quê Cần Thơ làm thuyền trưởng) đang neo đậu tại khu vực Bãi Dâu, TP.Vũng Tàu.
Trên tàu lúc này có 10 người đang ngủ, trong đó có Nguyễn Văn Kính (46 tuổi, quê Nghệ An).
Kính khai nhận cùng với một người tên Tương (chưa rõ lai lịch) nhận tiền của 25 người khác để đưa họ sang Úc trái phép.
Sau đó, lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ 15 người khác đang ở trên bờ chưa kịp ra tàu cá BT 93700 TS.
Kính và Tương đã nhận của những người này với giá từ 11.000-14.000 USD/người.
Sau khi thu tiền, Kính và Tương mua tàu cá BT 93700 TS và thuê Lợi với giá 250 triệu đồng để điều khiển phương tiện đưa người vượt biên.
Hiện Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tạm giữ phương tiện và những người vi phạm để điều tra làm rõ.
Tin, ảnh: Nguyễn Long

Chủ quyền quốc gia là không thể nhân nhượng

Ngày 25.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (QH) số 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM). Trước những quan tâm đặc biệt của cử tri về tình hình biển Đông, Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chủ quyền quốc gia là bất di bất dịch, không thể nhân nhượng.
Kỳ họp thứ 3, QH khóa 13 vừa qua đã thông qua luật Biển Việt Nam và đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam; phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.
Trả lời chất vấn của cử tri liên quan đến xử lý tham nhũng, thất thoát ngân sách, Chủ tịch nước khẳng định sắp tới sẽ được làm rõ và có các hình thức kỷ luật, xử lý trách nhiệm cụ thể theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4. Theo Chủ tịch nước, thời gian qua T.Ư nhận thấy việc tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng có phần không thích hợp nên đã thay đổi lại cơ quan chỉ đạo. Ðảng trực tiếp nắm giữ vai trò chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. QH đề nghị cử tri, cán bộ, đảng viên, nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức vào công cuộc phòng chống tham nhũng để trong sạch hóa bộ máy nhà nước.
Ngày 25.6, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri H.Vũ Quang để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề đất đai, Chủ tịch QH cho biết, Kỳ họp thứ 3 của QH cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT về vấn đề này, QH đã yêu cầu đến năm 2013, phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. QH cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ khẩn trương trình dự thảo sửa đổi luật Đất đai, giải quyết cho được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, để QH thảo luận, cho ý kiến.
Ngày 25.6, tại TP.Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu QH khóa XIII TP.Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại H.Vĩnh Thạnh và Q.Thốt Nốt.
Đình Phú - TTXVN

“Treo” hàng trăm ngàn giấy chứng nhận nhà đất

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở (GCN) trong năm 2012 nhưng theo kế hoạch, TP.HCM sẽ còn “treo” gần 130.000 GCN.
Mỏi mòn chờ GCN
Tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9) do Công ty CP địa ốc 10 (Res 10) và 9 đối tác làm chủ đầu tư, mặc dù người dân đã mua đất xây nhà hàng chục năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có một tờ giấy "lận" lưng.
 khu dân cư Rạch Chiếc
Hàng trăm người dân khu dân cư Bắc Rạch Chiếc mỏi mòn chờ GCN từ mấy năm nay - Ảnh: Đình Sơn
Bác Nguyễn Thế Minh (Q.3, TP.HCM) người đã ký hợp đồng mua đất tại dự án này vào tháng 1.2008 cho hay, đã đóng 90% giá trị hợp đồng, đã xây nhà ở nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCN. Đồng cảnh ngộ, bác Hiền, ngụ số nhà A10, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc ký hợp đồng góp vốn mua đất từ năm 2002, dọn về đây ở năm 2007 cho biết, việc người dân chậm được cấp GCN bởi chủ đầu tư chưa có quyết định giao đất trong tay. Thậm chí một số khách hàng còn chưa nhận được nền đất vì chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa làm xong hạ tầng dự án. “Trong hợp đồng mua bán đất với người dân, chủ đầu tư hứa sẽ có trách nhiệm lo thủ tục xin cấp GCN, nhưng đến nay gần 5 năm mà dân vẫn chưa thấy miếng giấy nó vuông tròn ra sao”, bác Hiền bức xúc.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, phức tạp, có tính phổ biến thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét ban hành quy định cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng này trong hai năm 2011 và 2012 để lập hồ sơ quản lý. Tổ chức kiểm tra việc đăng ký, cấp GCN đối với tất cả các tổ chức đang sử dụng đất, nhất là các dự án phát triển nhà ở tại các thành phố để xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định. Đồng thời xử lý các vướng mắc nhằm hoàn thành việc đăng ký, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cấp GCN cho các đối tượng này trong năm 2011, 2012.
Thâm niên "chờ" GCN đã 8 năm, gần 300 hộ dân tại chung cư Mỹ Thuận (Q.8) gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện do không có GCN. Không chỉ không thể bán nhà, cầm cố nhà khi cần vốn làm ăn, họ còn không thể nhập hộ khẩu để lo việc học hành, khám chữa bệnh... và những nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống.
Theo bà Đặng Thị Ngọc Yến, Trưởng ban quản trị chung cư này, nguyên nhân khiến người dân vẫn chưa nhận được GCN bởi đến nay chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. “Người dân đã đóng đến 95%, nhiều hộ đã đóng đủ 100% tiền nhà nhưng chủ đầu tư lại chây ì thực hiện nghĩa vụ của mình. Gây khó khăn, thiệt hại cho người dân”, bà Yến nói. Đây cũng là tình cảnh của hơn 200 hộ dân tại chung cư cao cấp Phúc Thịnh (Q.5) khi mòn mỏi chờ tới trên 6 năm mà chưa nhận được GCN.
Không cấp GCN, không duyệt dự án mới
Đa phần hồ sơ tồn đọng tập trung nhiều ở khu vực ngoại thành như huyện Hóc Môn tồn gần 21.000 trường hợp chưa cấp GCN, Bình Chánh hơn 34.000, Bình Tân hơn 35.000, Bình Thạnh hơn 25.000, Thủ Đức hơn 20.000 trường hợp…
Mặc dù nhu cầu cấp GCN khá lớn, nhưng năm 2012 quận Bình Thạnh chỉ đăng ký cấp 7.000 giấy. Ông Hoàng Song Hà, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh giải thích lý do chậm trễ là do các quy định về pháp luật đất đai và xây dựng có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, khiến việc vận dụng trong giải quyết hồ sơ cấp GCN còn nhiều bất cập.
Theo kế hoạch, trong năm nay quận Bình Tân sẽ cấp GCN cho hơn 15.000 trường hợp, còn khoảng 20.000 trường hợp chưa biết khi nào mới có thể hoàn thành. Ông Trần Minh Khiêm, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho hay, ngoài việc lực lượng cán bộ còn mỏng, năng lực còn hạn chế thì việc cung cấp phôi GCN còn thiếu đã gây khó khăn cho công tác cấp GCN.
Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên - Môi trường thì cho rằng, những trường hợp chưa được cấp GCN là do hồ sơ phức tạp, khó giải quyết. Nhất là đối với những trường hợp mua nhà bằng giấy tay sau ngày 1.7.2004 hoặc xây dựng không phép sau ngày 1.7.2006. Ngoài ra, một phần do người dân không có nhu cầu làm GCN. Có rất nhiều lý do, từ phía người dân, doanh nghiệp, chính quyền khiến việc cấp GCN bị chậm trễ.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, Nguyễn Hoài Nam khẳng định, phấn đấu từ nay đến cuối năm cấp cơ bản cho người dân có nhu cầu. Đối với những chủ đầu tư chây ì trong việc làm hồ sơ cấp GCN cho người dân sẽ kiến nghị thành phố không duyệt dự án mới cho đến khi hoàn thành.
Đình Sơn

Bắt giữ gần 1 tấn nội tạng, chân giò hôi thối

(TNO) Hôm nay 25.6, tổ công tác gồm Đội quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai phối hợp với các lực lượng liên ngành đã bắt giữ gần một tấn nội tạng, chân giò heo có nguồn gốc từ Trung Quốc.
 lòng lợn thối
Lực lượng chức năng làm thủ tục tiêu hủy số nội tạng, chân giò heo nhập từ Trung Quốc đã bốc mùi hôi thối - Ảnh: Đan Hạ
Rạng sáng nay, nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, tổ công tác liên ngành đã bắt giữ 452 kg nội tạng và 470 kg chân giò heo đã bốc mùi hôi thối tại tổ 29, P.Duyên Hải, TP.Lào Cai.
Chủ hàng là bà Lê Thị Thúy (trú tại địa chỉ trên) không xuất trình được hóa đơn, nguồn gốc lô hàng.
Ngay lập tức, toàn bộ số hàng và chủ lô hàng được đưa về cơ quan chức năng xử lý. Tại cơ quan chức năng, bà Thúy khai nhập số nội tạng, chân giò trên từ Trung Quốc đưa về tiêu thụ ở Lào Cai.
Theo cơ quan chưc năng, toàn bộ lô hàng sẽ bị tiêu hủy ngay khi hoàn chỉnh hồ sơ.
Đan Hạ

Thương nhân Trung Quốc đổ về Lục Ngạn thu mua vải thiều

(TNO) Vụ vải 2012 này thu hoạch đã được gần một nửa, tuy nhiên giá bán của một kg vải thiều Lục Ngạn vẫn được mua với giá trung bình dao động từ 17.000 -19.000 đồng/kg. So với mọi năm, năm nay, vải thiều Lục Ngạn được giá, tiêu thụ thuận lợi.
Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, dọc theo tuyến quốc lộ 31, từ địa bàn thị trấn Đồi Ngô (H.Lục Nam, Bắc Giang), phố Kim ở xã Phượng Sơn cho tới thị trấn Chũ và phố Kép ở xã Hồng Giang (H.Lục Ngạn, Bắc Giang) đều xuất hiện vô số những điểm thu mua vải thiều. Ở những điểm thu mua này mỗi ngày có tới cả trăm chuyến xe tải trọng lượng lớn ra vào vận chuyển vải thiều, không khí thật nhộn nhịp và sôi động.
Trong số những điểm thu mua vải, chiếm phần lớn là những thương nhân người Trung Quốc. Họ đứng ra thuê mặt bằng, nhân công, quản lý… phục vụ công việc thu mua, đóng hàng và vận chuyển qua biên giới.
Hiện có khoảng 100 thương nhân người Trung Quốc tới Lục Ngạn để đứng ra thu mua vải thiều.
Sau đây là một số hình ảnh về vụ vải 2012 tại Lục Ngạn:

Người dân chở vải thiều đi tiêu thụ - Ảnh: Hà An

Nhiều thương nhân Trung Quốc sang tận Lục Ngạn để thu mua vải - Ảnh: Hà An

Người phụ nữ này được thương nhân Trung Quốc thuê để thu mua vải - Ảnh: Hà An

Người bán sẽ cầm theo phiếu khi tiến hành cân vải và tính tiền - Ảnh: Hà An

Tại một điểm thu mua vải của người Trung Quốc - Ảnh: Hà An

Thuê nhân công Việt thu mua - Ảnh: Hà An

Tới mùa vải, cửa hàng xe đạp...

... hay quán bia đều được cho thuê làm địa điểm thu mua vải thiều - Ảnh: Hà An

Vải thiều được đóng gói trong hộp xốp trước khi vận chuyển - Ảnh: Hà An

Vải thiều chín có mã rất đẹp, giá bán dao động từ 17.000 - 19.000 đồng/kg - Ảnh: Hà An

Cây vải thiều sai trĩu quả - Ảnh: Hà An

Được người dân chuyển đi bán từ sáng sớm - Ảnh: Hà An

Nụ cười của người nông dân bán được vải thiều - Ảnh: Hà An
 Hà An (thực hiện)

Những “bất thường” khi cổ phần Công ty Vinacam



(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT báo cáo 6 nội dung liên quan đến việc thu hồi tản sản cho Nhà nước.
 >>  Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý sau thanh tra tại Vigecam

Công văn số 106/C37 (P3) của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an
Công văn số 106/C37 (P3) của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an
gửi Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Vigecam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT, do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Năm 2007, Tại Vigecam đã xảy ra vụ án kinh tế nghiêm trọng với nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố. Trước tình hình trên Bộ NN&PTNT đã điều động, bổ nhiệm, củng cố lại bộ máy lãnh đạo mới cho Vigecam.
Sau 5 năm hoạt động sản xuất kinh doanh vốn chủ sở hữu tại Vigecam đã tăng 110 tỷ đồng. Các nội dung đơn thư tố cáo tại Vigecam đã được Thanh tra Chính phủ, Công an TP. Hà Nội có văn bản kết luận cụ thể.
Trong công văn số 172 và 181/CV-VTNN-KH của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) gửi Bộ NN&PTNT cho biết, qua việc góp vốn, giải thể chi nhánh, thành lập Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Vinacam (sau đây gọi tắt là công ty cổ phần Vinacam) và chuyển nhượng cổ phần của Vigecam có vấn đề cần xem xét lại.
Cụ thể, chi nhánh Vigecam tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1997 là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Vigecam, được giao quản lý trụ sở Vigecam tại số 28 Mạc Đĩnh Chi, TP. Hồ Chí Minh và các bất động sản khác của Vigecam do ông Vũ Duy Hải làm giám đốc chi nhánh. Đến tháng 1/2005, chi nhánh Vigecam tại TP. Hồ Chí Minh lập phương án chuyển đổi hình thức hoạt động của chi nhánh sang công ty cổ phần.
Ngày 12/4/2005, Hội đồng quản trị Vigecam có Quyết định số 45VT/HĐQT/QĐ phê duyệt đề án góp vốn thành lập công ty cổ phần Vinacam có trụ sở tại số 28 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Vigecam góp vốn 12,5 tỷ đồng (125.000 cổ phần), bằng 36,76% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Vinacam, nguồn vốn góp bằng giá trị các động sản và bất động sản của Vigecam gồm:
Trụ sở chi nhánh tại 28 Mạc Đĩnh Chi, TP. Hồ Chí Minh là tòa nhà điều hành phía Nam của Vigecam (1 nhà xây dựng 7 tầng kiên cố, mặt bằng 207m2, diện tích sử dụng 1470m2 được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2004, giá trị quyết toán 3,991 tỷ đồng, giá trị thẩm định lại 3,595 tỷ đồng). Về việc này Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản số 106/C37(P3) ngày 2/3/2009 gửi UBND TP. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong quá trình điều tra vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái, xảy ra tại Vigecam (thuộc Bộ NN&PTNT), Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an thấy có việc Công ty quản lý kinh doanh nhà TP. Hồ Chí Minh (thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh) ký các hợp đồng cho chi nhánh Vigecam (được sự ủy quyền của Vigecam) thuê nhà số 28 đường Mạc Đĩnh Chi (khu liên cơ), quận I, trong đó: Ngày 20/3/2006, Công ty Quản lý và kinh doanh nhà Thành phố và Vinacam đã ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà số 22/TN ngày 23/1/2003 giữa Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố với chi nhánh Vigecam là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi của Nhà nước.
Khu kho Tiền Giang, tại khu 5, phường 9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được Vigecam mua đấu giá năm 2004 với giá trúng thầu 3.810.000.000 đồng, diện tích 4.372m2, được định giá 3.757.083.333 đồng, giá trị đưa vào góp vốn 3.757.083.333 đồng.
Vườn cao su Phú Giáo tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương : Năm 2004, Vigecam thu hồi từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Hoa, do Trung tâm thẩm định giá miền Nam thẩm định, diện tích 45,45ha (trong đó có 32,14 ha vườn cao su và 13,31ha đất trống) giá trị 5.082.300.000 đồng, giá trị đưa vào góp vốn 5.082.300.000 đồng.
Theo quy định của Nhà nước khi đưa tài sản vào góp vốn thì phải đánh giá lại giá trị của tài sản. Song, việc đưa vườn cao su Phú Giáo vào góp vốn đã không xác định lại giá trị, không đưa giá trị vườn cây cao su (là tài sản trên đất) và áp dụng khung giá đất tại tỉnh Bình Dương từ năm 1999 (phải áp dụng vào khung giá đất của tỉnh Bình Dương năm 2004 theo Quyết định số 182/2004/QĐ-UB ngày 27/12/2004 của UBND tỉnh Bình Dương) đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước hàng chục tỷ đồng…
Ông Vũ Duy Hải được cử là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Vinacam (ông Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinacam).
Đến ngày 29/9/2005, Tổng giám đốc Vigecam đã có quyết định số 97-QĐ/VTNN bán 108.000 cổ phần của Vigecam (tương đương 10,8 tỷ đồng) tại Công ty cổ phần Vinacam; ngày 21/6/2006, Tổng giám đốc Vigecam có quyết định số 45/QĐ-VTNN bán nốt 17.000 cổ phần của Vigecam (tương đương 1,7 tỷ đồng) cho Công ty cổ phần Vinacam.
Như vậy, kể từ sau thời điểm này quyền lợi và nghĩa vụ của Vigecam tại Vinacam hoàn toàn không còn gì, vốn và tài sản nhà nước đã bị bán hết.
Trong quá trình bán cổ phần của Vigecam tại Vinacam, Tổng giám đốc Vigecam và ông Vũ Duy Hải người đại diện phần vốn của nhà nước tại Vinacam đã không tổ chức đấu giá cổ phần theo quy định. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 2341/BNN-DDMDN ngày 20/8/2007 đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến.
Căn cứ vào văn bản trả lời của Bộ Tài chính số 13172/BTC-TCDN ngày 1/10/2007 nêu rõ: “Khi mang tài sản góp vốn cổ phần thì thực hiện việc đánh giá lại tài sản theo quy định tại điều 21 Quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước.  Những tài sản tham gia góp vốn vào công ty cổ phần phải được đánh giá lại theo đúng các quy định của nhà nước về đánh giá tài sản. Đối với tài sản trên đất phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về đất đai.
Việc chuyển nhượng cổ phần của Vigecam phải thông qua đấu giá. Trong trường hợp đem tài sản góp vốn cổ phần, bán cổ phần nhà nước trong công ty cổ phần không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì xử lý theo điều 32, điều 34 quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước và các văn bản pháp luật khác”.
Tháng 8/2006, lãnh đạo Vigecam ra quyết định giải thể chi nhánh, số lao động gồm cả ông Hải – Giám đốc chi nhánh nghỉ hưởng chế độ 41/CP hầu hết chuyển sang làm việc tại Vinacam.
Từ những căn cứ trên, lãnh đạo Vigecam đã có văn bản xin ý kiến Bộ NN&PTNT cho phép Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng Vigecam làm việc với các cơ quan nhà nước kiểm tra xem xét, thực hiện đúng quy định của pháp luật, kiên quyết thu hồi tài sản cho nhà nước.
Ban Bạn đọc

Hà Nội: Cấp sổ đỏ cho người đã chết



(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi trước việc ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã thu hồi sổ đỏ của vợ chồng ông Chung để cấp tiếp cho bà Nguyễn Thị Muộn và chồng là Đào Văn Sỏi (đã chết).

Quy tội thì đao to, búa lớn nhưng… không xử lý ai
Theo đơn khiếu nại của ông Đào Văn Chung và vợ là Nguyễn Thị Hiền, hộ khẩu thường trú tại số nhà 57 phố Hàm Long, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội gửi đến Báo Dân trí phản ánh:
Bố ông Chung là cụ Đào Văn Sõi nguyên là đại biểu Quốc hội khóa IV, đã mất từ năm 1989, mẹ ông là Nguyễn Thị Muôn. Trong quá trình hôn nhân, bố mẹ ông sinh được 7 người con gồm: Đào Văn Chung (con trưởng); Đào Thị Thủy; Đào Thị Trâm Oanh; Đào Quang Tuấn, Đào Minh Tiến; Đào Minh Thằng và Đào Minh Lợi.
Năm 1973, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, HTX Yên Lãng có cấp cho bố ông Chung (cụ Đào Văn Sõi) một mảnh đất để làm nhà ở, nay là nhà số 153 phố Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống  Đa, TP. Hà Nội. Năm 1989, bố ông mất, trước khi mất có dặn ông Chung là con trưởng được thay mặt bố cùng mẹ chăm sóc các em và làm giấy tờ nhà đất mà HTX đã cho nhưng cụ chưa kịp làm thủ tục. Thực hiện lời căn dặn của bố, ông Chung đã cùng mẹ là cụ Nguyễn Thị Muôn có trách nhiệm chăm lo công việc chung trong gia đình cũng như việc xây dựng gia đình riêng cho các em.
Năm 1993, do căn nhà xuống cấp nên ông Chung cùng mẹ và các em bán bớt một phần đất cộng với tiền của vợ chồng ông Chung góp vào đứng ra làm giấy tờ, xin phép cơ quan chính quyền xây dựng thành nhà 04 tầng với diện tích sàn 128,94 m2 như hiện nay.
Năm 1998, Nhà nước có chủ trương làm GCNQSDĐ, được sự đồng ý của mẹ bằng Giấy ủy quyền và các em, vợ chồng ông Chung đã đứng tên làm thủ tục để Hội đồng xét duyệt các cấp xem xét cấp GCNQSDĐ. Quá trình cấp GCNQSDĐ  không phải một sớm một chiều mà phải qua nhiều Hội đồng xét duyệt từ cấp phường đến cấp quận và thành phố, đồng thời thông báo niêm yết công khai 30 ngày tại UBND phường.
Sau hơn 2 năm, ngày 11/10/2000 vợ chồng ông Chung được cấp GCNQSDĐ số 0109390320 mang tên Đào Văn Chung và Nguyễn Thị Hiền. Ngày nhận sổ đỏ, cán bộ UBND phường còn yêu cầu ông Chung phải đưa cả mẹ ông (cụ Nguyễn Thị Muôn) lên nhận và bắt cụ ký vào sổ mới cho nhận giấy. Đồng thời ông Chung cũng để mẹ (cụ Nguyễn Thị Muôn) giữ luôn GCNQSDĐ này từ đó đến nay.
 
Ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp tại số 153 phố Láng Hạ, Hà Nội
Ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp tại số 153 phố Láng Hạ, Hà Nội
Sự việc không có gì đáng nói nếu như nội bộ gia đình ông Chung không có mâu thuẫn, mất đoàn kết; nguyên nhân là do hai em ông là Đào Minh Tiến làm ăn ở Đức từ 20 năm nay và Đào Quang Tuấn làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh đã được mẹ và ông lo cho nhà cửa đàng hoàng, do làm ăn không thuận đã liên tục kéo về nhà xúi giục mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Muôn làm đơn khiếu nại lên UBND Tp Hà Nội để đòi quyền đứng tên trong GCNQSDĐ nhà số 153 đường Láng Hạ.
Do mảnh đất này đã được chính quyền cấp GCNQSDĐ hợp pháp cho vợ chồng ông Chung từ năm 2000 nên khi có tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003 phải thuộc thẩm quyền của tòa án.
Nhưng oái oăm thay, không hiểu vì lý do gì UBND TP. Hà Nội lại say sưa, nhiệt tình ra lệnh cho Thanh tra thành phố vào cuộc. Dựa vào văn bản kết luận số 1671-TTTP-P8 ngày 26/18/2010 của Thanh tra thành phố (Gia đình ông Chung hoàn toàn không được gặp và làm việc với Thanh tra thành phố cũng như không được giao kết luận thanh tra; ngay bà Nguyễn Thị Hiền – vợ ông Chung người có tên trong GCNQSDĐ cuộc họp giải quyết tranh chấp tại UBND phường Láng Hạ cũng không được dự), thì ngày 14/9/2010, ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 4486/QĐ-UB với nội dung thu hồi GCN QSHNƠ và QSDĐƠ đứng tên vợ chồng ông Chung tại số nhà 153 phường Láng Hạ đã được Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn ký.
Quyết định này còn quy chụp cho các cấp Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận ở phường, quận và thành phố về các “tội” không xem xét, xử lý, phân loại và xác nhận hồ sơ kiểm kê, đăng ký nhà ở, đất ở trước khi cấp GCNQSDĐ”.
Quy tội thì đao to, búa lớn nhưng rút cục Quyết định lại không xử lý ai. Quyết định 4486/QĐ-UB ngoài việc trái thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp đất đai vi phạm pháp luật còn mắc nhiều lỗi nghiêm trọng như gọi sai tên bố mẹ ông Chung – những người mà Quyết định này cho là chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất ở và  nhà ở; đặc biệt còn dẫn văn bản kết luận thanh tra số 1671-TTTP-P8  ngày 26/18/2010 (có lịch nào có tháng thứ 18?).
 
Một số tài liệu liên quan đến vụ việc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Một số tài liệu liên quan đến vụ việc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Cấp sổ đỏ cho người đã chết
Điều đáng nói nữa là dựa vào quyết định trên, ngày 26/4/2012 Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung (cũng chính là người tham gia Hội đồng xét duyệt cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Chung trước đây) đã thu hồi sổ đỏ của vợ chồng ông Chung để cấp tiếp cho bà Nguyễn Thị Muộn và chồng là Đào Văn Sỏi (đã chết).
Đến đây, một lần nữa lại như trò cười: Nếu là mẹ của ông Chung và 7 người con thật thì phải là cụ NguyễnThị Muôn (chứ không phải là cụ Muộn nào mới nhận vào nhà); nếu là bố ông Chung thật (người có mảnh đất này) thì phải là cụ Đào Văn Sõi (Sõi – dấu ngã chứ không phải Đào Văn Sỏi – dấu hỏi). Bố ông Chung mất từ năm 1989, tên Đào Văn Sõi mới là tên cúng cơm thật. Chả lẽ, cụ đã mất trên 20 năm nay lại lộn lên để đổi tên từ Sõi thành Sỏi? Điều đó đã được thể hiện trong tất cả các Giấy khai lý lịch, Giấy khen, Huân chương, Giấy xin cấp đất nhà 153 phố Láng Hạ; tờ khai đăng ký nhà tư nhân; Giấy khai tử và tất cả các Giấy khai sinh cho các con đều ghi rõ mẹ là Nguyễn Thị Muôn và bố Đào Văn Sõi…
Do vậy, GCN QSHNƠ và QSDĐƠ số BI 466793 tại số nhà 153 phường Láng Hạ mà UBND quận Đống Đa cấp ngày 26/4/2012 cho cụ Nguyễn Thị Muộn và chồng là Đào Văn Sỏi (đã chết) là trái pháp luật vì hai người có tên trong sổ mới không phải là mẹ và bố ông Chung, không phải là chủ sử dụng mảnh đất có diện tích 128,94 m2 tại 153 phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Vì lý do trên, vợ chồng ông Chung đã có đơn khiếu nại khẩn cấp lên các cơ quan Trung ương và báo chí việc UBND TP. Hà Nội giải quyết tranh chấp đất đai sai thẩm quyền, thu hồi GCN QSHNƠ và QSDĐƠ hợp pháp của vợ chồng ông cũng như việc cấp giấy chứng nhận mới cho người lạ mặt không phải là bố mẹ ông Chung, không có liên quan gì đến mảnh đất đang tranh chấp tại 153 phố Láng Hạ.
 
Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: “1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết...”
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến – Ngô Tất Hữu

Một Hội-Thảo Giành Lại Sự Thật Cho VNCH



(06/22/2012) (Xem: 1612)
Hai ngày 11 và 12 tháng Sáu vừa qua, Viện Đại-học Cornell đã tổ-chức một cuộc hội-thảo thật ý nghĩa, quy tụ 10 diễn-giả gốc từ miền Nam Việt-nam và gần 50 giáo-sư người Hoa-kỳ đang giảng dạy về Việt-nam (và chiến-tranh VN) trên khắp nước Mỹ, Canada và Pháp.

Những tiếng nói bị lãng quên

Cuộc hội-thảo hai ngày mang tên “Voices from the South” (“Những tiếng nói từ miền Nam”) là một nỗ lực của Giáo-sư Sử-học Keith W. Taylor, khoa-trưởng Khoa Á-đông-học tại Cornell, nhằm đem lại một vài sự thực bị lãng quên/xuyên tạc trong mấy chục năm qua.  Mở đầu buổi hội-thảo vào sáng thứ Hai, 11/6, G.S. Taylor cho rằng những người viết về lịch-sử VN và chiến-tranh VN trong hàng chục năm qua đã không mấy quan tâm đến những tiếng nói của miền Nam VN, nhất là của thời Đệ-nhị Cộng-hoà.  Thì đây, cuộc hội-thảo này sẽ nhằm khoả lấp được phần nào những thiếu sót của sử-học về VN trong hàng chục năm qua.  Nếu trong tiếng Anh đã có những sách viết về thời Đệ-nhất Cộng-hoà của Tổng-thống Ngô Đình Diệm thì những sách viết về thời Đệ-nhị Cộng-hoà (1967-1975) phải nói là rất hiếm, gần như không có.

Vì những lý-do trên, cuộc hội-thảo đã mời một số nhân-chứng cuối cùng của thời Đệ-nhị Cộng-hoà để cho họ có thể giúp ta nhìn lại vấn-đề một cách chính-xác hơn.

Được tài-trợ bởi một ngân-quỹ của sáng-hội Einaudi, cuộc hội-thảo đã cho các tham-dự-viên cơ-hội nghe một số tiếng nói của những người đã thực-sự đóng những vai trò đáng kể trong giai-đoạn 10 năm sau cùng của Việt-nam Cộng-hoà.

Tấm hình 11 người diễn thuyết tại University Cornell Symposium các ngày 11-12 June 2012. Từ trái qua phải, các ông: Nguyễn Đức Cường, Lữ Lan, Trần Văn Sơn, Trần Quang Minh, Trang Sĩ Tấn, Bùi Diễm, Hoàng Đức Nhã, Phan Quang Tuệ, Phan Thanh Tâm, Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Văn Kỳ Thoại.
Hội-luận đầu:

Các ông Bùi Diễm, Hoàng Đức Nhã và Phan Công Tâm

Mở đầu hai ngày hội-thảo, cựu-Đại-sứ Bùi Diễm đã nói đến những khúc mắc trong bang-giao Việt-Mỹ, gồm nhiều sự hiểu nhầm nhau từ cả hai phía.  Nếu Tổng-thống Franklin D. Roosevelt thì muốn trao trả độc-lập cho VN thì sự thắng thế của Trung-Cộng trên Hoa-lục đã làm cho Mỹ, lúc đầu ủng-hộ Pháp để ngăn chặn làn sóng CS xuống Đông-Nam-Á, về sau ngày càng lún chân thêm vào cuộc chiến mà thực lòng chưa chắc họ đã muốn.  Vì thế mà cuối cùng, Mỹ đã phải tìm cách rút chân ra khỏi VN, đưa đến Quốc-hội Mỹ không giữ lời hứa với VNCH, để cho Bắc-Việt tràn vào dựa trên một sự yểm trợ dồi dào của Liên-Xô và Trung-Cộng.

Như để minh-hoạ những khó khăn trong bang-giao Mỹ-Việt, ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng-trưởng Dân-vận Chiêu hồi, đã mô-tả lại những bất đồng giữa ông Kissinger, người được Tổng-thống Nixon giao cho việc thương thuyết hoà-bình với Hà-nội, và Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu, người bị ép quá trong cuộc thương lượng mà giờ đây ông Kissinger cũng phải công-nhận là đã bị Lê Đức Thọ đánh lừa.

Tuy chiến-đấu trong những tình cảnh khó khăn như vậy, về mặt tình-báo chiến-lược, ông Phan Công Tâm cũng cho rằng miền Nam đã có những thành công nhất định mà ngay bây giờ cũng chưa thể tiết-lộ hết được.  Vì thế nên ông chỉ đưa ra một vài trường-hợp mà giờ đây đã được nhiều người biết đến.

Hội-luận 2:

Vai trò của Quân-đội

Sang phần hội-luận 2, Đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã kể lại trận chiến giữa Hải-quân VNCH và Hải-quân Trung-Cộng vào tháng 1 năm 1974.  Ngay trong khi Mỹ đã quyết định không can-thiệp vào chiến-tranh VN nữa, ông Thiệu vẫn đã cho lịnh đánh trả Trung-Cộng để khẳng-định chủ-quyền của ta trên quần-đảo Hoàng-sa.Chính do vậy mà trận Hoàng-sa, tuy thất bại, vẫn là một trang sử đẹp trong lịch-sử Hải-quân VN.

Người quân-nhân thứ hai tham-gia trong hội-luận này là Trung-tướng Lữ Lan.  Trong một bài trình bày bằng tiếng Anh rất lưu loát và gẫy gọn, ông đã nói về trận Tết Mậu Thân và vùng II Chiến-thuật.  Sau đó đến lượt ông Trang Sĩ Tấn trình bầy vì sao mà cuộc Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy của Cộng-quân đã chỉ xảy ra phần Tổng Công Kích mà không có phần Tổng Nổi Dậy, một thất bại lớn của đối-phương.  Đó là vì Cảnh-sát VNCH đã ngăn chặn được hết cả các nút vận-động quần-chúng của địch.
Hội-luận 3:
Các lãnh-vực thông tin tuyên-truyền, tư pháp và lập pháp

Sang ngày thứ hai của cuộc hội-thảo, tức sáng thứ Ba, 12/6, ông Nguyễn Ngọc Bích, một người đã gánh vác nhiều chức-vụ về thông tin, từ thời-gian còn phục-vụ ở Toà Đại-sứ Washington, đến khi về VN làm Trung-tâm-trưởng Trung-tâm Dân-vụ, rồi Cục-trưởng Cục Thông tin Quốc-ngoại, và Tổng-giám-đốc Việt Tấn Xã cuối cùng, đã trưng ra được nhiều những trường-hợp phải đương đầu với bọn phản chiến ở Mỹ, với báo chí ngoại-quốc ở Sài Gòn (lúc nào cũng có từ 200 đến 300 ký-giả ngoại-quốc hoạt-động ở VN vào những năm cuối cuộc chiến), rồi cả với những quốc gia không thân thiện với ta.

Thẩm-phán Phan Quang Tuệ đã kể lại kinh-nghiệm cá-nhân của ông như là một luật-gia có lúc làm việc ở Toà Án Tối Cao của VNCH cũng như có lúc đã ra tranh cử thành công để vào Quốc-hội.  Ông cho biết là ngành tư pháp của miền Nam là một ngành được đào luyện tử tế nên có những luật-sư, thẩm phán được đào tạo chính-quy và ngành Tư pháp của miền Nam đã giữ được tính-cách tương-đối độc-lập của mình, không lệ-thuộc vào một đảng phái nào như hệ-thống luật pháp hiện-hành ở VN.  Tóm lại, nền dân-chủ thời bấy giờ ở miền Nam, tuy chưa hoàn-hảo nhưng vẫn tôn trọng nguyên-tắc tam quyền phân lập thực-sự để đảm bao dân-chủ cho người dân.

Cuối cùng là phần trình bầy của cựu Dân-biểu Trần Văn Sơn trong khối Dân-chủ Xã-hội.  Theo ông Sơn thì đối-lập là có thật trong Quốc-hội VNCH tuy rằng đối-lập lúc bấy giờ chưa đủ mạnh để có thể ảnh-huởng nhiều đến chính-sách của nhà nước.  Dầu sao, trả lời một câu hỏi từ cử toạ, ông Trần Văn Sơn cho biết ông hoàn-toàn tự do trong những phát biểu hay chỉ-trích cả chính-phủ của ông hay những khối đối-lập trong Lập pháp.

Hội-luận 4:

Xây dựng xã-hội trong một tình-cảnh chiến-tranh khốc-liệt

Phần cuối cùng của hội-nghị hai ngày đã dành cho tiếng nói của ông Hoàng Đức Nhã và hai vị thứ và tổng-trưởng cũ của VNCH.  Mở đầu, ông Nhã cho rằng người ta dễ quên là ở miền Nam trước năm 1975, vẫn có một xã-hội dân-sự rất phát triển trong đó người dân và nhiều lực-lượng xã-hội khác nhau vẫn đem được sức lực của mình vào việc xây đựng một quốc gia tân-tiến.  Như các tôn-giáo lớn có cả một hệ-thống trường học trên toàn-quốc, như Phật-giáo thì có các trường Bổ Đề, có cả trường đại-học như Vạn Hạnh của Phật-giáo, hay trường Đại-học Đà Lạt của bên Công-giáo, Đại-học An-giang của Hoà Hảo, Đại-học Cao Đài ở Tây-ninh.  Các công-tác cứu trợ hay xã-hội được nhiều cơ-quan tư-nhân đảm trách, như các cô-nhi-viện, các trường khuyết tật, các trường tư trên khắp nước tiếp tay với chính-phủ để lo cho người dân.

Chính vì thế mà những phong trào như Hướng Đạo, Gia-đình Phật-tử hay Thanh Sinh Công đã đóng góp rất đáng kể vào việc huấn luyện tuổi trẻ, tạo cho họ một tinh-thần phục-vụ xã-hội, và giữ được những nề nếp của một xã-hội văn-minh, tân tiến.

Để cho thấy xã-hội miền Nam vẫn thăng tiến không thua gì các nước lân-bang, ông Nguyễn Đức Cường, cựu Tổng-trưởng Kinh tế, đã trình bầy những nỗ lực của chính-quyền kềm lạm-phát, phát triển các ngành nghề (như ta đã làm được xe hơi La Dalat), thậm chí tìm được cả dầu hoả ở gần Côn-sơn.Về mặt tạo cơ-hội bình-đẳng cho người nông-dân, ông Thứ-trưởng Trần Quang Minh đã trình bầy thật hùng hồn về chương-trình “Người Cày Có Ruộng” do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chủ-trương và phát động, đem lại được rất nhiều công-bằng xã-hội, chuẩn-bị cho những bước nhảy vọt sau này về sản-xuất nông-phẩm và ngư-nghiệp.

Một cử-toạ rất chuyên-môn

Vì đa-phần những tham-dự-viên đến nghe hai ngày hội-thảo là những giáo-sư hiện đang phụ trách giảng dậy về VN nên những câu hỏi hay đóng góp ý-kiến của họ xem ra rất có chất-lượng, đôi khi làm cho cử-toạ giật mình vì sự hiểu biết của họ.  Chính vì thế mà sự đánh giá sau hai ngày hội-thảo đã được xem là khá cao.  Và không ít người ngỏ ý là muốn được thấy những sinh-hoạt tương-tự trong tương-lai gần, để cho những nhân-chứng cuối cùng còn có cơ-hội chia xẻ với chúng ta những kinh-nghiệm sống thật của họ trong một cuộc chiến lớn, cả đối với lịch-sử VN và lịch-sử Mỹ.

Tâm Việt

Công bố kết quả phân tích mẫu "táo Trung Quốc nhiễm độc"



25/06/2012 22:12:24
Đợt kiểm nghiệm với 40 mẫu táo thu thập từ 2 thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM cho thấy, một số mẫu táo nhiễm hóa chất độc hại nhưng hàm lượng nằm trong ngưỡng cho phép của cơ quan chức năng.

Đó là thông tin do ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau khi có kết quả kiểm nghiệm với 40 mẫu táo lấy từ các chợ đầu mối lớn của Hà Nội và TP.HCM.
Táo Trung Quốc nhiễm độc nhưng vẫn ở ngưỡng cho phép - (Ảnh minh họa)
Táo Trung Quốc nhiễm độc nhưng vẫn ở ngưỡng cho phép - (Ảnh minh họa)
Phân tích cho thấy, một số mẫu táo nhiễm chất độc hại (tương tự như táo trồng ở vùng Sơn Đông, Trung Quốc) là thiram và arsen nhưng hàm lượng các chất độc hại này nằm trong ngưỡng cho phép.

Theo ông Hồng, có thể kết luận táo Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đó, loại táo Fuji được trồng tại Sơn Đông (Trung Quốc) bị phát hiện được trồng theo công nghệ cực độc, dùng nhựa bên trong có chứa thuốc trừ sâu để bọc kín táo từ lúc xanh cho tới lúc chín. Thông tin này gây hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) đã không còn bán sản phẩm táo đỏ nhập ngoại từ một tháng nay.

Một kết quả xét nghiệm mẫu táo cũng do Cục tiến hành trước đó cho thấy, khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Ông Hồng cho biết, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều táo từ Trung Quốc, mỗi năm hàng trăm nghìn tấn. Song, người dân không nên lo lắng vì phần lớn hoa quả Trung Quốc sang Việt Nam qua đường chính ngạch, được cơ quan chức năng trong nước giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kể cả lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản.
(Theo Infonet/ VietQ)

Đà Nẵng tiếp tục triển khai việc hạn chế nhập cư



25/06/2012 20:26:33
Sáng 25/6, ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết Thường vụ Quốc hội không bác Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng và hiện Đà Nẵng tiếp tục triển khai nội dung hạn chế nhập cư của nghị quyết này.

Theo đó, Đà Nẵng “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự”.
Đường Nguyễn Văn Linh khang trang ở Đà Nẵng - Ảnh: V.Hùng

Theo ông Thanh, trước tình hình phát triển hiện nay, Đà Nẵng hết sức quan tâm đến vấn đề ổn định dân cư và công tác chuẩn bị sửa đổi Luật cư trú của Quốc hội.

Để thực hiện định hướng phát triển thành phố bền vững, trật tự, an toàn, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng sắp tới sẽ xem xét tiếp tục thông qua nghị quyết về phân bổ dân cư.

Nghị quyết này sẽ dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, địa lý để phân bổ cụ thể số dân cho từng đơn vị hành chính.
(Theo TTO)

’Việt Nam đã chuyển thông điệp quan trọng qua Luật Biển’



25/06/2012 22:46:41
"Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển. Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển đảo bằng các biện pháp hòa bình", Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.

- Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/6. Bộ trưởng nói rõ về mục đích và ý nghĩa của văn bản luật này?

- Là quốc gia ven biển, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật về biển mà chỉ mới có các quy định trong một số văn bản pháp quy liên quan.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.

Với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn, kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ta. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

- Bộ trưởng cho biết khái quát về quá trình xây dựng và những nội dung chính trong Luật Biển Việt Nam?

- Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam được bắt đầu từ năm 1998 và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII. Luật Biển Việt Nam là một luật có nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 và 1982, tổng kết thực tiễn quản lý biển của nước ta, trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các Hiệp định về biển đã ký. Trong quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam, ta cũng đã tham khảo thực tiễn của các nước và cũng cân nhắc lợi ích của ta, lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông và lợi ích chung của khu vực.

Luật có 7 chương đề cập đến các nội dung chủ yếu sau: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.

- Luật Biển Việt Nam quy định như thế nào về chức năng nhiệm vụ quản lý biển của các bộ, ngành?

- Quản lý nhà nước về biển là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Hiện nay, phạm vi thẩm quyền cũng như cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, các lực lượng tham gia quản lý biển được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy liên quan và được đặt dưới sự điều hành thống nhất của Chính phủ.

Luật Biển Việt Nam là một luật khung quy định các nguyên tắc lớn đối với các vấn đề liên quan đến biển nên không nêu cụ thể, chi tiết chức năng của từng bộ, ngành tham gia quản lý biển. Luật khẳng định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước. Các bộ, ngành và địa phương thực hiện quản lý biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

- Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo được thể hiện thế nào trong Luật Biển Việt Nam?

- Phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải; thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.

Chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được nêu tại một số quy định trong các văn bản luật đã có trước đây, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển Việt Nam.

Luật quy định rõ là mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi hoạt động trong các vùng biển của ta. Mọi vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến biển, đảo của Việt Nam đều bị xử lý theo pháp luật liên quan.

- Việt Nam còn có một số bất đồng, tranh chấp về biển, đảo với một số nước láng giềng. Trong Luật Biển Việt Nam, vấn đề này được đề cập như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Luật Biển Việt Nam quy định rõ Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước ta. Chúng ta đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện chủ trương này. Trên thực tế, đến nay chúng ta đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Ví dụ năm 1997, ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ; năm 2003, cùng Indonesia phân định thềm lục địa…

Tôi cho rằng với việc Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế. Đó là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Chương 1 gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.

Chương 2 quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo…

Chương 3 quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài…

Chương 4 dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.

Chương 5 quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu.

Chương 6 quy định về xử lý vi phạm, bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm.

(Theo Chinhphu.vn)