THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 January 2012

'Xây bệnh viện khó hơn xây chung cư rất nhiều'


Dù được khuyến khích, nhưng số doanh nghiệp chịu đầu tư xây BV không nhiều, lý do là xây BV khó hơn, trong khi trách nhiệm về sinh mạng, sức khỏe con người lại rất lớn, góp phần làm tình trạng quá tải bệnh viện chưa thể khắc phục, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong buổi đối thoại với dân chiều nay. 
'Quá tải bệnh viện thuộc trách nhiệm Bộ Y tế'
'Bệnh viện chúng tôi đang tự ăn thịt mình'
'Nghèo sau trận ốm nếu viện phí tăng'

Ảnh:
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi đối thoại với dân chiều nay. Ảnh: chinhphu.vn.

Buổi phỏng vấn được thực hiện trên website của Chính phủ, xoay quanh các vấn đề nóng của ngành y như quá tải bệnh viện, tăng viện phí, cải thiện y tế tuyến xã, tuyến huyện... VnExpress.net trích đăng một số câu hỏi hay.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện đang là vấn đề làm cho người dân hết sức lo lắng mỗi khi đến khám, chữa bệnh. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này và trong những năm vừa qua đã có những hoạt động gì để hạn chế tình trạng đó?

- Quá tải bệnh viện là vấn đề lớn xảy ra nhiều năm nay không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển mà ở cả các nước phát triển. Nhưng quá tải ở các nước phát triển chúng ta không nhìn thấy được bởi họ hẹn bệnh nhân, có nước là tới 6 tháng để đến khám. Ở Anh, họ phấn đấu rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh thông thường (không phải cấp cứu) xuống 18 tuần.

Ở Việt Nam, tình trạng này khá trầm trọng và cần nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương và chính người dân mới giải quyết được.

Tôi xin nói tóm tắt về những giải pháp đã làm như cố gắng tăng số giường bệnh, kê thêm giường, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật, có đơn vị làm việc từ 4 giờ sáng.

Ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Giảm bớt thời gian nằm viện để giải phóng giường nhanh.

Tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư. Hiện nay, số giường của bệnh viện tư chiếm 3,5%, phần nào giúp giảm tải số bệnh nhân ngoại trú.

Chúng ta có đề án 1816, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn tăng do nhiều nguyên nhân trong đó có điều kiện kinh tế- xã hội, tập quán như dân số tăng nhiều, trong khi số bệnh viện mở ra không nhiều. Tỷ lệ số giường bệnh trên 1 vạn dân còn khiêm tốn, hết năm 2011 là 20,5 giường/1 vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân, còn tại Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân.

Thứ 2, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, trước kia chỉ có bệnh nhiễm trùng. Giờ nhiều bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư…

Thứ 3, do mức thu nhập tăng, dân trí tăng, giao thông thuận lợi, tỷ lệ bảo hiểm tăng (hiện đạt 60% dân số)… thu hút, làm cho người dân đi khám bệnh nhiều hơn, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, muốn vượt lên tuyến trên nhiều hơn. Điều đó, tạo sự quá tải lớn, nhiều khi không cần thiết, có khi có sự quá tải ảo. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tới 60% bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới…

Nguyên nhân nữa là cơ chế tài chính, giá dịch vụ tuyến trung ương không chênh lệch nhiều so với tuyến dưới.

Luật bảo hiểm y tế được ban hành, giúp bảo hiểm y tế được mở rộng hơn, tạo điều kiện cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bất cứ nơi nào, vượt tuyến được thanh toán 30%.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài thì một mình ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần cả hệ thống chính trị, cả người dân phải vào cuộc. Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới, bao gồm một số giải pháp chính:

1- Tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện.

2 - Củng cố, tăng cường y tế địa phương, cơ sở. Bộ Y tế mong muốn thành lập Vụ y tế địa phương. Tăng cường năng lực, trang thiết bị cho tuyến dưới, trạm y tế xã.

3 - Đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định đổi mới cơ chế tài chính và đã chuẩn bị khi văn bản được ban hành. Khi đó, hy vọng sẽ có thông tư liên bộ điều chỉnh Thông tư đã ban hành quá lâu về giá dịch vụ y tế.

4 - Giải pháp kỹ thuật- phân tuyến kỹ thuật. Bộ Y tế sẽ đổi mới cách phân tuyến, tùy theo năng lực của đơn vị để phân. Bên cạnh đó là quy chế về chuyển bệnh nhân. Theo nguyên tắc, trong 100 người đến khám bệnh, có 80-90 người mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, có thể điều trị bằng phác đồ thông thường, còn lại 10 – 20 người mắc bệnh nặng mới cần lên tuyến trên cùng. Tăng cường mạng lưới bác sỹ gia đình… Tăng cường đào tạo để bổ sung nhân lực ngành y.

- Ở nước ta có tỉ lệ 20,5 giường bệnh/10.000 dân là quá thấp so với khu vực và quốc tế. Tại nhiều bệnh viện, mỗi ngày, một bác sĩ khám trung bình cho 80-90 bệnh nhân. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vì sao vẫn chưa có biện pháp khắc phục?

- Câu hỏi của ông rất có lý và cũng là nỗi trăn trở của ngành. Còn biện pháp khắc phục thì như tôi đã nói. Nhiều cơ sở đã mở hết cỡ các chỗ khám bệnh, không thể mở thêm. Như BV Bạch Mai, khoa Ung bướu quá chật, Bộ Y Tế sẵn sàng sử dụng ngân sách của Bộ chứ không phải là từ trái phiếu để "cấp cứu khẩn cấp", xây thêm 50, 70 giường bệnh nữa, không thể để tình trạng 4, 6 bệnh nhân nằm một giường. Tuy nhiên, tìm khắp nơi không có chỗ trống, nên họ đề nghị xây dựng chồng thêm tầng. Tôi hỏi nếu thế thì các giường bệnh hiện tại phải ngừng hoạt động, nhưng phía bệnh viện nói bên xây dựng sẽ có cách.

Việc đầu tư xây dựng bệnh viện như hiện nay là quá ít, trong khi đó, đầu tư xây dựng dành cho các công trình thương mại, chung cư...ngày càng nhiều. Phải chăng lợi ích kinh tế được coi trọng hơn việc chăm lo sức khỏe cho người dân?

- Trong thời gian qua, nền kinh tế thị trường phát triển, nhưng chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn nhất quán là ưu tiên cho y tế, giáo dục, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong thực hiện, dù đầu tư cho y tế có tăng dần nhưng vì ngân sách quá hạn hẹp nên ngân sách cho y tế vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu.

Thứ hai, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quỹ đất dành cho y tế và giáo dục là khiêm tốn nhất. Đây là vấn đề thuộc về quy hoạch của từng địa phương. Để có đất dành cho y tế, các địa phương cần dành quỹ đất trong quy hoạch, mà phải là đất sạch, nếu không chi phí cho giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn.

Thứ ba, việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế xây dựng bệnh viện rất được khuyến khích, nhưng số doanh nghiệp đầu tư xây bệnh viện chắc sẽ ít hơn số lượng doanh nghiệp đầu tư vào chung cư. Lý do là xây bệnh viện khó hơn xây chung cư rất nhiều, đòi hỏi kỹ thuật, nhân lực, chưa kể trách nhiệm rất nặng nề với sinh mạng, sức khỏe con người… Vừa qua, các địa phương, nhất là các thành phố đã có quy hoạch đất. Hà Nội đã dành 5 khu đất ở ngoại thành để mở rộng, di dời, mở cơ sở 2 cho các bệnh viện…

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đất quy hoạch phải là đất sạch và phải có kinh phí thì mới xây dựng được bệnh viện. Còn nếu kêu gọi xã hội hóa, phải có lợi nhuận và như thế người dân sẽ khó tiếp cận dịch vụ. Do đó, với y tế, giáo dục, Nhà nước đầu tư là chủ yếu.

- Tôi vừa nghe Bộ trưởng trả lời về đề án giảm quá tải bệnh viện. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết, thời điểm nào hết quá tải?

- Chúng tôi mong muốn càng sớm càng tốt, phụ thuộc vào đề án giảm tải bệnh viện với ý chí quyết tâm của toàn ngành Y tế nhưng cần sự đồng thuận của các bộ, ngành khác cũng như sự đồng thuận của nhân dân (như không cần thiết thì không vượt tuyến, lên tuyến trên khám chữa bệnh…).

Ngoài ra, phải có nguồn đầu tư, sau khi xây xong bệnh viện phải có trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng thời gian tới đội ngũ cán bộ y tế sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu.

Vừa qua, Bộ Y tế có chủ trương tăng viện phí. Xin hỏi mức tăng cụ thể là bao nhiêu, được tính toán như thế nào? Sau khi tăng giá thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện đến đâu ?

- Việc tăng giá là do chúng tôi điều chỉnh Thông tư 14 từ năm 1995 và Thông tư 03 từ năm 2006. Chúng tôi vẫn dựa trên quy định của các thông tư đó, tức là trong 7 yếu tố tạo nên giá, thì giai đoạn này chỉ tính 3. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất.

Về mức tăng, ví dụ công khám trước đây 3.000 đồng một lượt, sau khi tăng sẽ là: Hạng đặc biệt (trên Trung ương) là 20.000 đồng, hạng 2 (tuyến huyện) là 15.000 đồng, hạng 3 là 10.000 đồng, hạng 4 (ở trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng) là 5.000 đồng.

Căn cứ để điều chỉnh công khám bệnh là tình hình trượt giá và mức lương cơ bản. Mức lương cơ bản 830.000 đồng cũng đã tăng 6,9 lần so với khi bắt đầu áp dụng mức viện phí cũ. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng từ 500 USD lúc đó lên trên 1.000 USD hiện nay.

Về điều chỉnh giá giường bệnh, hiện nay tại các chuyên khoa cao cấp là 20.000 đồng một ngày, còn thông thường từ 10-18.000 đồng. Mức thu này không thể nào đáp ứng được chi phí khám chữa bệnh. Có những bệnh viện đến nay bệnh nhân vẫn nằm chiếu và chăn chiên, hỏi thì họ bảo làm gì có tiền mà mua. Sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây là từ 1.500 đồng đến 10.000 đồng) dự kiến sẽ tăng lên 20.000 đồng đến 80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị.

Còn giá các dịch vụ kỹ thuật, trước là 330 dịch vụ, nay chúng tôi bỏ đi 130 dịch vụ, vì đã lạc hậu hoặc trùng, 222 dịch vụ còn lại được rà soát và điều chỉnh thành 277 dịch vụ. Khoảng 70% dịch vụ tăng giá dưới 5 lần, chúng tôi thấy mức tăng này phù hợp vì mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, mệnh giá bảo hiểm y tế cũng tăng từ 3% lên đến 4%. Với mức tăng đó, giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn.

Một điểm đáng chú ý, trước đây chúng ta không quy định giá giường nằm đôi, nằm ba... nhưng với quy định mới, giá sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba. Và sắp tới chúng tôi sẽ đưa vấn đề hạn chế nằm ghép vào tiêu chí thi đua, dĩ nhiên là phải có thời gian và phải tiến hành dần dần.

Cán bộ y tế hết sức mong mỏi vấn đề này, nhiều người cho rằng nếu không tăng viện phí thì một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh không thể hoạt động được.

Ba cháu bị bệnh thận và tiểu đường, năm nào cũng vài lần vào viện điều trị, mỗi lần như vậy, má cháu lại phải đôn đáo vay mượn để có đủ hai, ba triệu đồng lo tiền viện phí, thuốc men. Cháu rất lo rằng, rồi đây, khi viện phí tăng, những gia đình nghèo như gia đình cháu sẽ trông cậy vào đâu để có tiền chữa bệnh?

- Hiện nay chúng ta đang thực hiện đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Nếu như gia đình cháu ở địa phương được xếp diện nghèo, Nhà nước gần như trả hết chi phí mua bảo hiểm y tế, gia đình cháu chỉ phải đồng chi trả 5%. Ngay cả việc cùng chi trả 5%, hiện quỹ khám bệnh cho người nghèo 139 Bộ Y tế đã trình, sắp ban hành, đối với phần chi trả 5% đó, nhà nước sẽ chi trả luôn trong trường hợp đó là những bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo, mổ tim... Còn thuộc hộ cận nghèo, Bộ Y tế trình Chính phủ, Quốc hội năm tới hỗ trợ 70%, chỉ bỏ ra 30%. Còn nông dân, dân diêm, học sinh nghèo được hỗ trợ 30-50%. Một giải pháp nữa là tham gia bảo hiểm tình nguyện, mua thẻ mệnh giá chưa đến 500.000 đồng, tất cả chi phí trong bệnh viện sẽ được trả hết. Người dân sẽ được chăm sóc.

Clip Bệnh viện Hà Nội quá tải

T. An

“Thưởng Tết nửa cân mì chính là vui lắm rồi”



(Dân trí) - Ở những huyện vùng cao Quảng Nam, mỗi khi Tết đến xuân về nhắc đến chuyện tiền thưởng, các giáo viên nơi đây đều ngậm ngùi: "Năm nào Công đoàn nhà trường "thưởng" nửa cân mì chính, 1 cân hạt dưa đã là vui lắm rồi, nghĩ đến tiền thưởng Tết nghe xa vời quá".

Ngậm ngùi thưởng Tết giáo viên

 

Các trường nơi vùng cao Quảng Nam đã hoàn thành chương trình học kì I và chỉ còn dạy chừng hơn một tuần nữa là được nghỉ Tết. Tất cả giáo viên nơi đây đã chuẩn bị hành trang để về với gia đình dưới đồng bằng. Nhưng trong hành trang ấy món quà Tết không gì khác hơn là những lon nếp vùng cao.

 

Ngoài việc dạy chữ, giáo viên còn tổ chức cho các em học sinh Cơ tu vui chơi, múa hát.

 

Khi được hỏi đến tiền thưởng Tết, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, Trường THCS Trà Dơn, huyện Nam Trà My cho biết: "Bao nhiêu năm gắn bó vùng cao, đã thành lệ khi về Tết giáo viên nơi đây nhận được lời chúc sức khỏe và nhắc nhở nhau khi về đường cẩn thận vậy là quý lắm rồi, còn chuyện thưởng Tết ấy à, có cái chi mô, bịch mì chính, gói hạt dưa thôi, quen rồi nên hầu hết không ai nghĩ đến".

 

Tiền thưởng Tết đối với giáo viên vùng cao còn rất xa lạ.

 

Cũng với nỗi niềm ấy, thầy giáo Nguyễn Xuân Ảnh, hiệu trưởng Trường PT DT nội trú huyện Nam Trà Mỹ chia sẻ: "Mỗi khi năm hết Tết đến, nghe thông tin các nơi thưởng Tết, làm cán bộ quản lí như tôi nghe cũng buồn nhưng lực bất tòng tâm. Nhà trường ngoài các khoản chi tiêu theo quy định thì không còn khoản nào hết nên chuyện thưởng Tết cho giáo viên cho đến năm nay vẫn chưa thể có được. Chính bản thân tôi hơn mười năm gắn bó vùng cao khi về Tết cũng nhận gói hạt dưa, cuốn lịch của Công đoàn nhà trường gởi biếu thôi".

Thầy Nguyễn Xuân Ảnh, hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết: "Nhà trường hiện nay có tổng cộng 39 cán bộ giáo viên, nhân viên chủ yếu sống bám vào đồng lương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu trước hụt sau, nơi ăn, chốn ở nội trú cho giáo viên và học sinh còn bao việc phải lo, phải làm. Nên tiết kiệm được đồng nào là lo mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu của trường nên việc thưởng Tết cho giáo viên còn phải suy tính dần dần. Tết Nhâm Thìn này các thầy cô giáo cũng đành phải ngậm ngùi chứ biết làm sao!".

Giáo viên dạy học ở các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) cũng cùng tâm trạng ấy. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Alăng Lung - giáo viên Trường PTCS Zà Hung (Đông Giang) nói: "Trên ni suốt mấy chục năm trời có thấy thưởng Tết chi mô, Tết năm 2011, tỉnh Quảng Nam thưởng Tết 200.000 đồng nhưng đến tháng 5 mới nhận được tiền đó. Còn Công đoàn năm nào cũng có biếu giáo viên kí mứt, kí hạt dưa nhưng thực chất cũng là tiền của giáo viên đóng quỹ hằng tháng mà thôi."

 

Giáo viên vùng cao gắn bó nơi bản làng dạy học, bám trường bám lớp cũng nhờ cái tâm nghề giáo. Ngoài giờ dạy họ còn phải đến từng nhà vận động các em đến lớp. Giáo viên Trường Lí Tự Trọng ở xã biên giới AXan (Tây Giang, Quảng Nam) còn phải dựng nhà cho các em nhà xa trọ học. Cái chính vẫn là lòng yêu nghề nên khi hỏi về tiền thưởng Tết, hết thảy đều xem đó là điều xa lạ.

 

Chỉ mong được khuyến khích

 

Xuân về Tết đến, nơi vùng cao xa xôi đất trời cũng thay đổi, cây đâm chồi nảy lộc nhưng "điệp khúc buồn" về chuyện thưởng Tết của những giáo viên vùng cao thì vẫn vậy, vẫn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết.

 

Thầy giáo Nguyễn Trí, có hơn 20 gắn bó nơi vùng cao Quảng Nam dạy học, trăn trở: "Chất lượng và hiệu quả giáo dục nơi vùng cao muốn được nâng lên thì cần những giáo viên thật sự tâm huyết với nghề. Cuộc sống nơi đây vốn đã thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, giáo viên còn làm cả những việc như vận động, chăm sóc học sinh, rồi phải đối mặt với bao khó khăn. Thế nhưng chế độ đãi ngộ như vậy thì làm sao khuyến khích giáo viên bám trụ lâu dài…".

 

Ngoài giờ dạy, giáo viên vùng cao còn phải đến tận nhà dân để vận động các em đến trường.
 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Sinh - Trưởng Phòng GD-ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết :"Tết năm Tân Mão 2011, ngoài số tiền thưởng Tết của tỉnh thì một số trường cũng đã thật sự tiết kiệm để thưởng cho cán bộ giáo viên từ 100 đến 200 nghìn đồng. Nhưng năm nay bão lũ gây thiệt hại cho các đơn vị trường học cũng nhiều nên chuyện thưởng Tết có hay không chưa thể nói trước."

 

Thông tin từ ông Nguyễn Tấn Thắng - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Namcho hay: "Thưởng Tết có hay không, nhiều hay ít là tùy thuộc vào các trường. Năm nay tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục thưởng Tết cho cán bộ công chức, trong đó có giáo viên là 300 nghìn đồng".

 

Bài, ảnh: Đông Phước

Những ngày trong 'địa ngục' của nữ osin


Người bà Phương đầy vết thâm tím, bỏng khắp lưng và bụng, vùng kín còn chưa liền sẹo khiến bà chưa thể mặc được quần áo ấm trong tiết trời lạnh giá. Trên giường bệnh, người đàn bà thều thào kể về những ngày kinh hoàng bị chủ hành hạ, đánh đập.
Osin tố bị chủ bạo hành

Trong phòng bệnh được chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cẩn thận tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), bà Phạm Thị Phương (người giúp việc tố cáo bị chủ hành hạ) chưa hết bàng hoàng sau khi thoát khỏi "địa ngục".

Người đàn bà gần 60 tuổi trông gầy gò, ốm yếu nhỏ thó gồng mình chống chọi với cái giá lạnh của đợt rét đậm tại Hà Nội. Cơ thể bà đầy vết thâm tím, bỏng ở khắp vùng lưng và bụng, vùng kín còn chưa liền sẹo, có chỗ vẫn rỉ nước khiến bà chưa thể mặc được quần áo ấm. Thều thào nói chuyện với phóng viên, bà kể về những ngày kinh hoàng vừa qua.

Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2011, sau thời gian ngắn lên Hà Nội làm giúp việc, người phụ nữ thôn quê không chồng con này được giới thiệu tới nhà bà Minh ở ngõ 95 Kim Mã. Người chủ gần 50 tuổi nói với bà: "Chị về làm cho nhà em, em trả mỗi tháng 2 triệu đồng".

Bà Phương với vết bỏng ở lưng và chân.

Theo bà Phương, một tuần sau làm quen với việc chăm sóc trẻ nhỏ và làm việc nhà, bà bắt đầu bị người chủ chửi bới, quát nạt vì thấy chậm chạp. "Bà chủ thường xuyên đánh đập, không cho ăn, dùng dép ghè vào mặt, vớ được cái gì bà ấy cũng đánh khi không làm theo đúng ý", người giúp việc gần 60 tuổi vừa nói vừa chỉ những vết thương trên đầu và mặt.

Bà Phương tố cáo có lần còn bị bắt ăn bát ớt cay, uống với nước sôi. "Thậm chí, bà ấy bắt tôi ăn phân đựng trong bỉm của đứa bé", bà thều thào kể.

Khoảng 4 tháng sống ở đây, người giúp việc chỉ được một lần gọi điện thoại về nhà cho em trai, dưới sự giám sát của chủ. Bà bị cấm tiếp xúc với người lạ, chỉ được đi đổ rác rồi về nhà.

Một lần, người chủ cho rằng bà đã lấy trộm 5 triệu đồng nên liên tục đánh đập và tra khảo. Chủ nhà còn ép bà viết giấy thừa nhận đã lấy tiền. Ngừng lời một lát để chắp nối các sự việc, bà Phương kể cách đây khoảng một tuần, bà chủ nhà bật bình nước nóng rồi ép bà vào nhà tắm. Trong cơn giận dữ, người chủ xối nước nóng từ vụng bụng trở xuống khiến bà bị bỏng nặng, da bị lột hết. Tuy nhiên, bà chủ không cho người giúp việc đi khám ở bệnh viện mà mua cho một lọ thuốc xịt, rồi "giam" trong nhà.

Bà Vĩnh
Bà Vĩnh (em dâu bà Phương) bức xúc khi thấy tình cảnh của chị.

Theo bà Phương, sau khi lục túi lấy 1,9 triệu đồng mà chủ cũ trả cho bà từ trước, trưa 4/1, người chủ của ngôi nhà trong ngõ 95 Kim Mã đã thuê xe ôm đưa osin này ra bến xe về quê.

"Bà ta không trả tiền làm thuê 4 tháng mà đưa cho tôi một triệu đồng, dọa không được về việc bị đánh đập, tra tấn, phải bảo bị bỏng mỡ và ngã cầu thang. Nếu lộ ra, bà ấy sẽ cho người về "xử" cả gia đình", bà Phương với đôi mắt tím bầm kể.

Ngồi bên cạnh, bà Nguyễn Thị Vĩnh (em dâu bà Phương) cũng không cầm nổi nước mắt khi nhìn thấy cảnh chị chồng nằm dúm dó trên giường bệnh, người chỉ còn da bọc xương. "Suốt từ hôm về, chị ấy cũng chỉ uống được chút sữa và chút cháo loãng vì miệng bị phồng rộp do bỏng nước sôi và ớt cay", bà Vĩnh kể.

Cũng theo bà Vĩnh, từ hôm bà Phương về, gia đình liên tục nhận được tin nhắn được cho là số máy của gia đình nhà chủ với nội dung sẽ cho người tới "xử" hoặc đổ xăng đốt nhà…

Chiều qua, Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã tới bệnh viện làm việc với bà Phương về nội dung tố cáo. Nhà chức trách đã làm thủ tục để người phụ nữ này đi giám định thương tích nhằm phục vụ việc điều tra. Gia đình bà Phương cũng đã nộp lại chứng cứ liên quan việc bị nhắn tin đe dọa.

Theo nguồn tin của VnExpress.net, người chủ bị bà Phương tố cáo đã bị triệu tập lên cơ quan điều tra trong chiều 6/1.

Anh Thư

'Gia đình thủy thủ Vinalines sẽ nhận mức bảo hiểm tối đa'


Khoản bồi thường tai nạn 25.000 USD mỗi thuyền viên sẽ được trả đủ nếu kịch bản xấu nhất xảy ra. Tuy nhiên, việc thanh toán hợp đồng bảo hiểm đối với con tàu hơn 20 triệu USD không đơn giản.
Những nghịch lý trong vụ đắm tàu Vinalines Queen
Thân nhân thủy thủ nhận trước 100 triệu đồng
Mỗi thủy thủ được bảo hiểm 40.000 USD

Theo tuyên bố của Tổng công ty hàng hải, mỗi thuyền viên trên tàu đã được bảo hiểm với tổng mức trách nhiệm 40.000 USD (trong đó 25.000 USD cho tai nạn trên biển và 15.000 USD cho trách nhiệm dân sự của chủ tàu). Riêng khoản bảo hiểm tai nạn được đánh giá là "dễ giải quyết" nhất khi Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) cho biết sẵn sàng chi trả trong trường hợp xấu nhất xảy ra với thủy thủ đoàn.

Gia đình 22 thủy thủ tàu Vinalines Queen vẫn không nguôi hy vọng đón người thân trở về. Ảnh: Nguyễn Hưng
Gia đình 22 thủy thủ tàu vẫn không nguôi hy vọng đón người thân trở về. Ảnh: Nguyễn Hưng
Phí mua bảo hiểm tai nạn mà Vinalines trả cho PVI là 42 USD một thuyền viên. Tổng mức phí cho cả thủy thủ đoàn khoảng 1.000 USD. Cùng với khoản ứng trước 10.000 USD của PVI, ABIC cũng cho biết đã hỗ trợ cho mỗi gia đình thuyền viên 100 triệu đồng trong ngày 4/1.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc PVI - Vũ Bảo Lâm cho biết 3 căn cứ để xác định trách nhiệm của nhà bảo hiểm trong những trường hợp là có tổn thất, bất ngờ và không lường trước được. Nếu áp bộ tiêu chí này vào trường hợp của Vinalines Queen thì "có đến 99,99% trách nhiệm chi trả bảo hiểm tai nạn thuộc về PVI".

Như vậy, tổng số tiền bồi thường dự kiến được hãng này chi trả cho 22 thuyền viên theo mức cao nhất sẽ lên tới 550.000 USD, trong đó 220.000 USD (tương đương khoảng 4,4 tỷ đồng) đã được PVI tạm ứng cho Vinalines trong ngày 5/1 để chuyển tới các gia đình thủy thủ.

Cũng theo Phó tổng giám đốc Vũ Bảo Lâm, hiện các thủy thủ tàu Vinalines Queen đang được đưa vào diện mất tích. Do vậy khoản tiền còn lại sẽ được chi trả ngay khi có thông tin mới về số phận các thuyền viên hoặc trong vòng một năm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh khoản bảo hiểm tai nạn, gia đình thuyền viên cũng sẽ nhận được khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I) với trị giá 15.000 USD mỗi trường hợp. Cùng với thân vỏ tàu, đây là khoản bảo hiểm được Vinalines mua từ Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) và cũng là những hợp đồng khó giải quyết nhất, do nghĩa vụ bảo hiểm liên quan trực tiếp đến kết luận chính thức về nguyên nhân và số phận con tàu.

Không dễ xác định hiện trạng tàu Vinalines Queen tại thời điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: W.P
Không dễ xác định hiện trạng tàu Vinalines Queen tại thời điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: W.P

Cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm cao nhất đối với khách hàng nhưng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ABIC - Nguyễn Văn Minh, việc xác định giá trị bồi thường lại là một câu chuyện khác.

Theo ông Minh, việc thương thảo giá trị bồi thường trách nhiệm và tài sản chỉ có thể được tiến hành sau khi các hàng giám định độc lập quốc tế (Crawford, Maasdam...) cũng như cơ quan có thẩm quyền đưa ra kết luận chính thức về số phận và nguyên nhân chìm tàu. Đây là một quá trình lâu dài và mức bồi thường sẽ phụ thuộc rất lớn vào nguyên nhân (khách quan hay chủ quan) cũng như tình trạng con tàu tại thời điểm xảy ra tai nạn (tỷ lệ khấu hao).

Theo một số chuyên gia bảo hiểm, xác định tỷ lệ khấu hao trong trường hợp này là không dễ bởi tàu Vinalines Queen nhiều khả năng đã nằm dưới đáy vùng nước sâu 5.000 mét ngoài khơi Philippines. Do vậy, mức khấu hao chỉ có thể được tính toán một cách tương đối, căn cứ trên giấy tờ và có thể gây ra nhiều tranh cãi.

Theo số liệu được 2 bên công nhận thì Vinalines Queen được đăng ký bảo hiểm với giá trị ban đầu là 27 triệu USD (giá mua tàu). Tuy nhiên, tàu đã hoạt động được 6 năm và ngay trong buổi họp báo tại Bộ Giao thông Vận Tải ngày 3/1, Phó tổng giám đốc Vinalines - Lê Anh Sơn cũng nhận định giá trị bảo hiểm con tàu chỉ khoảng 20 triệu USD. Con số bồi thường thực tế nhiều khả năng sẽ chỉ dao động quanh con số này.

Trong những thông tin được phát đi sau vụ việc, lãnh đạo Vinalines chưa hề nhắc tới khoản bảo hiểm đối với 54.000 tấn nickel được chuyên chở trên tàu. Tuy nhiên, theo chuyên gia bảo hiểm của PVI, do Vinalines Queen được cho thuê chở hàng dài hạn nên nhiều khả năng hàng hóa đã được chủ hàng mua bảo hiểm quốc tế. Chi tiết khoản bảo hiểm này sẽ được quy định trong hợp đồng cho thuê và chỉ có Vinalines nắm được chi tiết.

Nhật Minh

Bi kịch của người cha bị đâm chết khi thăm con


Trong bóng tối, bàn tay nhỏ xíu của cậu bé với qua khe cửa sờ mặt cha rồi cười nắc nẻ... Họ đã gặp nhau như thế cho đến khi người cha trẻ phải lìa đời vì nhát dao oan nghiệt trong một lần đến thăm con.
Đi thăm con bị em vợ cũ đâm chếtCư dân mạng phẫn nộ vì người cha bị đâm chết khi thăm con

Ngày 6/1, nhà tang lễ Bộ Quốc phòng trên đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TP HCM) khá lặng lẽ. Trong số những người đến viếng anh Trần Trung Hiếu (qua đời tối 4/1 vì nhát dao của em vợ cũ), có cả những người chỉ biết anh qua những chia sẻ của người cha trẻ về nỗi nhớ con khi không được sống cùng cậu bé.

Phía bên ngoài, một phụ nữ trẻ ôm cậu con trai nhỏ đầu chít khăn tang ngồi lạc lõng. "Bây giờ mày có sung sướng không khi con trai phải mồ côi cha, còn em ruột mày thì phải ngồi tù...". Tiếng gào khóc vang lên từ phía gia đình anh Hiếu khiến người vợ cũ càng ôm chặt thằng bé, cúi gằm đầu đầy cam chịu.

Theo gia đình nạn nhân, anh Hiếu và vợ yêu nhau từ thời sinh viên. Suốt 4 năm bên nhau họ từng gặp nhiều sóng gió nhưng vẫn vượt qua khó khăn, trở ngại để được đến với nhau. Sau khi kết hôn, họ được bố mẹ chồng cho một căn nhà nhỏ ở đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, để sinh sống. Anh Hiếu là nhân viên một công ty bất động sản nên thu nhập cũng ổn định.

Tuy nhiên, sau khi sinh được đứa con trai thì vợ chồng xảy ra mâu thuẫn đến mức không thể hàn gắn nên cuối cùng họ ly hôn. Chị vợ cùng đứa con hơn một tuổi về nhà mẹ đẻ ở quận 8 sinh sống. Kể từ đó, mâu thuẫn giữa anh Hiếu và gia đình bên vợ ngày càng tăng thêm.

Căn nhà nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: Hội An.

"Nhiều lần Hiếu qua thăm con nhưng bị gia đình vợ tìm mọi cách để ngăn cản. Có lần nó bị người ta đánh đến bất tỉnh. Gần đây nhất, khoảng tháng 10/2011, em tôi bị đánh đến chấn thương sọ não phải nhập viện", chị Trần Thị Tuyết Hồng, chị cả của anh Hiếu rưng rưng kể.

Thấy con trai đau khổ, gia đình cũng có lời khuyên nhủ nhưng Hiếu bảo vì quá nhớ con nên chấp nhận tất cả. "Nó cũng bảo, nhà vợ cũ nhốt thằng bé bên trong, đóng chặt cửa lại để nếu nó đến thăm chỉ có thể nhìn con chứ không thể bế. Thằng con ở trong khóc ngằn ngặt đòi cha, Hiếu xót quá đập cửa đòi được vào với con. Ngay lập tức họ bảo nó say xỉn đến nhà quậy phá rồi lao vào đánh đập", người chị gạt nước mắt nói.

Qua tìm hiểu, gia đình biết, cũng có khi Hiếu được bế con nhưng chỉ được luẩn quẩn phía trước. Gia đình vợ cũ không cho anh bế thằng bé đi đâu xa mà bắt phải ngồi tại chỗ để xe hoặc ngồi trước sân rất nhiều muỗi. Gió lạnh, triều cường lại lên nên rất hôi thối. Xót con còn nhỏ, Hiếu đành phải trả con cho nhà ngoại để thằng bé được vào nhà.

"Hiếu thương con lắm, thằng bé lại là cháu đích tôn, là đứa cháu nội duy nhất của nhà tôi. Mỗi lần qua gặp con, nó bị gia đình bên ngoại cấm cản, đánh đập nên bố mẹ tôi cũng can ngăn, khuyên đừng qua nữa nhưng nó nhất định qua vì bảo nhớ bé Bim không chịu được. Nó bảo, chỉ cần nghe tiếng 'chít chít' của bố thì thằng bé dù đang ở đâu cũng chạy ào ra cửa để được gặp bố", chị Hồng chia sẻ.

Nỗi thương nhớ con đã khiến người bố trẻ nghĩ ra cách ghi lại hình ảnh khắc nghiệt trong các lần đến thăm con. "Thiên thần bé nhỏ của ba... Khi mẹ sinh con ra ba mới hiểu được rằng trở thành bố là điều tuyệt với nhất. Con là điều kỳ diệu mà cuộc đời đã ban tặng cho ba", mở đầu clip là những dòng chữ thắm thiết tình cảm của Hiếu dành cho núm ruột của mình.

Anh Hiếu và con gặp nhau qua khung cửa sắt. Ảnh cắt từ clip.

Nhưng chỉ một đoạn ngắn trong clip có hình ảnh cha con anh vui đùa, còn tiếp đó là những cảnh anh bị gia đình vợ cũ xua đuổi, chửi mắng mỗi lần đến thăm con. Theo người nhà anh Hiếu, để ghi được những hình ảnh này, anh đã phải cài camera trên xe máy, trên người chỉ vì muốn con trai sau này có thể hiểu được rằng cha nó đã khổ sở thế nào khi không được gần gũi bên con. Kể cả những lần cha con anh chỉ được gặp nhau qua song cửa. Trong bóng tối lờ mờ, bàn tay nhỏ xíu của cậu bé với qua khe cửa sờ mặt cha rồi cười nắc nẻ...

Đoạn clip tình cha con của anh Hiếu

Chị Hồng cho biết, Hiếu cũng định dùng những hình ảnh này để có thể giành lại quyền nuôi con. Thông cảm với nỗi khốn khổ của Hiếu, một người bạn đã làm thành clip và cùng anh đưa lên diễn đàn. Họ mong tìm được sự chia sẻ, ủng hộ của mọi người về mong ước nhỏ nhoi của một người cha bị ngăn cách tình phụ tử. Hiếu cũng gửi đơn tố cáo mẹ vợ cũ với cơ quan bà này vì cho rằng đã kích động, nhờ giang hồ nhiều lần hành hung anh đến trọng thương.

Tối 4/1, Hiếu đến thăm con và đã xảy ra mâu thuẫn với em vợ cũ là Trần Minh Việt (27 tuổi). Hai bên cãi vã lời qua tiếng lại. Một lúc sau Việt đã dùng dao đâm anh Hiếu tử vong. "Sự việc diễn ra nhanh quá, tôi không kịp ngăn cản", anh Võ Ngọc Trường Giang, đồng nghiệp của anh Hiếu, có mặt lúc anh bị đâm cho biết.

Là bạn nên anh Giang cũng hiểu rất rõ hoàn cảnh của Hiếu. "Mỗi lần qua thăm con, Hiếu biết có thể nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng vì quá thương con anh ấy vẫn bất chấp. Ngăn cản một người cha gặp con của mình thật sự đã là một tội ác, chứ chưa nói đến việc đánh đập, rồi giết anh Hiếu như vậy", anh Giang bức xúc.

Trao đổi với VnExpress, mẹ vợ cũ của Hiếu rơm rớm nước mắt và cho biết không muốn nói gì về sự việc đã xảy ra bởi "người đau khổ nhất trong chuyện này là thằng bé". "Gia đình tôi không muốn làm lớn chuyện, cũng không muốn nói nhiều về vấn đề này. Còn đoạn clip và những lời tố cáo của Hiếu, tôi biết hết nhưng không muốn phản bác lại vì dù sao cũng từng là con rể với mẹ vợ. Có nói gì thì không hay. Sự việc thế nào cứ để cơ quan điều tra làm việc", bà Hồng cho biết.

Còn tổ trưởng tổ dân phố nơi gia đình vợ Hiếu sinh sống thì cho rằng, gia đình này ở đây đã nhiều năm nhưng không mất lòng ai. Trước khi xảy ra án mạng một tuần, bà có nghe ồn ào bên nhà vợ Hiếu nên đã cùng hai bảo vệ dân phố đến tìm hiểu. Biết chuyện hiềm khích của Hiếu với gia đình vợ, bà đã mời anh cùng vợ cũ qua nhà hỏi chuyện. Mẹ thằng bé bảo đang cho con ăn trên lầu thì Hiếu tìm đến đòi gặp con. Chị này bảo chờ con ăn xong sẽ đưa xuống nhưng Hiếu không đồng ý mà đập cửa la hét cho rằng không được gặp con.

"Nói chuyện với họ tôi được biết gia đình thằng nhỏ đồng ý cho cha nó đến thăm mỗi tuần 3 lần, mỗi lần một tiếng", bà tổ trưởng nói. Trong khi đó nhiều hàng xóm cho rằng đã nhiều lần thấy cảnh gây gổ, chửi bới giữa Hiếu và gia đình vợ cũ.

Hữu Công - Quốc Thắng

'Vụ nổ súng ở Hải Phòng ly kì hơn phim hành động'


Một ngày sau vụ cưỡng chế khiến 4 cảnh sát cùng 2 quân nhân bị thương, những người dân tụ tập gần hiện trường cho biết: Khi sự việc đang diễn ra, có người mang mìn đứng lẫn trong đám đông hiếu kỳ.
> 6 người bị tạm giữ trong vụ bắn trọng thương cảnh sát
4 cảnh sát bị bắn trọng thương khi tham gia cưỡng chế

Chiều 6/1, trên con đê khu cống Rộc xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), nhiều người dân vẫn tụ tập để bàn tán về sự cố xảy ra trong khi cưỡng chế giải tỏa khu đất của gia đình ông Vươn.

"Chứng kiến cảnh hôm qua mới thấy kịch tính hơn cả phim hành động của Mỹ", nam thanh niên chừng 30 tuổi nói.

Những người dân thuần nông này cho biết, sáng 5/1, lần đầu tiên họ thấy nhiều cảnh sát về xã đông đến thế, ước chừng vài trăm người. Chó nghiệp vụ cũng được mang đến. Khi lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, nhiều tiếng súng vang lên khiến không khí bình yên nơi đây trở nên xáo động.

Ngôi nhà 2 tầng sau vụ nổ súng đã bị phá dỡ toàn bộ. Ảnh: Hà Anh.
Ngôi nhà 2 tầng sau vụ nổ súng đã bị phá dỡ toàn bộ. Ảnh: Hà Anh.

"Tiếng mìn lẫn tiếng súng cứ bụp bụp vang bên tai. Nhưng cả vài nghìn người dân ở quanh khu vực xã Quang Vinh chúng tôi vẫn ùn ùn kéo nhau đến xem. Triền đê dài chừng 2km đông đặc người", một phụ nữ kể.

Theo lời chị này, lẫn trong đám người đông hôm đó có cả vợ, con trai và em dâu của ông Vươn. Sau ít phút sự việc xảy ra, những người này đã bị cảnh sát khống chế.

Thời điểm nổ súng có 3 thanh niên đem theo mìn, lựu đạn đứng lẫn trong những người dân hiếu kỳ. Lực lượng chức năng sử dụng thiết bì dò mìn đã phát hiện, khống chế họ tức thì.

Một ngày sau khi sự việc xảy ra, theo ghi nhận của phóng viên VnExpress.net,ngôi nhà 2 tầng là nơi cố thủ của ông Vươn cùng một số người thân đã bị phá. "Nhà 2 tầng này là của Quý (em trai Vươn) vừa mới xây dựng cách đây chưa lâu. Còn vợ chồng Vươn sống trong túp lều cách đó không xa...", một người dân nói.

Nhà của anh em Vươn bao quanh là đầm nước và cây cối, chỉ có một lối vào. Một cảnh sát nhận định, nhiều khả năng ông Vươn và những người bắn súng chống cảnh sát đã lẩn ra cửa sau để tháo chạy ra phía rừng phòng hộ đê.

Người dân bàn tán chuyện hàng trăm cảnh sát với nhiều vũ khí nhưng vẫn để những người cố thủ trong căn nhà trốn thoát. Ảnh: Hà Anh.
Người dân bàn tán chuyện hàng trăm cảnh sát với nhiều vũ khí nhưng vẫn để những người cố thủ trong căn nhà trốn thoát. Ảnh: Hà Anh.

Theo một số người dân sống ở gần khu vực xảy ra vụ cưỡng chế, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Vươn về vùng này lập nghiệp. Đây được xem là người đầu tiên đấu thầu nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực này từ nhiều năm nay cùng với vợ con.

Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng Vươn sống khá hòa đồng và tình cảm với người dân xung quanh. Khi sự việc diễn ra, tất cả mọi người đều bất ngờ trước sự phản kháng của người đàn ông 52 tuổi này.

"Ông ta khá hiền lành, chẳng để mất lòng ai cả. Dù ông đã đấu thầu khu đất rồi nhưng chúng tôi vẫn đi lại vào khu vực này khá thoải mái...", một người dân xã Vinh Quang nói.

Hiện 6 người liên quan vụ việc đã bị tạm giữ, trong số này có ông Vươn. Riêng Đoàn Văn Quý (em trai Vươn) bỏ trốn và bị cảnh sát truy lùng gắt gao. Vụ án giết người và chống người thi hành công vụ này đã được khởi tố.

Sáng 7/1, một lãnh đạo Công an Hải Phòng cho VnExpress.net biết, mâu thuẫn giữa ông Vươn và chính quyền địa phương về thời hạn giao đất, tiền đền bù xảy ra đã từ lâu. Chính quyền 8 lần yêu cầu trả đất nhưng người này không chấp hành. Sự việc được đưa ra tòa giải quyết... song mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Ngày 5/1, việc cưỡng chế với quy mô lớn đã được tổ chức; ông Vươn và một số người thân chống đối quyết liệt.

Ngày 5/1, hơn 100 cảnh sát, quân đội cùng nhiều lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 50ha đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của gia đình ông Vươn tại xã Vinh Quang. Nhà chức trách cho rằng, ông Vươn đấu thầu khu vực này nhiều năm hiện đã hết hạn và không chịu đóng thuế trong thời gian dài.

Không đồng tình với quan điểm của nhà chức trách, ông Vươn đã phản kháng. Đỉnh điểm của sự việc là hàng loạt mìn và tiếng súng vang lên khiến 6 cảnh sát và quân nhân của huyện Tiên Lãng phải nhập viện.

Hà Anh

Cuối năm đổ xô đi liên hoan... thịt chuột

Thứ bảy 07/01/2012 13:59
ANTĐ - Dịp cuối năm nay, nhiều người đổ xô chọn thịt chuột để làm món đặc sản liên loan cuối năm. Những làng thịt chuột nổi tiếng phía Bắc ở Thạch Thất (Hà Nội), Bắc Ninh... đông khách chưa từng có.

Thịt chuột giúp giải đen

Những ngày cuối năm này, Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội rộn tiếng còi xe, đường sá chật ních khách muôn phương đổ về đây ăn thịt chuột "giải đen" cuối năm.

Tết Dương lịch, cả cơ quan một trung tâm kinh doanh xây dựng đi hẳn 3 xe 12 chỗ ngồi đổ bộ về Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội để ăn đặc sản chuột.

Một người trong đoàn cho biết, lúc đầu cũng định đi ăn dê hay chim nhưng theo tư vấn của một số người trong cơ quan "Đặc sản Canh Nậu là thịt chuột đồng. Vừa thơm, vừa lạ lại được thưởng thức món độc" nên sếp chuyển hướng. Cả nhóm "phượt" hơn 30 cây số để đến tận làng có truyền thống ăn thịt chuột.

Một người trong đoàn còn giải thích, không phải ai cũng thích thịt chuột nhưng khi sếp giải thích ăn thịt chuột "giải đen". Sang năm làm năn kinh doanh lặn lội đường nào cũng được; trèo cao, đào sâu, lội nước... chuột đều qua hết, mà lại đi đâu cũng có ăn đó... thấy có lý nên mọi người gật đầu đi theo.

Mỗi sạp chừng 5, 7 người đông dần. Ngoài những tốp ăn tại quán, hàng chục chiếc xe máy lượn vào trong sân lấy thịt chuột mới sơ chế hoặc đã tẩm ướp đầu đủ chỉ việc nấu rồi về. Mỗi sạp chừng 5, 7 người đông dần. Ngoài những tốp ăn tại quán, hàng chục chiếc xe máy lượn vào trong sân lấy thịt chuột mới sơ chế hoặc đã tẩm ướp đầu đủ chỉ việc nấu rồi về.

Chuột mới làm lông, còn trắng hếu.

10h30 phút, dừng xe ở làng Canh Nậu để vào quán thịt chuột nổi tiếng trong vùng. Quán ăn trong một ngõ hẹp, đường rộng chừng hơn 1m nên tất cả xa ôtô phải dừng cách nhà hàng chừng gần 200m. Lúc đầu, căn nhà rộng trải 7, 8 sạp lớn chỉ có 1 nhóm chúng tôi ngồi ăn. Nhưng từ sau 12h, từng tốp, từng tốp khách ùn ùn kéo về.

Chị chủ nhà hàng phấn khởi: "Nhiều trong làng, thậm chí cả khách thập phương ăn quen với nhà hàng rồi nên không cần biển hiệu, quảng cáo họ cũng tìm đến. Cuối năm, tư tưởng ăn chuột giải đen nên khắp nơi mới đổ về đông. Có những hôm, không đủ chuột để bán cho khách".

Trong khi đó, tại xã Phúc Tinh (huyện Tam Sơn), Bắc Ninh, dân Hà Nội cũng đổ về đây ăn thịt "gà đồng". Trước đây, thịt chuột là món bắt buộc phải có trong các đám cưới ở Phúc Tinh. Tuy nhiên, gần đây tập tục này đã bị loại bỏ, và thịt chuột trở thành món ăn nhậu của cả người dân tứ xứ. Mới đây nhất, một công ty xây dựng ở Long Biên, Hà Nội cũng đưa toàn bộ nhân viên về đây thưởng thức món "gà đồng". Hai món chủ đạo được một người trong công ty - cũng là dân thổ địa ở đây, gọi ra, đó là thịt chuột hấp lá chanh và thịt chuột rán giềng.

Đã mổ bụng, moi bỏ nội tạng và rửa sạch để chuẩn bị tẩm ướp.

Bỏ nghề truyền thống đi săn chuột

Buổi sáng, ngôi làng vốn nổi tiếng làm mộc, chạm khắc gần như thay đổi thói quen khi mùa chuột đồng bắt đầu từ tháng 9. Hầu hết trẻ con, người lớn trong làng tham gia đi bắt chuột. Đồ nghề đi bắt chuột hết sức đơn giản, chiếc thuổng để đào hang chuột, chậu thau nước, chiếc lồng sắt... và đặc biệt là một chú chó để đánh hơi.

Quanh làng Canh Nậu được bao bọc bởi các cánh đồng hoa màu nên chỉ đi ra khỏi làng vài trăm mét là có thể bắt đầu công việc.

Ông Nguyễn Văn Anh thôn Ao thuyền, Canh Nậu cho biết: Mùa chuột đồng bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch là kết thúc. Trung bình, mỗi ngày cả đánh bắt và thu mua, nhà ông làm thịt từ 15 đến 40 kg chuột/ngày. Giá chuột sống từ 70 đến 80.000 đồng, sau sơ chế bao gồm vặt lông và moi nội tạng thì các nhà hàng sẽ nhập với giá 100.000 đồng/kg.

Đem thui chuột bằng rơm.


Cả làng Canh Nậu chỉ có 2 quán chế biến thịt chuột, ngoài ra, tầm từ 4h chiều, tại các chợ xã, chợ tạm ven đường hàng mẹt chuột thui được bày bán. Theo nhiều người dân trong làng cho biết, nhiều người ở nơi khác đến thì sợ, nhưng với làng Canh Nậu đây là món ăn ngon và truyền thống, được nhiều người lựa chọn hơn các loại thịt khác.

Chủ một trong hai quán thịt chuột lớn nhất Canh Nậu thuộc khu 2, Ao thuyền cho biết: Thịt chuột được nhà hàng chế biến thành 5 món khác nhau: chuột rán, chuột hấp, chuột xào, chuột giả cầy và chuột nấu đông.

Nhà hàng đã có thâm niên 5 năm trong việc chế biến và bán thịt chuột nhưng trước đây, chỉ có người trong làng ăn, khoảng 3 năm trở lại đây thì phong trào này nở rộ, khách khắp nơi đổ về ăn, thậm chí có cả khách quốc tế đến thưởng thức".

Không chỉ bán thịt chuột, ngoài mặt hàng này còn có thịt chó, mèo, gà, cá... tuy nhiên thịt chuột vẫn là thực đơn được nhiều thực khách lựa chọn, chị Trần Thi Quỳnh tâm sự: Không chỉ ngày thường, ngày lễ, tết rất đông người tới nhà hàng để ăn thịt chuột. Ngày cao điểm, cửa hàng bán tới 40kg chuột/ngày với giá đã chế biến khoảng 200.000 đồng/kg.

Món chuột hấp lá chanh

Nhiều người ăn xong còn mua chuột sơ chế mang về nhà làm quà. Trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, khu Canh Nậu đã bắt, tiêu thụ khoảng gần 2 tấn chuột. Năm nay, nhiều nhà thu nhập tiền triệu từ công việc này.

Một người có 5 năm trong nghề bắt và làm thịt chuột bật mí: Trong khi bò, gà rất ế thì chuột lại đắt hàng. Tuy nhiên, để có món thịt chuột ngon cũng không đơn giản. Việc vặt lông chuột là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định cho thịt ngon hay không. Bởi lẽ khi vặt lông, người làm cần phải pha nước đúng tiêu chuẩn lông chuột mới sạch, nếu cho nước nóng quá nó sẽ mất hết lớp da. Trong khi đó, thịt chuột ngon nhất là phần da".

Không chỉ kì công trong việc vặt lông sao cho da chuột không bị ảnh hưởng, sau công đoạn nay, trừ với món chuột hấp, hầu hết các món còn lại đều phải thui. Trước khi thui chuột, người dân phải chọn loại rơm khô, tơi, không còn ẩm ướt hoặc đã quá mủn, quạt đều tay suốt quá trình thui để da chuột vàng đều, không có mùi khói.

Lượng rơm thui cũng chỉ vừa đủ để da chuột không bị nứt. Sau khi thui xong, chuột được mổ ra, cắt đầu và 4 chân, moi hết nội tạng, chỉ giữ lại đôi lá gan. Ướp thêm gia vị: hành, tiêu, tỏi, ớt mọi thứ một chút, cho nhiều bột ngọt để mất đi cái mùi của chuột. Tuy nhiên, nếu không làm kỹ khi ăn sẽ phát hiện ra mùi chuột rất gây. Một số thực khách ban đầu đi ăn thì hào hứng, đến khi nhìn thấy và gắp miếng thịt chuột vào bát thì ngại hẳn. Có người không đủ can đảm để ăn tiếp hay nuốt miếng thịt vào bụng.

Một người dân làng Canh Nậu cho biết: Trước đây, người dân ở đây bắt chuột để giữ ruộng đồng. Thấy con chuột lớn thì mang về ăn chứ không nghĩ nó là đặc sản như bây giờ. Hiện, con chuột lớn cũng chỉ 3,4 lạng là cùng. Tuy nhiên, với giá như hiện nay, có người kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Chuột lại trở thành con kiếm tiền tiêu Tết.

Theo VNN