Một danh sách dài các giám đốc, phó giám đốc đơn vị điện lực và chi nhánh điện cao thế của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) được cử đi "học hỏi" ở 3 nơi là Hong Kong - Thẩm Quyến, Hàn Quốc, Đài Loan.
Danh sách này chia làm 18 đoàn, mỗi đoàn 20-30 người. Thời gian mỗi chuyến tham quan trong vòng 5-7 ngày. Với kế hoạch đi Hong Kong - Thẩm Quyến, từ đầu năm, SPC đã tổ chức 3 đoàn, 3 đoàn còn lại dự kiến sẽ khởi hành từ ngày 12/8 đến 31/8. Có 6 đoàn đi Hàn Quốc rải đều từ cuối tháng 7 đến 22/9. Kế hoạch cho 6 đoàn đi Đài Loan dự kiến được thực hiện vào cuối tháng 10 năm nay.
"Đây là lần đầu tiên tôi tham gia đoàn ra nước ngoài. Đoàn chúng tôi có 24 người, trong đó khoảng 3-4 người có gia đình đi cùng và họ tự túc chi phí cho người thân. Mục đích ra nước ngoài là chúng tôi học tập cách quản lý, kết cấu nhân sự, các công nghệ và tham quan", một phó giám đốc chi nhánh thuộc Điện lực Bến Tre vừa đi Hàn Quốc về cho biết.
Lãnh đạo một chi nhánh thuộc Điện lực Kiên Giang cũng vừa tham gia đoàn đi nước ngoài về cũng chia sẻ: "Sang bên đấy mới thấy công nghệ họ cao quá. Nếu chúng ta có các công nghệ đó đưa về nông thôn để phục vụ công tác quản lý, cung cấp điện thì quá hay". Vị lãnh đạo này cũng cho biết chương trình đi nước ngoài để học tập kết hợp tham quan phong cảnh, "rồi được giới thiệu về thành phố thông minh của bên họ".
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Tổng Công ty điện lực miền Nam cho biết chương trình tham quan - học tập nước ngoài này nằm trong đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tổng công ty được lên kế hoạch từ năm 2011.
Trong đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của SPC từ năm 2011 đến 2015, dự kiến các năm sau số cán bộ được đưa đi đào tạo nước ngoài cũng hơn 300 người. Tổng cộng trong 4 năm từ 2012 đến 2015, khoảng 1.500 cán bộ điện lực ra nước ngoài.
|
Ngành điện liên tục kêu lỗ nên vừa nâng giá bán điện lên 5%. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Mục tiêu của chương trình là tạo cơ hội cho các lãnh đạo cấp cơ sở có điều kiện tham quan học tập thực tế, tiếp cận với các hoạt động quản lý kinh doanh điện, qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong xu thế hội nhập", ông Nguyễn Tấn Nghiệp, Phó ban tổ chức nhân sự Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết.
Ngoài ra, theo ông Nghiệp, tổ chức đi nước ngoài cũng nhằm thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo cấp cơ sở đang giữ vai trò then chốt. Cụ thể nội dung là học tập phương pháp quản lý vận hành lưới điện, hệ thống tự động hóa, trao đổi với đơn vị nước ngoài về tổn thất điện, thị trường điện, tổ chức bộ máy...
Đại diện SPC giải thích rằng mỗi năm theo quy định, điện lực được phép chi phí cho đào tạo 2-5% quỹ lương, trong đó 30% dùng trong công tác đào tạo ở nước ngoài. Năm 2012, kinh phí đào tạo SPC được phép là hơn 116 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực miền Nam dự trù chỉ sử dụng hơn 54,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách đi nước ngoài gần 15 tỷ đồng.
"Mỗi cán bộ được cử đi Hàn Quốc chỉ mất khoảng 22-23 triệu đồng. Chuyến tham quan Đài Loan chúng tôi dự định hủy", đại diện SPC nói. SPC cũng khẳng định đây là lần đầu công ty tổ chức cử cán bộ ra nước ngoài tham quan học tập.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc SPC cho rằng cần nhìn nhận nhiều vấn đề nếu đặt ra câu hỏi về sự "lãng phí khi cho hàng trăm cán bộ đi nước ngoài trong bối cảnh ngành điện đang lỗ".
Theo đó, ông cho rằng năng suất lao động của ngành điện Việt Nam với mặt bằng chung nước khác vẫn thấp hơn, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng chưa cao (điện không ổn định, điện áp thay đổi), dịch vụ cung cấp điện cũng còn một số bất cập. Để giải quyết những vấn đề này, ngoài các biện pháp khác thì cũng cần phải học tập công nghệ, cách quản lý, tổ chức của nước ngoài.
"Chi phí với các đoàn cán bộ tham quan chỉ khoảng vài tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong định mức của nhà nước cho phép về việc đi đào tạo nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu chúng tôi áp dụng công nghệ và cách quản lý của nước ngoài thì có thể nâng năng suất lao động ngành điện lực", ông Bình giải thích.
Quyết định cử 400 cán bộ đi tham quan, học tập nước ngoài của Tổng công ty Điện lực Miền Nam được đưa ra trong bối cảnh ngành điện lỗ hàng nghìn tỷ đồng với lý do giá bán quá thấp không đủ bù chi phí. Trong phong trào tiết giảm 1.800 tỷ đồng chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng nhiều ông lớn khác cũng ký cam kết với Bộ Tài chính.
Kiên Cường