SGTT.VN
- Cuộc biểu tình hiếm có của người dân Myanmar trước đại sứ quán Trung
Quốc ở thủ đô Yangon vào ngày 20.9 dẫn đến quyết định dừng xây đập
Myitsone của tổng thống Myanmar vào cuối tuần qua, cho thấy làn sóng
ngầm chống Trung Quốc tại xứ sở “vùng đất vàng” đã tạm thời thắng thế.
Làm ngơ quyền lợi người dân bản địa
Đập trên sông Irrawaddy đã tạo nên một túi chứa nước còn lớn hơn cả Singapore. Ảnh: AP
|
Dự
án đập Myitsone do Trung Quốc làm chủ đầu tư càng làm tình trạng chống
Trung Quốc thêm trầm trọng. Xét về văn hóa, địa điểm xây đập ở thượng
nguồn sông Irrawaddy là nơi có ý nghĩa thiêng liêng và được coi là
nguồn gốc khai sinh ra Myanmar. Xét về ý nghĩa môi trường, nếu xây đập
sẽ có thể gây ngập lụt trên diện rộng khiến hàng chục ngàn người dân
phải bỏ nhà mà đi, hủy hoại khu vực đa dạng sinh học vào bậc nhất.
Tập
đoàn đầu tư điện lực Trung Quốc (CPI) đã thành lập một ủy ban gồm các
chuyên gia người Trung Quốc và Myanmar để khảo sát ảnh hưởng môi trường
khi xây đập. Bản báo cáo không được công bố rộng rãi, nhưng vài nhà
hoạt động đã tìm cách có được nó. Trong báo cáo gợi ý nên xây hai con
đập nhỏ hơn thay vì một con đập lớn. Lời đề xuất đó đã không được đoái
hoài. Ngoài ra, khi đập xây xong, dự kiến khoảng 90% điện năng tạo ra
sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Người
dân Myanmar không muốn phải đánh đổi những thiệt hại quá lớn đó. Họ
bắt đầu chiến dịch phản kháng từ năm 2007. Trong tháng 4.2010 đã xảy ra
bốn vụ nổ tại khu vực xây đập, khi đó các công nhân Trung Quốc còn
đang ngủ. May mắn không có ai thiệt mạng. Còn từ đầu năm 2011 đến nay
đã liên tục diễn ra các phong trào đấu tranh kêu gọi ngừng xây đập, của
người dân trong nước, các nhà hoạt động vì môi trường và dân chủ.
"Người
Myanmar sẽ được hưởng lợi rất lớn từ thương mại và đầu tư từ Trung
Quốc, nhưng cũng sẽ dẫn dến một phản ứng dữ dội nếu các dự án được thực
hiện không minh bạch và không quan tâm đến tác động ở cộng đồng địa
phương", tiến sĩ Thant Myint-U, một nhà sử học gốc Myanmar và là cựu
chuyên viên Liên Hiệp Quốc nói.
Điều cần thiết bắt buộc
Khi
Mỹ và EU mở rộng các lệnh trừng phạt Myanmar, chính quyền Myanmar bị
kéo vào quỹ đạo giao thương với Trung Quốc như một điều cần thiết bắt
buộc hơn là một sự lựa chọn. Trong năm tài chính 2010-2011, các dự án
đầu tư nước ngoài vào Myanmar có tổng giá trị 20 tỉ USD, trong đó các
công ty Hong Kong, Trung Quốc chiếm tới 70%, khiến Trung Quốc trở thành
nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Myanmar. Đập Myitsone chỉ là một
trong nhiều dự án thủy điện, khai khoáng và cơ sở hạ tầng của Trung
Quốc ở đây. Tham vọng lớn nhất của Trung Quốc là một cảng biển sâu cho
tàu chở dầu, dự kiến hoàn thành vào năm 2013, từ đó vận chuyển khí đốt
từ giếng dầu Shwe về Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của đại lục.
Mối
quan hệ đôi bên cùng có lợi này không khiến người dân Myanmar hài
lòng. Đến nay có khoảng 1-2 triệu người Trung Quốc đã nhập cư vào phía
bắc Myanmar. Tại những tỉnh như Mandalay và Myitkyina, người Trung Quốc
thống trị các ngành thương mại về ngọc và đá quý, đẩy giá bất động sản
lên cao, phô trương sự giàu qua những chiếc xe sang trọng mang biển số
Trung Quốc. Tại tỉnh Myitkyina, người Trung Quốc chiếm một nửa dân số.
Phần lớn dân Myanmar cho rằng các tỉnh phía bắc nước này giống như một
tỉnh của Trung Quốc. Dân Myanmar đổ lỗi cho các công ty Trung Quốc đã
gây ra sự hoang mạc hóa, và đặc biệt là lộ rõ âm mưu bóc lột tài nguyên
của nước mình để đem về Trung Quốc. Một nhà sư cao tuổi người Myanmar
giấu tên nói với tạp chí Economist: "Chúng tôi là bếp nhà của Trung
Quốc. Họ lấy những gì họ muốn và để lại những thứ thừa thãi cho chúng
tôi".
Hoãn
xây đập Myitsone lúc này trở thành sự kiện để ăn mừng cho những người
lo sợ làn sóng Trung Quốc tại Myanmar. Tuy nhiên, ngay sau khi tổng
thống Thein Sein tuyên bố sẽ dừng xây đập Myitsone, người phát ngôn bộ
Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi đã lên tiếng cảnh báo về việc
Myanmar không nể mặt hàng xóm.
“Trung
Quốc đề xuất đối thoại giữa hai chính quyền để làm rõ vụ việc, yêu cầu
Myanmar phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công ty Trung
Quốc... Cả hai bên phải có biện pháp đối phó thích hợp với vấn đề liên
quan đến tiến độ dự án thông qua hiệp thương hữu nghị", ông Hồng Lỗi
(bộ Ngoại giao Trung Quốc) phát biểu vào ngày 1.10. Trong công văn gửi
Quốc hội Myanmar của ông Thein Sein cũng chỉ nói không muốn việc xây
đập Myitsone diễn ra trong nhiệm kỳ của mình. Như vậy, số phận con đập
Myitsone vẫn còn chưa thể kết thúc.