Lữ Giang
Vụ "Ải Nam Quan của ta" tưởng như đã được giải quyết xong, nhất là sau khi ông Ngô Quốc Dũng, tự là Trương Nhân Tuấn, cho ấn hành cuốn "Biên giới Việt Trung 1885 – 2000" vào năm 2006 in lại các hiệp ước Thiên Tân giữa Pháp và Trung Quốc về biên giới Việt - Trung và các văn kiện đính kèm, vừa nguyên bản bằng tiếng Pháp, vừa dịch ra tiếng Việt, trong đó ghi rõ Nam Quan là của Tàu.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã không còn đặt nghi vấn về vấn đề Nam Quan nữa, nhưng một số chính khứa chạy ghế và chính khứa chạy rong vốn ít am tường về lịch sử và pháp lý, không chịu đọc tài liệu, vẫn tiếp tục dùng "tín điều Nam Quan của ta" để lừa dối quần chúng, xem nó như một thứ chiêu bài để "đánh bóng" tên tuổi của mình hay để chụp mũ các đối thủ.
TRÚNG KẾ LÊ ĐỨC ANH
Chúng ta nhớ lại, nhân dịp Đại Hội Đảng Toàn Quân từ ngày 3 đến 11.1.2001, Lê Đức Anh đã đứng lên tố Lê Khả Phiêu 10 tội, trong đó có một tội rất quan trọng là "Bán đất, bán biển cho Trung Quốc" trong chuyến đi Trung Quốc chầu Giang Trạch Dân. Sau đó, Luật sư Lê Chí Quang viết bài "Hãy cảnh giác Bắc Triều" nói rõ rằng phần đất bị "bán" là 720 cây số vuông.
Tiếp theo, khoảng 20 nhà ly khai gồm Tướng Trần Độ, Đại Tá Phạm Quế Dương, ông Hoàng Minh Chính, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Luật gia Lê Chí Quang v.v... tố cáo cột mốc Ải Nam Quan đã dời ra xa cửa ải đến 4 cây số. Những người này đòi hỏi phải công khai hoá tất cả các sự kiện liên quan đến viêc ký kết các hiệp định về lãnh thổ và lãnh hải với Trung Cộng. Bác sĩ Trần Đại Sỹ lại quả quyết mất 5 cây số, còn Diệu Vân bảo 9,5 cây, v.v. Tuy nhiên, những người này không đưa ra được bằng chứng nào. Trong khi đó, nhóm Lê Khả Phiêu dùng vụ án T-4 tại Tổng Cục II thuộc Bộ Quốc Phòng để chơi lại nhóm Lê Đức Anh.
Một số người Việt chống cộng ở hải ngoại vốn có tập quán suy nghĩ và hành động theo cảm tính giống như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nghe hô "Bán đất bán biển" là nhảy vô liền, ủng hộ một cách cuồng nhiệt lời tố cáo của Lê Đức Anh, một tên cộng sản nổi tiếng sắt máu và nhiều mưu mô xảo quyệt. Trúng kế của Lê Đức Anh, họ bắt đầu khóc Nam Quan. Khóc rằng:
Không thể được! Nam Quan không vĩnh biệt!
Ải thiêng kia đất cũ phải về ta.
Núi sông này là xương máu ông cha,
Thì con cháu sao buông lời vĩnh biệt!
Trước năm 1975, chúng tôi chưa bao giờ nghe ai nói hay đọc thấy tài liệu nào nói Ải Nam Quan là của Việt Nam. Nguyên hai chữ "Nam Quan" cũng đã tự nó nói lên nó là của Tàu rồi. Nếu là của Việt Nam, phải gọi là "Bắc Quan" chứ?
Tuy nhiên, để chắc ăn, cần phải xem lại trong các Hiệp Định Thiên Tân năm 1885, 1887 và 1895 giữa Trung Quốc và Pháp ấn định biên giới Việt – Trung đã ghi như thế nào. Tôi nhờ một người bạn ở Pháp vào Trung Tâm Văn Khố Hải Ngoại của Pháp xem giúp. Sau hai tháng, anh ta cho biết Nam Quan của Tàu, vì cột mốc biên giới mang số 18 trước Ải Nam Quan ghi rõ mốc này cách cửa ải khoảng 100m. Anh ta có chụp hình phần biên bản đó và gởi cho tôi.
MỘT NGƯỜI RẤT CAN ĐẢM
Tôi nghĩ rằng chuyện Nam Quan của Tàu là dĩ nhiên rồi, nhưng làm sao biết được Hà Nội đã "bán" hay "dâng" cho Tàu bao nhiêu đất và ở chỗ nào? Muốn biết đích xác chuyện này, cần sao chép lại ba Hiệp Ước Thiên Tân và các tài liệu liên quan để tra cứu và so sánh. Tôi viết bài trên diễn đàn đề nghị mỗi người góp chút tiền để nhờ một người ở Pháp làm giúp chuyện này.
Khi chưa có ai hưởng ứng, anh Ngô Quốc Bảo tự là Trương Nhân Tuấn, một người tốt nghiệp ngành toán và vật lý ở Pháp, đang ở Marseille, tự nguyện làm công việc đó. Tôi biết đây là một công việc khó khăn, vất vã, mất nhiều thì giờ và tiền bạc, đòi hỏi phải có kiến thức và biết phương pháp nghiên cứu mới làm được. Nhưng anh Bảo nói anh có khả năng làm chuyện đó và đã hoàn thành một cách tốt đẹp hơn như chúng tôi tưởng.
Cứ đọc các văn thư anh gởi lên diễn đàn, chúng tôi có cảm tưởng như anh đang tin tưởng "Nam Quan của ta" nên đã hăng say làm điều đó. Một thí dụ điển hình là khi mới tìm thấy "Công Ước liên quan đến việc ấn định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ" và bản đồ tổng quát trong đó có Ải Nam Quan, anh đã vội viết thư phản bác các bài viết của tôi như sau:
"Thưa ông Tú Gàn,
"Tôi đâu có nói mò! Xin ông xem bản đồ kèm theo. Chút nữa tôi sẽ gởi cái "Convention relative la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin" ký tại Bắc Kinh ngày 26 juin 1887 cho ông coi .
"Ông chê người ta nói mò hay theo cảm tính, vậy ông viết dựa lên gì ? Sử liệu ông đưa ra không còn giá trị, ông đưa ra làm chi?
"Ông nhìn kỹ bản đồ dưới đây sẽ thấy Nam Quan ở về phía VN. Ông có thể gởi bản đồ chứng minh ngược lại hay không? Hay ông cũng nói theo cảm tính?
"Kính
"Trương Nhân Tuấn"
Hai tài liệu mà anh cho phổ biến, tôi đã có rồi, nhưng nó không thể giúp xác định Nam Quan là của ta hay của Tàu. Anh cần phải tìm ra biên bản ấn định cột mốc ở vùng Nam Quan mới được.
Quả thật sau đó anh đã tìm thấy biên bản nói về cột mốc trước Ải Nam Quan, đó là cột mốc số 18, trong đó ghi rõ cột móc này ở phía trước Ải Nam Quan và cách Nam Quan khoảng 100m. Sự kiện này đã bắt anh phải thay đổi quan điểm. Trong thư gởi lên các diễn đàn và cho tôi lúc 2 giờ 11 phút chiều ngày thứ sáu mồng 8.3.2002, anh đã viết như sau:
"Nam Quan thuộc Trung-Hoa
"Kính thưa quí vị,
"Tôi đã tìm ra biên bản ghi rõ về vị trí của Nam Quan. Trụ cột đánh dấu biên giới Việt - Trung nằm trên đường từ Nam-Quan về Đồng Đăng, cách Nam Quan 100 thước.Nam Quan thuộc Trung-Hoa.
"Kính,
"Trương Nhân Tuấn"
Sau khi nghiên cứu thêm một thời gian, lúc 2 giờ 4 phút chiều thứ hai 2.6.2003 anh lại gởi lên các diễn đàn lá thư thứ hai với đề mục "Kẻ ngu Phu", nguyên văn như sau:
"Kính thưa qúy vị,
"Tôi xác nhận rằng ông Tú Gàn đã viết đúng trong thư này của ông.
"Thư tôi viết từ năm ngoái tôi chịu trách nhiệm những gì tôi viết lúc đó, nhưng nó đã không có giá trị, vì yếu tố thời gian.
"Nhân dịp này, tôi yêu cầu mọi người không nên tự tiện đăng lại các thư của tôi mà không hỏi ý kiến trước để tránh mọi ngộ nhận.
"Trân trọng,
"Trương Như Tuấn"
Đây là sự can đảm của một kẻ sĩ dám nói lên SỰ THẬT khi khám phá ra SỰ THẬT, mặc dầu đa số không muốn nghe SỰ THẬT đó.
Tất cả SỰ THẬT này anh đã trình bày trong cuốn "Biên Giới Việt – Trung 1885 – 2000" từ trang 257 đến 273 (đánh máy lại) và từ trang 274 đến 324 (bản hình chụp).
Tuy nhiên, trong toàn bộ cuốn sách anh phải dẫn giải thêm phần lịch sử và phê phán những lời tuyên bố của ông Lê Công Phụng, Thứ Trưởng Ngoại Giao của Hà Nội, để khỏi bị gọi là "tai sai cộng sản". Đó là cái khổ chung của các nhà nghiên cứu trong cộng đồng người Việt.
BẰNG CHỨNG VỀ PHÁP LÝ
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, trong việc chứng minh chủ quyền về lãnh thổ trên bộ hay trên biển, phải dẫn chứng bằng các văn kiện hay các tiêu chuẩn pháp lý, chứ không thể dùng lịch sử được. Lịch sử chỉ giúp tìm hiểu các diễn biến đã xẩy ra mà thôi.
Một thì dụ điển hình là trong cuộc hội thảo được tổ chức tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Washington trong hai ngày ngày 20 và 21.6.2011, giáo sư Tô Hảo (Su Hao), đại diện của Trung Quốc, đã đem ra một thùng tài liệu lịch sử để chứng minh Trung Quốc đã hiện diện tại Biển Đông từ 2000 năm về trước và chủ quyền lịch sử của Trung Quốc không thể chối cãi được. Nhưng ông Termsak Chalermpalanupap, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thư ký ASEAN đã kê tủ đứng vào họng:
"Tôi không cho rằng Công Ước Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền".
Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải Quân Hoa Kỳ bồi thêm:
"Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS."
Để chứng minh chủ quyền các đảo trên Biển Đông, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam phải chứng minh sự chiếm hữu của họ phù hợp với các điều kiện của quốc tế công pháp: Công khai, hoà bình, liên lục và chiếm hữu để làm sở hữu chủ. Lịch sử không liên quan gì cả.
Trong vụ Ải Nam Quan cũng vậy, không thể đem Đại Nam Nhất Thống Chí, Phương Đình Dư Địa Chí, Quảng Châu Ký, Tần Thư Địa Lý Chí, Lĩnh Biểu Lục Dị, sách giáo khoa, thơ văn của người xưa… ra để chứng minh được, mà phải dùng các văn kiện pháp lý, đó là:
(1) Hiệp Ước Hòa Bình, Hữu Nghị và Thương Mại (Traité de Paix, d'Amitié, et de Commerce) ngày 9.6.1885 giữa Pháp và Trung Hoa.
(2) Công Ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26.6.1887 được bổ sung bởi Công Ước ngày 20.6.1895 với biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo.
(3) Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện tại hai Công Ước vừa nói ký kết từ ngày 15.4.1890 đến ngày 13.6.1897.
Biên bản của Ủy Ban Phân Định Biên Giới Trung - Việt, phần phía Đông tỉnh Quảng Tây (Procès Verbal de la Commission d'Abornment de la Frontière Sino - Anamite, Section Est du Kouang Si) lập ngày 21.8.1891 gồm 5 trang giấy viết tay do đại diện của Pháp và Trung Hoa ký tên và đóng dấu trên từng trang, đã ghi rõ:
""De Nam Quan à Bình Nhi, 1 ère borne: sur le chemin de Nam Quan à Dong Dang (à 100m au sud de la porte.)
Có nghĩa là: "Từ Nam Quan đến Bình Nhi, cột mốc thứ nhất, trên đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng (cách 100 thước về phía nam của cửa khẩu).
Biên bản ngày 19.6.1894 đính theo Hiệp Ước Thiên Tân, ghi cột mốc cắm trước Ải Nam Quan là cột móc số 18 với ghi chú:
"À environ 100m en avant de la porte de Nam Quan"
Có nghĩa là: "Khoảng 100 thước trước cửa Nam Quan".
Xin đừng lầm lẫn cột mốc biên giới số 18 và cột mốc số 0 của Quốc Lộ 1 chạy dài đến mũi Cà Mau.
Như vây, trên phương diện pháp lý, Nam Quan thuộc về Trung Quốc.
Căn cứ vào các văn bản pháp lý nói trên, khi vẻ các bản đồ quân sự vùng biên giới Việt – Trung, người Pháp và người Mỹ đều ghi Ải Nam Quan là "Porte de Chine" (Cửa của Trung Hoa). Rất nhiều hình ảnh do nhà nhiếp ảnh Pierre Dieulefils (1862-1937) của Pháp chụp về Ải Nam Quan từ 1902 – 1924 cũng đều ghi tương tự, chẳng hạn như tấm bưu thiệp mang số 111, chụp đường đi vào Ải Nam Quan, có đông người đang ra vào và ghi: "Entrée de la Porte de Chine et la grande Muraille" (Lối vào Cửa của Trung Hoa và Bức Đại Tường Thành)
Hà Nội cho biết, cột mốc số 18 đã bị Trung Quốc nhổ bỏ không biết từ lúc nào (nhưng vẫn còn trên các văn bản pháp lý)
Hà Nội cũng cho biết thêm năm 1955, khi giúp Việt Nam khôi phục lại đường sắt từ biên giới Việt Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, Trung Quốc đã lợi dụng đặt đường sắt sâu vào lãnh thổ Việt Nam 300 thước. Cột mốc số 0 của Quốc Lộ 1 cũng bị Trung Quốc dời sâu vào lãnh thổ Việt Nam 100 thước và coi đó là mốc biên giới giữa hai nước!
(Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr.10).
DÙNG CHIÊU BÀI NAM QUAN?
Mới đây, chúng tôi đã viết hai bài nói về bản chất của người Việt được đa số lấy làm thích thú và hoan nghênh, nhưng các chính khứa chạy ghế và các chính khứa chạy rong cảm thấy bị "chạm nọc" đã dùng trò "chọi đá đường rầy xe lửa" của nhóm Giao Điểm để chống lại. Mặc Giao ở Canada dùng chiêu bài Cha Lý, còn Đổ Thái Nhiên ở Orange County dùng chiêu bài Nam Quan.
Năm 2002, khi tôi viết một loạt bài nói về Ải Nam Quang của ai, Đổ Thái Nhiên đã viết bài "Đặc Công Truyền Thông" phổ biến ngày 20.8.2002 tố cáo tôi là đặc công của Việt Cộng. Nay bị "chạm nọc", ngày 20.1.2012, ông lại cho phổ biến bài này lại. Điều này chứng tỏ Đỗ Thái Nhiên là người thiếu tinh thần phục thiện và có ác y (malice), vì các tài liệu pháp lý về Ải Nam Quan đã được công bố rồi.
Đỗ Thái Nhiên tên thật là Nguyễn Phương Minh, trước đây ở Sài Gòn ông là một luật sư nên tôi biết rất rõ. Ông tuyên thệ ngày 1.6.1968, nhưng đến ngày 4.4.1974 mới ghi tên vào Luật Sư Đoàn Sài Gòn để đi hành nghề. Tuy nhiên, qua đến năm 1975 thì đứt phim, nên ông phải bỏ cuộc.
Với kinh nghiệm hành nghề ngắn ngủi như thế và không phải là một nhà thâm cứu, nên khi ra hải ngoại, không bao giờ Đỗ Thái Nhiên dám tranh luận về pháp lý, nhất là về vấn đề biên giới Việt – Trung và Biển Đông. Hầu hết tại các cuộc hội thảo mà Đỗ Thái Nhiên đến đọc "tham luận", kể cả Đại Hội Toàn Quân, ông ta chỉ nói theo cảm tính và dùng Luận Lý Giáo Khoa Thư Lớp Đồng Ấu đề giảng dạy. Ông luôn vuốt đuôi cử tọa và chụp mũ chứ không đưa ra sáng kiến nào.
Nhận thấy bài của ông thiếu căn bản, ngày 21.1.2012, tôi đã gởi lên các diễn đàn thư yêu cầu ông cùng tôi lên truyền hình để thảo luận xem theo các Hiệp Ước Thiên Tân và các văn bản đính kèm, Ải Nam Quan là của Tàu hay của Việt Nam. Tôi muốn nhân cơ hội này, nhờ đài truyền hình chiếu lên cho đồng hương thấy các văn kiện pháp lý đã quy định như thế nào về Ải Nam Quan.
Dĩ nhiên, Đỗ Thái Nhiên chạy làng vì ông không nắm vững vấn đề phải tranh luận. Trong văn thư đề ngày 22.1.2012, ông thách tôi ra "Toà án Nhân Dân" để nói chuyện với ông. Trong văn thư công bố ngày 27.1.2012, dưới đầu đề Đỗ Thái Nhiên định "bề hội đồng", tôi đã viết như sau:
"Đỗ Thái nhiên định bắt chước Nguyễn Hữu Chánh hay Việt Cộng, lập "Toà Án Nhân Dân" để "bề hội đồng". Tôi biết anh không tranh luận nổi với tôi mới tính trò "bề hội đồng" kiểu này. Đó là trò của Nguyễn Hữu Chánh hay của Việt Cộng, không phải là thái độ của kẻ sĩ. Nhưng tôi sẽ trình bày sự thật. "Một triệu con số không cộng lại vẫn là con số không!"
NHÌN QUA LỊCH SỬ
Chúng tôi xin ghi lại dưới đây vài dòng lịch sử của Ải Nam Quan không có mục tiêu chứng minh về chủ quyền mà chỉ muốn giúp độc giả có quan niệm khái quát về Ải Nam Quan.
Lịch sử cho biết cửa Ải Nam Quan được xây từ đời Gia Tĩnh triều Minh (1522 – 1566), có tường chạy dọc theo sườn núi suốt 119 trượng.
Phía Bắc cửa ải, Trung quốc có dựng một nhà khách gọi "Chiêu Đức Đài" (Chiêu là đưa tay vẫy gọi đến – nói theo kiểu trịch thượng) còn phía Nam cửa ải, Việt Nam cũng dựng một nhà khách và gọi là "Ngưỡng Đức Đài" (Ngưỡng là mến phục, nhờ cậy – ý nói lên sự tuân phục)
Ông Nguyễn Trọng Đang cho biết thời nhà Lê, năm Canh Tý, ông đang giữ chức Đốc Trấn ở đó, vua Lê cho trùng tu lại Ngưỡng Đức Đài bằng gạch đá nên có vẽ hoành tráng, vì trước đó chỉ lợp bằng cỏ. Lịch Triều Hiến Chuơng Loại Chí của Phan Huy Chú cho thấy Tàu đã ấn định thể thức đón tiếp sứ Tàu rất hống hách và tốn kèm.
Trong suốt thời kỳ phong kiến qua thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ Việt Minh, thời kỳ Bảo Đại, đến thời Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH, chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến sự tranh chấp nào về Ải Nam Quan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cũng không thấy có chính phủ nào (kể cả Pháp) cử người trấn thủ và canh gác Ải Nam Quan. Ải đó vẫn do Tàu làm chủ trong suốt tiến trình lịch sử kể từ đời Gia Tĩnh đến nay. Vì thế, dù có cả triệu người coi "Nam Quan của ta" như một thứ "tín điều bất khả ngộ" cũng chẳng làm thay đổi được gì: "Một triệu con số không cộng lại vẫn là con số không".
Ngày 31.1.2012
Lữ Giang