THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 November 2010

Tàu điện một ray tại TP Hồ Chí Minh: Tính kỹ khả năng hút khách và khả năng kết nối !

Cập nhật lúc 17:14, Thứ hai, 15/11/2010 (GMT+7)

NDĐT - Tại TP HCM, việc xây dựng monorail cần tính toán thật kỹ khả năng thu hút hành khách sau khi hoạt động, khả năng kiên kết giữa các tuyến vận tải công cộng (nhằm thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, giảm áp lực giao thông đô thị), vấn đề quy hoạch để xây dựng (mặt bằng), kiến trúc hạ tầng đô thị TP, vị trí để xây dựng…. Đó là ý kiến ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM.

 

Đề án phát triển giao thông vận tải TP HCM từ nay đến năm 2020 có đề cập đến việc phát triển hệ thống Monorail - tàu điện một ray. Vây cụ thể monorail sẽ được xây dựng trên những tuyến nào?

Trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị trong thời gian tới, TP đã bố trí 6 tuyến dành cho metro với tổng chiều dài khoảng 108km, 1 tuyến dành cho tramway (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây) và hai tuyến dành cho monorail gồm: Tuyến Monorail số 2 dài 12 km có điểm đầu tại Nguyễn Văn Linh (Q.7) giao với Quốc lộ 50 và điểm cuối là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2); nhà ga rộng khoảng 5 ha được bố trí tại huyện Bình Chánh. Tuyến Monorail số 3 dài 8 km có điểm đầu từ Ngã sáu Gò Vấp, chạy qua công viên phần mềm Quang Trung và đến Tân Thới Hiệp (Q.12), nhà ga rộng 5ha bố trí tại quận 12.

Việc xây dựng monorail chỉ còn vướng mắc ở khâu chọn nhà đầu tư thích hợp để đàm phán hợp đồng và triển khai. Nếu suôn sẻ thì trước 2015, TP HCM sẽ có tuyến Monorail đầu tiên.

Mặc dù Monorail chiếm ít diện tích và được xây dựng trên cao nhưng phần lớn các tuyến đường TP HCM, nhất là các tuyến đường nội thị hẹp về chiều rộng. Việc phát triển hệ thống Monorail vì thế có khả thi không, thưa ông?

Hiện TP có khoảng 14% tuyến đường có lòng đường rộng trên 12m, đủ phục vụ cho việc phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn, trong đó có tàu điện một ray.

Hơn nữa các tuyến đường đề xuất phát triển hai tuyến tàu điện một ray trên đều phân bố ở vùng lận cận với trung tâm TP nên có đủ diện tích mặt bằng xây dựng. Theo thiết kế thì chỉ cần bề mặt rộng 3m là có thể xây dựng được monorail.

Việc xây dựng Monorail tại các tuyến đường trên có giảm được áp lực giao thông trong nội thành?

Hiện TP HCM đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện di dời ra bên ngoài các khu công nghiệp, dãn dân ra các khu đô thị vệ tinh, xây dựng các khu liên hợp dân cư - công nghiệp… Khi phát triển hệ thống monorail trên các tuyến đường vùng ven sẽ tạo sự kết nối giữa nội và ngoại thành, thu hút dân ra làm việc tại các đô thị ven Sài Gòn như Nam Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng…, tạo sự phân bố dân cư hợp lý giữa nội và ngoại thành.

Khi xây dựng monorail, chúng tôi sẽ bố trí liên hoàn các trạm chờ trên cao, các ga trên tuyến cộng với phát triển hệ thống bãi xe buýt gần các ga tàu. Đồng thời, xây dựng hệ thống đường kết nối, tạo sự phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng. Khi đó, hệ thống xe buýt sẽ đi trên các tuyến đường kết nối giữa nội thành với tuyến đường sắt một ray vùng ven và làm nhiệm vụ trung chuyển hành khách nội thành ra vùng ven đi trên tàu một ray, đi làm các khu đô thị vệ tinh. Monorail là hệ thống xương sườn kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng TP HCM.

Việc xây dựng monorail cần phải tính tới những khía cạnh đặc thù nào của TP HCM?

Việc xây dựng monorail dĩ nhiên phải gắn với những đặc điểm riêng biệt của đô thị đó khi xây dựng. Riêng tại TP HCM, việc xây dựng monorail cần tính toán thật kỹ khả năng thu hút hành khách sau khi hoạt động, khả năng kiên kết giữa các tuyến vận tải công cộng (nhằm thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, giảm áp lực giao thông đô thị), vấn đề quy hoạch để xây dựng (mặt bằng), kiến trúc hạ tầng đô thị TP, vị trí để xây dựng…

Trong đó, việc xây dựng monorail phải tính đến khả năng liên kết giữa các tuyến vận tải hành khách công cộng được cho là cốt lõi. Hiện nay tại TP HCM, hệ thống monorail được quy hoạch 2 tuyến nhằm phục vụ việc kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị - Metro. Cụ thể, tuyến monorail số 2 kết nối với tuyến metro số 5 (bến xe Cần Giuộc mới, Q.8 - cầu Sài Gòn, Q.Bình Thạnh) vào khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2 - đang quy hoạch) để kết nối với tuyến số 1 (Bến Thành, Q.1 - Suối Tiên, Q.9). Hoặc tuyến monorail số 3 kết nối với tuyến metro số 4 (cầu Bến Cát, Q.Gò Vấp - Nguyễn Văn Linh, Q.7) đi ra hướng phía bắc TP.

Ngoài ra, trên hệ thống monorail sẽ xây dựng hệ thống nhà ga kết nối với hệ thống xe buýt, để từ đó xe buýt sẽ trung chuyến cho hệ thống đường sắt đô thị; Đồng thời, làm nhiệm vụ thu gom hành khách trên hệ thống tàu điện một  ray.

Bên cạnh đó, 1 số khu vực chưa có hệ thống metro thì các tuyến tàu điện 1 ray sẽ là phương tiện vận tải chủ lực trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới.

Tàu điện 1 ray tại TP HCM sẽ mang lại hiệu quả gì cho giao thông công cộng?

Hệ thống giao thông, trong đó có mạng lưới đường sắt đô thị là xương sống của mọi quy hoạch, nó đóng vai trò bảo đảm cho sự hoạt động của TP và các vùng phụ cận.

Trong khi, xe máy tại TP tăng cao, xe buýt chưa phát huy hiệu quả cao, sự gia tăng dân số từ nay đến 2020 theo tính toán lên tới 10 triệu người. Do vậy, đòi hỏi phải mở rộng không gian đô thị, gắn liền phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, để vừa giản dân vừa giảm áp lực giao thông khu vực nội đô.

Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, trong đó có monorail tại TP không những giải quyết những vấn đề nóng bỏng nêu trên, mà còn giúp tốc độ phát triển đáng kể trên địa bàn TP, tạo tiền đề thu hút đầu tư, cung cấp một số việc làm và người lao động lớn với trình độ chuyên môn cao (phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân thông qua vận tải công cộng - trong đó gồm monorail).

Ngoài ra, việc phát triển trên còn giúp thực thi chính sách xây dựng đô thị đã được hoạch định. Điều phối một cách hiệu quả, nhịp nhàng toàn bộ hệ thống VTHKCC theo không gian và thời gian, thỏa mãn nhu cầu đi lại ngày càng đa dạng của người dân với chi phí thời gian đi lại thấp nhất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

 

Một số thông tin liên quan

* "Chi phí cho một km đường sắt một  ray trên cao tại TP HCM chỉ tốn 8 triệu USD trong khi đầu tư cho đường sắt hai ray là khoảng 40-50 triệu USD " - Nguồn: Hội thảo về tàu điện một ray tại TP HCM sáng 26-8-2010, Bee.net.vn

* Ưu điểm của tàu điện một ray là: Chiếm ít diện tích, không mất nhiều công sức giải phóng mặt bằng . Bán kính đổi hướng nhỏ nên có thể luồn lách quanh những toà nhà, chạy theo các giải phân cách, vượt lên trên các công trình giao thông hiện hữu hay hạ xuống ngầm tuỳ theo từng khu vực. Tàu điện một ray chạy bằng nguồn điện một chiều hoặc động cơ Hydrid nên không gây ô nhiễm môi trường , không gây tiếng ồn, tốc độ trung bình là 60 - 90 km/h. Một toa lớn có thể vận chuyển 200 người. Hiện ở nhiều nước đã xây dựng và khai thác hiệu quả loại hình giao thông này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Maylaysia, Trung Quốc - Nguồn: Hội thảo ngày 21-7-2010 do Liên hiệp Các Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt nam và Vinaconex  tổ chức, Lao động 21-7-2010.

* 'Theo tôi, đường sắt một ray là một giải pháp hay, nhưng thực hiện thế nào thì cần phải tiếp tục nghiên cứu để đề xây dựng dự án cụ thể'- PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN (VUSTA) - Nguồn: Hội thảo ngày 21-7-2010 do Liên hiệp Các Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp Vinaconex tổ chức.

* Việc phát triển một hay hai ray không quan trọng, điều cốt yếu là phải tính toán thật kỹ về các yếu tố kỹ thuật của nó trước khi tiến hành đầu tư và xây dựng. Ngoài ra phải xem xét năng lực vận chuyển, mức đầu tư và thời gian thi công. Bởi các tính toán về xây dựng monorail vẫn chưa xét rõ các yếu tố phát sinh, mới chỉ là phần thô. Thí dụ, về monorail được tính toán là 8 triệu USD/km, tuy nhiên đó chỉ là phần cầu trên cao, chưa kể hệ thống đường ray, hệ thống điện, demor (trạm dừng)... - Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng kỹ thuật, BQL đường sắt đô thị TP HCM. Nguồn: Khoa học và đời sống Online, 26-8-2010.

* Ở châu Âu có 1.782km tàu điện 2 ray, 5121km đường tram và không có thông kê về tàu điện một ray. Về số lượng trong giao thông công cộng, có 285 hệ thống metro và tram, trong khi chỉ có 3 hệ thống monorail. Hình thức tàu điện nhẹ đô thị (LRT) khi được đem so sánh với xe buýt thông thường, xe buýt nhanh thì mặc dù đắt hơn về kinh phí đầu tư nhưng các hiệu quả khách thì nổi trội hơn hẳn. Các hệ thống monorail đang gặp phải một số khó khăn, thí dụ: Jakarta monorail ở Indonesia đã bị nhà thầu dừng xây dựng năm 2008 hay Putrajaya Monorail ở Malaysia dừng xây dựng năm 2004; Sky bus Metro ở Ấn Độ mới xây dựng được 1,6km, còn 10,5km thì bị dừng. Ngoài ra, có một số hệ thống Monorail ở Châu Á đã bị loại bỏ khỏi giao thông đô thị - KTS Nguyễn Chí Thành, Chuyên viên ngành Nghiên cứu Đô thị và Quy hoạch Chiến lược, ĐH KU Leuven, Bỉ: Nguồn (VNN- Bàn tròn trực tuyến về 'Tàu điện một ray: Nên? Không nên?

http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201008/Truc-tuyen-ve-tau-dien-mot-ray-Nen-Khong-nen-Vi-sao-928772/

 

HÀ TUẤN

Thi hành án vụ Tamexco: 13 năm vẫn nằm đấy

Cập nhật lúc 19:30, Thứ hai, 15/11/2010 (GMT+7)
Thi hành án (THA) các vụ án dân sự luôn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ án tồn đọng còn nhiều. Đa phần các vụ án, người phải THA không chịu thi hành nhưng cũng có những vụ, người THA muốn thi hành nhanh nhưng cũng chịu vì "vướng" nhiều thứ. Điển hình là vụ án Tamexco. Sau hơn 13 năm bản án được tuyên, cơ quan thi hành án (THA) vẫn loay hoay chưa biết nên phát mại hay giao lại còn người THA cũng mong sớm có "lối thoát" để hoàn tất trách nhiệm dân sự của mình.

Tù nhân tự nguyện xin thi hành án

Năm 1997, vụ án nổi tiếng Tamexco gây chấn động dư luận với số tiền tham ô lên đến hàng trăm tỉ đồng và kết thúc với bốn án tử hình. Ông Lê Minh Hải (Giám đốc Cty TNHH Dolphin) - bị kết án tử hình về tội danh Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, sau đó được Chủ tịch nước giảm xuống án chung thân. Theo Bản án số 379/HSPT ngày 31-3-1997 của TANDTC, phần trách nhiệm dân sự, ông Hải còn phải bồi thường cho Công ty Tamexco tổng số tiền 64 tỷ đồng.

Ngay từ khi đang thụ án chung thân tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), cuối năm 2003, ông Hải đã gửi đơn tới Phòng Thi hành án dân sự (THADS) TP Hồ Chí Minh, đề nghị sau ngày 1-1-2004, khi có đơn giá đất do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành thì có thể quyết toán hoặc đem bán đấu giá khu đất 72ha tại khu Phước Cơ, phường 12, TP Vũng Tàu để lấy tiền THA.

Theo nội dung hợp đồng được ký kết giữa Phạm Huy Phước (Giám đốc Cty Tamexco) và ông Lê Minh Hải, trên tổng số khu đất 72ha, ông Hải mua 507.535m2 đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại khu Phước Cơ, rồi làm thủ tục chuyển quyền cho Tamexco. Còn Công ty TNHH Dolphin ủy quyền cho Tamexco sử dụng 210.110m2 đất nuôi trồng thủy sản tại khu Phước Cơ để thế chấp vay tiền. Tổng cộng diện tích hơn 72 ha nói trên do các hộ dân chuyển nhượng cho ông Hải được các cơ quan chính quyền, công chứng chứng nhận. Cũng theo bản án số 379/HSPT, Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền những lô đất mà Tamexco đã đưa vào thế chấp liên doanh ở Vietcombank, Firstvinabank, trong đó có hơn 72ha nói trên.

UBND tỉnh: đề nghị, chờ, đề nghị …

Năm 2004, Cục THADS TP Hồ Chí Minh có công văn báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho phát mại tài sản để đảm bảo THA. Sau đó, theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đưa ra ý kiến rằng, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra cụ thể lô đất của Tamexco đã thế chấp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng các lô đất trên. Năm 2005, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh này quản lý, đưa vào sử dụng lô đất trên.

Sau gần 10 năm thụ án, do cải tạo tốt, ngày 2-9-2005, ông Lê Minh Hải đã được đặc xá. Ông Hải làm đơn xin giao lại lô đất trên để thực hiện dự án. Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cũng có công văn xin UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập dự án đầu tư tại TP Vũng Tàu với quy mô sử dụng 300 ha đất, trong đó có những lô đất liên quan đến trách nhiệm của ông Lê Minh Hải.

Ngày 24-3-2008, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Công văn 1708, xin rút lại đề nghị giao đất cho tỉnh quản lý trước đó, đồng thời đề nghị Thủ tướng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường và cơ quan có thẩm quyền thẩm định tính pháp lý của các lô đất. Nếu các lô đất trên hợp pháp, thuộc quyền sử dụng của ông Hải thì giao lại cho ông Hải sử dụng, nếu ông Hải đã hoàn thành trách nhiệm THADS.

Mới đây nhất (ngày 26-2-2010), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn gửi Chánh án TANDTC, với nội dung đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT có chủ trương về mặt nguyên tắc, giao lại đất cho ông Lê Minh Hải đầu tư sở hữu theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời, ràng buộc việc thực hiện trách nhiệm dân sự của ông Lê Minh Hải. Trường hợp ông Lê Minh Hải không thi hành nghĩa vụ theo quy định thì sẽ giao lại cho các cơ quan chức năng phát mãi. UBND tỉnh này cho rằng, việc giao lại đất cho ông Hải sẽ tạo điều kiện cho việc đầu tư xây dựng dự án một cách đồng bộ, ông Hải có điều kiện tự khắc phục hậu quả.

Bộ Tư pháp: Án không khó thi hành, cái khó là cách làm

Ông Nguyễn Văn Luyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cho biết, quan điểm của cơ quan THADS là người phải THA phải thi hành xong nghĩa vụ thì mới giao lại đất. Trị giá lô đất 72 ha có thể lớn hơn gái trị tài sản ông Hải phải THA, nhất là khi được đầu tư dự án khả thi. "Nếu để cơ quan THADS phát mại, chắc chắn sẽ không "được giá" như ông Hải tự bán, và như vậy dự án đã được phê duyệt cũng khó triển khai, mảnh đất khó sinh lợi. Để giải quyết vụ việc này, không khó về luật, mà quan trọng là cách làm, dù chưa có qui định về giao tài sản bảo đảm THA cho người phải THA khi chưa thi hành xong nghĩa vụ", ông Luyện nói.

Ông Luyện cho rằng, cũng có thể giao lại lô đất cho ông Hải nếu ông Hải cam kết sẽ THA và cơ quan THADS giám sát được việc quản lý, chuyển nhượng khối tài sản này. Ngoài việc ông Hải làm cam kết, trong quyết định giao đất cho ông Hải, phải ghi rõ các điều khoản ràng buộc trách nhiệm đảm bảo cho THA như nếu ông Hải bán thì phải thông báo cho cơ quan THADS biết để giám sát; thông báo cho cơ quan công chứng để làm thủ tục. Khi bán, được bao nhiêu tiền, cơ quan THADS phải thu số tiền ông Hải phải thi hành trước, rồi mới bàn giao nốt cho "khổ chủ"… Còn nếu để ông Hải tự bán, tự thu tiền, không có sự giám sát của THA rồi không chịu thi hành, thì bên được THA sẽ kiện, và lúc này cơ quan THA phải "giơ đầu chịu báng" vì đã tạo điều kiện cho đương sự.

Bản án đã có hiệu lực 13 năm, và đó cũng là quãng thời gian 72ha đất không được sử dụng gây lãng phí, bên được THA phải chờ mãi người phải THA rơi vào tình cảnh có tài sản mà không trả được nợ, có đất mà không được "cày cuốc". Vụ án này chỉ có thể thi hành dứt điểm, nếu có sự hợp tác đầy thiện chí của các bên liên quan!

Hương Nguyên

Phó Phòng thi hành án tỉnh Tiền Giang bị phạt ba năm tù treo

Cập nhật lúc 19:32, Thứ hai, 15/11/2010 (GMT+7)
NDĐT - TAND tỉnh Tiền Giang chiều 15-11 đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Tám, Phó phòng thi hành án (THA) nay là Cục THA tỉnh Tiền Giang ba năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là năm năm về tội ra quyết định trái pháp luật.

Tòa còn tuyên phạt ông Lê Tấn Trung, trưởng Phòng nghiệp vụ Cục THA hai năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là bốn năm, đồng thời, tuyên phạt cấm hai bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong thời gian thử thách. Ngoài ra tòa còn buộc Cục THA phải có trách nhiệm trả lại cho UBND tỉnh Tiền Giang số tiền gần 800 triệu đồng thiệt hại do hai bị cáo gây ra.

Theo cáo trạng, năm 2000, bà Cao Quế Hoa ngụ huyện Cai Lậy trúng đấu giá căn nhà là tài sản kê biên của Nguyễn Văn Thừa – bị cáo trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau đó Trung tâm Bán đấu giá tỉnh Tiền Giang lại có văn bản đề nghị Thi hành án tỉnh Tiền Giang cho Nguyễn Văn Thừa chuộc lại căn nhà trên. Bà Hoa gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có báo cáo kết luận hai bị cáo có hành vi "ra quyết định trái pháp luật". UBND tỉnh Tiền Giang phải bỏ tiền mua lại căn nhà để giao cho bà Hoa.

Tấn Vũ

Quảng Ngãi: Do ảnh hưởng của lũ nên tất cả học sinh tạm thời được nghỉ học

Thứ hai, 15/11/2010 13:56 
 
(CAO) Chiều ngày 14 - 11, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có các ông Nguyễn Hòa Bình-Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh, Trương Ngọc Nhi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, nên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to khiến mực nước ở các sông dâng cao. Tính đến 19 giờ ngày 14 - 11, mực nước ở các sông trong tỉnh đều vượt mức báo động ba.


Nhiều tuyến đường bị ngập trong lũ

Hiện giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị tệ liệt hoàn toàn do nước lũ đã tràn qua. Đặc biệt tại Cầu Cháy, thuộc xã Bình Hiệp, nước lũ đã dâng cao qua cầu hơn nửa mét và chảy xiết. Hơn 1km đoạn Quốc lộ 1A qua địa phận xã Bình Nguyên nước lũ cũng dâng cao khiến giao thông trên tuyến quốc lộ qua đoạn này cũng bị ách tắc. Hiện có hàng ngàn phương tiện kéo dài hàng chục cây số dọc tuyến quốc lộ 1A đang bị mắc kẹt. Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Bình Sơn đã được huy động tại các điểm ngập trên quốc lộ 1A để không cho các phương tiện qua lại.

Nước sông dâng cao đã khiến cho tất cả các xã trên địa bàn huyện Bình Sơn bị ngập, các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã cũng bị tê liệt do ngập sâu, nặng nhất là các xã khu Đông huyện Bình Sơn. Huyện Bình Sơn đã khẩn cấp di dời được 300 hộ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Hiện có 4 nhà dân ở thôn Phước Thiện thì bị sập hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà khác bị sập sập một phần.

Hiện tuyến đường về thôn Phước Thiện bị nước lũ xói lở một đoạn dài hơn 10 mét với khối lượng cả ngàn m3 khiến cho hơn 1.500 hộ dân ở thôn Phước Thiện bị cô lập. Các tuyến giao thông từ thành phố Quảng Ngãi đi Sơn Hà, Sơn Hà đi Sơn Tây cũng bị tắc nghẽn.

Tại cuộc họp, ông Trương Ngọc Nhi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương di dời tất cả những hộ dân sống ven sông đến nơi an toàn trước 21 giờ ngày 14/11, tuyệt đối không để người dân nào bị chết do lũ.

Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Bình Sơn phải túc trực ngay điểm ngập trên quốc lộ 1A, cấm tuyệt đối các phương tiện qua vùng bị ngập, đồng thời bảo đảm an toàn tài sản cho hành khách trên xe trong thời gian dừng đợi nước lũ rút, ngoài ra địa phương cũng lên phương án hỗ trợ thức ăn, nước uống cho hành khách. Các tuyến đường liên huyện, xã, thôn bị ngập thì  bố trí lực lượng dân quân tự vệ, công an huyện, xã túc trực không cho người dân qua lại.

Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Ngãi đã thông báo cho tất cả học sinh tạm thời nghỉ học ít nhất trong ngày ngày 15 - 11. Nghiêm cấm người dân vớt củi và đánh cá khi lũ đang lên. 

 
 H.N

6.000 dân huyện núi Khánh Sơn bị cô lập sau lũ

Thứ hai, 15/11/2010 12:31 
 
(CAO) UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ 30 -10 đến nay đường về hai xã Thành Sơn và Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn đã bị lũ cắt ngang thành sông. 16 ngày nay, toàn bộ 6.000 dân ở hai xã này bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Đoạn đường từ trung tâm thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn đến 2 xã Sơn Lâm và Thành Sơn dài khoảng 20km cũng đang bị sạt lở , việc đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt cầu tràn Sơn Bình qua sông Tô Hạp đã bị đất đá lấp tạo thành dòng chảy mới. Điều này khiến 2 xã Sơn Lâm, Thành Sơn hầu như chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.


Để cứu trợ cho dân, Đoàn cứu trợ đã phải cõng gạo lội qua sông

Xã Sơn Lâm hiện có gần 4.000 dân và một ngôi chợ, nhưng gần 10 ngày nay chợ này cũng không thể hoạt động vì hàng hóa không vào được. Xã Thành Sơn có trên 2.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên lương thực dự trữ rất ít. Việc chia cắt 2 xã này liên tục hơn 10 ngày qua đã khiến người dân rơi vào tình trạng hết sức khó khăn về lương thực, thực phẩm, thông tin liên lạc, điện nước.

Để đi lại, nhiều người tự chế ra xuồng bằng bao, can nhựa để đưa người qua sông Tô Hạp. Nhưng dịch vụ này giá 5.000 đồng một người, còn xe máy là 20.000 đồng. Những người không có tiền thì phải lội bộ qua suối, rất nguy hiểm. Để giúp dân, UBND huyện Khánh Sơn cùng một số đơn vị tài trợ phát cho dân 2 xã khoảng 14 tấn gạo cứu trợ, đồng thời các cán bộ chiến sĩ, dân quân đã chuyển thêm 5 tấn nữa tới 2 xã này để bình ổn giá cả.

Để cứu dân không bị đói, huyện Khánh Sơn đã thành lập một đội ứng cứu đặc biệt ngày ngày cõng gạo qua sông tiếp tế cho dân. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm cho biết: Gạo cứu trợ có hạn nên chỉ tiếp tế cho hơn một nửa số hộ dân là những hộ nghèo, già yếu, neo đơn... Bà con nơi đây lâm vào cảnh thiếu thốn đủ thứ.

Sản phẩm nông nghiệp làm ra như chuối, mía, bắp không thể tiêu thụ. Xã có hơn 100 tấn chuối chín thối trên cây, 20ha mía bị trổ bông lau. Cái đói hàng ngày và cái đói trong những tháng sắp tới đang hiển hiện trước mắt người dân hai xã này. 

 
 N.X

Lũ các sông ở Quảng Ngãi có thể cao hơn năm 1999


Thứ hai, 15/11/2010 10:25
(CAO) Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, lũ trên các sông trong tỉnh đang lên nhanh, khả năng bằng hoặc cao hơn đỉnh lũ năm 1999.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, trong hai ngày 13, 14/11 hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Tại huyện Trà Bồng (phía Tây huyện Bình Sơn) lượng mưa đo được trên 276 mm gây lũ lụt lớn ở vùng hạ lưu sông Trà Bồng gây ngập nặng ở 8 xã khu kinh tế Dung Quất huyện Bình Sơn.

Đặc biệt, mưa lũ đã làm ngập nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 1A, nhất là tại cầu Cháy, xã Bình Hiệp, nước tràn qua đường hơn 1m làm ách tắc giao thông hoàn toàn, hàng trăm xe ôtô được công an chốt chặn tại hai đầu những nơi ngập.

Đến 18 giờ chiều ngày 14-11 mực nước các sông Trà Bồng tại Trạm Châu Ổ; sông Trà Khúc, tại Trạm Cầu Trà Khúc; Sông Vệ, tại trạm Sông Vệ đều bằng và vượt mức báo động 3.

Ông Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện cho biết, trước tình hình mưa lũ lớn, đến 17 giờ chiều 14/11, triều cường vùng biển dâng cao đã làm sập, hư hỏng 16 ngôi nhà tại thôn Phước Thiện, trong đó bị sập hoàn toàn 4 ngôi nhà.

Chính quyền địa phương cùng với Đồn Biên phòng trên địa bàn đã huy động lực lượng đến giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.

Mưa lũ cũng đã làm cho nhiều tuyến đường tại Khu kinh tế Dung Quất ngập sâu trong nước làm cho nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một số tuyến đường tại xã Bình Hải sạt lở nặng gây ách tắc giao thông hoàn toàn đến thôn Phước Thiện nơi có hơn 1.500 hộ dân làng chài ven biển.

Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã đề nghị với ngành giao thông có biện pháp hàn gắn hơn 10 mét đường bị sạt lở nặng dẫn đến thôn Phước Thiện, xã Bình Hải để đưa các phương tiện cơ giới đến giúp dân, đồng thời chỉ đạo các địa phương ở 8 xã trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất di dời khẩn cấp hơn 300 hộ dân đến nới an toàn.


T.V (theo TTXVN)

Vụ sạt lở QL 1A tại Phú Yên: sẽ mở rộng đường về phía tây

SGTT.VN - Cách đây 3 năm, đoạn quốc lộ 1A ngang qua địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên) đã xảy ra tình trạng sạt lở khiến 7 hộ dân phải di dời. Trong đợt mưa lũ vừa xảy ra vào ngày 8.11 năm nay, tình trạng này lại tái diễn. Lần này, đất của đoạn quốc lộ bị sạt lở đã làm sập hoàn toàn 1 nhà dân và làm nứt nhà của 3 hộ khác.

Khẩn trương khắc phục đoạn QL bị sạt lở. Ảnh: Võ Hoàng Minh

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: "Đây là lần thứ hai tuyến quốc lộ 1A qua thôn Cần Lương xảy ra sụt lún. Cuối năm 2005, tại đây đã có 3 đoạn bị lún nghiêm trọng, gây tắc giao thông suốt mấy ngày liền. Hiện chúng tôi đã lên phương án di dời 6 hộ dân gần khu vực sạt lở đến khu tái định cư Cần Lương".

Sau khi công ty TNHH MTV quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương đổ đá, san lấp, mở rộng nền đường lên phía trên tạm thời cho các phương tiện lưu thông với hai làn đường, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã thành lập ban chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở. Ông Nguyễn Thành Trí, phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết: "Để bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ này trong những ngày tới, chúng tôi sẽ mở rộng đường về phía Tây thêm 15 m với đoạn đường dài hơn 100m".

Trung tâm kỹ thuật đường bộ V đang khẩn trương khảo sát nguyên nhân sạt lở để đưa ra các biện pháp khắc phục tuyến đường này bền vững. Phó tổng giám đốc khu Quản lý đường bộ V, Bùi Tô Hoài cho biết: đoạn quốc lộ 1A đi qua khu vực thôn Cần Lương có nền địa chất yếu, bên dưới có thể có túi bùn và nước ngầm nên thường xuyên bị lún gây hư hỏng mặt đường. Về lâu dài, khu Quản lý đường bộ V kiến nghị cấp trên khảo sát lại địa chất, nghiên cứu phương án đầu tư nhằm giải quyết triệt để tình trạng sụt lún thường xuyên ở đoạn quốc lộ 1A qua dốc Vườn Xoài.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc, trưởng Ban chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở quốc lộ 1A đi qua khu vực thôn Cần Lương cho biết thêm: "Trong hai lần khảo sát trước, ngành chức năng đã phát hiện bên dưới đoạn đường này bị sụt lở có một hòn đá rất to. Nếu vẫn tiếp tục gia cố đất, đá lên trên cũng không khả thi vì đất đá không thể gắn kết nên nạn sạt lở vẫn sẽ tiếp tục xảy ra".

VÕ HOÀNG MINH

Nhà mạng, nhà ga đều quá tải

* 15.280 vé tàu được đặt qua mạng thành công ngày đầu tiên

SGTT.VN - Hàng trăm lượt khách đã đến trực tiếp ga Sài Gòn để đăng ký mua vé tàu tết. Trong đó, có không ít người đến mua vé tàu trong những ngày cao điểm từ 22 đến 28 tháng Chạp đành lủi thủi quay về vì nhà ga không bán vé trực tiếp mà chỉ bán qua mạng tại địa chỉ vetau.com.vn.

Hàng trăm người đợi chờ ở ga để mua vé tàu. Ảnh: Từ An

Người không biết thông tin không đặt mua được chỗ đã đành, đằng này người biết thông tin vé tàu ngày cao điểm chỉ bán qua mạng cũng phải bó tay vì trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến hơn 10 giờ 30 ,địa chỉ vetau.com.vn không truy cập vào được khiến nhiều người bức xúc và hoài nghi.

Đó là những gì diễn ra trong ngày đầu tiên bán vé tàu tết Tân Mão 2011 ở TP.HCM.

Trang bị hai máy tính nhưng không có mạng internet

Chưa tới 8 giờ sáng, ga Sài Gòn đã đông bất thường, hàng trăm lượt người đã đến ga Sài Gòn để chờ mua vé tàu tết. Thế nhưng khi đọc bảng thông báo được dán ở nhà chờ của ga với dòng chữ "Nếu đi trước ngày 24.1.2011, lấy số thứ tự và mua vé tại ga. Nếu đi từ 25.1.2011 (tức ngày 22.12 âm lich), mua vé qua mạng", nhiều người đã phải bức xúc quay về.

Chị Trần Thanh Phương (45 tuổi, hành nghề buôn bán hàng rong, quê ở Thanh Hóa ) bức xúc: "Rõ ràng do không biết thông tin ga Sài Gòn chỉ bán vé tàu tết trong những ngày cao điểm qua mạng là do bản thân không đọc báo, xem ti vi. Nhưng theo tôi thấy, nhà ga cần phải trang bị thêm máy tính có nối mạng cùng với nhân viên giúp những người buôn gánh bán bưng "mù" internet lỡ đến ga mua vé thì sẽ hay và hợp lý hơn".

Có lẽ do đoán trước được tình huống hành khách tương tự như chị Hoa gặp phải nên ga Sài Gòn cũng đã trang bị thêm hai máy tính ngay dưới tầng trệt của nhà ga để phục vụ hành khách lỡ đến ga mua vé về trong ngày cao điểm. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, dù rất nhiều người đứng đợi để được vào mạng đặt vé ở hai máy tính này nhưng do tốc độ truy cập chậm nên trong hơn một giờ đồng hồ từ 10 giờ đến hơn 11 giờ vẫn không có bất kỳ hành khách nào đặt chỗ thành công. Và đỉnh điểm là đến hơn 11 giờ thì cả hai máy tính trên đều rớt mạng trong sự bực tức của hơn chục hành khách chờ đến lượt thử vận may.

Rất đông người tập trung mua vé tàu thấp điểm trong sáng 15.11 tại ga Sài Gòn. Ảnh: Từ An

Nguyễn Thanh Lan (sinh viên năm 2 trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết, ở nhà đã không truy cập vào trang vetau.com.vn được nên em mới đến đây mong có thể vào được nhưng hơn nửa giờ rồi em vẫn không truy cập vào được.

Theo ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, nguyên nhân không vào được địa chỉ vetau.com.vn vì trong buổi sáng 15.11 có hơn 30.000 lượt truy cập vào trang web nói trên cùng lúc. Trong khi đó, trang web chỉ có thể tiếp nhận 1.000 lượt truy cập nên xảy ra tình trạng nghẽn mạng.

Mua vé ngày thấp điểm cũng phải chầu chực

Cũng trong sáng 15.11, hàng trăm người đã đến ga Sài Gòn để đăng ký mua vé từ ngày 21.12 (âm lịch) trở về trước, nên nhiều người phải chờ đợi rất lâu.

Gần 11 giờ trưa, Hiếu (sinh viên năm 1, trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại, quê Quảng Trị) than thở: "Em đến đăng ký mua vé ngày 19.12 (âm lịch) nhưng đã hơn hai giờ đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa đến lượt để mua".

"Tưởng vé ngày cao điểm bán qua mạng thì ga Sài Gòn sẽ bớt quá tải. Ai ngờ tình trạng cũng chẳng khác năm ngoái là mấy. Có được tấm vé tết về quê ngày thấp điểm đã khó huống chi ngày cao điểm", Hiếu nhận xét.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng có nhiều hành khách đợi chờ mua vé ngày thấp điểm, theo quan sát của chúng tôi, là do trong buổi sáng 15.11 có khá đông người đến mua vé cùng lúc. Trong khi đó, nhà ga chỉ có 5 quầy bán vé nên nhiều người không được giải quyết kịp thời.

T.AN – Đ.LÊ

Thông tin về vé tàu Tết

A/ Vé cho những chuyến thấp điểm: Những khách muốn mua vé tàu khởi hành từ ga TP.HCM trước ngày 24.1.2011 (21.12 âm lịch) có thể mua vé theo hai hình thức là  thứ nhất, mua vé qua website vetau.com.vn; thứ hai, đến ga lấy số thứ tự, xếp hàng và mua vé trực tiếp.

B/ Vé cho những chuyến cao điểm: Những khách muốn mua vé tàu khởi hành từ ga TP.HCM bắt đầu từ 0h ngày 25.1.2011 (22.12 âm lịch) chỉ có thể mua vé theo một hình thức duy nhất là mua qua website vetau.com.vn.

15.280 vé tàu đã được đặt thành công trong ngày đầu tiên

Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn thông báo, tính đến 15 giờ ngày 15.11 đã có 15.280 vé tàu tết (từ 22 đến 28.12 – Âm lịch) được đặt thành công.

Theo thông báo này, thời điểm 8g sáng ngày 15.11 đã có 32.512 lượt truy cập vào địa chỉ vetau.com.vn. Đến 10g, hệ thống đã đặt thành công cho 433 chỗ. Tuy nhiên, một số khách hàng ở thời điểm này truy cập vào web không được, một số khác truy cập được nhưng chưa nhận được kết quả phản hồi từ máy chủ… Nguyên nhân của các sự việc xuất hiện nêu trên là do số lượng người truy cập lớn, dẫn đến quá tải băng thông và router. Đến 15g, tình hình đã được cải thiện, số lượng vé đặt thành công đã tăng lên. Cụ thể, đã có 15.280 vé tàu đã được đặt thành công trong ngày đầu tiên.

Thông tin từ công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, với tiến độ chỗ đặt thành công như hiện nay thì số lượng chố cung ứng trong dịp Tết Tân Mão 2011 của công ty sẽ được phân phối hết trong 2 đến 3 ngày tới theo đúng kế hoạch dự kiến.

Công ty khuyến cáo, khách hàng khi đặt chỗ thành công nên chọn phương thức thanh toán tiền qua ngân hàng vì khi đã thanh toán tiền là khách hàng chắc chắn đã có vé đi tàu, tránh được cảnh chờ đợi tại ga và các đại lý để lấy vé. Đối với những khách hàng chọn phương thức mua vé tại ga và các đại lý bán vé nên dãn thời gian lấy vé theo quy định để tránh chờ đợi, gây mất thời gian.

TỪ AN

 

Một số khách mua vé thấp điểm phải chờ rất lâu mới có vé...Ảnh: Từ An

  

... Đa số khách còn lại vẫn tiếp tục chờ và chờ. Ảnh: Từ An