THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 April 2012

Trung cộng xác nhận có bạo động ở Trùng Khánh

Trung cộng xác nhận có bạo động ở Trùng Khánh
 
Cập nhật: 14:44 GMT - thứ sáu, 13 tháng 4, 2012 -BBC UK

Tin nói số người tham gia khoảng một vạn

Người phát ngôn cho chính quyền Trùng Khánh nói đã có biểu tình với sự tham gia của hàng vạn người trong thành phố, nhưng không liên quan vụ Bạc Hy Lai.
Phát ngôn viên này xác nhận hôm thứ Năm 12/4 rằng con số người tham gia vụ lộn xộn này là khoảng 10.000.
Những người biểu tình tại khu kinh tế Vạn Thịnh, phía đông nam Trùng Khánh, đã đập phá xe của công an và ném gạch đá vào các nhân viên công quyền.
Tuy nhiên người phát ngôn Trùng Khánh nói vụ này không có liên quan gì tới bê bối liên quan cựu bí thư thành ủy Bạc Hy Lai và cựu giám đốc công an Vương Lập Quân.
Đám đông bắt đầu biểu tình vào sáng thứ Ba 10/4, chặn xa lộ, đập phá 12 xe hơi của cảnh sát, đốt bốn chiếc xe khác và ném đá vào cảnh sát.
Một số người đã bị thương. Cảnh sát cho hay mất một ngày trời để vãn hồi trật tự.
Thế nhưng cũng có nguồn tin nói vẫn còn biểu tình ở Trùng Khánh, tuy mức độ nhỏ hơn.
Nhà chức trách nói đây là một vụ đơn lẻ, nguyên do là người dân không đồng tình với việc sáp nhập hai khu Vạn Thịnh và Kiềm Giang ở Trùng Khánh, cho rằng kế hoạch này sẽ ảnh hưởng kinh tế địa phương và mức sống của họ.
Cho tới thứ Tư, các từ khóa Vạn Thịnh, Kiềm Giang và Trùng Khánh bị chặn trên các website xã hội phổ biến nhấtở Trung Quốc, nhưng nhiều blogger vẫn tìm ra và đăng tải hình ảnh biểu tình ở Trùng Khánh. Một biểu ngứ̃ được nhiều người biểu tình mang theo viết: "Hãy trả lại Vạn Thịnh cho chúng tôi".
Không liên quan
Tuy giới chức bác bỏ liên quan, một số bình luận gia cho rằng nếu như các ông Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân không vướng vòng lao lý, thì người dân Tr̀ung Khánh cũng không có đủ dũng khí để tham gia một cuộc biểu tình quy mô lớn như vậy.
Họ cũng nói đây là bài toán thử đầu tiên cho ông Trương Đức Giang, người mới lên làm bí thư thành ủy thay ông Bạc.
Hiện thông tin không đồng nhất về con số thương vong. Chính quyền nói không có ai chết, nhưng dân địa phương lại cho hay có hai người thiệt mạng và ít nhất 50 người bị thương trong hôm thứ Ba.
Tháng 10 năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc thông qua việc sáp nhập hai quận của Trùng Khánh thành quận mới. Tuy nhiên Vạn Thịnh phát triển hơn quận kia rất nhiều và người dân không muốn sáp nhập vào quận mới.
Trong khi đó, tờ Trùng Khánh nhật báo, một thời nằm dưới trướng ông Bạc Hy Lai, quay ra chỉ trích ông cựu bí thư là làm ảnh hưởng tới uy tín của thành phố.
Tờ này nói 33 triệu dân Trùng Khánh đều ủng hộ điều tra ông Bạc.
Trùng Khánh là thành phố trực thuộc trung ương, GDP năm ngoái đạt tới 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Cảnh sát giao thông đu lên xe khách

Cảnh sát giao thông đu lên xe khách (xin mời các anh chị hảy vào BBC:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/04/120413_viet_police_bus.shtml)


Một thiếu úy cảnh sát giao thông đã liều mình đu bám một xe khách khi đang chạy ở tốc độ gần 50km/h.
Báo chí trong nước cho hay thiếu úy Nguyễn Mạnh Phan đã “liều mình đu người” trên xe khách ở Ba Vì vào hôm 9/4.
Thiếu úy Phan đã yêu cầu xe khách 39 chỗ ngồi này dừng lại và xuất trình giấy tờ nhưng tài xế không tuân thủ mà tiếp tục lao tới. Ông Phan buộc phải đu người bám vào cần gạt nước của xe.
Cảnh sát giao thông nói tốc độ của chiếc xe khách này lên tới 50km/h.
Trên mạng YouTube hiện đang lưu truyền clip video ghi lại hình ảnh ông Nguyễn Mạnh Phan đang cố bám trên đầu chiếc xe đang chạy.
Sự việc diễn ra trong nhiều phút trên quãng đường chừng 1km cho đến lúc chiếc xe dừng lại.
Tài xế của xe khách là ông Phùng Hồng Phương, 37 tuổi, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội.
Ông Phương hiện đã bị bắt giữ vì tội Chống người thi hành công vụ, và nếu bị kết tội ông sẽ phải đối mặt với hình phạt tối đa là ba năm tù giam.


Tiếng Việt đang méo mó

Tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng và vẻ đẹp riêng từ lời ăn tiếng nói đến văn viết của chính người Việt.

"Chóng mặt" với Tây hóa
Việc xen kẽ những từ ngữ nước ngoài không còn quá xa lạ trong những mẩu đối thoại hằng ngày của giới trẻ. Tuy chưa có một điều tra xã hội học hay thống kê đầy đủ nhưng các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng hiện tượng này rất phổ biến.
Anh Ngọc Hưng, quê ở Đồng Tháp kể: "Tôi gọi điện đặt khách sạn ở Sài Gòn để tiện công tác. Cô lễ tân báo còn phòng và nói: "Anh nhớ "cần phơm" (confirm) cho em nha". Anh Hưng không hiểu, nhưng sợ người ta bảo mình nhà quê nên thôi. Đến ngày công tác, anh đến khách sạn này thì cô lễ tân nói: "Em không thấy anh "cần phơm" nên cho thuê phòng mất rồi". Lúc này anh Hưng thắc mắc: "cần phơm" là cần gì? Cô lễ tân đáp: "Dạ, là xác nhận chính thức lại cho em".
Không những thế, trong giao tiếp, nhiều người đã làm tối nghĩa tiếng Việt khi trộn lẫn nửa Anh, nửa Việt. Thỉnh thoảng vẫn nghe các cô nhân viên văn phòng khen nhau: "Hôm nay trông chị "hép py" (happy) quá nha", hay "Bữa nay nhìn "kiu" (cute) quá". Trong khi tiếng Việt có thể nói "Hôm nay trông xinh thế". Thậm chí có những cuộc đàm thoại mà người thạo tiếng Anh cũng phải đoán già đoán non: "Bên công ty đó "còm plen" (complain), mình đã "ex plen" (explain) cái giá "phích" (fix) rồi mà họ vẫn kêu "ex pen" (expensive). "Cần trắc" (contract) tiếp theo chắc hổng "sua" (sure) rồi".
Đó còn chưa kể, không ít người còn Tây hóa lối hành văn của tiếng Việt, gây lủng củng, khó hiểu. Có cô bạn làm việc tại một công ty nước ngoài. Hôm về quê thăm nhà, nhờ em mình ra chợ mua đồ, cô dặn: "Em hãy chắc rằng các món chị ghi trong giấy được mua đầy đủ nhé". Mẹ cô ở trong nhà nghe thế, càu nhàu: "Chỉ cần nói nhớ mua hết mấy thứ chị dặn là đủ rồi, con học ở đâu mà nói nghe sượng thế?". Số là, cô bạn tôi vừa nói theo mẫu câu: "Make sure all the lights will be off" (Hãy chắc rằng tất cả đèn đều được tắt) để nhắc nhở đồng nghiệp tắt đèn trước khi về. Những câu trở nên phổ biến vẫn như "Rất vui được nghe điều đó" ảnh hưởng từ "I'm glad to be heard of that", trong khi tiếng Việt chỉ cần nói "Nghe vậy mừng quá".
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan bức xúc: "Tôi thấy nhiều công ty để dòng chữ đọc rất ngượng ngạo: "Xin giữ cửa đóng lại", ảnh hưởng từ câu "Keep the door closed", trong khi tiếng Việt có câu rất hay: "Vui lòng đóng cửa". Gần đây, nhiều câu giới thiệu theo kiểu phim Hàn Quốc: "Đây là trưởng phòng Tuấn", trong khi tiếng Việt thường nói: "Đây là anh Tuấn, trưởng phòng". Ngay cả trên các kênh truyền hình cũng có câu "Chương trình này được tài trợ bởi nhãn hàng X" cũng là một văn phong ngượng ngạo trong tiếng Việt. Về sau người ta dùng câu chủ động hay hơn: "Nhãn hàng X hân hạnh tài trợ chương trình này".

Những câu tiếng Việt viết sai chính tả, ý tứ lủng củng, pha trộn từ nước ngoài xuất hiện khắp nơi
Ngượng nghịu với văn viết lai căng
Dạo qua hầu hết các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều bình luận, bài viết dùng ngôn từ lạ, lai căng khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng.
Trên công cụ yahoo chat, nhiều người tha hồ sáng tạo và còn cố tình viết sai chính tả cho dí dỏm, như: "chời" thay vì "trời", "cái zị zậy ta" thay vì "cái gì vậy ta?".
Trong văn viết của cộng đồng mạng, nhất là những trang mạng xã hội, rất nhiều người đã sử dụng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt. Chẳng hạn khi khen một bức ảnh cô gái nào đang đỏm dáng, bạn nữ thường phản hồi: Cute (xinh) thế, trong khi phái mày râu thường viết: Hot (bốc lửa) thế. Hoặc trong nội dung các cuộc bình luận, cư dân mạng thường viết: "Tui hổng care (quan tâm) chuyện này" hoặc: "Cái view (cảnh nhìn) này đẹp quá".
Cũng có ý kiến cho rằng, những cách viết như vậy chỉ là tiện cho việc trao đổi thông tin, không mất thì giờ. Nhưng nếu tiếp diễn lâu dài, rất có thể nó sẽ trở thành thói quen không sửa được. Và tình trạng này đang xảy ra khá phổ biến ở các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Hữu Phước, giáo viên dạy văn Trường THPT Cần Giuộc (Long An), cho biết: "Do thói quen viết tắt trong ghi chép bài, nên khi làm kiểm tra một tiết hoặc thi học kỳ, có rất nhiều em đã bê luôn các từ này vào bài văn của mình, ví dụ như: or (hoặc), if (nếu)…". Thạc sĩ Đào Hồng Điện, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trong bài tham luận tại hội thảo khoa học toàn quốc "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay", diễn ra ở TP.HCM năm 2010, cho rằng chính thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết là nguyên nhân khiến cho tiếng Việt dần mất đi tính trong sáng.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan cũng nhận định: "Bắt chước là một cách học tiếng Anh hiệu quả, nhưng ngoại hóa tiếng Việt như vậy chỉ cho thấy mình ra vẻ biết tiếng Anh, và văn nói nghèo nàn. Đây là thói quen không xấu, nhưng không nên vì đến một lúc nào đó bạn sẽ phải lóng ngóng và khó khăn lắm mới viết được một câu văn hoàn chỉnh, dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt trong tương lai, nhất là cho các thế hệ sau này".
Theo thạc sĩ Trần Ngọc Thơ, Phó khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, đây là hiện tượng lai tạp, tiếp thu thiếu chọn lọc các yếu tố văn hóa phương Tây, mà điển hình là ngôn ngữ.

Ý kiến:
"Nguyên nhân chính do có nhiều chữ tiếng Việt phải diễn đạt dài dòng, trong khi tiếng Anh chỉ cần nói một chữ là đủ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên khi phỏng vấn xin việc lại đệm thêm tiếng Anh cho có vẻ sành điệu là không nên vì cách nói này chỉ dùng trong giao tiếp thân mật và nội bộ".
Thu Hằng (Trưởng phòng nhân sự một công ty Anh quốc)
"Đệm tiếng Anh trong câu tiếng Việt cũng có cái lợi là tạo cho người học có sự liên tưởng và nhớ từ vựng kỹ hơn. Đồng thời khi trong nhóm nói với nhau thường xuyên cũng tạo được sự thân mật, hiểu nhau. Vấn đề là làm chủ ngôn ngữ, nói gì, vào lúc nào là điều quan trọng trong văn hóa giao tiếp".
Nguyễn Hoàng Hùng(Chủ nhiệm CLB Anh ngữ Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM)
"Nước ta trên đường hội nhập cũng không tránh khỏi việc dùng hai ngôn ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên khi nào bạn nói tiếng Việt thì nên nói trọn vẹn, còn khi dùng tiếng Anh thì nói cho lưu loát. Việc nói xáo trộn hai ngôn ngữ có thể ảnh hưởng xấu đến văn viết của bạn, nhất là khi bạn học tiếng Anh chưa đến nơi đến chốn".
Mỹ An(Tổng công ty du lịch Sài Gòn)
Hạ Mi - Minh Luân



Hà Nội xây thêm 3 cầu vượt bằng thép


Trước tiến độ khả quan của hai cầu vượt đang xây dựng, UBND Hà Nội đồng ý cho Sở Giao thông Vận tải tiếp tục xây thêm 3 cầu vượt nhẹ ở nội đô.
Hà Nội chi hơn 550 tỷ đồng xây hai cầu vượt

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa chấp thuận đề nghị xây thêm 3 cầu vượt kết cấu bằng thép lắp ghép của Sở Giao thông Vận tải. Theo đó, Sở này đề nghị tiếp tục xây dựng cầu vượt tại các nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và Bạch Mai - Lê Thanh Nghị. Đây đều là nút giao có mật độ phương tiện lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Giao thông phối hợp với các sở ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để trình dự án trong tháng 5.

Ảnh: Tiến Dũng.
Cảnh ùn tắc thường gặp ở phố Chùa Bộc. Ảnh: Tiến Dũng.

Hiện, hai cầu vượt tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Thái Hà đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến thông xe vào tháng 5, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Liên quan tới các công trình nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc trong nội đô, UBND Hà Nội đã duyệt 550 tỷ đồng xây dựng hai cầu vượt dài hơn 300 m tại các nút giao giữa phố Nguyễn Chí Thanh và Lê Văn Lương với đường Láng.

Theo định hướng đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây cầu vượt tại các nút giao Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Láng, Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Long - Nam Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng...

Nhật Lam

Xe khách hai tầng bốc cháy trên quốc lộ 1A


Sáng 13/4, đang chạy từ Bắc vào Nam, đến thị trấn Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An), xe chở 20 hành khách bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Vào thời điểm xảy ra cháy, chiếc xe chở theo 20 hành khách. Ảnh: N.P
Vào thời điểm cháy, xe chở theo 20 hành khách. Ảnh: N.P.

Xe khách giường nằm hai tầng do tài xế Nguyễn Văn Thái (30 tuổi, trú tại Thái Bình) điều khiển, xuất phát từ Hà Nội đi miền Nam. Khoảng 4h30, khi đến thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, buồng lái bỗng phát lửa. Nhà xe nhanh chóng dập tắt và tiếp tục cho xe chạy.

Toàn bộ hành lí của hành khách và nội thất xe bị cháy rụi. Ảnh: N.P
Toàn bộ hành lý của hành khách và nội thất xe bị cháy rụi. Ảnh: N.P.

Được một lúc, lửa lại bùng lên. Tài xế cho hành khách xuống và bất lực đứng nhìn lửa bao trùm toàn bộ xe. 20 người trên xe không ai bị thương, nhưng hành lý thì bị thiêu rụi.

Lực lượng cảnh sát và người dân địa phương đã có mặt phối hợp khống chế ngọn lửa và điều tiết giao thông. Sau gần một giờ bốc cháy, chiếc xe chỉ còn trơ lại khung sắt.

Nguyên Khoa

Phản ứng sau vụ Bắc Hàn phóng tên lửa thất bại

Phản ứng sau vụ Bắc Hàn phóng tên lửa thất bại

Việt Hà, phóng viên RFA

2012-04-13

Cuộc phóng thử tên lửa tầm xa Unha 3 của Bắc Hàn đã thất bại vào sáng ngày hôm nay 13 tháng 4.
AFP photoCác nhà báo làm việc trước 1 màn hình trống (trên, giữa) để chờ đợi một tuyên bố chính thức từ quan chức Bắc Hàn rằng việc phóng tên lửa Unha-3 sáng 13/4/2012 đã thất bại.

Giới chức Nam Hàn cho biết tên lửa được phóng lên vào khoảng 7 giờ 39 phút giờ địa phương. Sau khi phóng lên không trung khoảng hơn một phút, tên lửa nổ và vỡ vụn từng mảnh, rơi xuống vùng biển Hoàng Hải, phía Tây bán đảo Triều Tiên.

Vi phạm luật pháp quốc tế


Ngay sau khi được tin cuộc phóng thử thất bại, phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Jay Carney đã có thông báo ‘ bất chấp sự thất bại trong phóng thử lần này, hành động khiêu khích của Bắc Hàn đã đe dọa an ninh khu vực, vi phạm luật quốc tế, đi ngược lại cam kết của nước này’.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka hôm nay xác nhận tên lửa đã được phóng lên và rơi xuống chỉ sau vài phút.
Vào giữa tháng trước, Bắc Hàn cho biết sẽ phóng tên lửa để đặt vệ tinh thời tiết lên quỹ đạo vào giữa tháng tư, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành. Thông báo này của Bắc Hàn ngày lập tức đã nhận được sự chỉ trích của các nước phương Tây. Hoa Kỳ và các nước phương Tây cho rằng Bắc Hàn lấy chiêu bài phóng vệ tinh lên quỹ đạo vì mục đích hòa bình nhưng thực ra là để thử tên lửa tầm xa. Và điều này làm nhiều nước quan ngại cho an ninh bán đảo Triều tiên nói riêng và khu vực châu Á nói chung.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình NHK của Nhật bản vào sáng ngày 13 tháng 4, giáo sư Narushige Michishita, chuyên gia về Triều Tiên thuộc học viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản cho biết:
 Tên lửa Unha-3 được đặt trên bệ phóng tại trung tâm không gian Tangachai-ri hôm 08/4/2012. AFP

“Theo tôi thất bại này không có ảnh hưởng nhiều lắm đến cuộc chơi, và Bắc Hàn sẽ vẫn tiếp tục cách chơi của mình. Tôi tin là lãnh đạo sẽ vẫn nói là phóng thử đã thành công.”
Theo giáo sư Michishita thì mặc dù vậy, thất bại lần này cũng ảnh hưởng đến Bắc Hàn cả về mặt ngọai giao lẫn chính trị. Trả lời đài truyền hình NHK, giáo sư Michishita nói:
“Về mặt chính trị nó cho thấy tương lai của các lãnh đạo bắc hàn nhất là Kim Jong Un không sáng sủa gì, và do đó mặc cả tương lai của Bắc Hàn với Mỹ và các nước đã bị ảnh hưởng. Chúng ta đều hiểu là dù Bình Nhưỡng có nói gì đi chăng nữa thì tên lửa tầm xa của Bắc Hàn cũng còn nhiều thời gian để có thể trở thành hữu dụng.”

Mục tiêu của Bắc Hàn?


Vào tháng 2 vừa qua Mỹ và Bắc Hàn đã đạt được thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ viện trợ cho Bắc Hàn 240 tấn lương thực trị giá khoảng 200 triệu đô la. Đổi lại Bắc Hàn sẽ phải ngưng ngay các họat động phóng thử tên lửa tầm xa.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn phóng thử tên lửa. Vào năm 1993, Bắc Hàn đã phóng thử tên lửa tầm trung có tên gọi Nodong 1 với tầm bắn 1,300 km và có thể trúng vào bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Nhật Bản. năm 1998, Bắc Hàn phóng thử tên lửa tầm xa đầu tiên có tên gọi Taepodong 1. Tên lửa này bay qua Nhật và rơi xuống Thái Bình Dương.
Vào năm 2006, Bắc Hàn tiếp tục thực hiện một lọat các vụ phóng thử trong đó có vụ phóng thử tên lửa tầm xa Taepodong 2 có tầm bắn 6,000 km và có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. 3 năm sau đó, nước này tiếp tục bắn thử tên lửa Taepodong 2 loại cải tiến.
Thế giới cho rằng Bắc Hàn sản xuất và thực hiện bắn thử tên lửa nhằm mục đích tăng cường sức mạnh quân sự. Bắc Hàn sử dụng các vụ phóng thử này như con bài mặc cả với Mỹ và phương Tây. Và mục đích cuối cùng là để xuất khẩu các vũ khí này lấy ngoại tệ.