THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 February 2013

LS Lê Công Định ra tù trước thời hạn



Danlambao - Sáng nay, 6/1/2013, luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định đã rời khỏi trại giam Chí Hòa trở về với gia đình. Mặc dù được ra tù trước thời hạn, nhưng luật sư Lê Công Định vẫn còn bị quản chế 3 năm tại địa phương.


Theo tin từ người nhà, tinh thần luật sư Lê Công Định vẫn lạc quan và rất vững vàng.

Luật sư Lê Công Định (45 tuổi) bị bắt vào ngày 13/6/2009, với tội danh cáo buộc ban đầu là ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, nhưng sau đó bị đổi sang một tội danh khác nặng hơn là ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ luật hình sự. LS Định bị tuyên án 5 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Những người cùng bị bắt với luật sư Lê Công Định trong vụ án là anh Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long. Hiện hai anh Thức và Trung vẫn còn bị giam giữ trong tù.
Bản tin đang cập nhật...
Danlambao

Bút chiến



Vince H DT (Danlambao) - "Chúng ta hiện đang sống trong một đất nước nơi mà các bác sĩ hủy hoại sức khỏe, các luật sư hủy diệt công lý, các đại học hủy diệt tri thức, chính phủ hủy diệt tự do, báo chí hủy diệt thông tin, tôn giáo hủy diệt phẩm hạnh và các nhà băng hủy diệt nền kinh tế..." 

Một người bạn hỏi tôi có biết ai đã nói câu trên và ở đâu không. Thoạt đầu tôi nghĩ ngay đến Việt Nam và chắc phải là một người Việt đã thốt lên câu nói ấy. Nhưng không, người nói ra câu trên là một ký giả nổi tiếng của Mỹ tên là Chris Hedges, ông ta nhận xét về nước Mỹ như vậy và đã không bị ai bắt vì cái tội "tuyên truyền chống phá nhà nước".

Tôi viết bài này trên quan điểm cá nhân, cũng không có mục đích xúi dục kích động hay tuyên truyền chống phá đảng-nhà nước CSVN. Tôi chỉ muốn được thể hiện cái quyền công dân (ảo) theo chương V điều 69 Hiến Pháp của nước CHXHCN Việt Nam với hy vọng một ngày đẹp trời nào đó, được nói thật trên quê hương của mình mà không bị gọi là "rận", là tuyên truyền chống phá rồi phải vào tù theo cái quy định gì đó của pháp luật. Mong rằng mọi sự góp ý đều được thể hiện trên tinh thần xây dựng, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. 

*

Nhiều người vẫn cho rằng mình chưa làm được gì cho đất nước thì không nên ý kiến nhiều quá, theo tôi thì những tư duy ấy thật là thiển cận. Nếu bạn xem tiền đóng thuế là một việc từ thiện thì tôi không còn gì để nói và bạn cũng không cần đọc hết bài viết này. Có bạn lại hay dùng câu nói của cố tổng thống Mỹ JFK "Ask not, what your country can do for you. Ask what, you can do for your country" làm kim chỉ nam. Nhưng bạn phải hiểu một điều rằng khi đóng thuế, bạn đã là người thi hành đúng nghĩa vụ của một công dân tốt rồi đấy và bạn có quyền đòi hỏi sự tôn trọng của nhà nước với một công dân chấp hành luật pháp. 

Một người đóng thuế phải hiểu được vai trò làm chủ của mình, rằng chúng ta đang nuôi cái bộ máy đảng-nhà nước ấy và muốn nó hoạt động hiệu quả để đem lại lợi ích cho Tổ quốc, nhân dân. Tiền của chúng ta làm ra rồi đóng mọi thứ thuế không phải chỉ để cho một tập thể nào đó thao túng, lãng phí một cách mờ ám vì chính bản thân chúng ta là người có lỗi trong việc nuôi dưỡng cho bộ máy ấy vận hành nhưng lại thờ ơ trong trách nhiệm quản lý - xây dựng. 

Hàng ngày chúng ta đang phải đóng bao nhiêu thứ thuế. Nào thuế doanh nghiệp, nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, thuế tài nguyên, tiêu thụ đặc biệt v.v... Tiền đóng thuế sẽ nuôi bộ máy cồng kềnh là đảng-nhà nước và sau đó mới phục vụ đến việc xây dựng lợi ích công cộng như cầu đường, an ninh quốc phòng...

Rồi thì tiền của bạn lại được nhà nước hỗ trợ cho những cái cũng gọi là tập đoàn nhà nước để họ thao túng làm thất thoát, nợ nần chồng chất (năm 2012 nợ công là 60 tỷ USD) vì không có cơ chế để giám sát, minh bạch. Nhà nước bỏ vốn đầu tư vào những tập đoàn này rất nhiều nhưng phải bù lỗ hàng năm với chính tiền thuế của chúng ta vì đã không lãi mà chỉ có thất thoát. Những con số thất thoát mà cả đời cha ông tôi và bạn đến con cháu các bạn chưa dám mơ để có dù chỉ 1 /100 ấy. 

Tham nhũng thì lan tràn từ TW xuống, không giải quyết theo trình tự pháp luật mà lại đóng cửa hát cho nhau nghe bài ca nhận "trách nhiệm chính trị". Lãnh đạo bất tài nhưng không bất khuất khi chiến đấu dành cho được cái vị trí ngồi trên thiên hạ. Đến nổi một nghệ sĩ ưu tú khi được gợi ý trao giải thưởng có liên quan đến thủ tướng chính phủ đã thẳng thừng từ chối; nhưng cái điều nghịch lý không thể tưởng được là ông ấy vẫn hiên ngang tự tin đứng vững như kiềng ba chân nhờ công lao 51 năm theo đảng. 

Vậy mà ngay cái thời điểm kinh tế èo ọt, vật giá leo thang, bất động sản theo đà tiến lên chủ nghĩa vỡ nợ thì tiền thuế của chúng ta lại được thao túng qua việc sử dụng để thuê 900 chuyên gia bút chiến theo lời của đồng chí Hồ Quang Lợi - trưởng ban tuyên giáo Hà thành. 

Tôi thì chưa bao giờ thấy có một chính quyền nào trên những đất nước đã và đang phát triển, đời sống An sinh-Xã hội của người dân cao lại có những việc làm mờ ám như tự quảng bá thương hiệu (tuyên truyền về đảng), bảo vệ lập trường (CNXH) bằng tiền mồ hôi nước mắt của dân như vậy. Tôi không đồng tình với những nhận xét rất bảo thủ rằng có công dẫn dắt toàn dân dành được độc lập rồi thì muốn làm gì cũng được. Đất nước bốn nghìn năm do ông cha ta gầy dựng nên đâu có mất đi một phần lãnh thổ nào, chắc chắn là không phải "ơn đảng ơn nhà nước" mà là sức lực của toàn dân. 

Sống ở thế kỷ 21 với kỹ thuật công nghệ cao, người ta đã lên được sao Hỏa để khám phá tìm sự sống thì chúng ta cứ ngồi tự sướng với những chiến công cần xét lại của mấy chục năm trong quá khứ, như Phạm Tuân với Điện Biên Phủ trên không, ngọn đuốc sống Lê Văn Tám v.v... mà quên đi việc xây dựng một đất nước tốt đẹp, công bằng văn minh theo chuyển hóa của thế giới. 

Tôi tội nghiệp cho những tư duy còn non trẻ của cái gọi là "chuyên gia bút chiến " (như bản thân tôi một thời). Phần vì kinh tế bản thân, phần vì bị nhồi nhét bao thế hệ với sự dối trá được nghe đi nghe lại cuối cùng cũng nghĩ là chân lý và cứ thế đi tuyên truyền, định hướng dư luận như một cái máy.

Cụ Lenin đã từng nói "A lie told often enough becomes the truth." (Sự giả dối nếu được lập lại nhiều lần cũng sẽ thành sự thật). Hiện giờ đất nước, xã hội của chúng ta được xây dựng trên tư tưởng của chính cụ theo điều 4 Hiến Pháp nên mới được như ngày hôm nay, vẫn đứng hàng thứ 129 trong những nước nghèo, Dân chủ CH Congo thứ 181; chỉ số tham nhũng thì được xếp vào những quốc gia bị báo động đỏ, thứ 123 trên 176 quốc gia.(theo Transparency International.) 

Câu thần chú "dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra" được nhắc đi nhắc lại trong mỗi cái nghị quyết, cương lĩnh... Vấn đề là dân chỉ được thông tin nhỏ giọt về những quyết sách quốc gia (khi nhà nước muốn cho biết), còn lại đều thuộc vào dạng nhạy cảm, bí mật an ninh quốc phòng, bàn đến có ngày bị liệt vào cái dạng chống đối thì mệt. 

Bắt được cái tâm lý sợ sệt đến chai lỳ của quần chúng, nhiều chính sách, bộ luật khó hiểu được ra đời. Gần đây nhất là vụ "Thuế bà đẻ" của Tổng Cục Thuế hay "Xe chính chủ" bên Giao Thông Vận Tải. Và cười ra nước mắt khi xem cái Nghị định 105 về việc "không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài" vì tôi thật sự không hiểu nó ảnh hưởng đến vệ sinh- môi trường như thế nào. 

Ngày xưa ông Hồ Chí Minh nói: "...những người nắm quyền hành trong tay phải là một đầy tớ trung thành với dân..." Tiếc thay những ông chủ như tôi với các bạn lại không biết mình đang làm chủ, hoặc có thể vì sợ mà tự hạ cấp mình làm Osin ngày đêm lắng nghe anh công bộc định hướng tư duy, giáo dục về lòng yêu nước, phản động, diễn biến hòa bình v. v. 

Với 786 Cơ quan báo chí với trên 1000 ấn phẩm, 67 Đài phát thanh - truyền hình TW và cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo thì nhiều hơn mấy cái quán cà phê sân vườn mà xem ra chưa hiệu quả, nên giờ lại thêm cái khoản "chiến đấu trên mạng" để vắt cho cạn tiền thuế của dân. 

Buồn cười thay khi cái nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị về công tác đối với người Việt ở nước ngoài thì hô hào hòa hợp hòa giải đồng bộ trong và ngoài nước, sau lưng thì cấm văn hóa, ấn phẩm của NVHN (Người Việt Hải Ngoại). Vụ Asia 71 với lệnh cấm của Bí thư Lê Thanh Hải và UBND TPHCM đã bộc lộ cái chân lý "núm ruột ngàn dặm, máu đỏ da vàng". Thêm một đội ngũ "dư luận viên" với tài năng bút chiến sẵn sàng "chống phá, tuyên truyền xuyên tạc", chống lại những dư luận trái chiều, không theo định hướng để bày tỏ cái tình cảm "thắm thiết" với 9 tỷ Mỹ kim hàng năm là như vậy.

Thật tình mà nói, đâu cần một đội ngũ tinh nhuệ 900 mạng đi ca ngợi công lao lãnh đạo thần thánh, hay Ban Tuyên Giáo từ TW đến địa phương ngày đêm định hướng dư luận về chủ quyền cao hơn nhân quyên thì một đứa trẻ tiểu học cũng thừa hiểu được ơn đảng nhà nước như thế nào khi "Trung quốc xâm lược được" năm 79 được thay bằng những từ ngữ khó hiểu như "côn đồ, tàu lạ, nước ngoài..." trên cửa thông tin của truyền thông chính thống. 

Dân tình đói khổ, mất nhà mất cửa qua những vụ chia chác đất đai đền bù có cũng như không vậy mà lại đem tiền thuế của dân chi vào cái việc tẩy não có hệ thống với hy vọng bộ máy cầm quyền được muôn năm, sống mãi. Vấn đề là anh sống trên mồ hôi nước mắt đồng bào, dùng tiền của dân để tuyên truyền, đàn áp, nuôi dưỡng bộ máy cai trị giống thực dân như vậy thì nên cần xét lại thời gian sống mãi của anh vì nó sẽ được đếm từng ngày.

Nhờ tiền thuế của mấy "ông chủ" nên mấy anh "công bộc" lại thuê thêm cái bọn danh bất chính (chuyên gia bút chiến cho nhà nước mà phải ẩn danh) lang thang đây đó rình mò trên mạng, lập ra những diễn đàn ảo lôi kéo quần chúng để tuyên giáo trong thời kỳ chiến tranh "giữa những... trang Phớt Bút". 

Vấn đề là dù Ban Tuyên Giáo có "trù úm" (mượn lời của đồng chí Tư Sang) nhân dân với con số 9 trăm, 9 nghìn hay 9 triệu thì quần chúng vẫn nhận ra được bộ mặt thật của các đồng chí qua lăng kính xã hội được phơi bày từng giây theo những cái stt của FB hay hàng nghìn trang blog, báo chí ngoài luồng. 

Tôi khuyên các đồng chí "chuyên gia" nên bỏ ngay cái nghề  "Cách mạng 5 xu" vì nó đã thật sự lỗi thời và mất tác dụng. Các đồng chí làm việc lãnh lương nhà nước mà danh tính không dám tiết lộ vì sợ sệt, xấu hổ, hay bị cái nghề nói láo vô đạo đức ấy làm cắn rứt lương tâm. Có khác nào một hoạn quan thời phong kiến vì muốn bổng lộc của triều đình mà phải hy sinh cái quý nhất của mình, trong trường hợp này thì đó chính là lương tâm của các đồng chí. 

Phần đảng + nhà nước thì nên mau có một sự thay đổi lớn. Thay vì trốn tránh sự thật là hệ thống tuyên truyền đã không còn hữu dụng như cái thời Việt Minh cướp chính quyền, thì hãy sử dụng tiền thuế vào những mục tiêu phát triển xã hội dân sự, nâng cấp An Ninh Quốc Phòng nhất là tại biển Đông. Nếu cần thiết thì dẹp luôn cái Bộ bốn T cho dân được nhờ thêm một chút. 

Xin dừng ở đây với câu :"Hữu xạ tự nhiên hương", có chất thơm thì tự nhiên có mùi thơm. Nếu đảng cầm quyền với một đội ngũ lãnh đạo có tài có đức thì cần gì đến những cái "loa di động" ngày đêm ứng chiến với quần chúng nhân dân và hệ quả lâu dài là chỉ gây thêm xáo trộn, phá hoại tình đoàn kết dân tộc mà thôi. 


Blogger Lê Anh Hùng đã về nhà


Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn blogger Lê Anh Hùng ngay sau khi thoát khỏi trại tâm thần

Nhà báo Trần Quang Thành (Danlambao) - Hôm thứ Ba 5 /2/2013, blogger Lê Anh Hùng, đã được về nhà sau 12 ngày bị công an giam giữ trái phép tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Lê Anh Hùng bị bắt cóc hôm 24/1 khi ông đang có mặt tại trụ sở một công ty ở Hưng Yên.

Blogger Lê Anh Hùng, 40 tuổi, là một công dân dũng cảm nhiều lần khiếu kiện, tố cao lãnh đạo cấp cao như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dung, Hoàng Trung Hải... độc tài, tham nhũng, với những phi vụ làm ăn mờ ám gây rúng động.

Biện minh cho hành vi bắt cóc công dân trái phép của mình, cơ quan công an nói rằng mẹ của ông đã có đơn yêu cầu cho con mình đi chữa trị về thần kinh, nhưng bà Trần Thị Niệm cho hay bà đã bị nhân viên an ninh nhiều lần tới nhà gây áp lực với lý do ông Lê Anh Hùng "viết nhiều bài chống phá nhà nước đưa lên mạng internet".

Blogger Lê Anh Hùng đã thoát khỏi trại tâm thần sáng thứ Ba 5/2/2013. Bạn bè, người thân đã đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội để đón. (Ảnh: Facebook Nguyễn Lân Thắng)

Blogger Lê Anh Hùng cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội.

Ngay sau khi vừa về đến nhà, vào hồi 12 giờ (giờ Hà Nội) thứ Ba ngày 5/2/2013, ông Lê Anh Hùng đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành. Trong cuộc phỏng vấn, blogger Lê Anh Hùng chia sẻ cảm tưởng ngay khi vừa trở về nhà và những nhận định về tình hình chống tham nhũng tại Việt Nam...

Phong bao lì xì “yêu nước”



Radioaustralia.net - Nguyễn Hồ Nhật Thành, một chàng trai trẻ đất Sài Thành đã có sáng kiến in bản đồ Việt Nam với khẳng định độc lập chủ quyền hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa lên phong bào lì xì, thể hiện lòng yêu nước của một thế hệ thanh niên Việt Nam.

Ý tưởng của Thành đã được các bạn trẻ trên mọi miền đất nước hưởng ứng, sản phẩm đã “cháy hàng” chỉ trong một vài ngày đầu ra mắt. Radio Australia đã có cuộc trò chuyện với Nhật Thành về ý tưởng sáng tạo này.

Radio Australia: Từ đâu anh có ý tưởng về việc làm những chiếc phong bì in bản đồ Việt Nam và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa?

Nhật Thành: Ý tưởng cho việc in bao mừng tuổi xuất phát từ việc mình đi siêu thị và những địa điểm khác thì thấy toàn là phong bao lì xì hàng Trung Quốc với những nội dung ngôn ngữ và hình ảnh văn hóa Tàu. Mình cảm thấy hơi buồn vì điều này, trong đầu mình chợt đặt dấu hỏi tại sao một cái tết truyền thống của Việt Nam, chỉ với cái bao mừng tuổi mà cũng phải lệ thuộc vào hàng Tàu.

Với một phong bao toàn tiếng Tàu như vậy thì khi ta trao cho nhau, nhất là trẻ em thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào? Tại sao chúng ta không trao cho nhau những thông điệp tiếng Việt, những thông điệp về chủ quyền, những thông điệp khơi gợi lòng yêu nước? Chính những câu hỏi này thôi thúc mình thiết kế và in ra những phong bao mừng tuổi. Mình nghĩ ngay đến thông điệp chủ quyền về Trường Sa-Hoàng Sa vì đó có nhiều bạn trẻ hiện nay rất thờ ơ với thời cuộc và không quan tâm nhiều đến các vấn đề của đất nước.

Nguyễn Hồ Nhật Thành với ý tưởng phong bao lì xì 
có in hình bản đồ Việt Nam với đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

RA: Được biết, các sản phẩm phong bao lì xì được anh bán trực tuyến trên trang web No China Shop. Anh mở trang web này được bao lâu rồi và hoạt động kinh doanh của trang web hiện tại ra sao? Ngoài sản phẩm phong bao lì xì, anh còn có mặt hàng gì phục vụ ngày tết không?

Nhật Thành: Trang này lúc đầu do mình và vợ mình tạo trên Facebook cách đây hai tháng. Sau đó một số bạn khác thấy hay nên góp sức vào tạo thành trang web. Hiện nay, số lượng thành viên trên Facebook đã lên đến 1.150 người và lượng truy cập mỗi lúc một tăng. Trung bình khoảng 950 lượt người xem mỗi ngày. Đợt in phong bao vừa rồi mình in 10,000 cái và đã bán hết trong vòng 3 ngày.

Tết năm nay ngoài sản phẩm quần áo, giầy dép mình còn kinh doanh thêm những thực phẩm có nguồn gốc an toàn như bánh chưng, mứt, khô bò, củ kiệu... Tất cả những sản phẩm này mình đều hướng đến mục tiêu sử dụng hàng sản xuất trong nước, tránh sử dụng các sản phẩm từ Trung Quốc.

RA: Hướng kinh doanh sắp tới của anh đối với trang web No China Shop như thế nào?

Nhật Thành: Hướng kinh doanh sắp tới của mình cũng tương tự như thư ngỏ mời hợp tác có đăng trên www.nochina-shop.com. Đó là mình mong muốn xây dựng trang web thành nơi tập trung tất cả sản phẩm tiêu dùng không phải sản phẩm Trung Quốc. Là nơi các đơn vị kinh doanh không bán hàng Trung Quốc được quảng cáo, giới thiệu miễn phí. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc an toàn và không phải hàng Trung Quốc.

Để thực hiện điều này trong bối cảnh hơn 95% hàng Trung Quốc đang tràn ngập ở Việt Nam là rất khó nhưng mình sẽ bắt đầu từ từ. Trước mắt là những ngành mũi nhọn mà Việt Nam có thể sản xuất là quần áo, may mặc, kế đến là những thực phẩm an toàn như bánh kẹo, trái cây... Trong tương lai sẽ tìm đến sản phẩm thay thế trong ngành điện tử, phụ liệu thép, vật liệu xây dựng, v.v..

RA: Trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc xâm nhập Việt Nam bằng rất nhiều nguồn và nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Là một người trẻ, anh có ý kiến đóng góp gì để thanh niên Việt Nam có ý thức hơn và thói quen dùng hàng Việt Nam?

Nhật Thành: Mình cũng là người trẻ, trước đây cũng có thời gian chơi bời không quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội. Mục đích sống lúc đó chỉ là làm sao kiếm thiệt nhiều tiền để chơi thôi. Nhưng từ lúc mình nhận thức được cuộc sống xung quanh thì mình cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn. Tối thiểu là trách nhiệm với chính bản thân mình.

Nếu mình cứ ăn uống, mua sắm mà không tìm hiểu nguồn gốc của những sản phẩm mình chọn thì khác nào ‘có mắt mà như mù’, đừng để chết vì thiếu hiểu biết. Đó là trách nhiệm cá nhân. Còn xa hơn là trách nhiệm với xã hội, với đất nước mình đang sống. Đơn giản khi mình sống có trách nhiệm thì cuộc sống mình có giá trị và ý nghĩa hơn. Đó là một vài lời nhắn gửi của mình đối với các bạn trẻ hôm nay.


*




Dân chủ kiểu nào? Trực tiếp hay gián tiếp?



Dân đọc báo (Danlambao) - Nhiều người quá chán chế độ Cộng Sản, họ cho rằng chỉ cần lật đổ rồi bầu cử chính quyền mới với hình thức dân chủ là đủ. Nhưng cái đầy đủ bây giờ có thể là cái thiếu thốn trong tương lai. Có nhiều quốc gia trên thế giới đã lật đổ chế độ độc tài như Liên Xô, Irak, Iran... rồi mới đây Ả Cập, Tunisia, Lybia... mà có hạnh phúc, cơm no áo ấm đâu? 

Khi một trật tự chính trị cũ đổ ngã, vừa vượt qua nạn không được lựa chọn chính trị thì dân chúng lại gặp khó khăn mới. Chọn gì, chọn ai trong những chính trị gia, đảng phái nở rộ như nấm mọc sau mưa? Phân biệt đâu ra những đảng phái phù hợp với mình trong khi ai ai cũng vỗ ngực lo dân và vì dân?

Xin mổ xẻ một đề tài nóng: Nước Ai Cập

Sau khi lật đổ được chính quyền Mubarak, những người biểu tình hí hửng cho vậy là xong, bằng cách bầu cử dân chủ sẽ được một quốc gia dân chủ. Kết quả là đảng Huynh Đệ Hồi Giáo thắng cử. Tổng Thống Mohamed Morsi, dù đã được số đông dân chúng bầu cử một cách dân chủ, đang lăm le ra những đạo luật để thành một chế độ độc tài mới. Vậy là biểu tình, nội loạn tiếp. 

Xa hơn trong quá khứ, chế độ Cộng Sản Liên Xô sập đổ. Gobachev xuống, Eltsine lên, rồi được Putin thay đổi thành chế độ độc tài khác. Dân chúng lầm than thì lầm than. Quốc gia nghèo nàn thì nghèo nàn. Chỉ có thiểu số giàu sụ lên nhờ tài nguyên, vây cánh chính trị và những kẻ hở của luật pháp, (Olygarchy). 

Lịch sử luôn luôn lập lại những lỗi lầm của con người. Cách đây mấy trăm năm, dân chúng Pháp nổi lên cướp ngục tù Bastille, rồi cuối cùng phong trào Cách Mạng Pháp rơi vào tay Hoàng đế Nã Phá Luân. Châu Âu bị chiến tranh liên miên, nước Pháp thua trận, kiệt quệ kinh tế cả nhân lực. 

Vậy lỗi tại ai? Xin thưa là tại dân chúng Ai Cập, Liên Xô và Pháp. 

Lỗi tại vì dân chúng đã giao quyền hạn điều hành xứ sở của mình cho một số ít người khác. Lỗi của thái độ cho rằng lật đổ xong rồi bầu cử một cách dân chủ là đủ. 

Sau nhiều thế hệ được giáo dục để tin tưởng tuyệt đối và thi hành cho chế độ độc tài. Người dân được tự do chính trị nhưng họ chưa biết dùng sự tự do cho đúng cách. Bằng hình thức bầu cử, họ đem sự quyết định của mình dâng cho một số ít người khác quyết định cuộc đời họ. Một “số ít người khác” này sẽ lập ra đảng phái, vây cánh, cho mình những quyền hành mới. Danh từ dân chủ bị lợi dụng. Chế độ độc tài đổi tên, đổi chủ nhưng không đổi bản chất. Nhiều người bạo miệng nói rằng: Có bầu cử thì hết dân chủ!! 

Trong một số ít quốc gia thoát khỏi ách Cộng Sản và thành dân chủ liền nhưng tôi cho Việt Nam sẽ không thuộc diện này. Phần đông các nước khác đều bị dân chủ hụt thì sao Việt Nam lại khác được? 

Khi đọc đến đây thì người chống cộng sản nghi tôi là công an mạng, CAM. Còn những công an mạng, lý thuyết gia ăn lương cộng sản lại mừng hết lớn. Họ có chứng cớ để bài bác phong trào dân chủ. Viễn cảnh tình trạng đất nước tệ hại hơn sau một cuộc tranh đấu để dành dân chủ là một trong những chiêu bài của các chế độ độc tài. 

Xin hỏi tiếp: 

Vậy dân chúng có muốn trở lại chế độ độc tài của Mubarak? 
Có người dân Đông Đức nào muốn dựng lại bức tường Bá Linh? 
Có quốc gia nào trong khối Đông Âu muốn trở lại chế độ cộng sản? 

Câu trả lời là: Dứt khoát không! 

Chẳng qua là khi dân chúng không được chuẩn bị, giáo dục để sống tự do thì nền dân chủ phải qua những giai đoạn chuyển tiếp. Ai Cập biểu tình rồi sao? Rồi sẽ biến chuyển để hình thành một chính quyền dân chủ hơn. Nếu không thì sẽ biểu tình, bạo động tiếp. Khi chính phủ cai trị không cho dân chúng quyền quyết định bằng những cách thức ôn hòa hơn thì biểu tình là một cách “bầu cử”, “tự điều hành”! 

Tôi viết bài này không phải để bài bác dân chủ vì đây là một hiện tượng của lịch sử không thể tránh khỏi (inevitable). Nếu ta nhìn trên bản đồ thế giới, vào năm 1946 thì chỉ có 20 quốc gia được mang danh là dân chủ trong 72 quốc gia. Đến năm 2005 thì đã có 88 quốc gia dân chủ trong số 195 quốc gia hơn 1 triệu dân. Bây giờ con số này đã tăng lên thêm vì nhiều nước đang dân chủ như Tunisia, Lybia. Nhiều nước khác đang rục rịch dân chủ bằng cách ôn hòa như Miến Điện hay bằng bạo động như Syria. 

Những người Việt có may mắn được sống ở những xứ tự do biết rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm công dân của họ. Biết vì luật lệ rõ ràng, minh bạch và công bằng hơn. Những luật lệ đó không phải phải ngủ qua đêm sáng dậy là có liền. 

Trong nền chính trị dân chủ, mỗi công dân có những quyền lợi dính liền với những trách nhiệm. Trách nhiệm đó đòi hỏi nhiều hơn là thái độ đi “bầu cử một cách dân chủ là đủ”. 

Có kiểu dân chủ nào khác ngoài kiểu dân chủ gián tiếp, “bầu cử là đủ”, trao thân gởi phận này không? 

Dạ thưa có: Dân chủ trực tiếp. 

Dân chủ trực tiếp. (Pure Democracy) 

Tổng Thống Abraham Lincohn có nói: Chế độ dân chủ là một chính phủ của dân, vì dân và cho dân. (Thành ngữ này Cộng Sản Việt Nam vi phạm bản quyền. Của xứ Tự Do chứ không phải của Cộng Sản). Thì loại dân chủ trực tiếp gần sát với ý nghĩa của dân, cho dân và vì dân nhất. 

Chế độ chính trị dân chủ trực tiếp lâu đời nhất là thành phố Athens. Ở đây quốc hội (Boulé) đề nghị những luật lệ, cách thức giải quyết những vấn đề hằng ngày, chi thu, thuế má... và mỗi công dân sẽ được quyền hạch hỏi, giải thích ý kiến của mình rồi phán quyết. Số đông sẽ thắng. Nền dân chủ này không có đại diện, không có vua chúa, tổng thống, thủ tướng... vì quyền hạn trong mỗi một công dân. 

Trong lịch sử nhân loại, chỉ có vài ba thành phố, quốc gia có nền dân chủ trực tiếp như thế này mà thôi. Trở ngại lớn nhất là khoảng cách. Khi quốc gia trở nên rộng lớn thì không phải công dân nào cũng đến được trung tâm quyền lực để góp ý kiến và lựa chọn được. Nhờ internet xóa đi khoảng cách, dân chúng trên thế giới càng ngày càng nghiêng về cách thức dân chủ trực tiếp. 

Ba Tây, Estonia... là những nước đi đầu về dân chủ trực tiếp với internet: e-dân chủ, e-democracy. Ở vài thành phố của Ba Tây, dân chúng có thể quyết định những việc xây cất về cầu đường, trường lớp. Họ cũng được quyết định những chi phí về y tế, giáo dục, an ninh. 

Chính quyền của thành phố phải kê khai ngân sách, số tiền nào làm việc gì, do ai đấu thầu... Nhờ vậy mà tham nhũng giảm đi đáng kể. 

Chúng ta đang áp dụng mô hình dân chủ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày mà không phải ai cũng ý thức được. Khi nhóm bạn bè cùng lứa tuổi họp lại, bàn với nhau đi nơi này nơi kia là dân chủ trực tiếp. Khi những thành viên của một câu lạc bộ bàn với nhau chuyện chi tiêu, cách điều hành của câu lạc bộ cũng là dân chủ trực tiếp. Hình thức dân chủ trực tiếp chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất: Những thành viên đối thoại với nhau phải có quyền lực bằng nhau. 

Tất nhiên như mỗi chế độ chính trị, nó cũng có nhiều người bài bác. Khi công khai minh bạch như vậy thì những người sống bằng cách buôn bán quyền lực, luật lệ (lobby) mất hết đất sống. Những chính trị gia không có thể làm gì thì làm nên họ tìm cách đả kích loại dân chủ này. 

Công bằng mà nói, dân chủ trực tiếp cũng có cái sở đoản của nó. Plato nêu rõ là nền dân chủ trực tiếp này chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà thôi. Bởi gì người dân quyết định cái lợi trước mắt mà không chịu nghĩ xa xôi hơn. Một quốc gia điều hành bởi chế độ dân chủ trực tiếp không có một quốc sách, chiến lược, lối đi... cho trung và dài hạn. 

Sở đoản nữa là số đông sẽ chèn ép thiểu số. Lấy Nguyễn Tấn Dũng làm thí dụ. Nếu cộng sản Việt Nam sụp đổ, đem Nguyễn Tấn Dũng ra đấu tố thì mạng sống của ông sẽ chấm dứt. Những người muốn Dũng chết nhất là ai? Trước hết là vây cánh của Dũng vì giết để bịt miệng, giết để đổ tội, giết để phủi tay. Khi nạn nhân được thành thẩm phán rồi thì họ cũng dễ thành đao phủ. Nhưng Dũng cùng những Trọng, Sang, Bình, Thanh... nên được những tòa án không thiên vị xét xử (như Tòa Án Quốc Tế). Trong quá khứ, hiền triết Socrate cũng bị “ tòa án nhân dân” thành phố Athens ép phải tự sát vì những tội vu vơ “đả kích chính quyền”, “đầu độc giới trẻ”!!!” 

Vậy có nền dân chủ nào hòa hợp hai loại dân chủ này không? 

Thưa có, dân chủ bán trực tiếp. 

Dân chủ bán trực tiếp Half Direct Democracy. 

Ở Thụy Sĩ, ai ai cũng có thể tham gia vào chính trị. Những nghị sĩ của quốc hội, cố vấn nửa ngày của phường, quận, tỉnh ngồi họp, tranh cãi, bỏ phiếu rồi đồng ý với nhau ở hội trường thì trở lại là người dân. Ai làm việc ấy. Ông chủ - đại biểu thì tiếp tục coi quản nhân viên, anh chàng sửa xe - đại biểu thì tiếp tục vặn mỏ lếch, thằng đại biểu- thất nghiệp thì tiếp tục kiếm... việc làm. Họ cũng được trả công nhưng rất ít, có thể xem như là trượng trưng. Không có ai có thể sống bằng lương đại biểu của mình. Vì những vấn đề mà họ phải đồng ý như giá như điện, nước, xăng, dầu... liên quan trực tiếp đến đời sống của họ nên sự bàn cãi đó rất nghiêm chỉnh và kịch liệt. Chi phí cho sự vận hành của chính quyền Thụy Sĩ cũng cực kỳ ít ỏi. (Một Thụy Sĩ 'keo kiệt' trong mắt người Trung Quốc - Tân Phúc Thản). 

Nếu chúng ta muốn Việt Nam đi lên thì chúng ta nên có loại dân chủ bán trực tiếp này. Nó kiềm chế được khiếm khuyết của hai loại dân chủ trực tiếp và gián tiếp. Để có một quốc gia hùng mạnh, công dân tương lai trong nước Việt Nam dân chủ phải bầu ra những người làm bộ trưởng, tỉnh trưởng, xã trưởng, thành phần quốc hội... Nhưng họ cũng phải có quyền tham dự, đề nghị luật, trưng cầu dân ý, và bãi nhiệm bất cứ ai trong chính quyền nếu họ thấy sự lợi ích của họ bị đe dọa. Nhờ internet, họ cũng chẳng cần mất thời gian để đi xa xôi, chờ chực phiền phức. Họ chỉ cần vào những website của chính phủ, vào mục trưng cầu dân ý và bỏ phiếu thuận, nghịch hay trắng cũng dễ dàng như bầu hoa hậu ảnh, bài hát hay nhất trong năm... 

Số đông sẽ thắng. 

Khi họ bầu cử ông A, ông B đại diện cho họ, thì những ông này chỉ có quyền hạn tạm thời mà thôi. Công dân có thể lập tức lấy lại quyền quyết định của mình trong bất kể lúc nào mà họ muốn khi ông A, ông B đi ngược lại nguyện vọng của họ. Họ sẽ tự đại diện cho chính mình và có quyền lực của một cổ phiếu. 

Dù chẳng phải là người đầu tiên, Bismarck đã từng nói: 

Chỉ có người ngu mới rút kinh nghiệm của chính mình! (Mà không rút kinh nghiệm của người khác). Những gì đã xảy ra ở Ai Cập và trên thế giới cho chúng ta thấy, chỉ có những đảng phái chính trị tham gia điều hành chính phủ thì vẫn chưa đủ. Vì chỉ cần các đảng phái chính trị “ ăn-gơ” với chính phủ là đất nước sẽ rơi vào một chế độ độc tài. (''Các đảng phái'' có thể là một đảng cộng sản cầm quyền duy nhất của Việt Nam, một đảng chiếm đa số cử tri như Huynh đệ hồi giáo của Ai Cập, hay nhiều đảng đã có những thỏa thuận ngầm như Liên Xô). 

Chính phủ, các đảng phái đối lập và quần chúng, cả ba đều đáng được cầm quyền song song, giám sát lẫn nhau. Giới trí thức dùng sự hiểu biết quảng bá cách nhìn của mình đến quần chúng bằng báo chí hay trên những website. Dân chúng có quyền quyết định theo lời khuyên của chính phủ, các đảng phái và các trí thức. 

Để kết luận, tôi xin đưa ra đề nghị cuối cùng, là một trong những Tuyên Ngôn Quốc Tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, điều 21 trong chương 1: Mọi người đều có quyền tham gia vào cách điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay gián tiếp qua những đại biểu được tuyển chọn một cách tự do.