Mẹ Nấm - Một khi chưa có những thay đổi quy định quyền phúc quyết của người dân dựa trên nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” và quyền lực đó được thể hiện cụ thể là chính người dân Việt Nam tự quyết định ai là người lãnh đạo, chứ không phải là một nhóm người tìm cách gắn cái vòng kim cô như điều 4 vào hiến pháp thì HP Việt Nam hiện tại vẫn chỉ là công cụ phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền...
*
Một trong những vấn đề cơ bản nhất của Hiến pháp (HP) là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây được gọi là nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, và điều này được thể hiện trong HP Việt Nam hiện hành ra sao? Với cơ chế hoạt động hiện tại của bộ máy điều hành nhà nước Việt Nam hình thức cơ bản để người dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình là hình thức dân chủ gián tiếp. Tức là, người dân bỏ phiếu bầu ra những người đại diện, những người này sẽ thay mặt cho người dân, được ủy nhiệm để giải quyết những công việc hiện tại của nhà nước. Điều này khác với hình thức dân chủ trực tiếp, tức là cách người dân trực tiếp bỏ phiếu phúc quyết.
Trong một chế độ dân chủ không thể có một bộ phận nào được nắm quyền lực nhà nước mà không có sự lựa chọn của người dân. Phương pháp phổ biến nhất để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình đó là hình thức bầu cử. Đây là một trong những hình thức thực hiện quyền tự do dân chủ, thể hiện quyền con người trong lĩnh vực chính trị - xã hội.
Điều này có được đảm bảo với quy trình bầu cử và hoạt động của Quốc hội tại Việt Nam hay không?
Câu trả lời rõ ràng là không.
Dưới cơ chế “đảng cử - dân bầu” hiện tại, người dân Việt Nam đa phần không có nhiều cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về cá nhân những người được xem như là đại diện thực hiện quyền lực nhà nước của mình. Và qua các kỳ họp Quốc hội cùng những phiên chất vấn được trực tiếp trên hệ thống truyền thông của đảng Cộng sản, dần dần người dân có thể nhận rõ bản chất của các phiên họp cùng những giải trình yếu kém của những người có trách nhiệm mà không có cách nào để sửa đổi nó.
Cũng trong cơ chế này, không có bất kỳ một công dân nào có thể lọt vào danh sách ứng viên nếu không được sự phê chuẩn của đảng qua những tiến trình nhiêu khê được kiểm soát chặt chẽ bởi đảng qua các bộ phận, cánh tay nối dài của đảng.
Bên cạnh đó, nói đến quyền làm chủ của người dân không thể không nói đến quyền đưa ra những giá trị pháp lý, những quy tắc chuẩn mực theo yêu cầu và nguyện vọng của người dân. Hiểu chính xác hơn đó là quyền tạo ra một hiến pháp theo ý nguyện của nhân dân và do toàn dân phúc quyết để thực thi quyền làm chủ đất nước của mình và để có cơ sở tin rằng nghĩa vụ và quyền lợi của mình luôn được đảm bảo.
Trên thực tế HP năm 1992 khẳng định rằng “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp”, với quy định này và với tiến trình"đảng cử dân bầu" thì người dân đã thực sự bị tước đoạt quyền tham gia lập hiến, lập pháp cũng như quyền tham gia vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đây chính là một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng đến quyền lực thực tế của nhân dân trong HP Việt Nam hiện hành.
Cuối cùng, dựa trên nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, điều 2 bản HP năm 1992 quy định:
"Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức."
Tuy nhiên cái bánh vẽ "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" chưa được nếm, không được ăn, chỉ được nhìn đã bị ăn cắp ngay lập tức bằng chính điều 4 trong Hiến pháp tiếp theo:
"Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Rõ ràng là các quyền cơ bản của con người, vũ khí duy nhất để bảo vệ mình của người dân trước quyền lực nhà nước đã bị gạt bỏ bằng điều 4 và những điều khoản mơ hồ về “lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc”.
Đó là lý do tại sao thay vì công khai trưng cầu dân ý về một bản hiến pháp mới thì đảng Cộng sản lại tiếp tục giở trò “góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”.
Một khi chưa có những thay đổi quy định quyền phúc quyết của người dân dựa trên nguyên tắc“tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” và quyền lực đó được thể hiện cụ thể là chính người dân Việt Nam tự quyết định ai là người lãnh đạo, chứ không phải là một nhóm người tìm cách gắn cái vòng kim cô như điều 4 vào hiến pháp thì HP Việt Nam hiện tại vẫn chỉ là công cụ phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền.