GPLX “song ngữ” của Bộ GTVT lại làm cho người Việt... xấu hổ
Lập Xuân (Sống Mới)
- Một công dân tên là Lê Văn Thịnh vừa đề nghị Bộ Tư pháp xem xét lại
các quy định liên quan đến đề án cấp Giấy phép lái xe (GPLX) mới của Bộ
GTVT. Theo ông Thịnh, GPLX mới được uỷ nhiệm cấp sai thẩm quyền, phần
tiếng Anh có nhiều lỗi, không phù hợp với các khái niệm trong thông lệ
quốc tế.
Mặt trước giấy phép lái xe mới.
Mẫu GPLX mới dự kiến được Bộ GTVT triển khai cấp trên phạm vi cả nước từ đầu năm 2013.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, đề án cấp GPLX mới đã được xây dựng từ rất
nhiều năm trước. Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 1 triệu USD để trang bị
hệ thống máy chủ và máy in đặt tại tổng cục. Bộ GTVT trang bị thêm phần
mềm quản lý thông tin khoảng 7 tỉ đồng. Ngoài ra, tùy vào điều kiện
tình hình địa phương, các sở GTVT sẽ trang bị hệ thống máy móc in ấn
GPLX mới. CSGT khi tuần tra trên đường nếu phát hiện nghi ngờ về GPLX
giả có thể nhắn tin, gọi điện về tổng đài trung tâm dữ liệu GPLX đặt tại TCĐB là kiểm tra được.
Ông Thịnh đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý, sai sót trong GPLX mới. Chẳng
hạn, trên góc trái GPLX ghi “Bộ GTVT” nhưng người cấp lại là Giám đốc
hoặc Phó Giám đốc Sở GTVT. Hiện nay, các sở GTVT không thuộc sự quản lý
trực tiếp về mặt hành chính của Bộ GTVT. Các sở này thuộc sự quản lý của
UBND cấp tỉnh, TP nên việc Bộ GTVT ủy quyền cho họ cấp GPLX là sai về
thẩm quyền. Góc trái GPLX phải in tên cơ quan cấp là Tổng cục Đường bộ
hoặc sở GTVT và dịch ra tiếng Anh.
Về nội dung song ngữ, ông Thịnh chỉ ra lỗi thiếu nhất quán khi Quốc hiệu
Việt Nam trong GPLX mới không được dịch sang tiếng Anh. Tiếp theo, ông
Thịnh cho rằng việc dịch “Giấy phép lái xe” thành Driver’s License là
không chuẩn xác, mà phải dùng cụm từ Driving Licence. Mẫu này Bộ GTVT
từng sử dụng phụ lục 30 tại Thông tư 07/2009 quy định về đào tạo, sát
hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT.
Ngoài ông Thịnh, nhiều chuyên gia ngôn ngữ cũng đã tham gia phân tích về
mẫu GPLX mới dạng song ngữ Việt - Anh. Có vài điểm mà hầu hết mọi người
đều chú ý và kết luận là sai sót không thể chối cãi, ví dụ từ "Ngày"
dịch thành "Day" mới chính xác, còn từ "Date" dùng trong GPLX mới tức là
đã bao gồm cả Tháng và Năm rồi, nên chữ “Month” và “Year” bị thừa. Lỗi
này thể hiện trình độ ngôn ngữ và tư duy thiếu chặt chẽ. Tương tự, phần
chữ ký không nên dùng từ Signed và Sealed, chính xác phải là Signature,
Seal.
Ngoài ra, xét về ý nghĩa và bố cục, đa số phản hồi cho rằng GPLX mới bố
trí không cân đối. Trong khi chữ ký, con dấu của người thừa uỷ quyền cấp
giấy phép quá to, thì Quốc hiệu Việt Nam trên GPLX lại “không được dịch
ra tiếng Anh là bởi không đủ chỗ” – theo giải thích của ông Nguyễn
Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái - Tổng cục Đường
bộ.
Mặt sau mẫu Giấy phép lái xe mới.
Trao đổi với báo giới, ông Quân cho rằng ông Lê Văn Thịnh “bắt bẻ” câu
chữ. “Chúng tôi áp dụng dịch theo tiếng Anh - Mỹ. Còn việc Quốc hiệu
nước ta không được dịch ra tiếng Anh là bởi không đủ chỗ”, ông Quân giải
thích.
Ngoài việc không thừa nhận và sửa các lỗi hiển nhiên về từ ngữ như Date –
Day, Signed/Sealed - Signature/Seal, cách ông Quân lý giải về phương
pháp “dịch thuật” của Bộ GTVT cũng sai ngay từ nhận thức ban đầu. Vấn đề
là với GPLX mới, cũng như trong các văn bằng, chứng chỉ song ngữ khác
của Việt Nam, người ta không “dịch sang tiếng Anh” các khái niệm mang
đặc thù của tiêu đề Việt ngữ.
Với các giấy tờ này, cách làm đúng là đặt các khái niệm tương ứng bằng
tiếng Anh – được sử dụng rộng rãi theo thông lệ quốc tế, vào bên cạnh
(dưới hoặc sau) các tiêu đề Việt ngữ thể hiện cùng một nội dung. Ví dụ:
Giấy phép lái xe/Driving Licence là một cặp khái niệm tương đồng, trong
đó từ driving được dùng theo nghĩa của động từ điều khiển phương tiện.
Nhưng trong tiếng Việt thì từ lái xe vừa có thể là danh từ - người điều
khiển phương tiện, vừa có thể là động từ - lái xe, cho nên tên GPLX mới
của Bộ GTVT cũng có thể dùng song song với cụm từ tiếng Anh tương ứng là
Driver’s License như hiện nay. Nhiều bang ở Mỹ cũng đặt tên bằng lái xe
như vậy. Trong nhiều trường hợp khác, có những tiêu đề Việt ngữ đặc thù
quá phức tạp nên khó tìm cụm khái niệm tương đồng đầy đủ bằng tiếng
Anh, ví dụ: Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, cho nên có thể dùng từ
Place of Residence, hoặc Address cho ngắn gọn cũng được.
Với một mẫu GPLX áp dụng toàn quốc, in song ngữ để có thể xuất trình ở
nước ngoài, kích cỡ chỉ nửa bàn tay và có vài chục ký tự... thế mà Bộ
GTVT còn để lọt những lỗi Anh ngữ ngô nghê đến như vậy thì thật là...
xấu hổ cho nước Việt. Thế mới biết vì sao bất kỳ đề xuất, thông tư nào
do Bộ GTVT soạn thảo đều bị công luận ném đá dữ dội. Chỉ có vài cặp từ
tiếng Anh – Việt mà không dùng được đúng ngữ nghĩa thì thử hỏi những
thông tư, quy định, dự án, hợp đồng... dày hàng trăm, hàng nghìn trang
của Bộ GTVT sai biết bao nhiêu mà kể? Chính phản ứng thiếu thiện chí,
không thừa nhận sai sót hiển nhiên của ông Vụ trưởng Nguyễn Thắng Quân
khi tiếp nhận góp ý của công dân đã lý giải phần nào sự yếu kém và trì
trệ của Bộ GTVT. Đến quan chức cấp Vụ mà còn yếu kém, quan liêu và bảo
thủ như vậy thì quả nhiên chẳng còn thất bại nào của cái Bộ này là khó hình dung.
Lập Xuân