Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-05-12
Thiếu nước trên diện rộng là một nguy cơ Việt Nam phải đối mặt trong tương lai gần. Trong một bối cảnh nhiều phức tạp, vấn nạn này hiện nay đang diễn ra ở mức độ như thế nào?
Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình sau, mời quý vị theo dõi.
Trầm trọng
Căn cứ trên chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt hơn phân nửa chỉ tiêu này. Trong thập niên tới, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
Hiện nay, đa phần lượng nước Việt Nam đang sử dụng không có nguồn gốc trong nội địa. Nước ngoại lai chiếm một tỷ lệ lớn trên tổng lượng nước hàng năm chảy qua bề mặt các lưu vực sông Việt Nam. Nhiều con sông trong đất liền chịu ảnh hưởng lớn từ sự điều tiết nước của các đập thủy điện thuộc Trung Quốc trên thượng nguồn. Chúng tôi được Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Công Quang, Cố vấn kỹ thuật cao cấp quốc gia, nguyên giảng viên Đại học Thủy lợi cho biết như sau:
“Tổng số lượng nước của Việt Nam là 840 tỷ m3 nước, trong đó có 530 tỷ m3 là chảy từ nước ngoài. Tức là 2/3 là nước ngoại lai vào.”
“Đương nhiên là có thuận lợi, thì tất nhiên cũng có những khó khăn. Và những việc đó phải giải quyết theo khuôn khổ của luật pháp Việt Nam và các thông lệ, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Những cái gì thuộc của mình thì mình sẽ làm. Phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý và lợi ích chung.”
Xem ra, vấn đề sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam là rất quan trọng, một khi có liên hệ sâu xa đến sự ổn định về chủ quyền quốc gia. Đồng thời, các biểu hiện suy thoái nguồn nước ngầm đang trở nên rõ rệt và phổ biến. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn cho thấy, mực nước ngầm ở Hà Nội và Sài Gòn đang tụt giảm với tốc độ chừng 1m/năm. Tình trạng thiếu nước sử dụng kéo theo việc suy giảm chất lượng nước. Hiện chỉ có khoảng 40% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Dấu chân nước
“Dấu chân nước thể hiện một cộng đồng, người hay một nước nào đó tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm; mà để sản xuất ra sản phẩm đó thì đã tiêu hao hết bao nhiêu m3 nước. Vấn đề này liên quan đến cách sống của một cộng đồng. Nếu tiêu thụ nhiều thì sẽ khai thác tài nguyên nước nhiều.
Mục đích của dấu chân nước thể hiện trong cách tiêu thụ các sản phẩm; nói chung, đều liên quan đến nước cả. Nếu muốn tiết kiệm nước thì phải thay đổi lối sống. Đơn vị để tính dấu chân nước là m3/người/năm.”
Vấn đề này liên quan đến cách sống của một cộng đồng. Nếu tiêu thụ nhiều thì sẽ khai thác tài nguyên nước nhiều.TS Bùi Công Quang
Nếu quy chuẩn “dấu chân nước” được quan tâm đúng mức, nhà quy hoạch sẽ có cơ sở để xác định rõ hơn về các vùng chuyên canh. Tránh được tình trạng nuôi trồng tràn lan, vừa thiếu hiệu quả lại không đảm bảo cân bằng về tài nguyên nước. Quy hoạch tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, về mức độ ứng dụng quy chuẩn “dấu chân nước” tại Việt Nam, chúng tôi được Tiến sĩ Bùi Công Quang cho biết rằng:
“Hiện nay, một số người biết đề tài này. Ở Việt Nam thì đang giai đoạn bắt đầu nghiên cứu, tuyên truyền để cho mọi người dân nhận thức. Hoặc những nhà ra quyết định nhận thức được vấn đề thế nào là dấu chân nước, thế nào là nước ảo. Chưa có một công trình nghiên cứu nào một cách cụ thể cả.”
Nhiều việc cần làm
“Muốn điều phối nước các ngành với nhau thì chính phủ phải đứng ra, ban hành các khung pháp lý. Bản thân Luật Tài nguyên nước hay một số Nghị định là cũng chưa phù hợp thực tế.
Cấp địa phương phải củng cố lại năng lực của cán bộ. Ở dưới cộng đồng, phải nâng cao nhận thức cộng đồng lên. Là những người sử dụng trực tiếp, phải có tuyên truyền cho người ta. Đồng thời phải ứng dụng các khoa học công nghệ mới.”
Muốn điều phối nước các ngành với nhau thì chính phủ phải đứng ra, ban hành các khung pháp lý. Bản thân Luật Tài nguyên nước hay một số Nghị định là cũng chưa phù hợp thực tế.TS Bùi Công Quang
Theo tiêu chuẩn quốc tế về căng thẳng do khai thác nguồn nước, vào mùa khô mấy năm gần đây, hơn ½ trong tổng số các lưu vực sông cả nước được xếp vào loại căng thẳng trung bình và căng thẳng mức độ cao. Nhằm đối phó với áp lực ngày càng lớn về nguồn nước, các biện pháp quản lý về mặt pháp luật cần nhanh chóng hoàn thiện. Với lãnh thổ có tỷ lệ đến ¾ trên biển, nước trên biển có phải là đối tượng thuộc diện quản lý của
Luật Tài nguyên nước hay không là một vấn đề từng gây tranh luận. Qua trao đổi với ông Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, chúng tôi được biết nước trên biển sẽ được điều chỉnh bằng một luật khác.
Nước là một tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng không vô hạn, kể cả nước trên biển. Sự suy giảm nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia. Cung ứng nước thỏa đáng cần xem là một phần trong chính sách đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân. Để đảm bảo được nguồn nước sạch cho xã hội trong tương lai, thiết tưởng cần phải có những hoạch định cụ thể về chính sách từ hôm nay.