THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 September 2012

Sá gì một bãi biển!



Trần Việt Trình (Danlambao) - Chuyện bắt đầu từ sự việc bãi biển Đà Nẵng bị gán cho cái tên China Beach hơn 10 năm nay. 

Những năm 2005, khi phong trào du lịch Việt Nam lên cao, trên những trang web du lịch của VN xuất hiện ào ạt những bài viết quảng cáo về tour du lịch với những tựa đề như “Da Nang- The China Beach”, “Information Da Nang- The China Beach”, “DaNang China Beach”, “China Beach in DaNang”, “DaNang China Beach, China Beach in DaNang”, … Cái tên “China Beach” đã được sử dụng rộng rãi nhằm giới thiệu với du khách ngoại quốc về bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Thời gian đó, nhiều trang web như ToursVietnam.net, Vietnam Opentours và VNGold.com đã dùng cái tên “China Beach” thật vô tội vạ, vô ý thức.


Biết mà làm ngơ, hay không biết, hay tắc trách, nhà cầm quyền địa phương ĐN đã để cho sự việc kéo dài cả mấy năm trời mãi cho tới tháng 5 năm 2010 khi báo Thanh Niên có bài “Bãi biển Đà Nẵng có tên lạ” liệt kê những nơi còn sử dụng tên “China Beach” thì các cơ quan trách nhiệm ở ĐN mới bừng mắt tỉnh ngũ. Giám đốc phụ trách du lịch của thành phố ĐN lúc đó là ông Ngô Quang Vinh vội vàng chạy tội: “Lâu nay chúng tôi vẫn chỉ đạo không sử dụng cụm từ đó”.

Chính quyền ĐN liền nhanh chóng ra tay buộc các khách sạn và cơ sở kinh doanh ngưng sử dụng tên gọi “China Beach” cho bãi biển có tiếng ở thành phố này. Những cơ sở du lịch và những trang web có nguồn gốc và đăng ký tại ĐN thì chính quyền địa phương còn khống chế được, còn những nơi khác thì sao? Những website du lịch ở nước ngoài thì sao?

Lệnh thực hiện được vài năm rồi đâu vẫn hoàn đó. Mới đây, nhiều website du lịch vẫn đăng quảng cáo giới thiệu biển Đà Nẵng là “China Beach”. Bất chấp khuyến cáo của nhà cầm quyền, không ít các trang web du lịch trong nước vẫn “ngoan cố”. 

Theo báo Thanh Tra trong nước ngày 2 tháng 8 vừa qua, vi phạm mới nhất là trang web của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Nội thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội. Tờ báo này còn cho biết có hai trang web tiếng Anh thuộc Tổng cục Du lịch dùng từ “China Beach”. Trước đó, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn tuyên bố những website “ngoan cố” có nguồn gốc, đăng ký cụ thể tại VN nếu không không chịu sửa chữa thay thế tên gọi cho thích hợp sẽ bị đóng cửa. Ngay sau đó, hầu hết những website du lịch VN đã nhanh chóng xóa khỏi trang web của mình những thư mục giới thiệu về China Beach.

Cũng nên nói sơ qua, bãi biển Mỹ Khê là một trong những bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng. Bãi biển có chiều dài khoảng gần 1km, rất quen thuộc với mọi người dân của thành phố và thuộc vào loại nhộn nhịp nhất trong số các bãi tắm của ĐN. Bãi tắm có phong cảnh tuyệt đẹp, có thuận lợi là ở gần thành phố và có đầy đủ các dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, giữ xe, tắm nước ngọt, cho đến cho thuê dù và phao bơi. Bãi tắm được bán đảo Sơn Trà che chở nên ít sóng lớn, rất an toàn cho du khách bơi lội và vui chơi trên biển. Ở bãi tắm này, du khách còn có thể thả hồn ngắm những con thuyền đánh cá và cảnh ngư dân quăng lưới mỗi sáng sớm hay mỗi lúc chiều về. Ở đây, du khách thực sự bị quyến rũ bởi nước biển xanh trong suốt bốn mùa và không bị ô nhiễm.

Tưởng cũng nên biết, vào năm 2005, tạp chí kinh tế Forbes của Mỹ đã từng bình chọn bãi biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất thế giới (“World's Most Luxurious Beaches”). 5 bãi biển quyến rũ kia là Bondi Beach ở Sydney (Australia), Grace Bay Beach của the Turks và Caicos Islands, South Beach ở Miami, Plage de Pampelonne ở St Tropez và Wailea ở Hawaii. Đầu năm 2010, báo Sunday Herald Sun của Úc cũng liệt kê 10 bãi biển ở châu Á được người Úc yêu thích nhất, trong đó có bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng. 

Vậy thì cái tên “China Beach” từ đâu mà ra? 

Thứ nhất, người Tây phương thường quen xem những gì dính líu tới châu Á đều là “China”. Trong những năm giữa thập niên 1960, khi những quân nhân Mỹ đổ bộ vào vùng biển Mỹ Khê Đà Nẵng, xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng quân, họ đã tự gán tên cho bãi biển là “China Beach”. Cái tên này càng ngày càng trở thành thông dụng đối với người ngoại quốc cũng như một số người dân địa phương.

Thứ hai, cái tên “China Beach” xuất hiện từ một phim truyền hình nhiều tập của Mỹ. Bộ phim có tên “China Beach” được phát trên đài truyền hình ABC của Mỹ từ năm 1988 đến năm 1991. Trong bộ phim, “China Beach” ám chỉ bãi biển Mỹ Khê của thành phố Đà Nẵng. Phim dựng lại cảnh di tản của một bệnh viện của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng thời chiến tranh Việt Nam. Phim được quay tại Mỹ nhưng các nhà làm phim đã dựng một bãi biển giống hệt bãi biển Mỹ Khê tại phim trường để thực hiện cho quá trình tái dựng bối cảnh. Từ sự nổi tiếng của bộ phim, cái tên “China Beach” đã được dùng rộng rãi từ đó. 

Nói gì thì nói, giới thiệu bãi biển Đà Nẵng là “China Beach” là không thể chấp nhận được, nhất là phát xuất từ cửa miệng người Việt! Việc này có thể gây tổn hại đến hình ảnh du lịch của Đà Nẵng và gây hiểu lầm nghiêm trọng cho du khách quốc tế về bãi biển đẹp hàng đầu của VN. Điều này phải được nhìn nhận như là một hiểu biết sai lầm nghiêm trọng về văn hóa, lịch sử của đất nước và cần phải được chấn chỉnh ngay. Đây rõ ràng là một hành động làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia. Người VN không ai có thể chấp nhận bãi biển VN lại được gọi là bãi biển China!

Như vậy thì việc gọi tên sai lầm này là vô trách nhiệm hay là các quan lớn đã bán bãi biển Ðà Nẵng cho Trung Quốc rồi? Lập luận thứ nhất quả thật chính xác còn lập luận thứ hai có lẻ cũng không mấy sai. Trong cuộc tranh chấp biển Đông hiện nay, có ai biết được phần lãnh hải nào của VN đang được nhà cầm quyền lặng lẽ cho thuê không? Chúng ta chưa có chứng cớ nhà nước CSVN cho thuê đảo và lãnh hải nhưng chúng ta ai cũng biết rằng nhiều bờ biển đẹp và thơ mộng đang được cho thuê dài hạn. Hiện nay, dân ĐN ai cũng biết vô số đất ven biển ĐN cũng đã cho nước ngoài (có cả TQ và Đài loan) thuê 50 năm.

Việc đã để cho bãi biển ĐN gọi là “China Beach” vô tội vạ hẳn nhiên là sai sót trong quản lý và là việc làm tắc trách của địa phương. Vì khi một công ty nào xin giấy phép đầu tư, tên hiệu doanh nghiệp đều do địa phương chấp thuận thì người ta mới được quyền trưng lên. Vậy mà trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là từ 2005 đến 2010, 5 năm, mà chính quyền địa phương lại không hay biết. Thật là lạ! 

Việc gọi tên sai lạc như vậy hẳn là vô trách nhiệm trước chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Những năm vừa qua, tại Việt Nam, tâm lý bài Trung Quốc gia tăng không ngừng, đưa đến hàng loạt những cuộc xuống đường liên tục và rầm rộ làm cho nhà cầm quyền phải quan ngại khi có những địa danh lại được gắn liền với Trung Quốc. Trong vòng hai năm trở lại đây, VN và TQ đã có những tranh chấp ngày càng căng thẳng về lãnh hải tại khu vực biển Đông. Thêm vào đó là việc TQ khai thác quặng bauxite tại Tây nguyên, đã dẫn đến tâm lý phản kháng TQ trên báo chí, trên internet và trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn.Sự việc trên chỉ là chủ quyền của một bãi biển. Trên thực tế, nước VN đang bị TQ xâm lấn toàn bờ cõi. Toàn dân ai ai cũng đã biết. 

Chưa có một đất nước nào trên thế giới, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, khi đất nước lâm nguy, người dân phẩn nộ, nóng lòng thể hiện tấm lòng yêu nước thương nòi chống lại kẻ đang xâm lăng đất nước lại bị hành hung, đánh đập, bắt bớ, tù đày bởi kẻ chăn dân! 

Chưa có một đất nước nào trên thế giới, khi giặc đã tràn ngập bờ cõi từ núi rừng hiểm trở đến hải đảo xa xôi, từ đồng ruộng mênh mông đến phố thị nhộn nhàng, không nơi nào là không có bóng dáng giặc thù, quân giặc hiên ngang trương bảng đặt tên phố thị trên đất nước mình, mà đảng và nhà nước vẫn ung dung tự tại, chống đối lấy lệ, trấn an dân bằng lời mộng mị “Có đảng và nhà nước lo!”. Cả một guồng máy lãnh đạo đất nước tự xưng là vì dân, do dân, thực chất chỉ là đồng loã với giặc! Hèn với giặc! Ác với dân!

CSVN hiện nay đã hiện nguyên hình là một tập đoàn tham quyền cố vị, bán rẻ lương tri, bán nước cầu vinh, nhượng đất nhượng biển, cam tâm làm tay sai cho ngoại bang để chỉ đổi lấy sự độc quyền cai trị dân. Đảng CSVN không giữ gìn được đất nước và không bảo vệ được nhân dân trước sự xâm lăng và uy hiếp của Trung Cộng. Cả nước còn bán, cả nước còn đem dâng, sá gì một bãi biển!

12 tháng 9 năm 2012