THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 September 2012

Bị mất việc vì tố cáo vụ hối lộ cho Lương Ngọc Anh



MELBOURNE (Người Việt) - Tám viên chức của Securency và NPA đang ra tòa để trả lời cho các cáo buộc liên quan tới hối lộ viên chức ngoại quốc để giành thầu in tiền giấy nhựa polymer. Tại Việt Nam, người bị tố cáo đứng bình phong cầm $20 triệu Úc kim chia lại cho sếp lớn ở Ngân Hàng Nhà Nước CSVN và có thể các cấp cao hơn, là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ AFTD ở Hà Nội...

*

Người tố cáo công ty thầu in tiền Securency và công ty in tiền của chính phủ Úc (NPA) giao dịch và hối lộ cho một đại tá tình báo của công an CSVN, đã bị yêu cầu im lặng rồi cho nghỉ việc. 

Ông Brian Hood, một cựu giám đốc của Securency bị mất việc vì đã chống đối vụ hối lộ quan chức ngoại quốc để giành thầu in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam và một số nước khác. (Hình: Sydney Morning Herald)

Những lời khai của ông Brian Hood, một giám đốc của Securency, với Cảnh Sát Liên Bang Úc trong cuộc điều tra đặt ra nghi vấn là có phải các viên chức của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Úc (RBA) đã có phạm luật không khi nói dối Quốc Hội (trong các buổi điều trần), bao che tham nhũng hay đã trừng phạt kẻ đã đứng ra tố cáo sự sai trái. 

Tám viên chức của Securency và NPA đang ra tòa để trả lời cho các cáo buộc liên quan tới hối lộ viên chức ngoại quốc để giành thầu in tiền giấy nhựa polymer. Tại Việt Nam, người bị tố cáo đứng bình phong cầm $20 triệu Úc kim chia lại cho sếp lớn ở Ngân Hàng Nhà Nước CSVN và có thể các cấp cao hơn, là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ AFTD ở Hà Nội. 

Theo bản tin của báo The Age nêu ra hôm Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012, ông Hood đã khai với cảnh sát rằng năm 2008 ông đã nêu vấn đề quan ngại về tham nhũng nhưng phó thống đốc RBA là Bob Rankin lại báo cho ông biết là việc làm của ông không còn nữa. 

Một cựu phó thống đốc khác, Ric Battellino, tức người mà ông Hood báo động về các người môi giới tham nhũng, đã nói với ông rằng đừng bao giờ nêu vấn đề hối lộ. Sau đó, khi ông Rankin trở thành chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của cả Securency và NPA thì thông báo cho ông Hood nghỉ việc vì “thừa người.” 

Những lời khai báo của ông Hood trái ngược với những lời điều trần ở Quốc Hội của ông Thống Ðốc Glenn Stevens rằng các chức sắc cao cấp của RBA không biết gì về chuyện hối lộ quan chức ngoại quốc. 

Lời khai của ông Hood cho biết không những vậy, ông đã nêu sự quan ngại với Phó Thống Ðốc Frank Campbell năm 2007 về những vụ hối lộ liên quan đến cả hai công ty NPA và Securency. Ông nói cả với ông Phó Thống Ðốc Mattellino, kiểm toán chính của RBA là ông Paul Apps và bà Helen Brown, luật sư nội bộ của RBA. 

Qua lời khai của ông Hood thì từ trên xuống dưới, dấu hiệu cho thấy cả các cấp cao nhất của RBA đã biết vụ việc từ lâu nhưng cố tình ém nhẹm để giữ mối thầu in tiền cho Việt Nam và các nước khác. 

Một ngày trước, báo chí Úc đưa tin Cựu Thủ Tướng Úc Paul Keating khi làm tư vấn cho một công ty Úc (Armaguard) được Cục Xúc Tiến Thương Mại Úc (Austrade) giới thiệu với Lương Ngọc Anh năm 2008 để nhờ tay này giới thiệu với các quan chức cao cấp của Việt Nam, nhắm mối thầu tư vấn về quản trị tài chính. Tuy nhiên, công ty Armaguard không tiến tới. 

Cựu Thủ Tướng Úc Paul Keating. (Hình: The Age)

Việc này diễn ra dù một năm trước cơ quan Austrade đã gửi một bức thư “tuyệt mật” gửi Securency cho biết tòa Ðại Sứ Úc ở Hà Nội đã điều tra và nói “Lương Ngọc Anh có thể là một viên chức cao cấp ở Bộ Công An hoặc một cơ quan trực thuộc.” 

Tuần trước, báo chí Úc tường thuật phiên tòa ngày 6 tháng 9, 2012 cũng cho biết một phái đoàn của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN sang Úc cuối năm 2007 đã được cung cấp gái điếm mà chi phí do Securency trả. Trong đó một viên chức trong phái đoàn CSVN còn đòi cung cấp gái “tóc vàng.” (TN)


*

Bài cũ:

Lương Ngọc Anh cầm tiền hối lộ thay cho cấp trên 

MELBOURNE, Aus. (NV) - Công tố viên cáo buộc Lương Ngọc Anh, đại tá tình báo công an CSVN chỉ là người đứng bình phong nhận tiền hối lộ cho các sếp Ngân Hàng Nhà Nước CSVN trong dịch vụ công ty Úc in tiền giấy nhựa cho Việt Nam. 

Ðại tá tình báo của công an CSVN Lương Ngọc Anh làm tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) bị công tố viên Úc cáo buộc là người trung gian cầm tiền hối lộ cho các sếp lớn. (Hình: Sydney Morning Herald)

Tin từ phiên tòa ngày 14 tháng 8, 2012 ở Melbourne xử các viên chức công ty dịch vụ in tiền giấy nhựa Securency và công ty in tiền của chính phủ Úc NPA (Note Printing Australia) được đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald cho hay. 

“Người đại diện (agent) (tức Lương Ngọc Anh) được hứa hẹn (hoa hồng) trên căn bản là đã được thỏa thuận và được hiểu rằng từ tiền hoa hồng ông ta đưa hối lộ cho các chức sắc Ngân Hàng (Nhà Nước CSVN) để đạt hợp đồng in tiền mà đó là chủ đề của sự đàm phán.” 

Công tố viên Nicholas Robinson nói trong phiên xử như vậy và được báo SMH thuật lời. 

Ra tòa là 8 viên chức cao cấp của Securency và NPA bị truy tố về tội tham gia vào âm mưu hối lộ các viên chức chính phủ nước ngoài trong đó có Việt Nam để giật mối thầu in tiền. 

Nhà cầm quyền Việt Nam cho đổi từ tiền giấy sang tiền giấy nhựa polymer với công nghệ của nước Úc để đối phó với nạn tiền giả tràn lan khắp nước. Dù vậy, tiền polymer nay vẫn bị Trung Quốc làm giả với những số lượng lớn rồi tuồn vào Việt Nam tiêu thụ. 

Theo cáo buộc, viên chức Úc đã trả hàng triệu Úc kim tiền hối lộ cho các người trung gian có mối quan hệ với những viên chức chính phủ cấp cao tại các nước Á Châu như Indonesia, Malaysia và Việt Nam từ năm 1999 đến 2004. 

Ðương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời đó là phó thủ tướng thường trực và chủ tịch Hội Ðồng Tài Chính-Tiền Tệ của chính phủ. Tháng 5, 1998, ông được Quốc Hội cử kiêm chức thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước và giữ ghế này đến tháng 12, 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Ðức Thúy. 

Vậy vụ việc Lương Ngọc Anh làm trung gian cầm tiền hối lộ của Securency và NPA diễn ra trong cả 2 thời thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN là Nguyễn Tấn Dũng và Lê Ðức Thúy. Số tiền “hoa hồng” từng được đề cập đến là $20 triệu Úc kim. 

Tại phiên tòa ở Melbourne, thẩm phán đã được nghe cáo buộc rằng Lương Ngọc Anh được dùng làm kẻ trung gian là qua sự đề nghị của đại diện thương mại Úc tại Việt Nam là bà Elizabeth Masamune. 

Một ngày trước, báo Sydney Morning Herald dựa vào các nguồn tin điều tra nói rằng bà có mối quan hệ tình ái với ông đại tá tình báo Lương Ngọc Anh. (Thật ra, báo Úc dùng từ intimately được hiểu là có liên quan đến tình dục). Khi được báo Úc yêu cầu bình luận, bà đã không trả lời. 

Khi ông Lương Ngọc Anh đòi công ty cung cấp tiền cho chuyến đi ngoại quốc (trong đó có cả chuyến đi Mỹ) của một số viên chức Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, ông Clifford Gerathy đặt nghi vấn thì được bà Masamune nói đó là hành động bình thường của các công ty ngoại quốc làm ăn ở Việt Nam. Bà lại còn được thuật lời nói có rất nhiều những kẻ cạnh tranh khác sẽ sẵn sàng tài trợ những chuyến đi như thế (để tranh mối). 

Lương Ngọc Anh, 49 tuổi, hồi giữa năm 2009 được báo điện tử Ðảng Cộng Sản Việt Nam ca ngợi như một anh hùng, tuổi trẻ tài cao. Bài báo dài khoe khoang cuộc đời, sự nghiệp ông tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) ở Hà Nội chỉ được ít ngày thì bị lấy xuống khi có bài viết tố cáo của báo Úc. 

Cho tới khi báo Úc khui ra qua nhiều loạt bài viết hơn hai năm qua, người ta mới biết kẻ cầm đầu CFTD là một đại tá tình báo của công an CSVN. Công ty này chỉ là bình phong hay là công ty “sân sau” của những kẻ quyền thế trong guồng máy cai trị độc tài ở Hà Nội. 

Nếu không có những móc nối, quan hệ ở thượng tầng guồng máy cai trị CSVN, cái công ty CFTD không thể trúng thầu những mối nhập cảng trang thiết bị “nhạy cảm” và béo bở cho hệ thống công an và Bộ Quốc Phòng CSVN. 

Trên báo Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Lương Ngọc Anh từng cho hay công ty CFTD có vốn 400 tỉ đồng do đóng góp của 200 cổ đông, một số tiền không lấy gì làm lớn, nhưng lại có thương vụ hàng năm khoảng $30 triệu USD. Nếu người ta biết danh sách 200 cổ đông này gồm những ai, tiền bạc ở đâu ra để góp cổ phần, người ta có thể hiểu thêm được hậu trường quyền lực và kinh tài của những kẻ quyền thế tại Hà Nội. 

Theo báo Úc, Cục Xúc Tiến Thương Mại Úc (Austrade), để đạt được mối thầu in tiền polymer cho Việt Nam, họ đã phải dùng tới quan hệ tình báo ngoại giao. Tuy Austrade từ chối cung cấp thông tin nhưng báo Úc tin rằng những người cầm đầu Securency có tin tức Lương Ngọc Anh là đứng làm bình phong của Bộ Công An CSVN tại CFTD. Công ty này vừa đóng vai kinh tài, vừa là một trong những tổ chức tình báo và an ninh của Hà Nội. 

Trang mạng của công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) 
phần giới thiệu thành phần cầm đầu vẫn có tên Lương Ngọc Anh là tổng giám đốc. (Hình: Internet)

Lương Ngọc Anh được mô tả là một nhân vật từng tháp tùng ông Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng khác nhiều lần ra ngoại quốc. 

Cho tới nay, chỉ mới có ông David J. Ellery, cựu quan chức tài chính tại công ty in tiền của chính phủ NPA là nhận tội và sẽ khai chống lại các người khác. 

Hiện các phiên thẩm vấn ở tòa án còn tiếp tục. (TN)