(Dân trí) - Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, không thể tước giấy phép kinh doanh của những trạm xăng đóng cửa trước giờ tăng giá, vì việc cạn nguồn xăng do đầu mối không cung ứng.
>> Giá xăng dầu nhảy vọt, cước vận tải lao theo
>> Ngừng bán xăng tràn lan trước giờ tăng giá: Khó xử lý?
>> Sẽ rút giấy phép cây xăng găm hàng chờ tăng giá
Chiều 14/8, Dân trí đã có trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng về vấn đề các cây xăng đồng loạt "găm" hàng chờ tăng giá. Đây hoàn toàn không phải là hiện tượng mới xảy ra trong đợt tăng giá xăng ngày hôm qua (13/8) mà dường như đã trở thành "chỉ báo" giờ tăng giá xăng dầu mỗi lần có đợt điều chỉnh.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nói: "Ngày hôm qua, chúng tôi đã phải trực tiếp ra quân và tôi là người trực tiếp đã đến tận những cây xăng đóng cửa, mở cả téc ra không có giọt xăng nào. Và họ tuyên bố thẳng, họ lấy hàng qua đầu mối, chỗ thì Petrolimex, chỗ PV Oil nhưng đều không cấp hàng cho họ".
Ông Lộc khẳng định, việc "hết xăng" trước giờ tăng giá là lỗi ở đầu mối. Đến đây, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc làm việc với đầu mối không còn nằm trong trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan này.
Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam giải thích: quy định cấm đầu cơ, "găm hàng" với mặt hàng xăng dầu đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 107/2008/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại trước đây và Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Nghị định 107 về xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa ccó quy định các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa là xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hoá học nhằm bán lại thu lợi bất chính bị đều xử phạt từ 5 đến 35 triệu đồng.
Nghị định này có dành riêng Điều 5 quy định về xử phạt đối với hành vi găm hàng, theo đó việc cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường hoặc ngừng bán hàng không có lý do chính đáng bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng, mức phạt có thể tăng lên 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Mức phạt sẽ nhân đôi nếu các hành vi vi phạm là của cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại. Ngoài ra, còn có hình thức phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa, thậm chí tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn trên 12 tháng trở lên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Như vậy, kể cả khi bị phát hiện, nếu các đơn vị vi phạm cân nhắc số tiền phạt vẫn thấp hơn số tiền đầu cơ thu được nhờ găm hàng thì họ vẫn thực hiện. Để đối phó, chế tài xử phạt đã được nâng lên đến mức có thu hồi giấy phép kinh doanh.
Trả lời báo giới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đào Minh Hải cho biết, cơ quan này sẽ xử lý nghiêm và công khai các cây xăng vi phạm, xem xét xử lý thích đáng, thậm chí có thể rút giấy phép kinh doanh các đơn vị cố tình đóng cửa để chờ tăng giá.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Lộc tỏ vẻ ngạc nhiên, "Làm sao rút giấy phép của họ được, đầu mối có cung ứng nguồn xăng để họ bán đâu. Không có hàng, họ không bán thì làm sao rút giấy phép".
Điều 31 của Nghị định 84 quy định về các hành vi vi phạm đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu có khoản 3 nêu hành vi vi phạm của thương nhân làm tổng đại lý, đại lý bán lẻ trong đó có việc không đảm bảo số lượng, chất lượng xăng dầu bán ra trên thị trường theo quy định của pháp luật, có các hành vi đầu cơ, găm hàng...
Về phương án xử lý, ông Đỗ Thanh Lam cho biết, có nhiều cách chỉ đạo để xử lý vấn đề này, trực tiếp hoặc qua văn bản. "Cụ thể đến ngày mai chúng tôi sẽ có thông báo chi tiết", ông Lam hứa hẹn.
Nói như ông Nguyễn Đắc Lộc, sau khi xăng tăng giá xong, mọi việc lại trở lại trạng thái bình thường. Việc xử lý nếu không quyết liệt, việc vi phạm như thế này sẽ vẫn tiếp tục là một vòng luẩn quẩn: cây xăng đổ cho đầu mối, đầu mối đổ cho nguồn cung. Người tiêu dùng rốt cuộc vẫn là người thiệt hại.
Trong khi đó, liên hệ với ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chúng tôi nhận được câu trả lời: Hiện tại, có quan này vẫn đang nghiên cứu, chưa có đề xuất nào liên quan đến vấn đề trên.
Bích Diệp