TT - Nhiều trường mầm non trên địa bàn TP.HCM tạm đóng cửa vì bệnh tay chân miệng đang lây lan nguy hiểm.
Một số phụ huynh đến xem thông báo của Trường mầm non Vàng Anh tại cơ sở 1 ở 629B Hưng Phú, Q.8, TP.HCM về việc tạm ngưng học hè vì bệnh tay chân miệng (ảnh chụp chiều 13-7) - Ảnh: M.ĐỨC |
Sáng 13-7, sân Trường mầm non Vàng Anh, Q.8, TP.HCM không còn hình ảnh cô giáo và các bé chạy nhảy, vui chơi trong tiếng nhạc rộn ràng. Trường đóng cửa, hành lang thành chỗ để xe, các phòng học khóa im ỉm. Chỉ còn vài giáo viên túc trực ở trường để nhận hồ sơ tuyển sinh và phát tài liệu về phòng chống dịch tay chân miệng cho phụ huynh có nhu cầu.
Áp lực từ phụ huynh
Để phòng bệnh, nên: 1. Rửa tay: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. 2. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloraminB 5% (có thể mua tại nhà thuốc tây). 3. Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho. 4. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là bảy ngày). Bác sĩ Trương Hữu Khanh |
Đại diện ban giám hiệu Trường Vàng Anh cho biết: “Nhiều tháng nay trường tăng cường công tác phòng ngừa, tuyên truyền về dịch bệnh cho phụ huynh và giáo viên, vệ sinh môi trường và thân thể các em sạch sẽ. Tuy nhiên trong số 120 trẻ học hè ở trường có một em bị bệnh phải nghỉ ở nhà một tuần nhưng gia đình không biết trẻ bị bệnh tay chân miệng, cứ đinh ninh bị viêm họng.
Sau khi gia đình đưa trẻ đến lớp, bé bị nôn ói, nhập viện thì bé bị hôn mê, lúc đó mới biết bị bệnh tay chân miệng. Ngay sau đó, cơ quan y tế đã kiểm tra tình trạng sức khỏe của tất cả học sinh trong trường và nhà trường quyết định xin tạm ngưng dạy hè cho đến khi vào năm học mới”.
Tương tự, một số trường mầm non công lập tại Q.8 cũng tạm ngưng hoạt động dạy hè kể từ đầu tuần này. Tại Trường mầm non TH, các giáo viên cho biết hoạt động dạy học đã tạm ngưng, đến đầu năm học mới trẻ sẽ tới trường.
Đa số phụ huynh ở địa bàn này đưa con về nhà, một số phụ huynh khó khăn thì gửi con ở các trường tư trong thời gian ngắn. Tại Trường mầm non tư thục Ánh Linh, ban giám hiệu vẫn nhận trẻ đến lớp nhưng dán thông báo ở cổng trường với nội dung “Nhà trường sẽ không nhận các bé khi có các dấu hiệu sốt, nổi mẩn đỏ ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối..., nếu bé có bệnh phụ huynh cho bé ở nhà để điều trị”.
Việc không tiếp tục nhận giữ cháu trong hè đã gây khó khăn cho một bộ phận phụ huynh không có người ở nhà giữ trẻ. Tuy nhiên, ông Triệu Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.8, khẳng định: “Bây giờ đang là thời điểm hè, việc có giữ trẻ hay không là do thỏa thuận giữa trường mầm non và phụ huynh.
Đây là thời điểm giáo viên làm thêm để tăng thu nhập nhưng nếu họ không muốn làm thì không thể ép buộc. Thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn quận đã phát hiện gần 10 trường hợp bị bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong và một trường hợp bị hôn mê sâu. Thậm chí có trường cứ hai tiếng kiểm tra các cháu một lần nhưng vẫn phát hiện hai trường
hợp bị bệnh khiến giáo viên rất lo lắng. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo trường nào cảm thấy không yên tâm, không bảo đảm tránh được việc lây lan bệnh tay chân miệng thì tạm ngưng, không giữ cháu trong hè”.
Có “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao
Nghỉ học 10 ngày nếu có từ 2 trẻ trong 1 lớp mắc bệnh Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng. Trong đó yêu cầu tăng cường truyền thông giáo dục cho trẻ, giáo viên và phụ huynh về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Cụ thể, khi có từ hai trẻ trong một lớp trở lên bị mắc bệnh trong vòng bảy ngày, cần phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đề xuất phương án cho lớp nghỉ học 10 ngày, kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để tránh lây lan mầm bệnh. |
Ngày 13-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM có 180 ca tay chân miệng nằm điều trị. Mỗi ngày tại khoa này tiếp nhận khoảng 60 ca mắc bệnh mới. Một bác sĩ điều trị tại khoa cho biết năm trước ngày cao nhất cũng chỉ khoảng 35 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đến giữa tháng 6 bắt đầu giảm, thì năm nay số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM vẫn đang ở mức cao.
Số ca nặng vẫn nhiều. Tuần trước, đã có hai trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong đó có một trẻ ở Q.12 và một trẻ ở tỉnh chuyển lên. Cả hai bệnh nhi này đều nhập viện trong tình trạng nặng, đã bị sốc, phù phổi...
Theo bác sĩ Khanh, bên cạnh những trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng bị tử vong do nhập viện trễ vẫn có trường hợp trẻ đến từ sớm nhưng tử vong vì bệnh diễn tiến rất nhanh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Hiện mỗi tuần TP có 400-450 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tuần cao điểm nhất trong mùa dịch này lên đến hơn 500 trẻ.
Theo bác sĩ Thọ, nguyên nhân chủ yếu khiến số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng hơn nhiều so với mọi năm là do năm nay xuất hiện tác nhân gây bệnh tay chân miệng mới, đó là chủng EV 71 phân nhóm C4. Tác nhân gây bệnh mới này làm nhiều trẻ từng bị bệnh tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh lại.
ĐBSCL: bệnh tay chân miệng tăng đột biến * Bạc Liêu tạm đóng cửa Trường mầm non Hoa Mai 1 tuần Ngày 13-7, bác sĩ Nguyễn Văn Minh, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bạc Liêu, cho biết bệnh tay chân miệng đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại tỉnh này, hiện có 129 trẻ mắc bệnh trên địa bàn tỉnh được ngành y tế ghi nhận. Địa phương có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất là TP Bạc Liêu với 44 ca, đã có hai trường hợp tử vong tại huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình. Ngành y tế địa phương đang tiến hành triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Sáng 11-7, ban giám hiệu Trường mầm non Hoa Mai (TP Bạc Liêu) đã quyết định tạm đóng cửa trường, cho các cháu nghỉ học một tuần vì nhà trường phát hiện có ba học sinh mắc bệnh tay chân miệng. Hiện cả ba em được điều trị tại TP.HCM, trong đó một em phải thở máy. Tại TP Cần Thơ, tiến sĩ Lê Hoàng Sơn - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho biết từ đầu năm đến tháng 7 bệnh viện đã ghi nhận trên 2.800 ca bệnh tay chân miệng (tăng 109% so với cùng kỳ 2010), số ca phải nhập viện điều trị là 220, trong đó nhiều ca đến từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng... Trong khi đó, tại An Giang và Đồng Tháp bệnh tay chân miệng cũng gia tăng đột biến. Theo bác sĩ Võ Huy Danh - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang - gần đây bệnh tay chân miệng bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh tại các huyện thị trong tỉnh. Từ đầu năm tới nay đã phát hiện gần 120 ca, tăng 30% so với cùng kỳ 2010 và đã có một ca tử vong. TS Nguyễn Ngọc Ấn - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp - cho biết kể từ đầu tháng 6 tình hình nhiễm bệnh tay chân miệng ở địa phương này có chiều hướng lan rộng và gia tăng đáng báo động. Từ đầu năm tới nay các cơ sở y tế phát hiện 1.046 ca, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo TS Ấn, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở Đồng Tháp từ nhiều năm trước, mầm bệnh trong cộng đồng tích tụ dần nên bùng phát mạnh thành dịch. Bệnh vốn dễ lây lan từ người sang người do quá trình tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị và văcxin phòng ngừa nên ngành y tế đang tập trung giám sát dịch tễ, phát hiện khống chế sớm các ổ dịch qua việc triển khai chiến dịch làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại các trường học, cơ sở điều trị. Đ.VỊNH - N.CHÂU - M.QUỐC - T.LŨY |
H.HG. - L.TRANG - T.DƯƠNG