Mất tiền môi giới, tốn sức làm thêm cả tháng rồi không được thanh toán lương với lý do chưa đạt yêu cầu, phải chờ quyết toán..., nhiều bạn sinh viên rơi vào cảnh khóc dở mếu dở.
> Loay hoay kinh doanh tại gia
> Người lao động khốn đốn vì thất nghiệp
Mỗi tháng chỉ nhận được 500.000 đồng trợ cấp từ gia đình, Lê Thị Định, quê ở Phú Thọ, sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền tìm cách làm thêm để trang trải tiền thuê nhà, ăn ở và học phí. Một lần ngang qua bốt ATM trên đường Cầu Giấy, Định nhìn thấy tờ thông báo tuyển sinh viên làm partime. Liên hệ với số điện thoại ghi trên đó, cô nhận được việc gấp phong bì với giá 500 đồng cho 10 chiếc.
Mỗi ngày cặm cụi, Định gấp được khoảng 150 chiếc, tương đương với 7.500 đồng. Tuy nhiên, sau 2 lần giao hàng, mỗi đợt cách nhau nửa tháng, cô không nhận được bất kỳ khoản thù lao nào. "Họ hẹn trả tiền gối đầu, lấy hàng lần sau sẽ thanh toán lần trước. Nhưng mới đây, em mang đến thì chị chủ bảo gấp xấu nên không trả lương", Định kể. Trong khi đợt đưa hàng đầu tiên, Định không thấy bị phàn nàn gì về chất lượng. Tính ra, cô mất hơn 200.000 đồng, gần bằng học phí một tháng.
Sinh viên nhận việc làm thêm nên yêu cầu hợp đồng ngắn hạn hoặc bản thỏa thuận có xác nhận giữa 2 bên để đảm bảo quyền lợi. Ảnh minh họa: Phan Dương. |
Qua trung tâm việc làm, Vũ Văn Khánh, sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội được giới thiệu dạy thêm toán cho một học sinh lớp 6, nhà ở Trung Yên, Hà Nội. Mỗi tuần 2 buổi với giá 80.000 đồng, cả tháng, Khánh sẽ kiếm được hơn 600.000 đồng. Thấy không mất quá nhiều thời gian, lại đủ tiền thuê nhà chung với người bạn nên Khánh đồng ý, dù ngay khi nhận việc phải trả phí môi giới là 50% tháng lương đầu tiên.
Nhưng sau hơn 2 tháng làm gia sư, đánh động với chủ nhà nhiều lần mà vẫn không được thanh toán, Khánh đành chủ động xin nghỉ dạy. Lấy lý do cậu tự ý thôi việc nên gia chủ không chịu trả lương. Đem vấn đề này đến trung tâm giới thiệu việc làm, Khánh bị từ chối giải quyết. "Họ bảo không có thẩm quyền, chỉ môi giới đến khi em nhận được việc thôi, còn chuyện trả lương, tiếp tục hợp tác hay không là giữa người thuê và người dạy", Khánh kể lại. Không những không kiếm được đồng nào sau 2 tháng làm thêm, Khánh còn thâm hụt thêm 320.000 đồng phí môi giới.
Muốn tìm việc làm thêm, Nguyễn Như Hoa, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cẩn thận tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm không mất phí môi giới. Nhờ khả năng ăn nói tốt cùng ngoại hình ưu nhìn, Hoa nhận được việc khảo sát, điều tra thị hiếu người tiêu dùng về các sản phẩm có trên thị trường. Mức lương thỏa thuận từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng mỗi tháng, tùy lượng công việc.
Mỗi tuần, Hoa thường phải đi làm 2-3 buổi tối, từ 18h đến 20h, đến 5 hộ gia đình cho mỗi nhóm sản phẩm để nhờ trả lời về những câu hỏi có sẵn trong phiếu điều tra. Công việc tuy không vất vả nhưng giờ giấc trái khoáy và đòi hỏi Hoa phải thuyết phục được gia chủ hợp tác.
Nhưng gần tháng rưỡi làm việc, cô sinh viên này vẫn chưa nhận được một khoản thù lao nào. "Lúc họ nói trả lương theo tháng, lúc lại bảo chờ quyết toán hợp đồng. Em nghỉ làm nửa tháng nay để tập trung ôn thi nhưng liên hệ lại, các anh chị ở đó vẫn bảo chưa có", Hoa kể. Xác định đi làm thêm để lấy kinh nghiệm và rèn khả năng giao tiếp nhưng cô sinh viên này vẫn thấy ấm ức nếu phải làm không công.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Thư, phụ trách đường dây nóng của một trung tâm chuyên tổ chức các công việc partime cho biết, đã hợp tác với nhiều bạn học sinh, sinh viên hơn 2 năm nay song thấy rất ít xảy ra tình trạng chậm lương. Theo chị Thư, bản thân các công ty thuê người làm thêm cũng gặp một số khó khăn khi thanh toán tiền công.
"Nếu các bạn sinh viên làm ẩu, không đạt chất lượng, chúng tôi rất khó tiêu thụ hàng, đôi khi lại do chưa thanh lý được hợp đồng nên mới chậm lương, nhưng những chuyện đó chỉ là hy hữu", chị Thư khẳng định. Vị phụ trách này cũng khuyên các bạn sinh viên nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ những tờ rơi mời gọi làm partime được dán nhan nhản trên đường phố hiện nay trước khi nhận việc.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của một trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội trên đường Tạ Quang Bửu, Hà Nội cho biết đã nghe nhiều về những trường hợp sinh viên làm thêm bị chậm lương, thậm chí không được trả tiền công. Theo ông, khi không may rơi vào những tình huống trên, các bạn trẻ rất khó đòi được quyền lợi.
Vì ở hầu hết các trung tâm, công việc partime chỉ có thỏa thuận miệng, không có hợp đồng cụ thể. Do vậy, những tranh chấp về tiền lương, thời hạn trả lương cũng như chất lượng công việc rất khó giải quyết, trong khi đa phần sinh viên đều làm việc trước, nhận lương sau.
Theo đó, vị đại diện này khuyến cáo, khi muốn làm thêm, sinh viên nói riêng và người lao động nói chung cần cảnh giác, tìm đến những trung tâm môi giới có uy tín, được cấp phép của Nhà nước và không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Ngoài ra, khi nhận việc, người lao động cũng có thể yêu cầu hợp đồng ngắn hạn hoặc một thỏa thuận có xác nhận giữa 2 bên để bảo vệ quyền lợi bản thân khi không may xảy ra tranh chấp.
Xuân Ngọc