Chủ Nhật, 13/05/2012 22:42
Ra khơi bám biển, không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những nhọc nhằn, hy sinh của ngư dân bao đời ngày càng hun đúc ý chí quật cường của người dân Việt
Vững vàng giữa trùng khơi
Chuẩn bị cho một chuyến lặn...
Sau mấy cuộc hẹn, chúng tôi được anh Nguyễn Thanh Tuấn (45 tuổi, một thuyền trưởng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) đồng ý cho tham gia chuyến biển trên chiếc tàu QNg-95821-TS đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
Dầm mình dưới đáy đại dương
Trong màn đêm đen dày đặc, tận mắt chứng kiến 12 ngư dân liên tục ngụp lặn giữa biển cả mênh mông, chúng tôi mới cảm nhận hết những khó khăn, hiểm nguy mà họ phải đối mặt trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn này.
Cẩn thận quấn quanh người những vòng dây hơi rồi ngậm đầu ống khí vào miệng, Trương Văn Công (32 tuổi, có thâm niên đến 8 năm trong nghề lặn biển) một tay cầm xỉa sắt nhọn, tay kia mang tấm vợt, ào mình xuống đáy biển sâu. Gần 10 phút sau, ống hơi trên tàu bắt đầu căng cứng, có nghĩa là người thợ lặn cừ khôi này đang ở độ sâu chừng 90 m. Nương theo ánh đèn lờ mờ hắt ra từ boong tàu, những thợ lặn len lỏi tìm bắt những con hải sâm đang im ngủ trong các rạn san hô hoặc cây bụi dưới đáy biển. Những con cá ngừ, cá thu to cỡ bắp vế người thấy động, vừa lao ra khỏi hang thì bị trúng xiên. Cứ thế, những thợ lặn ngư dân dầm mình dưới đáy đại dương mênh mông, hàng giờ cho đến lúc đầy giỏ cá thì giật dây ra hiệu cho bạn thuyền trên tàu kéo lên.
Dưới độ sâu hàng trăm mét, thợ lặn phải có sức khỏe, thần kinh vững vàng và đặc biệt là kinh nghiệm xử lý nhanh những sự cố có thể xảy ra như bể ống hơi, ngạt nước vì thiếu ôxy do lặn quá sâu, vọp bẻ vì lạnh... Ngư dân Trần Quang Khải (25 tuổi) bộc bạch: “Nghề biển của tụi tôi giống như rái cá, ngày ngủ, đêm thức kiếm mồi. Biển hào phóng thiệt đó nhưng cũng tiềm ẩn những hiểm nguy không thể lường trước được. Tôi cũng có mấy người bạn bị… tàn phế vì tai nạn nghề nghiệp. Thôi thì may nhờ, rủi chịu, biết sao được”.
Nhiều ngư dân ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định bảo sợ nhất là chuyện câu mực để làm mồi câu cá ngừ đại dương. Sau khi ra khơi cả trăm hải lý, đêm xuống, mỗi người lên một thúng chai, cách nhau khoảng 50-70 m, “tác chiến” độc lập. Đến sáng, thuyền trưởng đưa tàu đến từng điểm để đón số ngư dân này. “Trước đây, mỗi thúng chai đều có chong đèn hiệu nhưng ban đêm, cá dữ thấy ánh sáng tìm đến rất nguy hiểm. Sau này, chúng tôi phải tắt đèn nhưng lại lo, rủi có chiếc tàu đánh bắt nào lướt qua, “cưỡi” lên thì xem như toi đời” - anh Dương Thái Vũ (35 tuổi ở TPTuy Hòa, Phú Yên) tâm sự.
... và thành quả sau những giờ mưu sinh dưới đáy biển Ảnh: Nguyên Dũng
Những ngư dân chúng tôi đã gặp đều nói rất thẳng thắn rằng với họ, sự sống và cái chết chỉ cách nhau… một lớp ván. Bên trong lớp ván kia là thuyền, là nhà nhưng ngoài lớp ván ấy thì “không biết chuyện gì sẽ xảy ra”…
Rạng sáng 28-3, trong cơn bão số 1, tàu cá PY-96284 do ông Trần Văn Phú (42 tuổi) làm thuyền trưởng, với 10 ngư dân, bị nạn tại quần đảo Trường Sa. Số ngư dân này may mắn được các tàu bạn phát hiện, cứu vớt kịp thời, đưa vào đảo Đá Lớn tránh trú. Riêng chiếc tàu trị giá trên 500 triệu đồng đành bỏ lại dưới đáy biển. “Cứu được người là phước rồi. Lúc đó, tôi đã nói với anh em mỗi người ôm một can nhựa chuẩn bị nhảy xuống biển…” - ông Phú kể.
Trước đó, trong đợt áp thấp đêm 18-2, khi đang neo đậu ở cửa biển Ninh Hải - Ninh Thuận, tàu cá BĐ-93310 của ông Nguyễn Thanh Thế (Phù Cát - Bình Định) bị sóng đánh chìm, 4 ngư dân trên tàu tử nạn. Hai ngày sau, thi thể những người xấu số mới được tìm thấy. Mới đây, rạng sáng 14-3, khi đang đánh bắt ở gần đảo Song Tử Tây (Trường Sa), 2 ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi số hiệu 96459-TS là ông Lê Phấn (50 tuổi, thuyền trưởng) và anh Mai Văn Hòa (20 tuổi) bị thương rất nặng. Các y, bác sĩ của đảo đã mổ cấp cứu cho 2 ngư dân này, sau đó được trực thăng từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) bay ra ứng cứu, đưa về đất liền tiếp tục điều trị.
Nghiệt ngã, hiểm nguy là vậy nhưng đại đa số ngư dân miền Trung vẫn luôn lạc quan, vững tin. Họ ra khơi không chỉ vì bát cơm, manh áo của bản thân, gia đình mà còn vì lòng kiêu hãnh, tinh thần dân tộc đối với vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Lo bị giam giữ, lo bị tàu lạ đâm vào
Đến nay, nhiều người trong số 112 ngư dân cùng 7 tàu cá của huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) bị Philippines giam giữ hồi cuối tháng 5-2011 vẫn chưa quên những ngày bị giam giữ ở xứ người. Anh Trần Minh Lực (23 tuổi, một trong số 18 ngư dân đầu tiên được tha bổng, về đến Việt Nam vào ngày 23-9-2011) kể lại: “Hơn 3 tháng bị giam giữ trong doanh trại quân đội của Philippines, có lẽ là thời gian bi đát nhất của cuộc đời 122 ngư dân chúng tôi…”. Theo ngư dân Đỗ Thanh Hảo, rất may là sau khi biết thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã hỗ trợ rất tận tình, nếu không thì không biết bao giờ mới được trở về.
Không ít ngư dân nói rằng chuyện bị tàu không rõ quốc tịch đâm chìm trên biển cũng là nỗi lo của họ. Thực tế đã xảy ra không ít vụ thuyền nghề của ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên… bị tàu “lạ” tông rồi bỏ chạy làm hàng chục ngư dân thiệt mạng, thậm chí không tìm thấy thi thể.
|
Kỳ tới: Thẳng tiến ra biển lớn
Lê Trường - Nguyên Dũng - Hồng Ánh