THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 May 2012

Giải pháp lâu dài chống ùn tắc và quá tải



Để giải quyết một cách bền vững và lâu dài tình trạng ùn tắc và quá tải tại các thành phố lớn khác thì cần thiết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chứ không thể dựa vào công cụ phí và cấm phương tiện giao thông như hiện nay.
>Hạn chế ùn tắc không chỉ bằng việc thu phí

Các giải pháp của các nhà quản lý đưa ra thì có nhiều, nhưng tập trung chủ yếu là cấm và thu phí. Cấm ở đây là cấm các loại phương tiện nhất định lưu hành vào các thời gian cụ thể trong thành phố. Thu phí là các giải pháp thu theo từng mức và sử dụng các công cụ khác nhau để giám sát.
Theo tôi, các biện pháp này nếu được áp dụng có thể có hiệu quả nhưng chỉ là trước mắt vì nó không thể đối phó một cách lâu dài. Hiện nay mức tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn diễn ra hết sức nhanh chóng và phức tạp.
Để có một giải pháp khắc phục toàn diện vấn đề trên, các nhà quản lý cần phải lấy trọng điểm đó là vấn đề quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị một cách bền vững, có khoa học. Tôi xin kiến nghị 5 giải pháp cần thực hiện ngay như sau:
1. Cần xây dựng ngay các hệ thống cầu vượt thép lắp ghép để giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm trong thành phố.
Ưu điểm nổi trội là các cây cầu vượt này nhẹ thi công nhanh, được thiết kế thanh mảnh, rất phù hợp với cảnh quan, kiến trúc trong đô thị. Bên cạnh đó, cầu chủ yếu bằng kết cấu thép nên có thể dễ dàng tháo dỡ, di dời để phù hợp với những thay đổi trong tổ chức giao thông đô thị.
2. Cần di dời ngay các trường ĐH lớn ra khỏi trung tâm thành phố, các quỹ đất tại Hà Tây cũ vẫn còn đủ để quy hoạch, xây mới các cơ sở ĐH sẽ được chuyển ra (Việc di dời một số trường đại học trong thành phố ra ngoại thành đã có quyết định của Bộ Giáo dục Đào tạo và UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Việc có một môi trường học tập học tập, nghiên cứu độc lập là thích hợp và cần thiết. Nếu việc chuyển này được thực hiện, chúng ta sẽ giảm thiểu được tương đối mức tăng dân số cơ học cho thành phố.
3. Chuyển các cơ quan công sở, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nhà nước ra khỏi nội đô nhưng với cự ly gần hơn so với các trường đại học.
Cụ thể là gần các khu đô thị, việc này hết sức quan trọng vì nó khuyến khích dân cư di chuyển ra khỏi nội đô sinh sống. Hơn nữa, các khu đô thị hiện nay có một hệ thống giao thông kết nối tương đối hoàn chỉnh.
Như một số khu đô thị phía tây hoặc nam thành phố, có không ít người đã mua nhà tại các khu đô thị này. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ lại cho thuê hoặc để không do chưa có nhu cầu chuyển đến với lập luận rằng ở nội đô đi làm gần hoặc sinh hoạt cho tiện.
Điều này vô hình dẫn đến mật độ lưu thông cũng như tập trung dân cư đông dẫn đến quá tải trong trung tâm thành phố.
4. Di chuyển các bệnh viện lớn khỏi khu trung tâm thành phố.
Như chúng ta đã biết, khi điều trị cho một người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân từ tuyến dưới được chuyển lên, ngoài đội ngũ các y bác sỹ được phân công, số người nhà đi theo chăm sóc bệnh cho nhân không phải là nhỏ.
Việc sinh hoạt, đi lại của họ vừa kéo theo tình trạng quá tải trong bệnh viện, đồng thời cũng là một sức ép không nhỏ đối với tình trạng quá tải và kẹt xe hiện nay.
Sẽ có một vài ý kiến cho rằng nếu chuyển các bệnh viện lớn khỏi khu trung tâm thành phố sẽ khó cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến đó do quãng đường xa, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được đưa đến kịp thời.
Như đã nói ở trên, việc chuyển bệnh viện chỉ được thực hiện khi các khu đô thị hiện nay có một hệ thống giao thông kết nối tương đối hoàn chỉnh, phải có đầy đủ bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí là điều kiện tiên quyết khi quy hoạch và xây dựng.
5. Cần có chính sách phát triển kinh tế xã hội tương đối đồng đều, cụ thể là giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền so với các thành phố lớn.
Hiện nay sự chênh lệch về mức sống, thu nhập, cơ sở hạ tầng ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM so với các tỉnh thành khác trong cả nước là khá cao.
Một lượng dân cư rất lớn đổ về làm ăn, sinh sống, với mục tiêu là “bằng giá nào cũng phải bám trụ lại”. Việc này thực sự đã tạo nên một sức ép tăng dân số cơ học rất lớn, gây khó khăn trong việc quy hoạch cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc và quá tải tại đây.
Để giải quyết một cách bền vững và lâu dài tình trạng ùn tắc và quá tải tại Hà Nội và TP HCM thì cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên.
Tuy nhiên cũng cần phải có thời gian và ngân sách để biến nó thành hiện thực. Các biện pháp hiện tại có thể là cần thiết nhưng trước mắt chỉ mang tính đối phó, hoặc theo kiểu đuổi theo chứ không giải quyết được gốc gác của vấn đề.
Điều đáng buồn là trong các cuộc họp, các giải pháp được nhà quản lý đưa ra hiện nay đều không nhắc gì hoặc đề cập rất ít đến các giải pháp trên mà chỉ chăm chăm đến việc thu phí và cấm phương tiện.
Nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới suy thoái, cuộc sống của người dân đang hết sức khó khăn. Tôi nghĩ, các loại mức phí đưa ra đều không có đánh giá và điều tra cụ thể, không tính tới yếu tố công bằng trong việc sử dụng phương tiện, dẫn đến gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Kỳ họp quốc hội thứ 3 khóa XIII đang đến gần, tôi thiết tha mong muốn được gửi đến các nhà quản lý, các đại biểu quốc hội là đại diện cho người dân những suy nghĩ, tâm huyết của mình để có một giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc và quá tải tại các thành phố lớn.
Nguyễn Tuấn Nghĩa