THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 May 2012

TS Nguyễn Xuân Thủy: Sao cứ đổ tội lên đầu dân!



04/05/2012 17:53:54
 - "Việc trích 70% tiền nộp phạt vi phạm giao thông để chia cho cảnh sát giao thông là quá lớn và vô lý. Họ đã có lương rồi. Không thể đổ hết tội cho người dân rồi bắt họ đóng phí được. Các cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm của mình trước rồi hãy nói đến chuyện thu phí này nọ", TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải nêu quan điểm.

Không thể có tiền mới làm hết trách nhiệm!

Trong cuộc điều trần của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trước Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cùng tham gia và cho biết, tổng tiền phạt vi phạm giao thông năm 2011 là 2.540 tỷ đồng, trong đó trích 70% cho cảnh sát giao thông (CSGT), 10% cho Thanh tra giao thông... Ông có bình luận gì về điều này?

Mới nghe thì tưởng như có lý vì tiền nộp phạt giao thông của dân giờ giữ lại chia cho những người giám sát, thực thi công vụ. Nhưng đến mấy nghìn tỷ thì không thể có lý được.

Nhưng sự "không thể có lý" đó lại đang... rất có lý, vì nó tuân theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính trong Thông tư số 89/2007!

Cái đấy mới cần phải điều chỉnh. Không hiểu Bộ Tài chính căn cứ vào đâu mà đề ra quy định đó? Vì thực tế, CSGT đã có lương như các công chức khác. Đương nhiên, họ phải làm hết trách nhiệm của mình chứ không thể đợi có thêm tiền mới làm.

Nhưng có ý kiến cho rằng họ xứng đáng được như thế?

Tôi không nói là không được trích tiền cho CSGT. Thế nhưng, trích ra với số tiền lên tới cả nghìn tỷ như thế là bất hợp lý, trong khi lại không có đồng nào được đưa vào ngân sách để duy tu, cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng giao thông và Bộ Giao thông Vận tải phải tính đến việc thu phí. Do đó, cần phải tính toán lại.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải.

Ý thức kém vì bị dồn vào "đường cùng"

Tôi xin mở ngoặc với ông là 70% của 2.540 tỷ ấy còn dành để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó có việc in phát tờ rơi.

Dân ta có kém đến mức chi nhiều trăm triệu để in phát tờ rơi tuyên truyền luật giao thông không? Tôi tin là không. Ngay việc thành lập hẳn một Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ để làm công việc tổng kết, phát tờ rơi và dán băng rôn đã thật sự lãng phí và không cần thiết. Mà sao cái gì cũng đổ lỗi cho người dân thế?

Ý ông là sao?

Thì đấy, giao thông ùn tắc, tăng phương tiện cá nhân, tai nạn... thì đổ cho người dân kém văn hóa giao thông.

Điều đó là sai ư?

Vấn đề ở chỗ, những biểu hiện đó chỉ là phần ngọn. Phải hỏi vì sao họ lại làm như thế? Nếu đường tốt, giao thông công cộng đầy đủ thì họ có cần làm như thế không? Tôi lấy danh dự ra mà khẳng định rằng, nếu hệ thống giao thông tốt thì văn hóa giao thông của dân mình không thua kém các nước đâu.

Tôi e ông quá lạc quan?!

Không. Tôi lấy ví dụ thế này cho dễ hình dung. Nếu vợ anh sắp đẻ, anh đưa vợ đến bệnh viện đúng lúc đường đông, phải nhích từng cm. Khi đó, như bị dồn vào thế đường cùng buộc anh phải lao lên vỉa hè, tìm đủ mọi cách để đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Cứ thế giao thông trở nên hỗn loạn.

Nhưng thưa ông, vấn đề ở chỗ, hạ tầng giao thông của ta chỉ có thế. Trong lúc chờ đợi để khắc phục, tôi cứ đặt giả thiết rằng nếu như tất cả mọi người cùng có ý thức đi đúng làn đường của mình, chịu khó xếp hàng, không chen lấn thì có lẽ đã không phải chịu cảnh tắc đường lâu như thế?

Ý bạn là người dân cũng cần biết chia sẻ với Nhà nước, nhường nhịn nhau đúng không? Điều đó là nhân văn nhưng cũng khó đấy vì nếu như chồng con bạn ốm ở nhà thì bạn nhích lên nhanh một tí thôi cũng đã thấy an tâm hơn rồi. Tất nhiên, người dân cần phải tuân thủ đúng luật, nhưng không thể đổ hết cho ý thức của người dân gây nên tắc nghẽn được. Chính sự yếu kém kéo dài hàng chục năm nay về hạ tầng và giao thông công cộng là tiền đề của văn hóa giao thông hiện nay. Nếu ta làm giao thông như Singapore, Matxcơva, Tokyo... thì đã chẳng bị như thế.

Không thể cứ thiếu tiền là bắt dân đóng phí

Vậy theo ông, vì sao mỗi năm Bộ Giao thông Vận tải được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mà giao thông của ta vẫn bế tắc?

Do chiến lược phát triển giao thông vận tải không đúng "tầm", quy hoạch không tốt, đầu tư không đúng chỗ, gây thấy thoát, lãng phí nhiều. Giao thông ở các đô thị lớn không được quan tâm, đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, không định hướng. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng kéo dài gây nhức nhối cho xã hội, thiệt hại cho Nhà nước. Những điều đó đòi hỏi cái tâm của nhà lãnh đạo phải sáng.

Ông vừa nói đến "cái tâm" của nhà lãnh đạo. Vậy "cái tâm" đó cần phải hiểu như thế nào, thưa ông?

Cần lưu ý rằng, tiền thuế dân đóng góp để nuôi bộ máy Nhà nước, phục vụ quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội... để đưa đất nước phát triển, phục vụ lại người dân. Do đó, cơ quan chức năng phải dùng tiền đó hữu hiệu chứ không thể cứ thiếu là bắt dân đóng phí.

Bộ Giao thông Vận tải cũng phải xem ngành mình sử dụng tiền có tốt không, có bị lãng phí và tham nhũng không?... Nếu làm tốt rồi mà thiếu tiền thì hãy thu của dân, vì đời sống của người dân còn đang khó khăn. Làm gì cũng hãy tính đến lợi ích của dân trước chứ không thể nay đề xuất phí này, mai đề xuất phí nọ được. Như vậy vừa làm giảm lòng tin của dân lại vừa không giải được bài toán chống ùn tắc.

Hãy làm hết trách nhiệm với dân!

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất sẽ tăng tiền xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 5 lần hiện nay (tối đa 200 triệu đồng/trường hợp vi phạm). Ông nghĩ sao?

Sao cứ đổ hết tội lên đầu dân thế? Thực chất, phạt tăng lên là đổ hết tội gây ùn tắc cho người dân rồi còn gì. Cần nhớ rằng, việc người dân gây tai nạn cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng. Vì khổ đường chỉ ngần ấy, phương tiện công cộng chỉ đáp ứng 8 - 10% nhu cầu buộc người ta phải tự sắm phương tiện cá nhân. Phương tiện này tăng lên thì xác suất gây tai nạn cũng tăng.

Việc tăng mức phạt lên sẽ răn đe người dân, để họ chấp hành nghiêm chỉnh luật. Tuy nhiên, như tôi đã nói, kết cấu hạ tầng yếu kém mới là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy, các cơ quan chức năng hãy làm hết trách nhiệm đã. Khi làm đầy đủ rồi thì hãy cấm, hãy tăng phạt này kia. Ai cũng biết cấm đoán thì dễ nhưng quản lý thật hiệu quả mới là điều dân cần.

Giả dụ như việc tăng mức phạt này được thực thi thì số tiền chia cho CSGT sẽ tăng lên nhiều đấy, thưa ông?

Đúng thế. Bất cập ở chỗ đó. Phải phân bổ lại nguồn tiền để tái đầu tư hạ tầng giao thông chứ không thể chỉ đi vào xử lý và giáo dục!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Tiền thu phạt vi phạm giao thông hãy dùng để đầu tư hệ thống hạ tầng, phát triển giao thông công cộng. Đồng thời, để giải bài toán giao thông, chúng ta cần quy hoạch hợp lý kiến trúc đô thị bằng việc bớt xây dựng các tòa nhà cao tầng ở trung tâm để giảm áp lực dân số nội đô, chuyển các cơ quan không cần thiết ra vùng ven. Thứ nữa, cũng cần tổ chức vận tải, phân luồng phân làn, quản lý điều hành cho tốt. Cuối cùng mới đến nâng cao văn hóa giao thông. Yếu tố này chỉ chiếm 10% nguyên nhân gây ùn tắc thôi".
TS Nguyễn Xuân Thủy
Vũ Thủy (Thực hiện)