Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.
Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.
Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.
Săn chuột cải thiện bữa ăn
“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.
Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.
Chân trần, áo mỏng… và rét
Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV)
Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.
Hồ Sỹ Anh
http://vietbf.com/forum/showthread.php?s=bafc4666d61da766fb4279d1a4bc0255&t=607484
Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.
Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.
Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.
Săn chuột cải thiện bữa ăn
“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.
Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.
Chân trần, áo mỏng… và rét
Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV)
Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần... Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.
Hồ Sỹ Anh
http://vietbf.com/forum/showthread.php?s=bafc4666d61da766fb4279d1a4bc0255&t=607484