THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 December 2013

CHIẾN TRANH TRUNG-NHẬT ?! - AI SẼ NỔ SÚNG TRƯỚC ?!

NV-12/2013  "Bài Bình Luận của Ông Võ Long Triều"

Tình hình chính trị quân sự tại Châu Á ngày càng sôi động, nguy cơ đụng độ trên biển Ðông rất lớn, đặt biệt giữa hai quốc gia Trung-Nhật. Bắc Kinh tiếp tục khiêu khích bằng thông cáo lập khu phòng không bao trùm quần đảo Senkaku của Nhật. Ngày 23 tháng 11, 2013 Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo những quy định mới về khu vực “nhận diện phòng không” như sau: Tất cả các phi cơ bay vào khu vực này phải báo cáo đường bay cho giới hữu trách Trung Quốc, xác định lai lịch, giữ điện đàm bằng vô tuyến, trả lời một cách chính xác và kịp thời các yêu cầu, tuân theo mệnh lệnh của đội quân tuần tra. Các máy bay nào không tuân thủ sẽ phải hứng chịu những “biện pháp phòng vệ khẩn cấp”. Tuy nhiên thông cáo không nói rõ biện pháp khẩn cấp đó là gì? Bắc Kinh xác định vùng phòng không này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 10 giờ sáng, giờ địa phương, ngày 23 tháng 11.

Phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Katsunobu Kato, tuyên bố hôm 25 tháng 11: “Quyết định của Trung Quốc không có hiệu lực đối với đất nước chúng tôi”. Thủ Tướng Shinzo Abe chỉ trích mạnh mẽ tại Thượng Viện Nhật rằng: Hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tạo một nguy cơ “xảy ra đụng độ khó tiên liệu”.

Chính phủ Nam Hàn cũng phản đối vùng phòng không mới của Trung Quốc chồng lấn một phần vùng phòng không của họ, bao phủ đá chìm Leodo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc, thật là đáng tiếc. Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop nói “cách hành xử của Trung Quốc không giúp gì cho những sự căng thẳng gần đây”.

Từ khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển Ðông dựa theo đường 9 điển của thời Tưởng Giới Thạch năm 1947, còn gọi là “lưỡi bò” liếm gần 80% diện tích biển Ðông, trái với luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Ỷ vào thế lực quân sự, Bắc Kinh lần lượt đánh chiếm các bãi đá Cô Lin, Len Ðao, và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm bãi cạn Scarborouh của Philippines, ngang nhiên cấm đánh bắt cá trong thời gian Bắc Kinh tự ý quy định, cho lực lượng hàng hải, máy bay không người lái và phi cơ quân sự bay gần vùng đảo Senkaku/Ðiếu Ngư đang tranh chấp. Lập tức phi cơ Nhật được lệnh cất cánh buộc máy bay Trung Quốc phải rút lui và phi cơ Nhật tiếp tục tuần tra vùng biển này suốt hai ngày liền. Ðồng thời phản đối Trung Quốc “gây bất ổn” trong vùng.

Tháng 9 năm 2013 thủ tướng Nhật cho phép quân đội Nhật bắn hạ các máy bay xâm phạm không phận quốc gia. Bắc Kinh nói rằng, bất cứ hành động thù địch nào của Nhật, bắn hạ máy bay Trung Quốc, sẽ được xem như “hành động chiến tranh”.

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ gọi động thái của Trung Quốc là “hành động gây bất ổn với ý đồ thay đổi hiện trạng khu vực”. Ông Chuck Hagel nói trong một thông cáo báo chí rằng: “Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai.” Ông Hagel cho rằng: “Tuyên bố của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ không thể nào thay đổi chủ trương của Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực”. Mỹ cảnh báo rằng chỉ cần một sự việc nhỏ xảy ra hay một tính toán sai lầm trên biển Hoa Ðông, có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc khủng hoảng rộng lớn và nghiêm trọng. Phải hiểu rằng lời cảnh báo của bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhắn gởi Bắc Kinh: Ðừng tính toán sai lầm, đừng tưởng Mỹ làm ngơ trước việc Trung Quốc cố tình khiêu khích, đừng tưởng các đồng minh của Mỹ và Nhật ngồi yên xem Bắc Kinh “diệu võ dương oai”. Mặt khác Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry cũng đưa ra một thông cáo báo chí ngày 23 tháng 11 viết rằng: Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về hành động đơn phương nói trên, ông cho đó là một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Ðông nhưng hành động đơn phương này chỉ tạo thêm “nguy cơ đụng độ” mà thôi.

Mỹ cũng tuyên bố không chấp nhận hành động đơn phương của Trung Quốc, và để chứng minh lời nói đi đôi với việc làm, Ngũ Giác Ðài ra lệnh cho hai phi cơ B-52, không mang vũ khí, bay ngang vùng “nhận diện phòng không” của Trung Quốc. Một sự thách thức công khai mà Bắc Kinh không áp dụng “biện pháp phòng vệ khẩn cấp”, cũng không “đánh chận”. Như vậy dư luận có thể mượn lời của Mao Trạch Ðông nói rằng Trung Quốc là “con cọp giấy” như ngày xưa họ Mao đã so sánh Mỹ là cọp giấy.

Người ta có thể nghĩ rằng, Trung Quốc vì bị cô lập trong vùng Châu Á, bị chê trách “bần tiện” trong vụ cứu trợ Philippines, đang gặp xáo trộn chính trị trong các vùng Tây Tạng, Tân Cương và nội bộ xào xáo với đảng chính trị “Chí Hiến” mới thành lập của nhóm thân hữu, cử ông Bạc Hy Lai làm chủ tịch suốt đời. Cho nên ông Tập Cận Bình mượn sự khiêu khích có tính quốc tế này để chứng minh, Trung Quốc đường đường chính chính, là một cường quốc hùng mạnh, để thỏa mãn tự ái của nhóm cực đoan dân tộc chủ nghĩa, và để tháo gỡ sự ngượng ngùng xấu hổ trước sự chê cười, chỉ trích của thế giới về vấn đề cứu trợ. Phải chăng mục đích chính của ông Tập Cận Bình là cố tình dùng tính nguy hiểm của chiến tranh để tạo sự đoàn kết nội bộ. Một cách đánh lạc hướng dư luận, khêu gợi lòng tự ái dân tộc, đồng thời tạo sự chú ý của các đồng chí đảng viên về cơ nguy chiến tranh thay vì tranh chấp nội bộ.

Thực tế ông Tập Cận Bình biết rõ Trung Quốc không thể liều lĩnh, dám gây một cuộc chiến tranh rộng lớn, bởi lẽ Bắc Kinh thừa biết Hoa Kỳ sẽ trực tiếp nhập cuộc và đứng về phía Nhật.

Trong khi đó Mỹ và Nhật đồng ý tăng cường hoạt động trinh sát khu vực, giữa lúc sự căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng. Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf tại trung tâm tin tức Ðông Bắc Á của đài VOA ở Seoul thì, các giới chức cao cấp Hoa Kỳ hoan nghênh việc Nhật nắm giữ vai trò lớn hơn trong cuộc phòng vệ đất nước của họ. Bởi vậy Washington và Tokyo đồng ý với nhau rằng, cuối năm 2014 sẽ sửa đổi bản văn hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật của năm 1997. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Itsunori Onodera, nói Tokyo đang làm việc chặt chẽ với Washington và thực hiện mọi bước cần thiết để bảo vệ lãnh thổ Nhật. Mỹ tuyên bố thẳng thừng, không có ý kiến về chủ quyền “căn bản” của Nhật trên đảo Senkaku, nhưng xác định công khai “hiện tại đảo này thuộc quyền kiểm soát của Nhật, và Mỹ có bổn phận giúp đỡ Nhật nếu nước này bị tấn công”.

Ông Dương Ngọc Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, yêu cầu Hoa Kỳ ngưng đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm về việc tanh chấp chủ quyền trên biển Hoa Ðông. Trung Quốc chỉ trích kịch liệt một tờ báo lớn của Mỹ, Wall Street Journal ra ngày 22 tháng 11 đăng bài xã luận, hối thúc Washington dành sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Nhật trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh. Và bài báo viết, chắc chắn Trung Quốc sẽ “lùi bước” nếu chính quyền Obama nói rõ là những đảo đang tranh chấp đó thuộc về Nhật.
Ðáp lại bài báo nói trên, thông tấn xã nhà nước Trung Quốc đăng một bài xã luận cho rằng Wall Street Journal hành động như một “cái loa” của chính phủ Nhật chớ không phải là một cơ quan truyền thông đứng đắn.

Theo ông Ian Storey, một học giả thuộc viện nghiên cứu của Ðông Nam Á tại Singapore, chuyên gia về biển Ðông, nhận định trên tờ Asia Times Online, trong những tháng tới khó có thể loại trừ khả năng sẽ nổ ra các cuộc đụng độ trên biển Hoa Ðông giữa những lực lương quân sự Trung-Nhật, ông cho rằng nguy cơ xung đột ngày càng lớn hơn.

Sự tiên đoán của học giả Storey có thể xảy ra thật, bởi vì từ đầu năm 2013 đến nay cuộc tranh chấp diễn biến theo chiều hướng quyết liệt hơn, sự khiêu khích gia tăng ngày càng nhiều trên không và dưới biển. Một bên là phe chủ chiến Nhật ngày càng mạnh, một bên là chủ trương bành trướng Hán tộc phản ứng ngày càng hung hăng. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu (GlobalTimes), cơ quan chính thức của Bắc Kinh, đăng một bài mang nặng tính chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ngày 25 tháng 11 viết rằng: “Nếu Nhật muốn đấu với Trung Quốc, vậy hãy để Thủ Tướng Shinzo Abe dẫn quốc gia này đến đây”. Tờ báo mạt sát những phản ứng của Tokyo là “ngứa miệng”, “giả tạo”, “kích động” nhưng thực tế sẽ không dám hành động, vì “cho đến thời điểm hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ nhảy vào một khi nổ ra xung đột Trung-Nhật”. Tờ báo cố tình nhận xét một cách sai lầm để kích động chiến tranh, hay vì khờ khạo thiếu hiểu biết thật sự? Bài báo còn dọa nếu Nhật còn phái chiến đấu cơ ngăn chận máy bay Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ “đánh chận” những ai ngông cuồng khiêu khích, và mọi hậu quả sẽ do Tokyo gánh chịu. Tờ báo kết luận người dân Trung Quốc rất lo ngại về một cuộc chiến không thể tránh khỏi trên biển Hoa Ðông. Trong khi đó Thủ Tướng Abe nói trước Thượng Viện “nguy cơ xảy ra đụng độ khó tiên liệu”.

Do đó những vụ nổ súng cục bộ rất có thể xảy ra, nhưng Trung Quốc cũng như Nhật và cả thế giới sẽ không cho phép xảy ra một Thế Chiến 3, bởi vì số lượng bom nguyên tử của các nước sẽ hủy diệt trái đất này, chừng đó sẽ không có dân tộc nào an toàn, không có quốc gia nào thắng cuộc.