THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 December 2013

Cựu chủ tịch HĐQT Vinalines đối mặt án tử hình


(Xã hội) - Bị can Dương Chí Dũng cùng 3 bị can Mai Xuân Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều bị truy tố ở khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình cho hành vi tham ô. Ngoài ra, 4 bị can này còn phải đối mặt với khung hình phạt 10 – 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái cùng với 6 bị can còn lại.

Ngày 12/12, TAND thành phố Hà Nội sẽ xét xử vụ án tham nhũng đối với ông Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) cùng 9 đồng phạm. Ba luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Trần Đình Triển và một luật sư khác, cùng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Bị cáo Dương Chí Dũng đối mặt án tử hình.
Trước đó, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 10 bị can về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Dương Chí Dũng (cựu chủ tịch tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M), Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa) Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Riêng các bị can Dũng, Phúc, Chiều, Sơn bị cáo buộc thêm tội Tham ô tài sản.
Bị can Dương Chí Dũng cùng đồng phạm bị cáo buộc cố ý làm trái trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng; tham ô hơn 28 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2007, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, ông Dũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.
Ụ nổi 83M đã có tuổi đời 43 năm.
Sau đó, bị can Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, có văn bản trình và được ông Dũng ký quyết định phê duyệt nâng tổng mức đầu tư lên thành 6.489 tỷ đồng.
Việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá từ hơn 14 triệu USD lên thành 19,5 triệu USD. Trong đó, các bị can đã nâng khống giá ụ nổi từ 2,3 triệu USD lên 9 triệu USD để chia chác.
Theo cáo buộc, mặc dù bị can Dũng và các đồng phạm biết ụ nổi 43 năm tuổi này hư hỏng nhiều, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối để hợp thức hóa thủ tục đưa từ Nga về Việt Nam.
Thương vụ mua ụ nổi trót lọt, các bị can Dũng, Phúc, Chiều, Sơn được bên bán “lại quả” 1,66 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng). Bị can Dũng và Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng, Sơn nhận hơn 7,8 tỷ đồng và Chiều 340 triệu đồng.
Sau nhiều năm, tổng tiền đổ vào "đống sắt thép gỉ" 83M đã lên tới hơn 525 tỷ đồng (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...), tương đương hơn 24 triệu USD, trong khi chưa một lần được đưa vào sử dụng.
Khi sai phạm bị phát hiện, tháng 5/2012, Dương Chí Dũng được em trai là Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng) và một số công an dưới quyền tổ chức đưa ra nước ngoài bỏ trốn. Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt giữ đưa về Việt Nam để điều tra, xử lý.
Viện KSND Tối cao truy tố các bị can Dương Chí Dũng, Mai Xuân Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội danh Tham ô tài sản theo Khoản 4, Điều 278 BLHS và tội Cố ý làm trái… theo Khoản 3 Điều 165 BLHS. Như vậy, bị can Dương Chí Dũng cùng 3 bị can trên bị truy tố ở khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình cho hành vi tham ô. Ngoài ra, 4 bị can này còn phải đối mặt với khung hình phạt 10 – 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái cùng với 6 bị can còn lại.


P.L (Tổng hợp)