Chán ngán cảnh xếp hàng và quỹ
thời gian eo hẹp nên nhiều người hoặc người thân trong gia đình bị ốm
thường chọn giải pháp đến phòng khám tư nhân để kiểm tra.
Công nghệ “lăng-xê”
Nắm
bắt được tâm lý đó nên các phòng khám tư nhân nở rộ với đủ chiêu, trò
quảng cáo khác nhau. Thôi thì từ việc phát tờ rơi, tờ gấp đến quảng cáo
trên internet tràn lan với những cam kết chữa bệnh trong thời gian nhanh
nhất. Và mối quan hệ “cung-cầu” cứ thế phát triển, đến nỗi mọi người
không còn sáng suốt để nhận ra đâu là giá trị thực.
Tại
Hà Nội, có thể kể đến sự việc điển hình đầu tiên là tại phòng khám ĐK
Maria. Phòng khám này được quảng cáo rầm rộ, quảng cáo nhiều, nghe mãi
thành quen; từ quen đến tin tưởng. Chính vì thế, một nữ bệnh nhân đã sẵn
sàng bỏ ra số tiền hơn 20 triệu đồng chỉ để chữa bệnh phụ khoa. Nhưng
mặc dù cái giá phải trả rất cao cũng chưa cao bằng việc bệnh nhân đã bị
thiệt mạng trong quá trình chữa trị.
Nói
về vấn đề quảng cáo các phòng khám tư nhân, lỗi không chỉ thuộc về bản
thân chủ cơ sở đó hay một phương tiện truyền thông nào đó. Mà hơn hết,
chính là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong khâu cấp
phép, thẩm định nội dung quảng cáo và giám sát quá trình thực hiện các
quảng cáo này.
Phòng khám tư nhân “mọc” lên dày đặc xung quanh các BV. Ảnh: T.An
Ngại đến bệnh viện công vì phải chờ
Bên
cạnh việc quảng cáo “nổ” về việc khám, chữa bệnh thì một điều không thể
phủ nhận là các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập có thái độ tiếp
đón, phục vụ người bệnh nhiệt tình, niềm nở và nhanh. Chính vì thế,
nhiều người-đặc biệt là các bà mẹ đã chọn cách đưa con đi “khám tư” thay
vì mất cả buổi xếp hàng tại BV.
Chị
Thủy, 27 tuổi, ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội hồ hởi: Mấy lần con
ốm em đưa đến BV Nhi Trung ương nhưng xếp hàng quá lâu, chờ đến lượt con
mình thì cả mẹ lẫn con đều mệt rũ. Thế nên nghe chị bạn mách địa chỉ
phòng khám tư nhân em đã đến khám. Nhanh lắm chị ạ, không phải chờ đợi
lâu. Mà con còn được bác sĩ kê cho thuốc gì ấy, cứ như thể “thuốc tiên”,
uống đến lần 2 là đã đỡ ho rồi”.
Tuy
nhiên, có một điều mà có lẽ phải một thời gian dài sau này chị Thủy mới
biết được, đó là loại thuốc mà con chị được bác sĩ kê cho là kháng
sinh thế hệ mới nên uống vào khỏi ngay lập tức. Tuy nhiên, kháng sinh
thế hệ mới được xem là thứ vũ khí cuối cùng cho người bệnh trong rất
nhiều tình huống nguy cấp. Nếu lạm dụng quá nhiều thì khi bệnh trọng sẽ
“hết thuốc chữa” vì các loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất, đắt nhất
đều đã bị vô hiệu hóa.
Tương
tự, anh Duy, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Tôi bị bệnh xoang nên
năm nào vào mùa đông cũng khổ sở vì kéo theo đau họng, ho. Tình cờ một
lần đến khám tại phòng khám ở đường Điện Biên Phủ, bác sĩ cho uống thuốc
thấy đỡ hẳn. Thế nhưng tôi lại bị phụ thuộc vào bác sĩ này. Mỗi lần
bệnh tái phát, tôi uống đủ các loại thuốc khác nhau cũng không đỡ, lại
phải đến đây khám, bác sĩ kê đơn cho thì mới đỡ. Không biết bác sĩ cho
tôi uống thuốc gì mà lại như vậy?”.
Trên
thực tế thì các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập hoạt động có giấy
phép, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn đã góp phần đáng kể trong việc giải
quyết quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Theo thống kê của
Viện Chiến lược và chính sách y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập hiện
cung ứng 43% tổng số dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người
dân. Riêng ở Hà Nội, theo Sở Y tế, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt bệnh
nhân tới khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Trong
tình hình “loạn” quảng cáo như hiện nay, nếu không tỉnh táo, sáng suốt
người bệnh dễ bị cuốn theo “cơn lốc truyền thông” và không phân biệt
được thực, hư mà dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Vì thế, để lựa chọn những
cơ sở có uy tín, được cấp giấy phép hoạt động đòi hỏi người bệnh phải
cân nhắc kỹ lưỡng, đọc kỹ thông tin về phòng khám, bác sĩ nơi mình định
đến chữa bệnh để đảm bảo an toàn.
“Điểm danh” những sai phạm thường thấy
Điều dễ nhận thấy theo báo
cáo thanh tra của y tế các tỉnh, TP là số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân
vi phạm, bị xử phạt khá nhiều. Thậm chí, có những cơ sở bị xử phạt hơn
một lần nhưng vẫn tái phạm. Vậy nguyên nhân của vấn đề này là do mức xử
phạt còn quá nhẹ hay do việc xử lý chỉ “giơ cao đánh khẽ”?
Theo ông Đặng Văn Chính (ảnh), Chánh
Thanh tra Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2013, Thanh tra Bộ thành lập
các Đoàn thanh tra công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y tư nhân tại
TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước… Đoàn Thanh tra Bộ Y tế đã trực
tiếp thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa
bàn. Tại TP Hà Nội, đã thực hiện thanh, kiểm tra 977 lượt cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh trên toàn TP. Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính
với số tiền 2,8 tỷ đồng. Tại TP HCM đã thực hiện thanh, kiểm tra 1.232
cơ sở hành nghề y và y học cổ truyền, phát hiện 257 cơ sở vi phạm, trong
đó nhắc nhở 61 cơ sở, phạt tiền 168 cơ sở, đình chỉ hoạt động 71 cơ sở,
xử phạt vi phạm hành chính gần 2,8 tỷ đồng.
Gần
đây nhất là đầu tháng 11-2013, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khi kiểm tra đã
phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực hành nghề y tư nhân tại một số
phòng khám ngoài công lập. Đó là phòng khám 17A trên đường Phùng Hưng,
quận Hà Đông, thực hiện các dịch vụ y tế chưa có trong hồ sơ được cấp
(gồm siêu âm, xét nghiệm sinh hóa). Ngoài vi phạm quảng bá quá phạm vi
được hành nghề, phòng khám này còn thực hiện các dịch vụ không có trong
hồ sơ được cấp phép; có bảng giá của rất nhiều loại dịch vụ xét nghiệm
không được phép thực hiện như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tiền
liệt tuyến, soi tinh dịch.
Hay
tại phòng khám sản phụ khoa Hạnh Phúc, trên đường Phùng Hưng, quận Hà
Đông, đoàn thanh tra phát hiện hành nghề sai địa chỉ được cấp phép.
Như
vậy, có thể thấy sai phạm phổ biến là lạm dụng xét nghiệm và các kỹ
thuật cận lâm sàng trong công tác khám chữa bệnh; khám bệnh không đúng
phạm vi chuyên môn. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quá coi
trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân
đã quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng với nội dung đã
được xác nhận đăng ký, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu
tiền cao hơn giá niêm yết...
Nguyên
nhân lý giải cho việc vẫn tồn tại nhiều sai phạm, theo ông Chính là do
lực lượng thanh tra quá ‘‘mỏng” so với số lượng các phòng khám cũng như
số lượng công việc phải đảm nhiệm. Toàn bộ lực lượng thanh tra y tế trên
toàn quốc hiện tại có 290 người. Trung bình mỗi Sở Y tế có từ 2 - 4
người, nhiều nhất là Thanh tra Sở Y tế TP HCM có 45 người, Thanh tra Sở Y
tế Hà Nội có 14 người. Trong khi đó, khối lượng công việc ở các địa
phương rất nhiều.
Đồng
thời, nhiều đối tượng thanh tra có ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt,
cố tình lách luật, vi phạm luật vì mục đích thu lợi. Sự vào cuộc của cơ
quan chức năng tại một số địa phương chưa kịp thời. Việc đào tạo và đào
tạo lại cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc hệ thống thanh tra Y tế còn
chưa được quan tâm đầy đủ; đời sống cán bộ, công chức thanh tra y tế
khó khăn. Việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cán bộ
làm công tác thanh tra y tế chưa được chú trọng. Nguồn kinh phí chi cho
hoạt động thường xuyên cũng như chi theo chế độ đặc thù ngành thanh tra
còn hạn chế.
Để tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép thành lập, tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra y tế tới tuyến huyện. Riêng đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm và hành nghề y, dược ngoài công lập, đề nghị thành lập, tổ chức hệ thống kiểm tra, quản lý chuyên ngành tới tuyến xã. Có biện pháp tăng cường biên chế cho Thanh tra các tỉnh, TP đảm bảo ít nhất từ 7-10 người; riêng TP HCM và Hà Nội có từ 50-70 người; kiện toàn các bộ phận tham mưu về thanh tra chuyên ngành (phòng thanh tra chuyên ngành) tại các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế. |
Theo Pháp luật Xã hội