Điều mà xã hội đau đáu trong thời gian qua là vấn nạn học giả bằng thật - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Giải trình liên quan đến bằng giả và mua bán bằng cấp, Bộ trưởng Luận nói: “Đến thời điểm này chưa phát hiện có trường nào tổ chức buôn bán bằng giả”.
Không biết nên suy nghĩ Bộ trưởng Luận lỡ miệng hay quá thật thà (!?). Nhưng với tư cách là “tư lệnh” của ngành giáo dục, đã từng tham gia hoạt động quản lý và giảng dạy ở một trường đại học, thì câu nói của Bộ trưởng Luận quả là không ổn. Càng không ổn khi câu nói này được phát ngôn trong Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11).
Bởi vì, hiện tượng buôn bán bằng giả là do các nhóm tội phạm thực hiện. Những kẻ này làm giả từ phôi bằng, con dấu, chữ ký,… để làm những bằng cấp giả cho những kẻ không tham gia học tập, không được cấp bằng, nhưng muốn sử dụng bằng giả vì mục đích hợp lý hóa bằng cấp trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước, hay để hợp lý hồ sơ xin việc.
Vì vậy, nếu một nhà trường mà có hành vi buôn bán bằng giả là điều không thể xảy ra. Có chăng, chỉ vài cá nhân là thành viên của một trường nào đó, vì suy thoái đạo đức nhà giáo và mờ mắt vì vật chất mà tham gia vào đường dây buôn bán bằng giả.
Tuy nhiên, những trường hợp buôn bán bằng giả không nhiều, số lượng người mua bằng giả rất ít. Bởi vì, ai cũng biết câu nói “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” và không ai có thể giấu mãi quá khứ của mình được.
Điều mà xã hội đau đáu trong thời gian qua là vấn nạn học giả bằng thật. Nghĩa là các nhà trường cấp bằng thật cho những người có kiến thức giả. Mặc dù họ có tham gia trong suốt quá trình học tập lẫn thi cử để có được tấm bằng đó.
Vấn nạn này xuất phát từ căn bệnh thành tích phổ cập giáo dục. Những cố gắng trong công tác xóa mù chữ của Việt Nam được thế giới công nhận và đánh giá cao. Nhưng đằng sau của những thành tích đó, là có một bộ phận không nhỏ các học sinh được cấp bằng tốt nghiệp từ tiểu học đến THPT chưa đạt yêu cầu về chất lượng của quá trình đào tạo. Tỷ lệ tốt nghiệp trong gần chục năm qua luôn tiệm cận với mức 100% đã nói lên điều đó.
Nhưng có lẽ, điều bức xúc trong xã hội và là sự day dứt của những người luôn mong muốn đất nước trở nên hùng cường và bền vững là vấn nạn học giả bằng thật trong đào tạo đại học, cao đẳng. Vấn nạn này đã và đang đe dọa sự phát triển của xã hội, gia tăng các tệ nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng. Đồng thời làm suy thoái nghiêm trọng nền giáo dục nước nhà.
Việc cởi trói cho hệ đào tạo phi chính quy như tại chức (nay là hệ vừa làm vừa học), liên thông, đào tạo từ xa,… đã bùng nổ lên tệ nạn học giả bằng thật. Trường trường đào tạo tại chức, người người đi học tại chức. Đến mức, có những trường đại học có các cơ sở đào tạo, đơn vị liên kết đào tạo tại chức trong 63 tỉnh thành cả nước.
Khi Bộ Giáo dục & Đào tạo thừa nhận đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các trường đại học, cao đẳng như lời khẳng định của ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn là Bộ trưởng bộ này trước Quốc hội thì có nghĩa là bộ đã buông xuôi với tình trạng học giả bằng thật.
Bên cạnh đó, những hình thức đạo tạo liên kết của các trường trong nước với các cơ sở “đào tạo ma” ở nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo sau đại học để cấp những bằng thạc sỹ, tiến sỹ chỉ sau vài tháng mà chỉ cần đóng một khoản tiền lớn đã làm xã hội nhức nhối về nạn bằng cấp “dởm”. Đến mức những trường lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội còn bị những trường “lừa” liên kết bán “bằng dởm”. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tuýt còi vấn nạn này, nhưng chỉ là tiếng còi hụt hơi vì bất lực.
Với tư duy sính bằng cấp của người Việt, cộng thêm cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước thiên về quan hệ và bằng cấp mà xem nhẹ năng lực đã dẫn đến việc học giả để lấy bằng thật ngày càng phát triển. Những vấn nạn chạy chức, chạy quyền đến quốc nạn tham nhũng và sự suy thoái “giáo đức” trong nhà trường cũng xuất phát từ việc đào tạo và cấp bằng quá dễ dãi của các trường đại học, cao đẳng.
Đáng ra Bộ trưởng Luận nên cay đắng thừa nhận các trường đã và đang “buôn bán” bằng thật cho những người có kiến thức giả và Bộ đang bất lực trước tình trạng này, thì có lẽ các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước sẽ thông cảm hơn với ông rất nhiều.
Đồng thời, nếu là một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, cũng như khắc ghi câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, Bộ trưởng Luận cần quyết liệt chỉ đạo cải cách sâu rộng nền giáo dục nước nhà, mà bắt đầu từ việc chấn chỉnh công tác đào tạo tràn lan dẫn đến tình trạng học giả bằng thật lẫn nạn thất nghiệp lao động trình độ cao hiện nay. Chứ không nên chống chế để làm “tròn vai” bộ trưởng.
Trường Yên
* Bài viết thể hiện góc nhìn và văn phong của tác giả, là một giảng viên đại học, blogger sống và làm việc tại TP.HCM