Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản năm
2013 lên tới hơn 3.700 tỉ đồng, nhiều đại biểu bức xúc đặt câu hỏi chất
vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội sáng 5/12.
Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư cho biết, có các nguyên nhân như chủ đầu tư triển khai công
trình dự án khi chưa được phân bổ vốn, bố trí vốn dàn trải tại nhiều
công trình, năng lực các chủ đầu tư còn hạn chế…
Trách nhiệm dẫn đến tình trạng này được ông Quý chỉ rõ là chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư và bộ phận tham mưu.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý |
Chưa đồng tình với các lý giải trên,
nhiều đại biểu đề nghị làm rõ, tại sao đến hết năm 2012, nợ đọng xây
dựng cơ bản chưa đầy 1.000 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 đã lên tới
trên 3.000 tỉ đồng, dù các kỳ họp HĐND đã nhiều lần cảnh báo.
“Phải chăng có sự chủ quan trong chỉ
đạo và chạy theo thành tích?", đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà
Đông) đặt vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Đại biểu Nguyễn Xuân Diên (huyện Ứng
Hòa), bức xúc: “Báo cáo của UBND Thành phố cho thấy có hơn 40 dự án chưa
được bố trí vốn, không có kế hoạch phân bổ vốn nhưng chủ đầu tư vẫn tự
triển khai thì trách nhiệm là của ai, xử lý ra sao?”.
Ông Ngô Văn Quý thừa nhận cho đến nay
chỉ mới xử lý trách nhiệm bằng hình thức… phê bình. Trong thời gian tới,
thành phố sẽ tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm và làm rõ vi phạm, lồng
ghép với tinh thần năm kỷ cương trách nhiệm.
Hà Nội vẫn duyệt biên chế, xây trụ sở mới
Mặc dù nợ đọng xây dựng cơ bản tăng
nhanh nhưng Thành ủy Hà Nội khẳng định: Vẫn phải duyệt biên chế, xây trụ
sở cho quận Từ Liêm mới.
HĐND Hà Nội đang xem xét đề xuất tách
huyện Từ Liêm thành 2 quận, UBND huyện Từ Liêm cho rằng hiện mô hình
quản lý cũ đã không còn phù hợp. Công tác bảo đảm an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng cần phải đổi mới về tổ chức và
cơ chế hoạt động.
Theo ông Phan Đăng Long, Phó ban tuyên
giáo Thành ủy Hà Nội, thành phố cũng nhận thấy việc tách huyện Từ Liêm
để thành lập 2 quận để có mô hình quản lý đô thị phù hợp, đảm bảo nâng
cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, việc phân chia địa giới này
cũng kéo theo việc phải hình thành các trụ sở làm việc cũng đồng nghĩa
với việc bộ máy nhân sự bị phình ra. Trong khi đó, theo quyết định của
Thủ tướng, trong hai năm 2013-2014 sẽ không duyệt thêm biên chế, công
chức nhà nước, Hà Nội cũng khẳng định không duyệt ngân sách để xây thêm
trụ sở mới.
Đứng trước bài toán này, ông Long lý
giải: "Việc quyết định không xây trụ sở, không duyệt biên chế là chủ
trương chỉ phù hợp với thực tế đang tồn tại những cơ sở, trụ sở cũ.
Nhưng việc phân chia địa giới này là nhu cầu cần thiết, phù hợp với điều
kiện phát triển thì không thể dùng thủ tục hành chính để dồn ép, cưỡng
bức sự phát triển của xã hội.
Vì vậy, khi vấn đề phát sinh thì phải
có quy hoạch phân bổ nhân sự, trụ sở dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế của
người dân và nhu cầu phát triển".
Thái An (Tổng hợp)