Tuy nhiên, ngay từ bản dự thảo mới được trình này, nó đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì những quy định rất phi thực tế.
Quy định: “Sữa phải có chỉ định của bác sĩ” hoàn toàn thiếu khả thi. Ảnh: minh họa
|
Ngay trong điều 2 của dự thảo nghị định đã có những điểm rất dễ gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng không hiểu thông tin rõ ràng sẽ, dẫn tới việc cho con ăn không khoa học và hệ luỵ là trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Cụ thể, khoản 2, điều 2 của dự thảo nghị định viết: Sản phẩm thay thế sữa mẹ là:
a) Sữa công thức hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức có sữa dùng cho trẻ đến 12 tháng tuổi (infant formula).
b) Sữa công thức hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức có sữa dùng cho trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi (follow up formula).
Quy định như trên thì gần như sữa nào cũng có thể thay thế sữa mẹ. Vậy các bà mẹ cho con ăn bổ sung bằng gì? Người tiêu dùng lâu nay vẫn luôn phải đặt câu hỏi: Thế nào là sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ? Nhưng nếu giải thích như dự thảo nghị định này các bà mẹ có nên cho con dùng sữa mẹ không?
Điều đáng ngạc nhiên là các tác giả của dự thảo nghị định còn đưa vào quy định: “Sữa phải có chỉ định của bác sĩ”. Đây là một điều không khả thi, phi thực tế vì hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện, nhất là ở các bệnh viện nhi, khoa nhi, tình trạng quá tải của bác sĩ là thấy rõ. Và với những việc rất cụ thể như sữa phải kê đơn là uống loại sữa nào, hay bác sĩ chăm chăm đi kiểm tra, giật bình sữa của các bà mẹ cho con bú có phải loại sữa do mình chỉ định không thì đây là việc không thể làm được.
Giám đốc bệnh viện Hùng Vương, ông Nguyễn Văn Trương khi đọc dự thảo nghị định này đã cho biết, một nhân viên y tế thường phải phụ trách 20 bệnh nhân nên không thể hướng dẫn cho con bú bằng sữa mẹ. “Họ không có thời gian và trách nhiệm phải nhắc nhở hàng ngày về việc các bà mẹ phải cho con bú”, ông nói.
Hơn nữa, nếu các bệnh viện cử cán bộ, nhân viên đi làm việc này thì đó cũng là hình ảnh không đẹp và không đúng. Nuôi con thế nào đó là quyền của phụ nữ. Vấn đề nằm ở đây là ngành y tế cần phải làm tốt hơn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn về sữa mẹ, cách dùng sản phẩm sữa để người dân hiểu cách nào tốt nhất. Nhưng trong khi chưa làm được việc đó, bộ Y tế lại đề xuất một cách đơn giản là ra lệnh cấm, buộc chỉ định sử dụng sản phẩm như thế này nó cho thấy bộ Y tế chưa rõ ràng trong chính sách và mục tiêu quản lý.
Trong dự thảo nghị định trên, bộ Y tế cũng đưa vào quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ đến 24 tháng tuổi. Đây cũng là điều không hợp lý và nó trái với luật Quảng cáo. Nếu chính sách này được thực thi, thì các doanh nghiệp mới sẽ không thể tham gia thị trường sữa, không thể kinh doanh vì họ không được đưa thông tin về sản phẩm tới người tiêu dùng.
Được biết, mới đây, bộ Tư pháp đã có công văn số 41/BTP-PLDSKT gửi Văn phòng Chính phủ, bộ Y tế nêu những ý kiến quan ngại tương tự như trên. Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định này (bộ Y tế) cần phải làm rõ hơn sự cần thiết ban hành nghị định; một số quy định không phù hợp với các luật, nghị định khác như luật Quảng cáo. Hay cụ thể với điều 2 của dự thảo nghị định, bộ Tư pháp cũng cho rằng, bộ Y tế đã đưa ra quy định “trái với quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về dinh dưỡng công thức” đã được quy định tại khoản 2, điều 2 của luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Và một loạt quy định khác trong dự thảo nghị định về thức ăn bổ sung, cấm quảng cáo hình ảnh bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong sản phẩm sữa… được bộ Tư pháp cho là: không phù hợp hoặc không cần thiết…
Nhiều ý kiến cho rằng một bản dự thảo nghị định chỉ mười trang giấy nhưng có nhiều “hạt sạn” như vậy cho thấy, các tác giả của dự thảo chính sách này nên đọc lại, nghiên cứu lại, có những điều chỉnh cần thiết để có một bản dự thảo chính sách tốt hơn trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Mạnh Quân