BBC -05/12/2013
Thuyền trưởng một tàu cá Quảng Ngãi nói tàu của ông bị Trung Quốc 'đập phá' khi cập đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa để nhờ cấp cứu cho thuyền viên gặp nạn.
Báo điện tử Dân Việt trong tin đăng ngày 5/12 cho biết tàu cá mang số hiệu Qng - 92046 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm khi đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa hôm 1/12 thì gặp trục trặc do lưới cá bị dính vào chân vịt.BBC đã liên lạc Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và được cơ quan này xác nhận là "có nghe báo cáo về việc này".
Ông Nguyễn Văn Xiện, một ngư dân trên tàu, trong lúc tìm cách gỡ lưới đã bị chân vịt cứa vào cổ, khiến cho bị mất nhiều máu và bất tỉnh, báo này cho biết thêm.
Ông Lâm sau đó đã liên lạc và được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (có trụ sở tại Đà Nẵng) hướng dẫn cho tàu chạy vào đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, theo Dân Việt.
'Căn cứ quân sự Trung Quốc'
Tuy nhiên, khi vừa cập đảo Phú Lâm lúc 3 giờ sáng ngày 2/12, tàu của ông này đã bị phía Trung Quốc khống chế và phá hủy các máy móc vô tuyến với lý do "đây là căn cứ quân sự Trung Quốc", ông Lâm được Dân Việt dẫn lời nói.
Sau khi đập phá xong số máy móc với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng, phía Trung Quốc mới bắt đầu chữa trị vết thương cho ông Xiện, ông Lâm cho biết.
Trả lời BBC ngày 5/12, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ngãi xác nhận đã nghe ông Lâm báo cáo về việc bị phía Trung Quốc đập phá thiết bị trên tàu và đang "làm việc với chủ thuyền để xác minh thêm".
Cơ quan này xác nhận tàu của ông Lâm đã bị "một số thiệt hại" khi về đến Quảng Ngãi ngày 3/12, tuy nhiên cũng cho biết ngoài trường hợp ông Xiện ra, không có thuyền viên nào khác trên tàu bị thương.
Một số báo trong nước như Tiền Phong, Tuổi Trẻ cũng đưa tin về vụ việc, nhưng không đề cập gì đến chi tiết tàu của ông Lâm bị đập phá.
Các báo trong nước nói ông Xiện hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, trong khi biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nói với BBC tình trạng sức khỏe của ông này đã "tạm ổn".
Đảo Phú Lâm hiện đang là nơi Trung Quốc đặt trụ sở hành chính của thành phố Tam Sa và trụ sở Bộ chỉ huy lực lượng quân đồn trú của nước này tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Các hành động trên đã bị Việt Nam phản đối.
Đảo này cũng được trang bị một sân bay có thể đón cả các máy bay thương mại cỡ lớn và các máy bay quân sự.
Liên tục các vụ tấn công
Trong năm qua đã có nhiều vụ ngư dân Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động đánh bắt trên biển, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa.
Ngày 9/7, hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công và thu giữ tài sản khi đang đánh bắt gần khu vực đảo Phú Lâm.
Trước đó, vào đầu tháng Sáu, một tàu cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa cũng bị một 'tàu lạ' khác đâm chìm, khiến một người thiệt mạng.
Vào cuối tháng Năm, một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi bị một tàu hải giám của Trung Quốc mang số hiệu 246 đâm vỡ.
Hồi cuối tháng Ba, cũng một tàu của Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng bắn cháy cabin gần đảo Hoàng Sa.
Năm ngoái, 21 ngư dân từ huyện đảo Lý Sơn cũng đã cáo buộc bị Trung Quốc bắt giữ và đánh đập khi đang đánh bắt trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.