THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2013

NGƯỜI TRUNG QUỐC THUÊ ĐẤT MỞ XƯỞNG Ồ ẠT TẠI VIỆT NAM


VIỆT NAM (NV)
 - Có vẻ như quá trễ, khi nhà cầm quyền CSVN đang tìm cách ngăn chặn phong trào các thương gia người Trung Quốc thuê đất của dân, mở nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, sáng ngày 3 tháng 12, 2013, chính quyền tỉnh Cà Mau đã chỉ thị Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư mở cuộc họp khẩn với Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh này để xem xét vụ một công ty hoạt động bất hợp pháp theo kiểu nói trên.



Người Trung Quốc tìm thuê đất để mở nhà máy, bất chấp sự kiểm soát của chính quyền địa phương. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, người Trung Quốc đã đến huyện U Minh thuê đất của nông dân mở công ty Hội Nguyên Trân. Công ty này do ông Chen Zi Sheng, quốc tịch Trung Quốc làm chủ, với 100% vốn của ông. Báo này nói rằng, công ty Hội Nguyên Trân xây một nhà máy công khai hoạt động rầm rộ.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã báo động tình trạng hoạt động gây ô nhiễm không khí khu vực chung quanh của nhà máy Hội Nguyên Trân. Dân chúng ta thán về tình trạng này không ngớt, trong khi hầu hết các cơ quan thẩm quyền của tỉnh Cà Mau không hay biết gì hết.

Tại cuộc họp báo ngày 3 tháng 12, đại diện Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Cà Mau cho hay sẽ xem xét sự việc nói trên.

Trong khi đó, cũng theo báo Tuổi Trẻ, ở tỉnh Bến Tre có đến 10 công ty Trung Quốc thuê đất mở nhà máy hoạt động bất hợp pháp từ nhiều năm nay. Một phúc trình mới nhất của nhà cầm quyền tỉnh này xác nhận có hàng chục công ty ngoại quốc đã thuê trên 82 ha đất nông nghiệp của nông dân tỉnh mở nhà máy hoạt động “chui.” Trong số này, có 3 công ty mở nhà máy nuôi tôm, cá. Bảy công ty còn lại thì mở xưởng sản xuất các sản phẩm từ dừa. Tám công ty trong số này là của người Trung Quốc và hai công ty kia của người Nga và người Indonesia.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời tố cáo của nông dân tỉnh Bến Tre nói rằng người ngoại quốc, đa số mang quốc tịch Trung Quốc đã rầm rộ thuê đất của nông dân nơi đây, mở nhà máy hoạt động. Có nhà máy đã hoạt động từ năm 2007 cho đến nay. Họ thu mua dừa để sản xuất, mua bán, xuất cảng các sản phẩm từ dừa. Họ hoạt động rầm rộ, công khai một cách bất hợp pháp vì không có giấy phép, nhưng không hề bị chính quyền “hỏi thăm sức khỏe.”
Chưa hết còn có công ty Trung Nhạc của người Trung Quốc mở xưởng sản xuất thạch dừa rộng 2,700 thước vuông tại huyện Châu thành, tỉnh Bến Tre, trực tiếp cạnh tranh với nhà máy của người địa phương. Theo hợp đồng ký kết giữa đôi bên, nông dân Bến Tre đã cho công ty Trung Quốc này thuê đất trong thời hạn 10 năm, kể từ năm 2008. Dư luận nói rằng vì cần có tiền, nông dân viết giấy cho thuê đất, không qua sự nhìn nhận của chính quyền địa phương.

Báo Tuổi Trẻ cho hay, phong trào cho người Trung Quốc thuê đất để mở nhà máy sản xuất rộ lên tại tỉnh Bến Tre trong hai năm 2010-2012. Trong số này có công ty Simmy thuê đến 76 ha để nuôi cá măng. Một công ty khác của người Nga cũng đã thuê 12 ha đào ao nuôi cá, công khai hoạt động tại huyện Bình Ðại. Cho đến khi công ty này mua thêm đất ở huyện Ba Tri, đang đào ao thì sự việc mới đổ bể.

Người đứng đầu chính quyền xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam thú nhận rằng, họ thừa biết các công ty Trung Quốc “núp bóng” người Việt Nam thuê đất, mở xưởng hoạt động. Tuy nhiên, vì người Việt Nam đứng tên trên hợp đồng thuê mướn đất của nông dân nên xã “không thể không chứng thực” hợp đồng. Một số nông dân cho thuê đất còn tiết lộ thêm, các thương nhân Trung Quốc bắt họ phải ký “giao kèo” viết bằng tiếng Trung Hoa. Tuy sợ, nhưng cuối cùng nông dân chấp nhận ký kết, thực hiện mọi điều kết ước cho thuê đất cũng chỉ vì tiền.

Ðể giải quyết tình trạng trên, tỉnh Bến Tre cho hay sẽ thu hồi đất cho thuê của người dân để trực tiếp đứng ra ký kết với người ngoại quốc, coi như cho họ thuê đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong trường hợp nông dân không đồng ý, chính quyền tỉnh sẽ đơn phương thương lượng hủy bỏ hợp đồng để đưa công ty ngoại quốc đến nơi khác thuê đất của nhà nước, tiếp tục hoạt động. (PL)