(Dân trí) - Nước lũ đã rút xuống khá chậm từ rạng sáng nay 16/11. Cho đến trưa nay hàng ngàn nhà dân ở sát các sông tại tỉnh TT-Huế vẫn còn ngập chìm trong nước lũ. Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định.. cũng không thoát cảnh ngập lụt.
Tại TP Huế, tính đến 10h30 sáng 16/11, mặc dù mưa đã giảm nhưng hầu hết các tuyến phố chính như Bà Triệu, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Bến Nghé vẫn còn ngập sâu trong nước, việc đi lại hết sức khó khăn.
Tại đường Trần Quang Khải, chúng tôi ghi nhận nước vẫn còn đang ngập hơn 0,5m, giao thông trên tuyến đường này đã bị tê liệt. Đã có rất nhiều người đi xe máy đã phải dắt bộ vì xe bị vào nước và chết máy. Ô tô cũng rất khó lưu thông. Giao thông ách tắc và hết sức lộn xộn.
Một số đường trong Thành nội ở TP Huế cũng đang bị ngập do nước ứ chưa thoát xuống được và hệ thống ao hồ ven đó đã quá đầy làm nước rút chậm như đường Lê Thánh Tôn, Nhật Lệ, Ngô Đức Kế…
Ghi nhận của PV Dân trí tại phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà), nước sông tràn vào gây ngập sâu; người dân phải đi lại bằng ghe.
Ghe chờ khách để đưa về vùng trũng ở đoạn phố cổ Bao Vinh
Đoạn từ Bao Vinh về làng Thanh Phước để dẫn về huyện Quảng Điền ngập nhiều nơi gây chia cắt. Theo người dân, nước hiện đã xuống chậm; nhưng đêm qua thực sự là một đêm đáng sợ khi nước lên rất nhanh khiến người dân Huế đã nghĩ tới cơn lũ lịch sử năm 1999 tại Huế lấy đi mạng sống của hàng trăm người.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu, huyện Phú Vang cho biết, tối qua nước tràn qua tỉnh lộ 2 gây ngập gần 1m, cho đến 9h30 sáng nay nước đang xuống rất chậm. Nhiều nơi khác cũng ngập chừng 0,7m. Một vùng trồng hoa tết rộng 2.500m2 đang bị ngập.
Video lũ tại Bao Vinh (TX Hương Trà) và TP Huế
Tuy nhiều nơi nước đang xuống nhưng vào 10h sáng nay, qua điện thoại với PV, bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, Thị xã Hương Thủy cho biết rất nhiều nhà sát sông Phú Bài bị ngập lớn 1-1,5m. Ước tính có hơn cả ngàn nhà bị ngập tập trung ở thôn 2,4,6, 8a, 8b, 9. “Khá nhiều gia cầm như gà, heo bị chết do lũ lên nhanh và cả lúa bị ngập do nhà thấp, không đưa lên chỗ cao kịp. Hiện nước khi sáng mới rút nhưng giờ đã lên lại do mưa đang lớn, hồ Khe Đầy bị tràn và nước trên đồi núi đổ xuống. Trận lũ này nhanh và nước lên cao chứ 2 trận trước do bão không thấy nước to như ri” – bà Ngọc nói.
Ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, ghi nhận nước lũ sâu hơn được trước. Toàn xã hiện đã bị cô lập, các tuyến đường dẫn lên TP Huế có nơi nước lút ngang ngực. Hiện có hơn 300 nhà dân tại đây ngập từ 0,2-0,4m, nhà sâu nhất 0,8m. Nước đang hạ xuống chậm và mưa vẫn đang to. Xã bị nước ngâm làm thiệt hại 4 hecta hoa cúc và hoa lay ơn cùng 200m2 hoa lyly. Toàn bộ 40 ha rau má bị nước nhấn chìm, nếu ngập thêm mấy ngày nữa thì rau má sẽ hư hết” – ông Hoàng Công Phong, PCT xã Quảng Thọ cho hay.
Hình ảnh ngập lụt ở Huế sáng và trưa 16/11:
Nước lũ trên sông đi qua Bao Vinh
Tràn vào nhiều nhà ven sông
Xe cứu hộ đến giúp một xe hơi bị tắt máy ở đường Bà Triệu (Ảnh: Đại Dương)
Lũ tràn vẫn còn ngập ở nhiều nhà dân trong TP Huế
Nước chảy qua cống tràn (ảnh: T.Thủy)
Người dân Hương Trà vội vã mua đồ tích trữ
Đưa xe máy lên ghe qua vùng nước sâu. (Ảnh: Văn Danh)
Tính đến sáng ngày 16/11, mưa lũ đã làm một số nơi ở trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chia cắt, đặc biệt là đèo An Khê trên SL19 từ Gia Lai đi Bình Định đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông.
Theo thống kê của Ban Phòng chống bão lụt tỉnh Gia Lai, khu vực bị nặng nhất là huyện Kbang. Tính đến sáng nay, tại đây có 8 hộ dân bị ngập phải di dời đi tránh lũ, 1 máy hút cát của ông Đinh Quang (xã Kon Pla) bị nước cuốn trôi; đoạn đường từ trung tâm huyện Kbang đi các xã Kroong, Đăk Mei, Kon Pla một số đoạn bị sạt lở ta luy đường, đất đá vùi lấp và có 2 cây to đổ chắn ngang đường khiến giao thông bị ách tắc.
Ngoài ra, một ngầm nước thuộc xã Đăk Kroong đoạn qua thôn Hà Đừng đã bị nước ngập qua tràn khoảng 0,5m và dân quân tự vệ đã lập rào chắn không cho người dân mạo hiểm đi qua ngầm. 1 cầu dân sinh ở thôn Lơ Vi (xã Lơ Ku) đã bị lũ cuốn trôi; tại xã Kon Pla cũng đã có 17ha hoa màu bị ngập lụt. Đau lòng nhất là vào khoảng 5h30’ sáng 15/11, 2 cô giáo trong lúc đi dạy học cũng bị lũ cuốn trôi.
Sáng nay, QL25 đoạn qua xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa cũng đã bị nước dâng ngập lụt, một số đoạn đường người dân phải lấy xuồng ra chở xe máy đi qua. Cầu sông Ba trên QL19 đoạn qua thị xã An Khê hôm qua bị ngập lụt, đến sáng nay cũng đã rút nước do lượng mưa tại địa bàn đã giảm.
Nghiêm trọng nhất là đèo An Khên trên QL19 đoạn giáp danh Gia Lai- Bình Định bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm đất đá đổ xuống chèn lấp đường, gây ách tắc giao thông kéo dài khoảng 6km.
Hiện Ban Phòng chống bão lụt tỉnh Gia Lai vẫn đang tiếp tục cập nhật thông tin ở một số địa bàn khác.
TP Đà Nẵng sau cơn mưa tầm tã kéo dài từ sáng 15/11 đến gần trưa 16/11 cũng ngập nặng nhiều nơi. Tại một số khu dân cư thuộc khu vực Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, xe không thể lưu thông. Từ nửa đêm qua đã có đoạn nước dâng lên gần nửa người, sáng nay đã rút hơn. Người dân phải dùng ghe, thuyền hoặc chế các mảng bè để đi lại.
Cơn mưa tầm tã kéo dài từ sáng 15/11 đến gần trưa sáng 16/11 đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập
Tại tuyến đường đi vào Trung tâm bảo trợ xã hội, nước cũng ngập khá cao. Một số xe máy đã bị chết máy khi đi qua tuyến đường này.
Tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, ngã Ba Huế đến sáng nay cũng đã bắt đầu ngập. Người đi đường phải đi sát mép dải phân cách hoặc chạy hẳn lên lề đường để đi.
Đường vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng mênh mông nước
Phố cổ Hội An ngập trong biển nước, nhiều ngã tư đường dẫn vào vùng thấp lụt đã hình thành các bến thuyền tự phát
Đến 10h sáng nay, nước lũ tại phố cổ Hội An - hạ lưu sông Thu (Quảng Nam) vẫn đang tiếp tục dâng lên. Mưa đã bắt đầu nhẹ hạt hơn so với đêm qua và sáng sớm nay. Chị Nguyễn Thị Thơm chèo đò đưa người dân qua lại khu vực trung tâm phố cổ Hội An và An Hội cho biết: “Nước lụt ngập mấy tuyến phố bên phố cổ trước. Tới 3h sáng sớm ni (16/11) thì nước lớn gần tới bụng tui (chừng gần 1 mét) rồi nước cứ lớn miết lên rứa. Chừ qua cầu An Hội chỉ có ghe máy đi thôi chớ ghe bình thường thì chịu vì nước xoáy dữ lắm, chèo không nổi.
Hôm qua thấy mưa to ngó bộ lụt là bà con kê đồ lên tầng hai hết rồi, nhà mô không có tầng trên thì qua nhà hàng xóm ở ké. Ở đây mấy năm lụt miết, nhưng năm ni là nước lớn. Cứ đà ni nước còn ngập lên tới chiều ni là hơn 1 mét, dễ bằng năm 2009 lắm”.
Theo quan sát thực tế của PV Dân trí tại phố cổ Hội An, nhiều nhà dân ở các tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học đã ngập sâu khoảng 1 mét. Nước lũ gần như nhấn chìm cầu phao bắc từ khu trung tâm phố cổ Hội An và An Hội. Nước cũng đã ngập quá gối trên đường Châu Thượng Văn và tràn lên tấn công Chùa Cầu - biểu tượng đô thị cổ Hội An.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Ngay từ chiều qua, Hội An đã triển khai công tác phòng chống lũ theo chỉ đạo của Ban Phòng chống bão lụt tỉnh. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời dân tại chỗ ngay các địa bàn lũ ngập sâu.theo đó, đã sơ tán 370 hộ dân với khoảng 1.400 khẩu ở các nhà thấp sang các nhà có tầng trên khô ráo ngay trong địa bàn dân cư cục bộ. Tất cả các phương tiện đã được huy động để khẩn trương di dời dân tránh lũ.
Hiện mực nước trên sông Hoài - hạ lưu sông Thu Bồn đã ở mức 2,6 mét (vượt báo động 3 hơn 0,5 mét). Tình hình này đến trưa chiều nay, nước trên sông Hoài có thể dâng cao lên 2,8 mét thì đạt đỉnh và rút dần trong điều kiện trời ngớt mưa.
Hình ảnh phố cổ ngập trong biển nước do PV Dân trí ghi nhận tại Hội An sáng 16/11
Lũ ngập sâu từ 0,5 - 1 mét tại nhiều tuyến phố trong trung tâm phố cổ Hội An
Lực lượng chức năng túc trực từ 3h sáng 16/11 tại các bến đò tự phát trong lũ để kiểm soát an toàn đi lại trong vùng ngập
Nhu cầu đi lại bằng ghe thuyền trong phố cổ lớn khiến nhiều người nóng ruột ngóng đợi tới lượt
Nước lũ bắt đầu tấn công Chùa Cầu
Người dân và du khách khẩn trương di dời tới nơi cao ráo hơn. (Ảnh: Khánh Hiền)
Không chỉ Hội An, nhiều địa bàn khác của Quảng Nam cũng bị ngập nặng, người dân khốn đốn, giao thông tê liệt.
Nước lũ dâng cao làm ngập nhà dân tại TP Tam Kỳ (Ảnh: Công Bính)
12h trưa 16/11, trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - ông Phan Đức Tính - cho biết, hiện trên địa bàn huyện nước lũ đã cô lập các xã. Trên địa bàn huyện có 34 ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,2 – 3m. Lũ đã đạt đỉnh tại Ái Nghĩa lúc 2h sáng nay 16/11 với mức nước cao 10m, vượt báo động 3 ở mức 1m. Đến 12h trưa, lũ vẫn đang ở trên mức báo động 3 khoảng 0,5m.
Trên địa bàn huyện Đại Lộc đã có một người chết do lũ. Nạn nhân là em Lê Ngọc Triều (SN 1996, ngụ xã Đại Cường, là học sinh lớp 12, trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, huyện Đại Lộc).
Theo thông tin từ huyện Đại Lộc, khoảng 10 giờ sáng nay dù nước vẫn còn lớn và có mưa to nhưng em Lê Ngọc Triều lùa đàn vịt ra đồng để thả thì bất ngờ trượt chân xuống ống cống nước xoáy ở gần nhà. Khi người dân phát hiện và vớt được thì Triều đã tử vong. Đến khoảng gần 11h trưa, thi thể em Triều đã được tìm thấy.
Tại huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - cho biết, trên địa bàn huyện cũng có một người tử vong do lũ. Nạn nhân là bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn).
Theo thông tin, khoảng 16 giờ chiều ngày 15/11, bà Chí đi chăn trâu về gặp mưa lớn, không may bị sụp xuống cống bị đuối nước. Mặc dù người dân phát hiện kịp và tiến hành cấp cứu nhưng bà Chí không qua khỏi.
Ngoài ra, tuyến đường ĐT 611 từ huyện Quế Sơn lên Nông Sơn cũng bị sạt lở nhiều đoạn làm giao thông bị ách tắc. Tại km 24+983 trên Đèo Le, mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng khoảng 20m đường vừa mới được sửa chữa trong cơn bão số 11.
Trưa 16/11, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch huyện Duy Xuyên – ông Trần Công Dũng cho biết, hầu hết trên địa bàn huyện đã bị ngập. QL1A đoạn đi qua thị trấn Nam Phước nước dâng cao khiến các phương tiện không thể lưu thông được. Hiện lực lượng CSGT đã cấm xe máy và ô tô lưu thông qua đoạn đường này.
Cũng tại huyện Duy Xuyên, tuyến đường ĐT 610 nối từ QL1A lên các xã phía tây của huyện đã bị nước băng qua không thể lưu thông, lãnh đạo huyện phải di chuyển bằng ca nô mới có thể được tiếp cận được.
Theo ông Trần Công Dũng cho biết, tại dự án cầu Cửa Đại có 3 công nhân của đơn vị thi công ở lại trên các trụ ở giữa sông bảo vệ tài sản bị nước lũ cô lập từ ngày 15/11. Đến trưa nay 16/11, các lực lượng cứu hộ tiếp cận các công nhân này để đưa vào bờ.
Tại huyện Điện Bàn, trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Hữu Lên – Phó Chủ tịch huyện cho biết, 12h trưa nay 16/11, nước lũ đã ngập toàn thị trấn Vĩnh Điện. Có nơi nước lũ ngập sâu từ 0,5 đến gần 1m. Hầu hết các xã đã bị chia cắt nên giao thông rất khó khăn.
Theo ông Lên, có 6 công nhân đang thi công cầu Kỳ Lam (thuộc tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) bị lũ cô lập giữa bãi bồi từ ngày 15/11. Đến 2h30 sáng 16/11, các công nhân mới được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ an toàn. “Nếu không ứng cứu kịp, các công nhân này có thể bị cuốn trôi”, ông Lên cho biết.
Mưa lũ cũng làm huyện miền núi Tây Giang bị sạt lở nhiều tuyến đường. Theo ông Phạm A – Phó Chủ tịch huyện - cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện và các tuyến đường Azứt - Lăng, Lăng đi 4 xã vùng cao bị sạt lở. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã A Vương cũng sạt lở nhiều đoạn, riêng đoạn A Ching – A Nông (thuộc tuyến đường Azứt - Lăng) khối lượng sạt lở rất lớn gây ách tắt giao thông.
Tại các thôn Arui, Kà xeeng, Katiết (xã Dang); các thôn Atu 1, Atu 2 (xã Ch’ơm); A Ching (xã A Tiêng) và tại trung tâm huyện có hàng chục hộ có nguy cơ sạt lở.
Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 5 điểm trên tuyến Quốc lộ 1A không thể lưu thông các phương tiện cơ giới thuộc huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư nghĩa và Mộ Đức. Tình trạng ách tắc giao thông kéo dài suốt từ chiều tối ngày 15/11 đến hôm nay.
Bên cạnh đó, tuyến quốc lộ 24 trên đèo Violet (đoạn nối giữa Quảng Ngãi và Kon Tum) và các tuyến tỉnh lộ 623 trên địa bàn tỉnh đều bị chia cắt do sạt lở núi và nước ngập khoảng 1m.
Qua ghi nhận trong sáng nay, hàng ngàn hộ dân thuộc huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức vẫn còn ngập hơn 0,5m. Do nước lũ lên nhanh, nhiều hộ dân bị mắc kẹt lại trên nóc nhà và nấu cơm ăn chống đói giữa biển nước.
Nước ngập sâu khiến giao thông ùn ứ
Trường THCS Trương Quang Trọng (Sơn Tịnh) cũng bị ngập sâu hơn 2m, thầy và trò khẩn trương dọn dẹp (Ảnh: Hồng Long)
Hiện toàn tỉnh đã ghi nhận có 4 người chết, cụ thể học sinh Vương Thị Thu Thảo (lớp 5 ở Nghĩa Hành) bị gió hất rơi xuống sông, ông Lâm Quang Vinh (ngụ xã Tịnh Hà, Sơn Tịnh) bị nước lũ cuốn trôi và 2 người mất tích do sạt lở ta-luy đường (huyện Sơn Tây). Ngoài ra, có 1 người bị thương do sạt lở núi tại thôn Gò Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ.
Sáng ngày 16/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng và cứu trợ người dân về thức ăn, thuốc, phương tiện, dọn dẹp môi trường sau khi nước lũ rút.
Cuối ngày hôm qua 15/11, thông tin từ Ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum cho biết, hai ngày qua trên địa bàn tỉnh cũng có mưa rất to, gây lũ trên các sông, suối, nhất là trên sông Đắk Bla tại TP Kon Tum.
Mưa lũ lớn đã làm cho tuyến quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi tại địa bàn xã Pờ Ê, huyện Kon Lông bị sạt lở dài 20 mét, gây cô lập hoàn toàn xã này; Tỉnh lộ 676, đoạn từ trung tâm huyện Kon Plông đi vào các xã Đông Trường Sơn như Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên đã và vẫn tiếp tục sạt lở nhiều đoạn với khối lượng lớn. Hiện tại, ô-tô, xe máy không thể lưu thông.
Sạt lở trên QL 24 đoạn qua xã Pờ Ê (Ảnh: Đại Hòa)
Hiện UBND tỉnh Kon Tum đang chỉ đạo ngành chức năng tập trung khắc phục sạt lở các tuyến đường do mưa, bão gây ra, nhất là bảo đảm giao thông, cố gắng thông xe trong thời gian sớm nhất trên quốc lộ 24.
Theo xác nhận của UBND huyện Kon Plông, mưa lũ lớn đã làm cho chị Y Hiên, 38 tuổi, trú thôn Đăk Bút, xã Đăk Nên (Kon Plông) bị lũ cuốn trên đường làm rẫy về; hiện đã tìm thấy xác.
Sáng nay 16/11, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng cho biết, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mang số hiệu 94655 TS đã được một tàu bạn lai dắt vào đảo Cù Lao Chàm an toàn. Trước đó, chiều ngày 14/11, tàu cá QNg 94655 TS đang đánh bắt thì bị hỏng máy tại vị trí có tọa độ 15-58’N - 108-45’E, cách Đà Nẵng khoảng 27 hải lý về hướng Đông
Một tàu cá bị nạn được Vùng 3 Hải quân cứu hộ đưa vào bờ
Sau khi tiếp nhận thông tin, hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam đã chuyển các thông tin trên tới các phương tiện hoạt động trong khu vực yêu cầu trợ giúp tàu bị nạn.
Lúc này, tàu QNg 94655 TS cùng 11 ngư dân đang được tàu QNg 98736 TS hỗ trợ lai dắt nhưng do thời tiết xấu nên tàu QNg 98736 TS không thể kéo nổi tàu bị nạn. Đế tối 15/11, tàu QNg 98736 TS mới kéo được tàu QNg 94655 TS cùng 11 ngư dân vào đảo Cù Lao Chàm (Hội An) an toàn.
Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung Tây Nguyên cho biết, tàu cá BĐ 96682 TS với 13 ngư dân do ông Phạm Văn Tường (trú xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng bị hỏng máy lúc 12 giờ ngày 13/11/2013 ở toạ độ 11035’N - 111035’E , thả trôi theo hướng 280 độ, tốc độ trôi 1,5 hải lý/giờ.
Lúc 17h45 ngày 14/11, đã được tàu BĐ 96616 TS của ông Đinh Công Lý ở cùng xã lai kéo về cảng Cam Ranh an toàn.
Trong khi đó, 1 thuyền viên là anh Nguyễn Văn Thường (quê ở Tiền Giang) của tàu BĐ 30249 TS do bà Nguyễn Thị Diệu (trú xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) làm chủ, bị rơi xuống biển tại vị trí 07045’N - 105025’E. Theo thông tin, hiện thi thể người bị nạn vẫn chưa được tìm thấy.
Tại tỉnh Ninh Thuận, theo thông tin từ trực ban PCLB tỉnh Ninh Thuận cho biết đã liên lạc được với tàu cá NT 90515TS với 10LĐ. Tàu đang hoạt động bình thường ở vị trí 070 Vĩ Bắc - 1090 Kinh Đông.
Công Bính
|
Nhóm PV