Đến thời điểm này, chỉ tính riêng khu vực 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây
Nguyên, mưa lũ lớn cộng với thuỷ điện xả lũ mấy ngày qua đã làm 27 người
chết và mất tích, khoảng 20 ngôi nhà đổ sập, hàng vạn ngôi nhà bị ngập,
nhiều địa phương bị chia cắt, cô lập.
Thuỷ điện tiếp tục xả lũ
Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương,
tính đến chiều 16/11, tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã có 27
người chết và mất tích do mưa lũ lớn sau bão số 15. Trong số 26 người
chết thì Quảng Ngãi có 7 người, Bình Định 13 người, Quảng Nam 2 người,
Phú Yên 2 người, Gia Lai 2 người; còn 01 người mất tích ở Kon Tum.
Thuỷ điện Đăk Mi 4 ở Quảng Nam tiếp tục xả lũ mạnh khiến vùng hạ du thêm ngập lụt (Ảnh: HC) |
Hiện có 53 hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ điện
ở Quảng Nam đã đầy và đang tiến hành xả tràn tự do. Tại thủy
điện Sông Tranh 2, Chính phủ quy định cho phép tích nước ở cao trình
140m. Nhưng hiện mực nước hồ này đang ở cao trình 165m và tiếp tục
lên. Do vậy, thủy điện này đang xả tràn tự do kết hợp với xả qua phát
điện tổng lượng nước lên tới 2.500 m3/s. Thủy điện ĐăkMi4 cũng nâng
lưu lượng xả lên gần 4.000m3/s khi lượng nước về hồ trên 4.360m3/s…
Do các hồ chứa thuỷ điện lớn trên địa
bàn xả lũ mạnh nên mực nước hồ chứa Phú Ninh, công trình thuỷ lợi lớn
nhất tỉnh Quảng Nam, cũng đang lên rất cao. Theo quy trình vận hành, mực
nước hồ chứa này trong tháng 11 giữ ở cao trình 30,5m nhưng từ
đầu giờ chiều 16/11 đã ở cao trình 30,65m. Do đó, đơn vị quản lý đã
cho xả nước hồ Phú Ninh với lưu lượng 114 m3/s và còn tiếp tục nâng
lên để đảm bảo an toàn công trình.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện mực
nước tại các sông vẫn lên chậm, chưa có dấu hiệu rút. Việc xả nước các
hồ thủy điện được tiếp tục nhận diện là tác nhân chính khiến mực nước
trên các sông lên nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi. Dự báo
lũ nhiều sông miền Trung sẽ cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Phố cố Hội An (Quảng Nam) chìm trong biển nước (Ảnh: HC) |
Ngập lụt nặng khắp nơi
Tại Quảng Nam, mưa lũ đã gây ngập lụt
tại 29 xã thuộc 4 huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn và Duy Xuyên. Chính
quyền địa phương đã tổ chức di dời 2.504 hộ với 4.801 nhân khẩu. Riêng
tại huyện Đại Lộc, mưa lũ đã làm 34.000 hộ dân bị ngập nặng trên 3m,
nhiều mái nhà bị cô lập giữa dòng nước lũ. Từ chiều hôm qua, tuyến tỉnh
lộ 14 dẫn vào thị trấn Ái Nghĩa trên địa bàn xã Đại Hiệp bị ngập nặng
hơn 1m khiến các phương tiện không thể lưu thông.
Ở Hội An, mực nước ngập sâu vào nhà dân
từ 1-1,6m. Chị Lê Thị Hoa (khu vực An Hội, TP Hội An, Quảng Nam) cho
biết, từ chiều tối qua, nước lên nhanh và đến khuya đã ngập lớn: “Tới 3h
sáng sớm ni (16/11) thì nước lớn gần tới bụng tui (chừng hơn 1m) rồi
nước cứ lớn miết lên rứa. Chừ qua cầu An Hội chỉ có ghe máy đi thôi chớ
ghe bình thường thì chịu vì nước xoáy dữ lắm, chèo không nổi. Cứ đà ni
nước còn ngập lên tới chiều ni là hơn 1 mét, dễ bằng năm 2009 lắm”.
Thượng sĩ Hồ Phước Tường (Cảnh sát cơ
động TP Hội An) cho biết, từ 2h sáng 17/11, toàn bộ lực lượng công an
được huy động túc trực hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc, giữ an ninh trật
tự trong các khu vực lũ lên. Đến thời điểm này, chính quyền địa phương
đã sơ tán 370 hộ dân với khoảng 1.400 khẩu ở các nhà thấp sang các nhà
có tầng trên khô ráo ngay trong địa bàn dân cư cục bộ. Tất cả các phương
tiện đã được huy động để khẩn trương di dời dân tránh lũ.
Người dân và du khách ở Hội An sơ tán tránh lũ (Ảnh: HC) |
Hiện mực nước trên sông Hoài - hạ lưu
sông Thu Bồn đã ở mức 2,6m (vượt báo động 3 hơn 0,5m). Đến chiều 17/11,
nước trên sông Hoài có thể dâng cao lên 2,8m thì đạt đỉnh và rút dần với
điều kiện trời ngớt mưa. Lực lượng vệ sinh môi trường đã túc trực đợi
lũ rút sẽ nhanh chóng xử lý bùn, rác thải do lũ để lại, trả lại môi
trường sạch đẹp cho phố cổ.
Tại Quảng Ngãi, nhiều khu vực bị cô lập
hoàn toàn, nhiều xã bị chia cắt do tuyến giao thông và cầu bị ngập,
huyện Ba Tơ có 3 khu vực dân cư bị cô lập hoàn toàn; huyện Nghĩa Hành có
9/12 xã bị ngập; huyện Sơn Hà có 7 xã bị chia cắt do tuyến đường giao
thông và cầu bị ngập; huyện Tư Nghĩa có 14 xã ven sông Vệ, sông Trà Khúc
bị ngập; huyện Đức Phổ có 4 thôn của 3 xã bị ngập. Ngoài ra, các xã
thuộc lưu vực các sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Thoa thuộc các huyện Sơn
Tịnh, Mộ Đức đang bị nước lũ gây ngập lụt.
Tại Bình Định có 35 hộ với 140 người bị
ngập tại xã Canh Hiển, xã Canh Vinh; đường ĐT 638 bị chia cắt tại xã
Canh Vinh; 1.500 hộ bị ngập nước tại các xã thuộc huyện Hoài Ân. Các
tuyến đường huyện Tây Sơn đi các xã Tây Phú, Tây Xuân, Tây Thuận, Tây
Vinh, Tây Giang bị nước lũ chia cắt, cô lập. Tại TP Quy Nhơn, nước cũng
ngập ở một số khu vực vùng trũng từ 1-2m.