TT - Người của xã kêu con nhái chữ ký của mẹ, chồng giả chữ ký của vợ để ký tên hiến đất mở rộng tỉnh lộ. Kết quả là dân nổi giận, không chịu hiến đất.
Đề nghị giảm quy mô mở rộng đường
Ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Ban quản lý dự án Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên sở đã đề nghị UBND tỉnh và Sở Kế hoạch - đầu tư xem xét cho giảm quy mô nền đường ở khu vực người dân không đồng tình hiến đất. Khi tỉnh duyệt kế hoạch thì dự án sẽ khởi động trở lại. “Ngoài ra nếu sau này chính quyền địa phương vận động được những hộ dân trên thì sẽ triển khai thi công hoàn chỉnh tuyến đường này” - ông Sơn cho biết thêm.
|
Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 861 (giai đoạn 2) qua địa bàn xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa làm xong. Nhiều đoạn lầy lội rất khó đi.
Bắt đầu từ cầu Mương Điều 2 đến khu vực Ngã 6 thuộc xã Mỹ Trung có tổng chiều dài trên 9km, dự án được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo UBND xã Mỹ Lợi A, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường và hỗ trợ thiệt hại hoa màu, vật kiến trúc, còn dân hiến đất. Dự án đã triển khai được hơn một nửa. Riêng đoạn dài khoảng 4km, từ km4+775 đến km9+270 do người dân không đồng ý hiến đất nên công trình phải tạm ngừng thi công.
Theo phản ảnh của người dân, có nhiều lý do khiến dân không đồng ý hiến đất. Như trường hợp chị Phạm Thị Quý, chị nói: “Ngày 7-8-2009 tôi không có ở nhà, chính quyền địa phương đem giấy tới kêu con gái tôi là Phạm Thị Thảo (lúc này mới 16 tuổi) ký tên đồng ý hiến đất làm đường. Chính quyền còn hướng dẫn con tôi nhái chữ ký của tôi nữa chứ”. Ngay sau đó địa phương cho xe tới thi công. Chị Quý bất bình việc địa phương dụ đứa con nít ký tên hiến đất nên chị nhất quyết không cho thi công.
Em Phạm Thị Thảo kể: “Lúc đó mẹ em không có ở nhà. Cậu tổ trưởng đến đưa một cái biên bản gì đó được soạn sẵn nói là biên bản đền bù mấy cây trồng này kia và kêu em ký. Em có hỏi cậu tổ trưởng là ký tên mẹ hay ký tên ai, thì cậu. nói là ai đứng tên chủ quyền thì ký tên người đó. Thế là em nhái chữ ký của mẹ ký vào”. Về việc này, ông tổ trưởng tổ nhân dân tự quản ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A lúc đó thừa nhận đã đưa giấy cho con chị Quý ký tên hiến đất.
Bà Lê Kim Em ở ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A là người đứng tên trong giấy chủ quyền đất. Ban đầu xã vận động nhưng bà không đồng ý hiến đất. Thế là cán bộ xã đề nghị ông Phạm Văn Bắc (chồng bà Em) giả chữ ký của vợ ký vào biên bản tự nguyện hiến đất. Bà Em phản đối quyết liệt cách làm của xã nên không cho thi công.
Còn chị Trần Thị Rồi ở ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A nói chị rất đồng tình góp đất cùng Nhà nước làm đường. Tuy nhiên gia đình chị có sáu nhân khẩu mà chỉ có 500m² đất canh tác. Chính quyền địa phương vận động chị hiến tới 200m² đất làm đường nên chị không chịu. Chị giải thích: “Gia đình tôi khó khăn như vậy mà địa phương vận động góp phân nửa diện tích đất. Hiến rồi cả nhà tôi sẽ làm gì sống, con cái sau này lớn lên lấy đất đâu mà sản xuất?”.
Bi kịch hơn là trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Mai, khi phần lớn đất nhà chị bị nằm trong phạm vi cắm cọc thi công công trình. Chồng chị mất sớm, chị và con được cha cho một miếng đất khoảng 70m² để cất nhà. Cách đây khoảng hai năm, cán bộ của xã đến vận động chị hiến đất nhưng chị không đồng ý, cũng không ký vào biên bản hiến đất nhưng sau đó chính quyền cho xe ủi tới ủi đất che bít cửa ra vào nhà của chị. Chị Mai phải bỏ nhà về nhà cha của mình ở tạm. Chính quyền địa phương hỗ trợ căn nhà và cây cối cho chị 32 triệu đồng, nhưng chị không nhận vì số tiền đó không thể sửa nhà, cũng không thể mua đất khác. Hiện căn nhà chị sắp sập.
Về những vấn đề người dân bức xúc, ông Lê Văn Định (chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A) cho biết công tác vận động người dân ký biên bản cá nhân tự nguyện hiến đất được giao cho các cán bộ của xã làm nên ông không biết chuyện bắt con chị Quý mới 16 tuổi ký tên. Còn trường hợp người dân có ít đất nên không đồng ý hiến thì xã đề nghị không mở rộng đường qua khu vực đó. Nếu bồi thường những hộ này thì những hộ đã hiến đất sẽ không đồng ý.
TRƯỜNG GIANG