THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 November 2013

PICS : Miền Trung: Vừa thoát bão đã gặp lũ


15/11/2013 17:43 (GMT + 7)
TTO - Bão số 14 đã không vào miền Trung như dự đoán ban đầu nhưng chưa kịp thở phảo, người dân Trung bộ đã phải đối mặt với mưa lớn gây ngập lụt. Đã có thương vong và thiệt hại ở nhiều nơi.
















Bình Định: nhiều người mắc kẹt trong lũ, 1 người chết 
Sau hơn một ngày mưa lớn, nhiều khu vực ở Bình Định nước đột ngột dâng cao gây ngập, chia cắt nhiều làng mạc, nhà cửa. Nhiều tuyến đường giao thông cũng ngập sâu trong nước.
Do nước lũ ngập nặng nhiều đoạn trên Quốc lộ 19, nên 16g30 chiều 15-11, lực lượng cảnh sát giao thông công an huyện Tuy Phước đã triển khai lực lượng tại ngã tư Tuy Phước cấm không cho người dân điều khiển xe máy đi từ thị trấn Tuy Phước về TP Qui Nhơn trên Quốc lộ 19.
Tại đoạn qua thị trấn Đồng Phó, huyện Tây Sơn ngập trong nước hơn 1,5m, các xe ô tô loại nhỏ được phân luồng đưa lên chân đèo An Khê để tránh tình trạng bị nước cuốn trôi.
Hiện nước lũ đã nhấn chìm hàng trăm nhà dân ở các huyện Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão, TP. Quy Nhơn… và chia cắt nhiều tuyến tỉnh lộ như tuyến ĐT 637 lên huyện Vĩnh Thạnh, tuyến ĐT 638 lên huyện Vân Canh; tuyến tỉnh lộ 629 lên huyện Hoài Ân, tuyến Tỉnh lộ 630 lên huyện An Lão; tuyến  tỉnh lộ 640 ở huyện Tuy Phước...
Thống kê sơ bộ ban đầu của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, đã có 2 người bị nước lũ cuốn trôi là anh Trần Thang Giản (17 tuổi, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) và ông Nguyễn Thanh Sang (41 tuổi, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
Nước lũ cũng đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, cầu cống, nhiều công trình thủy lợi, đê, kè…. Mưa lớn cũng đã khiến 51 hồ chứa qua tràn, trong đó có 21 hồ chứa đã xuống cấp. 
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, đêm nay, khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Mực nước lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục dao động ở mức cao; mực nước lũ hạ lưu các sông tiếp tục lên nhanh, lên trên báo động 3. Trong đó, sông Lại Giang tại Bồng Sơn lên trên báo động 3 0,5m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa trên báo động 3 0,5m và Sông Hà Thanh tại Diêu Trì trên báo động 3 1,5m.
Từ 10g trưa, nước lũ từ thượng nguồn Sông Hà Thanh bất ngờ lên nhanh uy hiếp gần 15 km tuyến đê bao của 4 thôn Vân Hội 1, Vân Hội 2, Luật Lễ và Diêu Trì của Thị trấn Diêu trì. Do nước lũ dâng cao đột ngột nên toàn bộ tài sản, lúa thóc và vật dụng của người dân bị ngập chìm trong nước.
Theo ông Nguyễn Bay - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, đến 14g chiều, toàn bộ gần 15 km tuyến đê bao ở thị trấn Diêu Trì có nguy cơ bị ngập. Do mực nước ngoài sông và trong đồng chênh nhau hơn 3m nên đã có 3 đoạn đê bị vỡ, lở với độ dài gần 100m làm hơn 100 hộ dân bị ngập 0,5-1m, người dân phải sơ tán đến nơi an toàn.
"Nước lũ  lớn quá nhanh, trở tay không kịp, cả gia đình đành phải đóng cửa chạy thoát thân, bỏ lại mọi thứ trong nhà”, ông  Võ Văn Hiến (xóm 3,  thôn Luật Lễ) xót xa nói.
Hiện còn hơn 300m đê bị nước lũ tràn qua mặt cao hơn 0, 5m, trong đó điểm xung yếu nhất là hai bên tuyến đê bao dọc hai đầu cầu Luật Lễ. Hàng trăm công an, bộ đội, thanh niên xung kích cùng người dân đã tham gia ứng cứu, sử dụng hàng ngàn bao tải vào cát để cơi cao mặt đê không cho nước lũ xuyên phá.
Tại thị trấn Tuy Phước, 13g chiều nước lũ cũng đã tràn qua đập cây dừa ở thôn Phong Thạnh, đe dọa tính mạng hàng trăm người dân địa phương. Chính quyền địa phương thị trấn Tuy Phước đã huy động lực lượng thanh niên xung kích di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Đến 15g chiều nay, nước lũ trên sông Hà Thanh vẫn còn tiếp dâng cao, người Thị trấn Diêu Trì đang gồng mình để đối phó cơn lũ lớn. Tại TP Qui Nhơn, các vùng trũng thấp như phường Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú cũng bị ngập nặng, hàng ngàn người dân hốt hoảng di chuyển tài sản, sơ tán người bệnh, người già, trẻ em để chạy lũ.
Theo ông Bay, cơn lũ này lớn rất nhanh, giống như cơn lũ lịch sử năm 2009.
Ông Đào Văn Linh, phó ga Diêu Trì cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt do sạt lở đoạn Diêu Trì - Tân Vinh, 4 đoàn tàu SE1, SE3, SE21, TN1 buộc phải dừng ở ga Diêu Trì và ga Bình Định.
Kon Tum: Một người thiệt mạng do mưa lũ
Tính đến 17g ngày 15-11, mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã khiến một người dân thiệt mạng và tàn phá nhiều tài sản, công trình công cộng.
Sáng 15-11, chị Y Hiên (38 tuổi, trú tại thôn Đắk Bút, xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) trên đường đi làm rẫy về đã bị nước lũ bất ngờ đổ về và cuốn mất tích. Đến chiều nay, thi thể chị Hiên đã được tìm thấy và đưa về mai táng.
Ban Chỉ huy PCLB và giảm nhẹ thiên tai Kon Tum cho hay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục xuất hiện mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 55-100 mm, có nơi mưa lên tới 210mm. Mưa to đã khiến mực nước các sông suối lên nhanh, lũ trên sông Đắk Bla đã lên trên báo động hai và tiếp tục dâng cao.
Mưa lớn cũng đã khiến lượng nước về các đập thủy lợi, thủy điện tăng cao. Hiện các thủy điện đang tiếp tục xả lũ để đảm bảo dung tích hồ chữa ở ngưỡng an toàn.
Khánh Hòa: lặn bắt tôm hùm giống, 1 người mất tích
Trực ban tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến 17g chiều 15-11, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và gia đình vẫn chưa tìm thấy xác anh Nguyễn Xuân Hùng (31 tuổi, tạm trú ở P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang).
Trước đó, khoảng 7g sáng 14-11, anh Hùng cùng ông Nguyễn Danh Tuấn (40 tuổi, ở xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) cùng đi xuồng máy đến khu vực Hòn Mát thuộc P.Vĩnh Hòa (Nha Trang) lặn bắt tôm hùm. Anh Hùng sử dụng ống hơi lặn xuống biển tìm tôm hùm, còn ông Tuấn ngồi trên xuồng trông coi phương tiện.
Đến 9g cùng ngày, thấy anh Hùng chưa trồi lên, ông Tuấn thử kéo ống hơi thì thấy ống bị đứt, còn anh Hùng mất tích.
Được biết, ngày 14-11, UBND tỉnh Khánh Hòa ra lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền xuất bến vì biển động do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hai ngư dân trên vẫn lén chạy xuồng máy đi bắt tôm hùm giống và gặp nạn.
Huế: Hàng ngàn người mắc kẹt trong lũ
Chiều tối 15-11, trận mưa lớn kéo dài 3 giờ đã khiến hầu hết các tuyến đường ở TP Huế bị nước ngập sâu trong nước. Do mưa lớn diễn ra đúng vào giờ tan tầm, lượng người đổ ra đường đông nên các tuyến đường giao thông bị kẹt cứng. Hàng ngàn người và phương tiện phải vật vã trong nước lũ, giao thông hỗn loạn.
Ngoài ra, nhiều khu dân cư thấp trũng ngập sâu gần 1m.
Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Thừa Thiên-Huế, đến 19g nước các sông lớn ở Huế đang lên nhanh. Mực nước sông Hương vượt mức báo động 2, sông Bồ xấp xỉ báo động 3. Hiện hai hồ thủy điện lớn ở tỉnh này đang xả lũ.
Đến 9g tối ngày 15-11, Thừa Thiên-Huế vẫn mưa xối xả trên diện rộng, nước từ thượng nguồn ồ vẫn ạt đổ về hạ du. Hầu hết tuyến đường chính ở khu trung tâm TP Huế và khu vực thành nội bị sâu trong nước lũ từ 0,3-0,5m, có đường ngập gần 1m, giao thông bị cắt đứt.
Tuyến quốc lộ 1A, đi qua thị xã Hương Thủy và cửa ngõ phía nam TP Huế, nhiều đoạn bị ngập sâu 0,5m. Nước lũ uy hiếp hàng ngàn hộ dân vùng hạ du. Các tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà đều ngập sâu 0,5-0,7m.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương triển khai “5 tại chỗ” để đối phó với mưa lũ, học sinh các huyện vùng lũ được nghỉ học từ chiều 15-11.
Quảng Nam: Lũ lên nhanh, người dân tất bật chạy lũ
Chiều tối 15-11, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc, Quảng Nam, do các thủy điện đồng loạt xả lũ, nhiều khu vực ở huyện Đại Lộc bị nhấn chìm trong nước lũ.
Theo ông Phan Đức Tính, phó Chủ tịch UBND, trưởng ban PCLB huyện Đại Lộc, đến 19g ngày 15-11, mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa đã trên mức báo động 3. Dự báo trong đêm nay và sáng ngày mai, mực nước còn dâng cao và có khả năng gây lũ lớn toàn huyện. UBND huyện cũng đã lên phương án sơ tán hàng trăm người dân các vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Nước sông Vu Gia dâng cao khiến tuyến ĐT609 có khu vực cầu Gò Quan Âm (Đại Quang - Đại Nghĩa), bến đò ông Bốn (Đại Đồng - Đại Lãnh); tuyến ĐH3 cầu Lừ (Đại Phong), đường nội thị có cầu Ngoại Thương (thị trấn Ái Nghĩa), thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa), xã Đại Phong ngập nước lũ, có nơi ngập sâu từ 0,5-1m. Đoạn qua cầu Ba Khe (xã Đại Lãnh) bị nước lũ chia cắt gần 1km, người và xe cộ không thể qua lại.
Tại nội thị thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, nước đã dâng cao hơn nửa mét khiến nhiều xe cộ bị chết máy nửa chừng. Tại khu vực cầu Ngoại Thương, khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, nước ngập sâu gần 1m, người dân phải dùng thuyền để đi lại, vận chuyển lúa gạo, xe máy đến gửi ở hội trường thôn. Cũng tại huyện Đại Lộc, trong chiều tối hôm nay, hàng nghìn người dân đã vận chuyển đồ đạc, lúa gạo, xe cộ đến nơi cao ráo.
Chị Văn Thị Dung (46 tuổi), khu 1, thị trấn Ái Nghĩa, cho biết từ sáng đến chiều, nước sông không lên cao. Nhưng đến khoảng 17g, nước "lớn nhanh khủng khiếp". Chỉ trong vòng 2 giờ đã ngập nhiều nơi. Mọi người phải gấp rút vận chuyển lúa gạo, đồ đạc lên cao.
Tại huyện Nam Giang, nước lũ đã ngập một số khu vực thấp trũng. Ông TơNgôl Với - Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Giang cho hay, nước lũ đã sắp tràn qua câu Bến Giằng, nguy cơ cô lập khu vực thị trấn Thạnh Mỹ, xã Cà Dy với các xã còn lại rất cao. Chính quyền huyện Nam Giang đã huy động lực lượng công an, bộ đội, thanh niên xung kích chốt chặn tại một số khu vực bị nước lũ tràn qua, bố trí khu vực sơ tán người dân, tuyệt đối không cho người dân vượt lũ về nhà.
Mưa lớn liên tục cũng khiến nước lũ trên sông Leng (xã Trà Leng - Nam Trà My) dâng cao gây ngập khu nhà công vụ Trường tiểu học Trà Leng hơn 1m, nhà ăn ngập hơn 1,5m.
Quảng Ngãi: Lũ lớn, hàng ngàn dân sơ tán khẩn cấp
Đến 18g chiều nay, mực nước trên các sông lớn của Quảng Ngãi là sông  Vệ, Trà Khúc, Trà Câu đều trên mức báo động 3 từ 0,5-1,17m nên các huyện miền núi và vùng hạ lưu các dòng sông này nhiều vùng đã chìm trong biển nước. Nặng nhất là các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và Sơn Tịnh. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai phương án cứu hộ cứu nạn và di dời dân khẩn cấp.
Theo báo cáo nhanh của ban chỉ huy PCLB& TKCN tỉnh đã có một người chết. Đó là em Vương Thị Thu Thảo (10 tuổi, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành), chết do gió lớn ngã xuống nước trên đường đi học. Một người dân ở xã Ba Xa , huyện Ba Tơ bị thương do sạt lở núi.
Mưa lũ kèm gió lớn đã làm Trạm y tế xã Nghĩa An bị tốc mái, 4 nhà dân bị sập và tốc mái. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện bị cô lập. Ở huyện miền núi Sơn Tây, mưa lũ đã làm nhiều tuyến đường bị sạt lở với khoảng trên 3.000m3, giao thông bị ách tắc.
Đến 20g cùng ngày, ở huyện Tư Nghĩa có 3.262 hộ với 14.803 nhân khẩu được di dời. Còn ở huyện Đức Phổ đã có 600 hộ dân được di dời.
Tại huyện Tư Nghĩa, nước sông Vệ đã dâng cao uy hiếp cầu sông Vệ cũ, vùng ven sông nước lũ tràn vào chia cắt đường giao thông lên phía Tây và phía Đông của huyện. Phó chủ tịch UBND huyện Lê Trung Thành cho biết đã di dời trên 200 hộ dân. Còn ở huyện Đức Phổ vùng ven sông Trà Câu bị ngập nặng, huyện tiến hành di dời 287 hộ dân các xã Phổ Văn, Phổ Ninh và Phổ Minh đến nơi an toàn.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi đêm nay và sáng mai trời tiếp tục mưa lớn. Mực nước sông Vệ  sẽ vượt báo động 3  khoảng 1,5 m, sông Trà Khúc sẽ trên báo động 3 là 1,8 m và sông Trà Bồng, Trà Câu sẽ ngang mức báo động 3 nên việc di dời dân hãy còn tiếp tục.
23g tối nay (15-11), tại đường đê bao sông Trà Khúc đoạn gần nhà hàng Hiền My, nước lũ đã bắt đầu “tấn công” thành phố Quảng Ngãi. Hàng trăm người dân hiếu kỳ ra xem lũ và một số hộ dân phường Lê Hồng Phong, Trần Phú ra vớt củi từ thượng nguồn đổ về.
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an thành phố Quảng Ngãi , công an và dân phòng hai phường Lê Hồng Phong và Trần Phú chốt chặn ở đầu đường đề nghị người dân giải tán để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, Theo trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi nước trên sông Trà Khúc lũ đã trên mức báo động 3 1,76m. Đêm nay và đến sáng ngày mai 16-11 lũ trên các sông trong tỉnh lũ trên sông Trà Khúc sẽ trên mức báo động 3 2m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999 0,14m; sông Vệ sẽ trên mức báo động 3 1,6m, vượt lũ lịch sử năm 1999 0,11m, sông Trà Câu  trên mức báo động 31,3m. 
Trong đêm, các địa phương tiếp tục dời dân tránh lũ.
Ninh Thuận: Sơ tán hàng chục hộ bị lũ ngập nhà
Chiều 15-11, ông Nguyễn Long Biên, chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ tối ngày 14-11 trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã liên tục có mưa lớn.
Đến chiều 15-11, nước thượng nguồn trên Lâm Đồng đổ về tạo thành hai nguồn nước lớn ở khu vực Lâm Sơn và Ma Nới, dồn về sông Ông khiến nước sông này dâng cao. Tính đến cuối giờ chiều 15-11, nhiều khu dân cư ở xã Ma Nới bị nước lũ chia cắt.
Nước lớn khiến đập tràn Sông Dầu (xã Hòa Sơn) bị ngập, lực lượng công an phải đưa ôtô đến đưa học sinh và người dân di chuyển qua đập về nhà.
Tại xã Lâm Sơn, chính quyền xã đã sơ tán khẩn cấp người và tài sản của 5 hộ dân tại khu vực chùa Lâm Phú và cầu Xóm Mới (thôn Lâm Phú) do nước làm ngập nhà cửa và có nguy cơ xói lở. Ở Xã Hòa Sơn, hàng chục hộ dân được công an sơ tán đến nơi an toàn do nước lũ tràn về ngập nhà.
Ngoài ra, một số khu vực ở xã Mỹ Sơn, xã Lương Sơn… cũng có nguy cơ ngập do nước lũ.
Ông Biên cho biết trước mắt chưa có  thiệt hại về người, chưa thống kê thiệt hài tài sản. Đến chiều tối 15-11, trời đã ngớt mưa, nước lũ có dấu hiệu chững lại.
 X.NGUYÊN - TR.ĐĂNG - T.B.DŨNG - D.THANH  - TIẾN LONG - LÊ TRUNG - V.Q.CẦU - VÕ MINH - VĂN KỲ