Hơn 30% lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong 11
tháng năm 2013 là xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, một lượng không nhỏ
gạo được thương lái nước này tiến hành thu mua theo đường tiểu ngạch.
Trung Quốc nhập khẩu gần 1/3 số lượng gạo của Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong
Giữa lúc hạt gạo Việt Nam lâm vào tình cảnh bi đát khi sản lượng xuất
khẩu 11 tháng năm 2013 giảm hơn 16% về lượng và gần 19% giá trị so với
cùng kỳ năm 2012, thì Trung Quốc lại xuất hiện “đúng lúc” khi trở thành
thị trường tiêu thụ một lượng lớn nông sản của Việt Nam rất có nguy cơ
bị “ế”. Trong toàn bộ lượng gạo xuất khẩu theo đường chính ngạch của
nước ta, có đến 30% là xuất sang thị trường Trung Quốc, trị giá khoảng
800 triệu USD, tăng hơn 5% về lượng, song lại chỉ gia tăng hơn 2% về giá
trị so với cùng kỳ năm ngoái - một chuyện hết sức dễ hiểu khi Hiệp hội
Lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận các doanh nghiệp Việt Nam nhiều lúc
phải chấp nhận bán giá thấp, bán lỗ để có hợp đồng!
Không chỉ vậy, còn một khối lượng không nhỏ gạo nước ta được xuất sang
thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trong năm qua rất nhiều
lần các thương lái nước này tiến hành thu mua ồ ạt gạo tại nhiều tỉnh
miền Nam. Theo VFA ước tính lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung
Quốc trong năm nay có thể lên đến 1,5 triệu tấn.
Điều này chỉ ra một thực tế hết sức đáng lo ngại cho câu chuyện xuất
khẩu gạo của Việt Nam. Dù buôn bán tiểu ngạch không bị coi là hoạt động
bất hợp pháp nhưng lại là một dạng thị trường độc quyền mua, khi tư cách
lựa chọn, trả giá, có nhận hàng hay không,… gần như hoàn toàn thuộc về
bên mua - cụ thể ở đây là thương lái Trung Quốc. Chỉ cần quanh co viện
cớ “khách quan”, hoặc lỗi là từ bên bán, là bên mua hoàn toàn có thể
phủi sạch sẽ trách nhiệm, trong khi bên bán – Việt Nam – lại không hề
được bảo hộ khi không có hợp đồng ràng buộc. Nhờ đặc quyền đặc lợi này,
bên mua luôn thừa cơ “ép giá”, tự tiện lựa chọn hình thức chỉ nhận ký
hàng, thanh toán tiền sau, nếu đồng ý thì họ mới mua, bằng không thì chỉ
còn cách chở hàng về. Mà sau đó, nếu con nợ “lật kèo” hay biến mất, thì
chủ nợ cũng chỉ biết ôm một đống “nợ xấu” mà không hề xuất hiện một
VAMC nào đứng ra giúp đỡ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phải cảm thán rằng: “Riêng cách mua
nông sản không những làm cho Việt Nam thiệt thòi mà nhiều khi còn gây
khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một
cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi
không làm thế nào được. Thế rồi những thủ tục khó khăn tạo ra ở biên
giới, như là thanh long hiện nay đang đọng lại ở biên giới chẳng hạn, là
những cách gây khó cho nông sản Việt Nam” (báo Đất Việt). Doanh nghiệp,
tiểu thương một khi bị ép giá, thì chính bản thân những người này, cũng
quay ngược trở lại “ép” chính nông dân Việt Nam. Thế nên, báo cáo của
Ngân hàng Thế giới và Oxfam đã chỉ ra rằng thu nhập của người trồng lúa
tại Việt Nam rất thấp. Chẳng hạn ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn
nhất cả nước, thu nhập trung bình của người nông dân chỉ vào khoảng
535.000 đồng/tháng, chưa chạm đến mức lương tối thiểu, buộc họ phải làm
thêm nhiều nghề tay trái mới mong có nguồn thu để đảm bảo cuộc sống hàng
ngày.
Điều đáng nói là, dù đã nhiều lần nếm trái đắng, song việc các doanh
nghiệp, tiểu thương Việt Nam vẫn chấp nhận chọn con đường đầy mạo hiểm
này lại có nguyên nhân xuất phát từ chính nội bộ Việt Nam. Một doanh
nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh nói với tờ Thanh Niên: Nhiều
tiểu thương, doanh nghiệp ngại rắc rối thủ tục “chính ngạch” nên chọn
cách bán tiểu ngạch khi chỉ cần một tờ khai, chịu phí biên mậu là có thể
xuất được hàng.
Vĩ Thanh