(Dân trí) - Theo thống kê ban đầu của các tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên, đợt mưa lũ này đã khiến ít nhất 26 người chết và mất tích. Hàng trăm ngàn ngôi nhà vẫn đang bị ngập, rất nhiều tài sản bị cuốn trôi...
Cho đến tối ngày 16/11, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện 4 người chết do nước lũ, lở núi cuốn trôi mất xác và 1 người khác bị thương.
Khoảng 19h00 ngày 15/11, tại khu vực đồi núi thôn Gò Lã (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây), một khối lượng lớn đất đá phía ta-luy dương từ trên núi cao ập xuống và chôn vùi 2 vợ chồng ông Đinh Văn Lang và bà Đinh Thị Hiếp. Khối lượng đất đá đổ xuống ước lượng khoảng 10.000m3.
Lực lượng cứu hộ tìm thấy chiếc xe máy của hai vợ chồng ông Lang. Ảnh: H.Long
Ngoài ra, trên địa bàn Quảng Ngãi có 2 trường hợp khác bị tử vong là em Vương Thị Thu Thảo (học sinh lớp 5, trú huyện Nghĩa Hành) bị gió hất rơi xuống sông và ông Lâm Quang Vinh (ngụ xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) bị nước lũ cuốn trôi. Bên cạnh đó, có 1 người bị thương do sạt lở núi tại thôn Gò Re (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ).
Đến chiều 16/11, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có thống kê đầy đủ thiệt hại về người và tài sản.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, trong đợt mưa lũ này đã làm 12 người chết, 2 người mất tích.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bình Định bị chia cắt. Ảnh: D.Công
Mưa lũ còn làm ngập khoảng 95.000 nhà dân ở các địa phương trong tỉnh. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, nước lũ về quá lớn đã làm làm mố cầu phía Nam cầu Bình Định (thị xã An Nhơn) bị sụp, gãy đổ một nhịp cầu làm 2 người qua đây bị cuốn trôi, 1 người may mắn được cứu sống, người còn lại bị nước lũ nhấn chìm, mất tích.
Nước ngập nhà dân trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: D.Công
Hệ thống giao thông trên tuyến QL1A bị tê liệt nhiều giờ. Lực lượng chức năng phải chốt chặn hướng dẫn xe lưu thông vào đường qua thị xã Bình Định, đồng thời huy động lực lượng gia cố cầu.
Tại tỉnh Gia Lai khoảng 5h30’ sáng ngày 15/11, trong lúc đi đến trường để dạy học đoạn qua ngầm tràn suối Tà Nang (thôn 10, xã Đông, Kbang, Gia Lai), không may 2 cô giáo mầm non đã bị nước cuốn trôi.
Tại tỉnh Phú Yên trong đợt mưa lũ này cũng có 1 người mất tích là ông Đỗ Văn Lanh (33 tuổi, trú ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu). Ông Lanh mất tích khi đang dùng thúng chai hành nghề mành tôm thì bị lật úp, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Chiều ngày 16/11, theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có 5 người chết trong đợt lũ này.
Lũ ngập khu dân cư tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: C.Bính
Theo đó, chiều ngày 16/11, lực lượng chức năng TP Tam Kỳ cùng người nhà đã vớt được thi thể ông Dương Ngữ (58 tuổi, trú khối phố Ngọc Nam, phường An Phú), bị chết do nước lũ cuốn trôi trong khi đang đi thả lưới đánh cá tại sông Đầm vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Tại Hội An cũng đã có một người chết. Nạn nhân là ông Nguyễn Sinh (53 tuổi, trú khối phố Đồng Hiệp, phường Minh An, TP Hội An).
Khu dân cư trên địa bàn huyện Tây Giang (Quảng Nam) bị sạt lở do mưa lũ. Ảnh: C.Bính
Tại huyện Đại Lộc đã có một người chết do lũ. Nạn nhân là em Lê Ngọc Triều (SN 1996, ngụ xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, hiện là học sinh lớp 12, trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, huyện Đại Lộc).
Huyện Nông Sơn cũng có một người tử vong do lũ. Nạn nhân là bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn). Theo thông tin, khoảng 16 giờ chiều ngày 15/11, bà Chí đi chăn trâu về gặp mưa lớn, không may bị sụp xuống cống bị đuối nước. Mặc dù người dân phát hiện kịp và tiến hành cấp cứu nhưng bà Chí không qua khỏi.
Tuyến đường lên huyện Tây Giang (Quảng Nam) bị sạt lở vừa được thông tạm chiều 16/11. Ảnh: C.Bính
Trên địa bàn huyện Nam Trà My, chiều ngày 15/11, anh Nguyễn Thành Dũng (29 tuổi trú tại làng Tu Nứt, thôn 5 xã Trà Cang) trên đường đi làm rẫy về lội qua sông Trang và bị nước lũ cuốn trôi.
Nhiều nơi vẫn bị chia cắt
Vào cuối giờ chiều 16/11, nhiều vùng tại Huế vẫn bị ngập rất sâu. Nhiều con đường lưu thông đã bị chia cắt.
Lũ rút chậm do các sông tại Huế nước quá đầy, thoát không kịp cộng mưa xuất hiện trở lại từ trưa nay, kèm thủy điện xả lũ với lưu lượng trung bình đã khiến cho nhiều vùng tại tỉnh TT-Huế vẫn còn chìm trong biển nước. Như ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), xã Thủy Phù (Thị xã Hương Thủy), xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) vẫn còn hàng ngàn nhà bị ngập.
Đoạn tỉnh lộ về huyện Quảng Điền vẫn còn nước cao
Theo số liệu mới nhất từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, có hơn 11.000 nhà bị ngập, nhiều nhất là TP Huế với gần 4.000 nhà, tiếp đến là huyện Quảng Điền gần 3.500 nhà, Thị xã Hương Thủy gần 2.000 nhà. Tại QL 1A đoạn từ xã Lộc Bổn đến xã Lộc Tiến thuộc huyện Phú Lộc (Km867 đến Km 884) với chiều dài khoảng 7km bị ngập sâu từ 0,3-0,7m; Đoạn cầu vượt Thủy Dương (km 829) ngập vẫn còn khá sâu; QL 49B, đoạn qua cầu Nhi Eo (xã Phong Hòa) bị ngập trên 0,3m, dài khoảng 200m; đoạn từ cầu Làng Rào (xã Phong Bình) qua xã Điền Hương bị ngập khoảng 0,4m, dài 100 m…
Hiện nay nhiều tuyến đường tỉnh lộ vẫn đang còn ngập lụt cục bộ không thể đi lại được. Tại huyện Phong Điền có nhiều nơi ngập như tuyến đường Tỉnh lộ 11B: Đoạn qua tràn Kim Can (thôn Phò Ninh, xã Phong An) bị ngập sâu khoảng 2m; đoạn qua chợ Phò Ninh (Phong An) bị ngập trên 1m, chiều dài khoảng 30m; đoạn qua cầu Ồ Ồ (Phong Xuân, Phong Điền) bị ngập trên 0,8m, chiều dài khoảng 300m; đoạn xã Phong Mỹ đi Tân Mỹ qua cầu Khe Hiên ngập hơn 1m; Tỉnh lộ 6 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Chương đoạn Khúc lý xã Phong Thu bị ngập sâu trên 1m; Tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn, ở thôn Vĩnh Nguyên chỗ sâu nhất 1m.
Nhà lều của ông Lê Quý Vinh (tổ 13 phường Thủy Dương, Thị xã Hương Thủy) bị đổ sập do nhiều đợt gió lớn kèm mưa lớn hôm qua (ảnh: Xuân Liêm)
Ở tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Hương Vinh – TX Hương Trà (Km6+400) và tràn Thủ Lễ (Km13+100) ngập 0,3-0,9m. Tỉnh lộ 8A, 8B qua địa phận huyện Quảng Điền; Phong Điền, Hương Trà ngập từ 0,5 đến 0,7 m. Tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 10 A ngập trung bình từ 0,3-0,7m. Các đường liên xã dọc theo triền sông Bồ như: Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng Phú (huyện Quảng Điền) ngập từ 0,3 đến 0,7 m; Hương Toàn, Hương Văn, Hương Vinh, Hương Xuân (TX Hương Trà) ngập từ 0,5 đến 0,7m.
Việc sạt lở bờ sông Bù Lu đoạn qua thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc với chiều dài 150m sâu vào 15m, đe doạ nghiêm trọng đến 17 hộ dân. Hiện các hộ dân ở đây đã được Đồn biên phòng Chân Mây di dời đến nơi an toàn. Mưa lớn đã làm tắc đường trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc với chiều dài hơn 7 km (ngập 08m), hơn 2.000 phương tiện ô tô bị kẹt lại từ 17h ngày 15/11 đến 1h ngày 16/11. Cung đường sắt Huế-Văn Xá nước lũ đã tràn qua khiến giao thông đường sắt ngưng trệ.
Nước tràn qua cung đường sắt Huế - Văn Xá
Lượng mưa đo được hơn 2 ngày qua tại Huế rất lớn - đây là một trong những nguyên nhân gây lũ nhanh và đột ngột. Từ 1h sáng ngày 14/11 đến 7h sáng 16/11, ở trạm Bạch Mã là 636mm, trạm Phú Ốc trên sông Bồ là 524mm, trạm Kim Long trên sông Hương là 424mm, trạm Bình Thành và Khe Tre cũng trên 360mm, trạm Thượng Nhật sông Tả Trạch và trạm Phong Mỹ trên sông Ô Lâu cao hơn 310mm. Dự đoán với trời đã tạnh mưa dần vào chiều tối nay, ngày mai (17/11), lũ ở một số nơi tại vùng quê sẽ rút xuống.
Dưới đây là những hình ảnh về lũ tại Huế do PV ghi lại trong chiều 16/11:
Khó khăn vượt qua dòng nước lũ về huyện Quảng Điền
Lấy bao cát chắn nước lũ tràn vào nhà
Tránh lũ ở Thị xã Hương Trà
Việc trẻ em thấy nước rút xuống đã kéo nhau đi lội là khá nguy hiểm vì nước xoáy vẫn còn rình rập
Nước trên các triền sông vẫn còn cao, bà con cẩn thận di chuyển trong lũ, chỉ thực sự có chuyện cần thiết mới đi
D.Công-H.Long-T.Thư-C.Bính - Đ.Dương