Trên giấy tờ, công ty TNHH Sa Sa do một cô gái 20 tuổi thành lập. Khó tin rằng người trẻ như vậy lại có thể lãnh đạo một công ty hoạt động tới… 39 lĩnh vực như Sa Sa.
Hiện nay, cơ sở sản xuất bim bim của công ty TNHH Sa Sa đang bị tạm đình chỉ sản xuất vì chưa đầy đủ hồ sơ, giấy phép. Trong khi phía công ty TNHH Sa Sa đang “chạy đôn, chạy đáo” nhằm hoàn thiện thủ tục, mong được cấp phép hoạt động trở lại thì người dân ở xã An Thượng sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, một ngày không xa, họ tiếp tục lại sống với mùi hôi như bãi rác toả ra từ nhà máy này.
Nỗi khốn khổ của học sinh và các Phật tử
Nhắc đến công ty TNHH Sa Sa, nhất là xưởng sản xuất bim bim người dân An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội đều có chung tâm lý là tẩy chay, không cho phép hoạt động trở lại trên địa bàn. Họ lo lắng mùi hôi nồng nặc bốc ra từ cơ sở này ảnh hưởng đến sức khoẻ và làm đảo lộn hoàn toàn mọi sinh hoạt dân sinh.
Điều đặt biệt, mới xuất hiện trên làng quê yên bình này hơn 2 tháng nay nhưng người dân đã thuộc lòng tiểu sử “tai tiếng” về xưởng sản xuất bim bim của công ty TNHH Sa Sa trước đây. Theo lời kể của người dân, xưởng này của công ty TNHH Sa Sa đầu tiên đóng cạnh thiên đường Bảo Sơn trên địa bàn xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội và bị người dân nơi đây đuổi đi vì gây ô nhiễm môi trường với mùi hôi thối. Sau đó, công ty này chuyển sang đặt xưởng sản xuất bim bim tại thị trấn Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội và cũng bị người dân phản ứng, đành phải di dời ra khỏi địa bàn Sơn Đồng. Giờ lại chuyển về An Thượng và muốn lấy nơi đây làm “đại bản doanh” để sản xuất.
Nhiều người dân ở An Thượng mà chúng tôi phỏng vấn đều cảm thấy khó hiểu, trước đây cơ quan chức năng từng tiến hành kiểm tra tác động môi trường của xưởng này và kết luận mùi hôi của công ty không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Trong khi đó, người dân ở An Khánh, Sơn Đồng hay ở An Thượng giờ ngửi phải mùi hôi thối này cả ngày lại cảm giác nôn nao, đau đầu. Nhiều người cho rằng muốn biết rõ ràng nhất ảnh hưởng mùi hôi từ xưởng sản xuất bim bim đối với dân sinh như thế nào thì tìm đến chùa Do và trường tiểu học An Thượng A, trường tiểu học An Thượng B sẽ rõ.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến chùa Do ở thôn Thanh Quan, An Thượng. Được biết, ngôi chùa này đã được bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Ngôi chùa cổ kính này nằm sát cạnh xưởng sản xuất bim bim và được xem là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nhất của hoạt động ô nhiễm môi trường từ cơ sở sản xuất chưa đủ thủ tục này. Hôm chúng tôi đến, sư trụ trì của chùa đi vắng, bà Nguyễn Thị Liễu, một người giúp việc thường xuyên cho nhà chùa, thẳng thắn chia sẻ, 2 tháng nay, khi xưởng sản xuất này chuyển về và tiến hành sản xuất, không gian thanh tịnh và hoạt động tín ngưỡng của nhà chùa gần như bị đảo lộn hoàn toàn.
Tiếng máy móc ầm ầm, mùi hôi nồng nặc khiến người dân đến lễ chùa rất khó chịu. Nhiều người vì không chịu được mùi hôi, khi vào lễ chùa còn đề nghị đóng cửa lại để bớt mùi. Nhiều người vừa vái lễ xong đã vội dùng tay bịt mũi. Không thể trách người dân có hành động kỳ quặc như vậy ở chùa, vì mùi hôi thối bốc ra quá nhiều tại cơ sở sản xuất bim bim kia. “Nếu không di dời xưởng sản xuất bim bim đi chỗ khác, không gian tín ngưỡng mấy trăm năm qua của chùa sẽ bị đảo lộn hoàn toàn”, bà Liễu bức xúc chia sẻ.
Cũng như bà Liễu, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường tiểu học An Thượng B tỏ ra bất bình vì mùi hôi khó chịu của nhà máy này. Cô Phượng cho rằng, nhiều cô giáo rất đau đầu khi ngửi phải mùi bim bim của công ty TNHH Sa Sa. Dẫu cách nhà máy 1km, nhưng những ngày gió to, nhà trường đành đóng hết cửa để mùi hôi khỏi xộc thẳng vào lớp học. Cô Phượng cho biết, nhà trường đã phản ánh lên xã An Thượng và cán bộ thôn về ảnh hưởng của mùi hôi từ xưởng sản xuất bim bim của công ty TNHH Sa Sa đối với công tác dạy và học. Hy vọng, tình trạng mùi hôi khó chịu này chấm dứt để hoạt động dạy học trở lại bình thường.
Người thực sự “vận hành” công ty Sa Sa là ai?
Để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh của công ty TNHH Sa Sa, chúng tôi đã tìm đến UBND xã An Thượng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND xã An Thượng chia sẻ: “Công ty TNHH Sa Sa đã về sản xuất ở địa phương chúng tôi được hơn 1 tháng. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Hoàng Thị Hằng (SN 1992), đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu Khuôn Thần, xã Kiên Lao, Lục Ngạn, Bắc Giang; chỗ ở hiện tại là thôn An Hạ, xã An Thượng, Hoài Đức. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là sản xuất các sản phẩm làm từ bột. Ngoài ra, trong giấy phép kinh doanh, công ty Sa Sa còn đăng ký thêm 39 ngành nghề khác.
Theo quan sát của PV, 39 ngành nghề khác mà công ty này đăng ký như một mớ hỗn độn, có nhiều mục chẳng hề có sự liên quan đến nhau như: Điều hành du lịch; Vận tải hàng hóa đường bộ; Khai thác quặng sắt; Bán lẻ lương thực, thực phẩm, thuốc lá, thuốc lào; Sản xuất bê tông và các sản phẩm xi măng và thạch cao; Dịch vụ lưu trú ngắn ngày… Được biết, từ tháng 9/2013, công ty này chuyển hoạt động sang mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên. Có ba người góp vốn là bà Giám đốc Hoàng Thị Hằng (1.008.000.000 đồng), bà Phó giám đốc Đặng Thị Thu Hương (336 triệu đồng) và bà Nguyễn Thùy Linh (336 triệu đồng). Điều khiến chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên đó là việc bà Giám đốc của công ty Sa Sa, sinh năm 1992. Tức là khi thành lập công ty sản xuất các loại bim bim bị tố làm bằng nilon, bà chỉ mới 20 tuổi (công ty TNHH Sa Sa đăng lý kinh doanh lần đầu là 4/4/2012 – PV).
Một cô gái mới 20 tuổi mà đã đứng ra lập công ty có những sản phẩm “làm mưa, làm gió” trên thị trường, khiến chúng tôi và nhiều người dân An Thượng cảm thấy ngạc nhiên. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng có một thế lực nào đó đứng sau và mượn danh cô gái trẻ này để sản xuất loại bim bim? Hơn nữa, trong cả những lần thâm nhập và làm việc tại công ty TNHH Sa Sa, chúng tôi chưa một lần thấy bóng dáng của bà Giám đốc xuất hiện. Tất cả các công việc đều do phó giám đốc Đặng Thị Thu Hương và Nguyễn Thùy Linh giải quyết.
Chính quyền sở tại có thờ ơ?
Nói về công tác quản lý tạm trú tạm vắng đối với các lao động Trung Quốc tại công ty Sa Sa, ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: “Ngày 22/10/2013, công an huyện Hoài Đức đã phối hợp với công an xã An Thượng kiểm tra, nắm tình hình hoạt động của người nước ngoài tại công ty này. Theo biên bản làm việc, công ty Sa Sa khai báo có 9 người Trung Quốc đang lao động tại đây. Tuy nhiên, trong thời gian kiểm tra, chỉ có 7 người trình diện và có hộ chiếu, còn 2 công nhân khác không có mặt tại công ty”. Những người nước ngoài này ban ngày làm việc tại công ty nhưng ban đêm rời khỏi địa bàn mà người dân An Thượng không hề biết họ đã đi đâu.
PV hỏi ông Đại “sao không tiếp tục xác minh 2 lao động Trung Quốc vắng mặt”, vị Chủ tịch UBND xã An Thượng cười bảo: “Chúng tôi bận cả tỷ công việc, thời gian đâu mà lúc nào cũng có thể kiểm tra họ được (!?)”. Chính quyền bận thật hay bận giả, chỉ có Chủ tịch xã mới biết. Thế nhưng, để một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trường tiểu học, nơi thế hệ trẻ của quê hương học hành, thế mà Chủ tịch bảo cả tỷ công việc khác quan trọng hơn, chúng tôi lấy làm đau xót và thực sự chia sẻ với nỗi buồn của người dân An Thượng.
Cũng theo biên bản làm việc trên, cơ quan công an đã yêu cầu công ty ngừng sản xuất cho tới khi có đầy đủ các loại giấy tờ được phép hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra mặc dù lệnh cấm này đưa ra ngày 22/10 nhưng đến ngày 26/10, khi PV thâm nhập vào xưởng vẫn thấy công ty TNHH Sa Sa sản xuất và cho xuất xưởng số lượng bim bim khổng lồ. Nhưng sau đó báo ĐS&PL đăng tải, cơ quan chức năng vào cuộc thì kịch bản “vườn không nhà trống” đã xảy ra.
Ai sẽ “tiếp tay” cho Sa Sa tiếp tục hoạt động?Công ty TNHH Sa Sa thực chất không lạ lẫm gì với UBND huyện Hoài Đức. Trong 2 năm nay, công ty này đóng trên địa bàn của huyện Hoài Đức và ở đâu cũng gây bức xúc cho người dân. Hiện nay, công ty TNHH Sa Sa đang bị đình chỉ sản xuất để hoàn thiện hồ sơ. Người dân đặt câu hỏi, phải chăng, chính quyền có mờ ám gì với lãnh đạo công ty này mà để nó hoạt động ngang nhiên khi thiếu giấy tờ, ở đâu cũng bị người dân đuổi? Và việc hoàn thiện hồ sơ cho nó hoạt động đồng nghĩa với sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương cho Sa Sa tiếp tục “đầu độc” học sinh bằng những sản phẩm rẻ tiền của mình .
(Người Đưa Tin)