THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 November 2013

Phú Yên: Thủy điện xả lũ lớn uy hiếp hạ du


Phú Yên: Thủy điện xả lũ lớn uy hiếp hạ du
Chiều 16/11, mực nước sông Bàn Thạch và Kỳ Lộ giảm dần. Nhưng, dự báo đến sáng 17/11, nước sông Ba Hạ tiếp tục dâng, đạt báo động dưới cấp 3 từ 0,4 đến 0,5m, thủy điện xả lũ lớn uy hiếp vùng hạ du
Trong khi đó, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, dự báo trong 24 giờ tới, lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện đạt khoảng 7.000 m3/giây.
Lũ ngập nhà dân
Lũ ngập nhà dân.
Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, nếu lũ đạt đỉnh, nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ nâng lưu lượng xả lũ lên 5.400 m3/giây, dẫn đến nước trên sông này sẽ tiếp tục dâng cao, vùng hạ du cần đề phòng lũ quét.
Theo ông Tuần, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập công trình thủy điện Sông Ba Hạ được công ty thực hiện đúng quy trình. Trước khi xả và khi thay đổi lưu lượng xả, công ty sẽ kích hoạt các bộ cảnh báo lũ từ xa đã lắp đặt tại các xã, thị trấn vùng hạ du thuộc hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, thông báo qua loa phóng thanh cho người dân biết để chủ động phòng tránh.
Không một bóng người
Không một bóng người.
Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thường xuyên thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
Những vùng nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất phải chủ động di dời, sơ tán dân và tài sản đến nơi an toàn; neo đậu tàu thuyền chắc chắn; đưa hàng hóa, thiết bị, vật tư, lương thực, lúa giống… lên cao.
Những đơn vị thi công các công trình trên sông, suối, vùng trũng thấp cần chủ động di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn. Nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước chảy xiết, vớt củi trên các sông, suối; không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt, bến đò, ngầm, tràn, đường ngầm…; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước hồ để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho hạ du.
UBND xã bị ngập nặng
UBND xã bị ngập nặng.
Cô lập
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết, sáng 16/11, 531 hộ dân trong vùng sạt lở, trũng thấp ven sông Kỳ Lộ được di dời từ chiều 15/11, đang trở về nơi ở cũ. Thế nhưng, đến chiều 16/11, nhiều cầu tràn trên các con đường bê tông đấu nối ĐT641 với các thôn của xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) nước vẫn ngập gần 1m, cô lập một số khu dân cư.
Tại huyện Tuy An, nhiều đường vào thôn Định Trung 2 và 3 vẫn bị nước lũ chia cắt. Đường từ cầu Long Phú đi đập Bà Câu, xã An Cư và từ cầu Cây Cam đi các xã An Nghiệp, An Xuân vẫn chưa được thông suốt.
Tại các khu vực ngập sâu, nước lũ chảy xiết, các địa phương đều đặt biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão -Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, thiệt hại tài sản và hạ tầng chủ yếu xảy ra ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu. Đến chiều 16/11, 1 người mất tích là ông Đỗ Văn Lanh (33 tuổi, trú ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu), trong lúc dùng thúng chai hành nghề mành tôm thì bị lật úp, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Mưa lũ cũng làm 13 nhà cấp 4 bị sập và 42 nhà bị ngập nước. Các tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng với tổng chiều dài gần 156km; 120ha lúa vụ mùa, hơn 50ha rau màu và một số hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương bị vỡ bờ của huyện Tuy An bị thiệt hại.
VănTài