(Dân trí) - “Người dân Philippines không có cách nào để “né” bão mà phải chấp nhận sống chung với bão như người dân miền Nam nước ta sống chung với lũ” - GS.TS Trần Tân Tiến trao đổi với PV Dân trí.
GS.TS Trần Tân Tiến - người được mệnh danh "bắt mạch ông trời"
GS.TS Trần Tân Tiến, Chủ nhiệm khoa Khí tượng Thủy văn & Hải dương học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cho hay, do có một rìa cao áp cắt ngang qua Phillipines nên hầu hết các cơn bão sau khi hình thành ở phía đông Philippines đều quét qua quốc gia này.
Thưa GS.TS, tại sao mỗi năm ở Philippines lại chịu nhiều cơn bão như vậy?
Bão thường được hình thành trên vùng nước biển nóng khoảng 28 độ nên ở Tây Thái Bình Dương bão được hình thành ở phía đông Philippines là chính. Một số cơn bão có thể hình thành trên Biển Đông nhưng không nhiều, mỗi năm khoảng 1 hoặc 2 cơn bão, nhiều năm không có cơn bão nào.
Sau khi hình thành, bão di chuyển theo rìa của cao áp cận nhiệt đới. Cao áp này như “một quả núi lớn” mà bão di chuyển theo đường vòng quanh chân núi và không thể vượt ngang qua “quả núi” này được. “Quả núi cao áp” này không đứng yên mà nó lớn dần, phát triển về phía Tây. Do đường chân núi này cắt ngang qua Phillipines nên hầu hết các cơn bão sau khi hình thành ở phía đông Philippines đều quét qua quốc gia này.
Do đó người dân Philippines không có cách nào để “né” bão mà phải chấp nhận sống chung với bão như người dân miền Nam nước ta sống chung với lũ. Do đó việc xây dựng nhà cửa của người dân Philippines phải tính toán hết sức kĩ lưỡng, có các biện pháp chằng chống để đề phòng bão.
Điều kiện nào khiến bão tan, thưa giáo sư?
Bão chỉ tan khi vào lục địa lớn hoặc vào vùng biển lạnh hay đi lên vĩ độ cao nên ở khu vực Philippines bão không thể tan được mà chỉ mạnh lên. Do vậy Philippines phải hứng chịu nhiều bão mỗi năm và bão lại mạnh.
Đây là bản đồ kết quả dự báo cơn bão Haiyan trước 5 ngày. Đường đen là quỹ đạo thực. Đường đỏ là kết quả dự báo trong 5 ngày, từ ngày 5-11/11. Mỗi chấm đen cách nhau 6h. Nếu sử dụng sẽ giúp chúng ta phòng tránh hiệu quả. (Sơ đồ bão Haiyan do GS.TS Trần Tân Tiến cung cấp)
Thưa giáo sư, vậy khi nào bão đổ bộ vào Việt Nam nước ta?
Đường chân núi (rìa cao áp) đầu mùa bão nằm ở phía đông kinh tuyến 120 độ (đầu biển Đông), nên sau khi đi qua Philippines bão đi lên phía Nhật Bản. Giữa mùa rìa cao áp dịch về phía Tây, bão sẽ vào Trung Quốc, miền Bắc nước ta sau đó đến các tỉnh miền Trung và cuối mùa vào các tỉnh miền Nam.
Giáo sư có thể cho biết, công tác dự báo bão ở nước ta hiện nay ra sao?
Hiện nay Việt Nam dự báo bão trước 3 ngày. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội mới nghiên cứu được công nghệ dự báo bão trước 5 ngày bằng phương pháp số. Công nghệ này được giới thiệu tại hội chợ khoa học công nghệ 2013 Đak Nông.
Xin cảm ơn GS!
Hồng Ngân