THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 December 2013

TPP ! Đã thấy âu lo !!!



ResizedImage504199-18288-20130917171322-tpp1_1379471454
Từ ngày 19 đến 24-11, các trưởng đoàn và các chuyên gia chủ chốt trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhóm họp tại Salt Lake City, tiểu bang Utah của Mỹ để giải quyết những vấn đề còn bất đồng. Một trong số đó là sở hữu trí tuệ, trong đó vấn đề kéo dài thời hạn bằng sáng chế của phía Mỹ đang được cho là một rào cản lớn.
Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập trường đào tạo trực tuyến trên mạng Giap’s School, cho đến nay, trên toàn thế giới có gần 10 triệu sáng chế được cấp bằng chứng nhận. Mỗi năm có chừng 500.000 đơn xin cấp bằng sáng chế trên thế giới, và hơn một nửa trong số đó, khoảng 270.000 đơn được duyệt cấp bằng, và một nửa trong số đó thuộc về Mỹ. Năm 2012, chỉ riêng hãng IBM đã có 6.457 sáng chế. Trong khi đó, trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng một sáng chế được cấp bằng.
Chi phí để đăng ký cấp bằng cho một sáng chế ở Mỹ dao động từ 10.000-30.000 đô la Mỹ. Ở châu Âu, con số này là 30.000 đô la Mỹ. Nhưng một doanh nghiệp, để giữ độc quyền cho sáng chế của mình, phải chi số tiền nhiều hơn gấp bội chi phí đăng ký đó. Chẳng hạn, theo các chuyên gia, Nestlé đăng ký tới 80 bằng sáng chế để bảo hộ cho sản phẩm máy pha cà phê. Cũng hãng cà phê này đăng ký tới gần 400 bằng sáng chế chỉ để giữ độc quyền cho sản phẩm cà phê dạng viên (capsul). Thực chất, hãng này chỉ có một sáng chế chính, nhưng phải đăng ký hằng hà sa số các sáng chế vây quanh, từ màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng, quy trình… để không ai có thể bắt chước được.
Như vậy, người Mỹ hiện tại chiếm số lượng sáng chế lớn nhất trên thế giới, và vì thế, trong các cuộc đàm phán về thương mại với các quốc gia khác, patent nói riêng, và sở hữu trí tuệ nói chung, luôn được coi là một trụ cột quan trọng. Chính vì thế, ở một quốc gia nghèo nhất và một quốc gia giàu nhất trong 12 thành viên TPP đang đàm phán, đang có một sự chênh lệch quá lớn về số lượng bằng sáng chế, nên để tìm được một thỏa thuận cân bằng là điều hết sức khó khăn.
Trong cuộc chơi TPP, theo các chuyên gia, Việt Nam không thể kéo các quốc gia trên bàn đàm phán về tiêu chuẩn thấp của mình, vì thế, chỉ còn một con đường duy nhất là tiến lên để bắt kịp với thế giới. Và vì thế, thay cho sự kỳ vọng, sự lo âu đã thấp thoáng trong giới chuyên gia và doanh nghiệp trong nước.
Trong buổi tập huấn về kiến thức TPP cho các doanh nghiệp do Sở Công Thương, Trung tâm WTO và TBKTSG tổ chức đầu tuần này, các chuyên gia đã cảnh báo rằng, tới đây, việc doanh nghiệp xách giỏ cùng luật sư đi kiện, và hầu kiện, sẽ là một viễn cảnh không xa.
Chẳng hạn, các công ty dược phẩm đã đầu tư một khoản tiền rất lớn cho sáng chế, hẳn nhiên sẽ phải tìm cách để thu hồi số tiền bỏ ra. Thời hạn bảo hộ sáng chế hiện tại là 20 năm, đang được đề xuất kéo dài thêm, và có thể dễ dàng đăng ký chỉ với một tính mới bổ sung trong sáng chế cũ. Những động thái này được cho là nhằm thu về các khoản tiền lớn đã đầu tư cho nghiên cứu trước đây.
Phó tổng giám đốc một công ty dược, vốn là một cựu quan chức Bộ Y tế, cho biết tốc độ đưa ra các loại thuốc mới của các hãng dược quốc tế đang ngày một nhanh hơn. Vì vậy, họ cũng muốn đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn và kiếm lời bằng tiếp thị thay vì chờ hàng chục năm để sản xuất và thu lợi nhuận.
Đấy cũng là lý do mà các trình dược viên luôn túc trực tại các bệnh viện, và nhiều bác sĩ “thích” kê toa các loại thuốc mới, đắt tiền, bất chấp thuốc cũ có công dụng tương đương mà giá rẻ hơn nhiều. Trong một quy mô thị trường dược phẩm khoảng 3 tỉ đô la Mỹ như Việt Nam, trong đó 70% là nhập khẩu, tất cả những gánh nặng đó đều được đổ lên người bệnh, người tiêu dùng. Cần nhớ, các hãng dược là những thế lực hùng mạnh sau lưng các nhà đàm phán.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, thế mạnh của Việt Nam là chỉ dẫn địa lý, thì lại bị xem nhẹ, chỉ được coi là một nhãn hiệu thương mại bình thường. Theo ông Đinh Hoàng Thắng, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, hiện Việt Nam có 933 sản phẩm, dịch vụ gắn với 721 địa danh, trong đó có 800 sản phẩm nổi tiếng, nhưng chỉ mới có 136 sản phẩm được đăng ký. Một khi đề xuất của phía Mỹ được chấp thuận, các thương hiệu nông sản của Việt Nam sẽ có nguy cơ bị xâm hại.
Trong đàm phán, dĩ nhiên, ai cũng muốn lợi cho mình. Và rõ ràng, trong cuộc chơi này, nhìn từ góc độ bằng sáng chế, hay rộng hơn là sở hữu trí tuệ, Việt Nam đang quá nhỏ bé. Sau khi vỡ mộng về tăng trưởng sau gia nhập WTO, kỳ vọng về TPP đang rất lớn. Nhưng không khéo, gánh nặng sẽ tiếp tục đè lên đôi vai của các doanh nghiệp, người dân, nếu những cải cách về thể chế và tư duy về kinh doanh trong nước không theo kịp.
Theo SaiGonTimes