Đóng tàu cũng như xây nhà
Ngày 1/12, ông Nguyễn Quốc Hòa cho
biết hiện vẫn chưa hoàn thiện được chiếc tàu ngầm mini Trường Sa, do đó,
việc tiến hành thử nghiệm con tàu trong bể nước chậm hơn so với dự kiến
ban đầu.
Nguyên nhân chưa hoàn thiện ở chỗ, dù
hệ thống không khí tuần hoàn AIP đã được ông chế tạo thành công nhưng
còn rất nhiều linh phụ kiện, thiết bị khác mà ông chưa hoàn thành.
Ông Hòa chia sẻ: “Đóng tàu cũng như
xây nhà, việc xây xong phần khung nhà cũng giống như hoàn thành phần vỏ
bọc con tàu. Nhưng quan trọng là phần bên trong. Một ngôi nhà sau khi
xây xong, cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian trong việc chọn được
những đồ nội thất tốt nhất cho mình.
Với Trường Sa, mọi thứ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, thậm chí cả
thế giới cũng không có tàu ngầm mini hoạt động theo nguyên lý này.
Nếu tôi thử nghiệm hệ thống AIP hàng chục lần trên cạn, thì mỗi mối
hàn, con ốc vít, miếng kính chịu lực, chất thép cũng phải có những lần
kiểm nghiệm tương đương. Thời gian hoàn thiện lâu hơn so với dự kiến,
một phần là vì tôi muốn khi hạ thủy, con tàu sẽ vận hành thật tốt, không
xảy ra sai sót gì”.
Doanh nhân Quốc Hòa trực tiếp thử nghiệm động cơ của tàu ngầm trên cạn trước khi lắp vào bên trong tàu. (Ảnh VTC) |
Ngoài ra, doanh nhân này còn phải tự
làm, tự chế rất nhiều phụ tùng, nhiều những chi tiết máy đặc thù mà tại
Việt Nam không thể mua ở đâu được.
Ông Hòa cho biết thêm: “Trong khoảng
thời gian từ khi hoàn thiện hệ thống AIP, tàu ngầm Trường Sa cũng đã
trải qua rất nhiều lần thử nghiệm. Mọi thứ đều diễn ra thuận lợi, tất cả
những khuyết điểm của con tàu đều đã nằm hết trong tính toán. Việc thử
nghiệm nhiều lần chỉ là để chắc chắn 100 phần trăm, những bộ phận khuyết
điểm không xảy ra lỗi khi hạ thủy”.
Đồng thời, một vấn đề nan giải là dù
đam mê với tàu ngầm Trường Sa, nhưng ông Hòa vẫn là một doanh nhân, công
ty của ông, những người công nhân, kỹ sư trong xưởng vẫn phải đảm bảo
những hợp đồng kinh tế, đặc biệt vào dịp cuối năm vô cùng bận rộn.
Sẽ hạ thủy trước Tết Nguyên Đán
Doanh nhân người Thái Bình này cũng
chia sẻ, nếu như không có gì thay đổi thì khoảng 10 – 15 ngày nữa ông sẽ
cho chiếc tàu ngầm này vào bể nước mà ông đã xây dựng sẵn ở sân để thử
nghiệm cách vận hành động cơ, hệ thống AIP trong môi trường nước.
Nếu có chậm thì kiểu gì trước Tết Nguyên Đán ông cũng phải thử nghiệm một lần.
Nếu lần thử này thành công, ông sẽ mở
cửa tiếp đón báo chí và người dân hiếu kỳ. Đồng thời tính đến việc đưa
chiếc tàu ngầm này thử trên sông.
Hoàn thiện phần vỏ tàu. (Ảnh VTC) |
Trong cuộc trao đổi hồi tháng 11/2013
với phóng viên báo Đất Việt tại xưởng sản xuất, ông Nguyễn Quốc Hòa
(Thái Bình) lạc quan chia sẻ: “Nếu chiếc tàu ngầm này sau vài lần thử
trong bể nước thành công, tôi sẽ mang ra sông để thử, trong bể nước chỉ
có thể thử được sự hoạt động của động cơ AIP. Còn ở sông, tôi sẽ thử
được khả năng lặn, nổi, di chuyển, tốc độ của con tàu.
Tôi dự định sẽ sơn cho chiếc tàu này
màu đen, tên tàu Trường Sa 01 màu trắng sơn dọc thân tàu, vạch đánh dấu
mức choán nước màu đỏ. Và chắc chắn sẽ sơn hình lá quốc kỳ cờ đỏ sao
vàng lên trên mũi tàu”.
Đặt giả thiết nếu con tàu không thành
công khi thử nghiệm dưới nước, ông Hòa khẳng định: “Tôi làm vì lòng đam
mê của cá nhân tôi, không phải mong muốn nổi tiếng gì mà ham hố.
Nếu Trường Sa không thành công, thì
tôi lại nghiên cứu tiếp, thử nghiệm tiếp. Nếu nó vĩnh viễn trở thành vô
ích, thì cái tôi mất chắc có lẽ chỉ là tiền của chính tôi. Do đó, thay
vì sợ này sợ kia, không dám nghĩ dám làm thì một lần dám làm thử dù
thành hay bại cũng là điều không đáng tiếc”.
Minh Tú
Chuyên gia chất vấn tầu ngầm Trường Sa đóng ở Thái Bình |