THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 December 2013

Né trả lời bức xúc của dân


Thứ Hai, 02/12/2013 23:37

Rất nhiều vụ việc người dân bức xúc nhưng không được cơ quan nhà nước trả lời hoặc trả lời không thỏa đáng khiến họ phải nhờ cậy báo chí. Song, nhiều khi báo chí đề nghị trả lời cũng chỉ nhận được thái độ im lặng

Ngày 2-12, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Đại sứ quán Anh đã tổ chức hội thảo Tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình thông qua báo chí và công bố báo cáo Mức độ phản hồi của các tổ chức, cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí, được thực hiện từ tháng 8 đến 11-2013.
Nhà báo thành nạn nhân
Phát biểu tại hội thảo, phóng viên (PV) Hải Liên (Báo Người Lao Động) đã kể lại “hậu trường” bài điều tra cảnh sát cơ động (CSCĐ) vòi tiền đăng trên Báo Người Lao Động ngày 30-11 vừa qua. “Tiếp nhận nhiều phản ánh của bạn đọc về việc thường bị một số CSCĐ chặn xe xử phạt nhưng lại không đưa biên lai tại khu vực quận Thủ Đức, TP HCM, tòa soạn báo đã cử PV xác minh. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi đã có đủ chứng cứ để khẳng định phản ánh của bạn đọc là chính xác. Một nhóm CSCĐ có nhiều dấu hiệu bất minh” - PV Hải Liên cho biết.
Theo PV Hải Liên, anh đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau để có được bằng chứng sống động về phản ánh của bạn đọc. Tuy nhiên, một sự việc ngoài ý muốn đã xảy ra khi PV “chạm mặt” nhóm CSCĐ này và bị đánh tới ngã quỵ. PV Hải Liên cho biết Báo Người Lao Động vẫn đang theo dõi diễn biến sự việc, nhất là xác minh, xử lý của lãnh đạo Công an TP HCM và Trung đoàn CSCĐ TP đối với những cán bộ, chiến sĩ bị phản ánh trong bài báo.
Nhà báo Phan Lợi, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Pháp Luật TP HCM tại Hà Nội, cho biết trường hợp của Hải Liên rất tiêu biểu cho những khó khăn mà các PV gặp phải khi điều tra, xử lý theo đơn thư bạn đọc.
Các cảnh sát cơ động này bị bạn đọc Báo Người Lao Động phản ảnh là chặn xe
xử phạt nhưng lại không đưa biên lai Ảnh: HẢI LIÊN
Kết quả nghiên cứu của MEC cho thấy dù các quy định về trách nhiệm trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí phản ánh đã có hiệu lực từ hàng chục năm nay nhưng nhận thức của cơ quan nhà nước không đầy đủ, thể hiện ở tỉ lệ các ý kiến của công dân được phản hồi đúng thời hạn rất thấp, chỉ khoảng 25%. Có tới 3/4 nội dung phản hồi chỉ là các thông tin “vỏ”, mang tính chất chung chung. Điều đó khiến bạn đọc rất trông chờ vào phản ánh của báo chí.
Theo nhà báo Tăng Quỳnh, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng Ban Bạn đọc Báo Tuổi Trẻ, thống kê ở tờ báo này cho thấy khoảng 80% đơn thư, khiếu nại, tố cáo của bạn đọc có nội dung chính xác nên việc xác minh không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, quá trình đăng ký hẹn gặp người có trách nhiệm trả lời lại rất mất thời gian, có khi đi lại mất cả tháng. Một số cơ quan còn yêu cầu nhà báo dù có thẻ phải trình thêm công văn và giấy giới thiệu của cơ quan, thậm chí né tránh trả lời.
Không trả lời, sẽ xử phạt
Đại diện nhóm nghiên cứu của MEC, ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Infonet, cho biết trong quá trình điều tra, giải quyết đơn thư bạn đọc, việc đeo đuổi tới cùng sự việc đóng vai trò rất quan trọng. “Khảo sát của chúng tôi cho thấy vai trò của ban biên tập trong việc chỉ đạo quyết định tới hiệu quả của sự việc. Điển hình nhất là việc Báo Người Lao Động đã theo đuổi tới cùng vụ việc thủy điện Đồng Nai 6-6A và đạt kết quả tích cực” - ông Bá dẫn chứng.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Trưởng Phòng Quản lý báo chí trung ương, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu xây dựng nền hành chính minh bạch, công khai, nhà nước rất tôn trọng các quyền được thông tin, phê bình, kiến nghị của công dân. “Báo chí là kênh thông tin quan trọng để truyền tải những phê bình, kiến nghị của công dân, đồng thời góp phần giám sát việc phản hồi của cơ quan hành chính nhà nước” - ông Phúc nhìn nhận. Theo ông, việc phản hồi của không ít cơ quan hành chính nhà nước đối với phê bình, kiến nghị của công dân trên báo chí được thực thi chưa nghiêm.
Ông Nguyễn Bá cho biết sau khi MEC kiến nghị, mới đây, ban soạn thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 02/2011 về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản đã đưa vào quy định xử phạt đối với cơ quan nhà nước chậm hoặc không trả lời cơ quan báo chí. Theo nhà báo Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Báo Giao Thông, nếu có quy định này thì cơ quan nhà nước sẽ khó mà “né” được việc trả lời các vấn đề báo chí phản ánh.
Tìm cách xử phạt báo chí
Nghiên cứu của MEC còn chỉ ra rằng nhiều cơ quan nhà nước ngày càng muốn xử phạt, kiểm soát báo chí khi xây dựng các quy định mới. Gần đây, khi xây dựng Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, TAND Tối cao đã đưa vào dự thảo quy định phạt cảnh cáo hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án TAND hoặc chủ tọa phiên tòa nơi giải quyết vụ án.
Trong năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; Nghị định 109 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định 138 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục - đều có điều khoản xử phạt khi đưa tin không đúng, sai sự thật. “Việc các cơ quan nhà nước khác nhau tìm cách đưa ra các quy định riêng để xử phạt chuyện đăng tải thông tin không đúng trong lĩnh vực của mình sẽ dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp giữa các ngành, lĩnh vực và tình trạng “hỗn loạn” trong xử lý sai phạm báo chí” - MEC nhận định.
ĐỖ DU - THÀNH ĐỒNG