Đã có nhiều công văn ‘kêu gào, than khóc, năn nỉ’ của các cấp chính quyền gửi chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, đề nghị xin hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả do xả lũ gây ra. Nhưng đến nay, đã nhiều mùa lũ trôi qua, hầu như các chủ dự án chưa hề có động thái gì…
Đã hứng chịu quá đủ!
Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đến thăm vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam) sau trận lũ dữ vừa qua, ông Nguyễn Văn Trúc – Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo: Vừa qua nước từ các hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4A và thủy điện A Vương đã gây lũ lớn đột ngột.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gặp người dân và họ khẩn thiết đề nghị thủy điện bồi thường, không xây thêm nữa
Đợt lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Đại Lộc, trong đó có 1 người chết, 30 người bị thương; cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình, lúa và hoa màu…với tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 45 tỷ đồng.
Ông Trúc đề nghị Chính phủ yêu cầu ban quản lý các thủy điện phải có nghĩa vụ, chia sẻ lợi ích đối với vùng hạ du bị thiệt hại nặng do thủy điện xả lũ hàng năm.
“Người dân đã hứng chịu quá đủ thủy điện xả lũ rồi, đề nghị Chính phủ không cho xây thêm nữa” – ông Trúc nói.
Nói về qui trình xả lũ, ông Trúc khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng sửa lại và tăng thời gian cảnh báo lũ sớm hơn chứ 2 tiếng. Bởi vì, dân không thể sơ tán kịp khi mà các hồ chứa thủy điện treo lơ lửng trên đầu, chỉ nằm cách các khu dân cư không quá 50 km.
Ông Võ Vui (xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn) là một trong hàng chục hộ bị lũ Thủy điện Đắk Mi 4 gây sạt lở bức xúc bảo: Hồi chưa có hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 bà con tui sống yên lành. Nhưng khi nhà máy đi vào hoạt động, đến mùa mưa lũ là bà con tui mất ăn mất ngủ lo chạy lũ.
“Tui sống ở đất ni đã hơn 45 năm chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng đất sạt lở, nhà trôi nhiều như rứa. Mấy ông thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho bà con tui thì phải đền bù. Bà con tui đã báo lên thôn, thôn báo lên huyện và huyện báo lên tỉnh rồi nhưng chưa thấy động tĩnh gì” – ông Vui nói.
Không liên quan, không đền bù!
Ngày 18/11 vừa qua, UBND huyện Phước Sơn đã tổ chức cuộc họp với đại diện của Ban quản lý Thủy điện Đắk Mi 4 để giải quyết chuyện thủy điện này xả lũ làm cho 14 ngôi nhà ở xã Phước Hiệp bị sạt lở xuống sông.
Tuy nhiên, đại diện Thủy điện Đắk Mi 4 lại cho rằng, nguyên nhân là do mưa lũ tự nhiên, không liên quan đến thủy điện.
Ngay sau khi nhận báo cáo của huyện, vào ngày 22/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu đã ký công văn gửi Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) – đơn vị chủ đầu tư dự án thủy điện Đắk Mi 4 yêu cầu hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do thủy điện này xả lũ, gây hư hại tài sản cho nhân dân xã Phước Hiệp vừa qua.
Trước đó, cũng đã có nhiều công văn ‘kêu gào, than khóc, năn nỉ’ của các cấp chính quyền gửi chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, đề nghị xin hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả do xả lũ gây ra.
Nhưng đến nay, đã nhiều mùa lũ trôi qua, hầu như các chủ dự án chưa hề có động thái giúp người dân khắc phục hậu quả, đền bù.
Bởi, theo họ, thủy điện vô can vì đã xả đúng qui trình?! Tất cả đều bám vào cái cớ nhà cửa hư hỏng là do thiên tai gây ra!
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc thừa nhận, chưa bao giờ các nhà máy thủy điện có động thái hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau bão lũ chứ đừng nói đến chuyện đền bù, bồi thường.
Điều kiện quan trọng nhất để có thể quy trách nhiệm đền bù khi xả lũ là ai giám sát và khẳng định xả lũ của các hồ chứa thủy điện là đúng qui trình thì vẫn chưa có câu trả lời!
Tại buổi làm việc với UBND huyện Đại Lộc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: thủy điện, hồ chứa xả lũ là chuyện bình thường, đầy thì phải xả. Nó chỉ không bình thường khi xả không đúng với quy trình!
Nếu thủy điện xả sai quy trình là phải xử lý. Vấn đề là kiểm tra thủy điện xả có đúng quy trình hay không, coi quy trình đã hợp lý chưa để điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để có thể quy trách nhiệm đền bù khi xả lũ là ai giám sát và khẳng định xả lũ của các hồ chứa thủy điện là đúng qui trình thì vẫn chưa có câu trả lời!
Kiện củ khoai!
Luật sư Bùi Bá Dũng, thuộc đoàn Luật sư Quảng Nam nói rằng: Ai cũng biết là lũ lụt nặng thêm có phần trách nhiệm của thủy điện. Tuy nhiên, biết là một chuyện. Nhưng làm thế nào để chứng minh, phân định rõ phần nguyên nhân từ thủy điện gây ra thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?
“Chẳng có cơ quan nào cả. Bởi vậy, bảo nhà máy thủy điện đền bù hay khắc phục là rất khó” – ông Dũng nói.
Đơn cử, việc tích nước thủy điện Sông Tranh 2 gây ngập hơn 30 hộ dân ở Trà Dơn, huyện Nam Trà My cách đây 2 năm. Bà con có chứng cứ rành rành, kéo nhau ra tòa khởi kiện.
Nhưng qua 2 phiên xét xử, phần thua vẫn thuộc về… người dân.
“Bởi con kiến đi kiện củ khoai mà” – Luật sư Dũng nói.
Theo VietNamNet