THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 October 2013

Ì ạch cải cách, môi trường kinh doanh ‘dẫm chân tại chỗ’!

 Cung cấp điện ổn định và thủ tục thuế nhanh gọn vẫn còn là “ước mơ” của các doanh nghiệp. Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 99 về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy được đánh có nhiều cải cách nhất khu vực nhưng tốc độ cải cách lại ỳ ạch hơn nhiều nước láng giềng nền vị trí của nước ta vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đầy rẫy khó khăn, thoát khỏi khủng hoảng chậm hơn rất nhiều nước thì những nhận định về một môi trường kinh doanh chậm cải thiện hơn người bạn hàng xóm, dường như là điều dễ hiểu.
Hôm 29/10, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014. Theo đó, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho biết, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục giữ số 99 trên tổng số 189 nền kinh tế.
Điện và thuế vẫn bị than phiền rất nhiều. Thống kê của nhóm nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam phải mất 115 ngày để hoàn tất thủ tục cấp điện, đồng thời phải chi mất một khoản tiền tương ứng 17% thu nhập bình quân trên đầu người cho việc mua điện. Đây là lĩnh vực chỉ xếp thứ 156.
Tương tự, ở lĩnh vực thuế, Việt Nam chỉ xếp thứ 149. Các doanh nghiệp mất tới 870 giờ để hoàn thành thủ tục liên quan đến thuế. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thì mất tới 1/3 số ngày làm việc chỉ để thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Cùng đó, tổng thuế suất phải đóng trung bình chiếm tới 35% lợi nhuận của doanh nghiệp.
môi trường kinh doanh, thuế, điện, xếp hạng
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI chia sẻ, việc nộp thuế chiếm tới 1/3 thời gian làm việc quả là gánh nặng. Doanh nghiệplớn có thể có chuyên viên riêng. Nhưng với 96% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ thì đây khoản chi phí thời gian lớn. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giãn nộp thuế trong năm qua nhưng tỷ lệ doanh nghiệp không lãi lại lớn. Tỷ lệ hơn thuế đóng bằng 35% lợi nhuận,cho thấy, gánh nặng thuế phí còn rất lớn.
Câu chuyện thủ tục phá sản doanh nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều doanh nghiệp muốn phá sản lại vấp thủ tục rườm rà và nhiều chủ nợ mất thời gian rất lâu để thu hồi nợ của doanh nghiệp này. Theo nghiên cứu, các doanh nghiệp muốn được “chết” sẽ phải mất 5 năm cùng với khoản chi phí tương ứng 15% giá trị tài sản.
Tuy nhiên, Việt Nam có những lĩnh vực quan trọng khác đã được cải thiện đáng kể. Tiêu biểu là việc cấp phép xây dựng, đứng thứ 29, vay vốn đứng thứ 42, thực thi hợp đồng xếp thứ 46, thương mại quốc tế xếp hạng thứ 65..
Nhóm nghiên cứu bày tỏ, mặc dù có những cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng chung vẫn khiêm tốn, xếp hạng vẫn chỉ ở mức trung bình, thậm chí tụt hạng vì nhiều nước cải cách nhanh hơn ta.
Bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn Môi trường Đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC, thành viên Nhóm WB nhận định, thực tế thứ hạng của Việt Nam năm nay cho thấy nhiều cải thiện trong nhiều lĩnh vực, nhưng so với các hàng xóm láng giềng, các đối thủ cạnh tranh thì vẫn còn nhiều thua kém.
Bà nhấn mạnh: ‘So với hàng xóm họ tích cực thế nào thì chúng ta còn phải nỗ lực hơn nữa. Việc cải cách các lĩnh vực phải thấy được xu hướng tương lai phải làm gì?”
“Thủ tục thuế phức tạp rườm ra là bài ca trường kỳ của cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam kể từ khi có báo cáo này. Năm nay tệ hơn khi chỉ số xếp hạng xấu đi. Dù các chuyên gia quốc tế nói Việt Nam có cải thiện nhưng vì chậm nên thứ hạng giảm. Sau bao năm, chúng ta vẫn duy trì cách thức nộp thuế gây khó cho doanh nghiệp. Trong khi không có gì khó khăn để sửa mà ta lại không sửa được”, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bình luận.
Theo Phạm Thị Thu Hằng, báo cáo này được chờ đợi hàng năm để biết Việt Nam đã cải cách được như thế nào và sẽ phải cái cách gì cho năm tới.
“Năm nay, điều quan trọng là qua báo cáo, chúng ta thấy được những khoảng trống cần lấp đầy để môi trường kinh doanh hấp dẫn bền vững hơn”, bà Hằng nói.
Trong 10 lĩnh vực được nghiên cứu, Việt Nam có 5 lĩnh vực, liên quan mật thiết đến đời sống kinh doanh bị xếp hạng “chót” bảng. Trong đó, thấp nhất là chỉ số chỉ số bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 157, liền kề sau đó lĩnh vực tiếp cận điện năng xếp thứ 156. Tiếp sau đó, lĩnh vực nộp thuế và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đều cùng xếp thứ 149 và thủ tục thành lập doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 109. Hai lĩnh vực cải thiện tốt nhất là cấp phép xây dựng, thứ 29 và vay vốn thứ 42.
Kể từ năm 2005, 96% các nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện các cuộc cải cách về quy định kinh doanh thuộc những lĩnh vực mà được báo cáo Môi trường Kinh Doanh đo lường. Tổng số có 216 cải cách diễn ra tại 25 nền kinh tế. Trong năm qua, Việt Nam thực hiện nhiều cải cách nhất trong khu vực với 21 cải cách, tiếp sau là Trung Quốc với 18 cải cách.
Phạm Huyền