RFA - 30/10/2013
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết thị trường Trung Quốc 10 tháng qua đã tiêu thụ 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Một sự kiện gây thêm lo ngại về sự lệ thuộc Trung Quốc.
Xuất khẩu tiểu ngạch tăng tốc
Lúa gạo Việt Nam gặp bất ngờ lớn với tình trạng Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu gạo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch trong thời gian qua. Tin ghi nhận, ngày 24/10 ông Trương Thanh Phong chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho báo chí biết tổng lượng gạo xuất khẩu cả năm 2013 có khả năng vượt con số 8 triệu tấn.
Điểm đáng chú ý là 10 tháng qua, gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Nhưng chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu 3 triệu tấn gạo của Việt Nam, bao gồm 1,8 triệu tấn qua đường chính ngạch và 1,2 triệu tấn qua đường tiểu ngạch.
Chủ tịch VFA thừa nhận là nếu không nhờ chuyện xuất tiểu ngạch nhiều như vậy thì khó biết tình hình tiêu thụ lúa gạo sẽ diễn biến ra sao. Trước đó ông Trương Thanh Phong kiến nghị Chính phủ cấp bù lãi suất vay vốn để tiếp tục mua gạo tạm trữ. Nhưng nay ông nói rằng, những tháng cuối năm đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu gạo để xuất khẩu.
Khi làm ăn chúng tôi mong muốn thị trường chính thức là tốt nhất, tiểu ngạch thì hiện nay Việt Nam giáp biên giới Campuchia qua Thái Lan, giáp Trung Quốc… thì không thể nào tránh khỏi điều đó.
-Tiến sĩ Phạm Văn Dư
Đối với sự tăng tốc xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc, phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng Trọt từ Cần Thơ nhận định:
“Không phải chỉ có lúa gạo mà tất cả các cây trồng khác cũng có vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch khá cao. Tất nhiên mình biết cái này không ổn định, nhưng trong thời điểm nhất định thì nó cứu vãn được một số mặt hàng trong quá trình không có hợp đồng chính thức. Tôi cho rằng việc này là tốt đặc biệt về gạo. Khi làm ăn chúng tôi mong muốn thị trường chính thức là tốt nhất, tiểu ngạch thì hiện nay Việt Nam giáp biên giới Campuchia qua Thái Lan, giáp Trung Quốc… thì không thể nào tránh khỏi điều đó. Do việc hỗ trợ thu nhập bà con nông dân, thì đây là một cái lợi nhưng trong tương lai sẽ phải dần dần chấn chỉnh.”
Con dao 2 lưỡi
Mặc dù thị trường Trung Quốc ở bề nổi đang thể hiện việc cứu lúa gạo Việt Nam. Nhưng các chuyên gia vẫn rất e dè, vì lâu nay bên cạnh các mặt hàng khoáng sản thô như bauxite, than đá Trung Quốc cũng nhập nông sản chưa qua chế biến như hạt tiêu, khoai lang, khoai mì, thanh long, vải, nhãn... Đối với xuất tiểu ngạch ngang qua biên giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:
“Riêng cách mua nông sản không những làm cho Việt Nam thiệt thòi mà nhiều khi còn gây khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi không làm thế nào được. Thế rồi những thủ tục khó khăn tạo ra ở biên giới, như là thanh long hiện nay đang đọng lại ở biên giới chẳng hạn, là những cách gây khó cho nông sản Việt Nam.”
Riêng cách mua nông sản không những làm cho VN thiệt thòi, mà nhiều khi còn gây khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi không làm thế nào được.
-Bà Phạm Chi Lan
Tình trạng nguồn gạo thế giới thừa cung cũng như tình trạng độc quyền ngầm của VFA, khiến cho tổ chức này lúng túng khi mất đi các thị trường truyền thống, đặc biệt là sự sụt giảm các hợp đồng cấp chính phủ khối lượng lớn. Tuy vậy làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc rất khó khăn vì họ không theo nền nếp và thông lệ thương mại quốc tế như họ không mở tín dụng thư, hoặc dễ dàng xé bỏ hợp đồng. Riêng về xuất tiểu ngạch qua biên giới, VFA cảnh báo việc xuất khống theo đó hơn 30 doanh nghiệp không có giấy phép xuất khẩu gạo nhưng gom hàng bán qua biên giới. Các doanh nghiệp này trả hoa hồng từ 1 USD-2 USD một tấn để các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo ký khống vào hợp đồng, VFA không thể kiểm chứng hàng hóa. Theo VFA, tình trạng này sẽ dẫn tới rắc rối về hoàn thuế giá trị gia tăng tương tự như đã xảy ra cho ngành cà phê.
Dự báo về xuất khẩu gạo của Việt Nam được mô tả là một hỏa mù. Mới cách đây hơn 1 tháng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong còn đưa ra những cảnh báo về việc thừa gạo không có hợp đồng xuất khẩu và đề nghị Chính phủ cấp bù lãi suất vốn vay ngân hàng để tiếp tục tạm trữ gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Liên tục trong nhiều hội nghị, hội thảo các giới chức VFA luôn nhấn mạnh năm nay không đạt kế hoạch dù đã lần hạ giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo xuống 7, 2 triệu tấn và sau đó còn 7 triệu tấn. Tuy vậy giờ đây VFA dự báo sẽ thực tế xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo trong năm 2013, trong đó 6,8 triệu tấn là chính ngạch và ít nhất đã có 1,2 triệu tấn qua đường tiểu ngạch.
Như vậy năm 2013 này, Việt Nam vẫn có thể duy trì cương vị nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Nhưng người nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa sẽ vẫn phải chịu cuộc sống bấp bênh, khi nào sản xuất chưa thực sự được chuyển đổi theo chuỗi giá trị ngành hàng, phân chia lợi nhuận hợp lý hơn.