Tính đến hết tháng 9/2013, số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng số kinh doanh không có lãi lên tới 66% trong tổng số khoảng 450 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.
Con số trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra tại hội nghị đối thoại về thủ tục thuế, hải quan giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục thuế, Hải quan với hơn 500 doanh nghiệp phía Bắc, sáng 30/10.
Theo Thứ trưởng Tuấn, so với năm 2012, con số trên đã giảm được khoảng 3%, từ 69% xuống còn 66%. Thực tế đó cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn không có lãi, thua lỗ vẫn quá lớn, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, giảm, giãn thuế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong suốt 1 năm qua.
Đề cập đến việc có tới 66% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không có lãi, liệu có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dù rằng có ảnh hưởng nhưng đó không phải là nguyên nhân chính của việc thất thu.
Đề cập đến việc có tới 66% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không có lãi, liệu có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dù rằng có ảnh hưởng nhưng đó không phải là nguyên nhân chính của việc thất thu.
Theo ông Tuấn, trong cơ cấu nguồn thu ngân sách hiện nay thì thu ngoài quốc doanh tăng 18% so với năm ngoái, khu vực doanh nghiệp FDI nộp thuế tăng 30%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ bằng 98% so với năm trước.
Đặc biệt, nguồn thu từ toàn bộ 69 ngân hàng thương mại hiện nay chỉ đạt 86%, tức là giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Câu hỏi được lãnh đạo Bộ Tài chính đặt ra là tại sao khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng được miễn, giảm, giãn thuế nhưng khối này vẫn có tỷ lệ nộp thuế tăng vọt. Dù không giải thích cặn kẽ thêm, nhưng theo ông Tuấn, đó chính là nguyên nhân khiến cho việc dù nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lãi nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách năm nay.
Trên thực tế, trong thời gian qua, dư luận vẫn đang đặt nhiều câu hỏi với tình trạng “lỗ giả lãi thật” của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp FDI. Kết quả kiểm tra mới đây của Tổng cục Thuế tại 122 doanh nghiệp FDI thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2012 cho thấy nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế.
Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các doanh nghiệp này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng.
Tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp sau thanh tra, kiểm tra đã tăng lên là 2.599 tỷ đồng, tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp FDI cho thấy có 3.175 doanh nghiệp lỗ lũy kế nhiều năm liền nhưng đa số vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu.
Cùng với ngành thuế, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc và chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất ở Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai của các doanh nghiệp FDI với hàng trăm doanh nghiệp báo lỗ và không phát sinh doanh thu trong nhiều năm liền.
Theo VNEconomy