Họ cũng nói trong vụ cưỡng chế hôm 10/12, người dân đã bị lực lượng công an đông đảo chủ động tấn công bằng roi điện, khiến nhiều người bị thương nặng.Người dân tại đây cáo buộc chính quyền huyện Nghi Xuân đền bù thấp hơn nhiều lần so với giá trần, đồng thời nhất quyết không cho người dân xem giá đã thỏa thuận với nhà đầu tư cũng như được trực tiếp gặp nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Phan Văn Đán, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân lại được báo Thanh Niên dẫn lời nói "lúc cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ thì hàng trăm người đã dùng hung khí xông vào cản trở, xô xát với lực lượng chức năng".
“Mặc dù 14 hộ dân này đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn gây cản trở cho công tác giải phóng mặt bằng vì cho rằng các khoản tiền hỗ trợ khác chưa thỏa đáng. Trong số 15 người vừa bị bắt giữ thì có 3 người là người thân của 14 hộ dân này”, ông này nói.
Nhà báo cầu cứu
"Tôi lấy làm đau xót và hổ thẹn vì không nói lên được tiếng nói của nhân dân"
Một nhà báo với điều kiện giấu tên
Một nhà báo trong nước theo dõi vụ việc từ nhiều năm qua đã viết thư cầu cứu BBC và nói "tôi lấy làm đau xót và hổ thẹn vì không nói lên được tiếng nói của nhân dân".
"Đồng bằng Bắc Trung Bộ diện tích rất hẹp, một năm chỉ trông được hai vụ lúa và trong nghị định của chính phủ chỉ cho phép sử dụng 4% đất nông nghiệp trong tất cả các dự án chứ không chỉ riêng sân golf", nhà báo muốn ẩn danh này nói.
"Vậy mà trong vụ này, gần như là 100% đất nông nghiệp bị tịch thu, người dân mất hoàn toàn công cụ sản xuất".
"Bên cạnh đó, chính quyền còn không cung cấp cho dân biết giá trần đền bù, bắt bớ dân trái phép và đánh đập người khiếu kiện dã man, đe dọa, dụ dỗ, và nhiều biện pháp hòng chiếm đoạt đất đai của dân."
Nguồn tin này cũng cho biết trong vụ cưỡng chế ngày 12/12, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh còn huy động cả lực lượng cơ động của thành phố Vinh. Lực lượng này sau đó đã chủ động tấn công người dân, buộc họ phải chống trả và một số người đã bị thương rất nặng sau vụ xô xát.
'94 nghìn đồng một mét vuông'
Dự án Khu du lịch và sân golf Xuân Thành được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt hồi đầu năm 2008, với diện tích quy hoạch sử dụng đất là hơn 110 ha, tuy nhiên nhiều hộ dân tại đây nói họ không được đền bù thỏa đáng.
Bà Lê Thị Nguyệt, đại diện của các hộ dân tại đây nói với BBC rằng đã đi thưa kiện suốt bốn năm nay.
"Bây giờ toàn bộ cánh rừng phòng hộ họ đã san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết," bà nói.
Bà Nguyệt cho biết hồi năm 2009, UBND huyện Nghi Xuân ra giá đền bù chỉ hơn 19 triệu/sào đất 500 mét vuông.
Trong khi đó, nhà báo yêu cầu ẩn danh cho BBC biết mức giá trần hiện nay lẽ ra là hơn 170 triệu đồng.
Sau khi Nghị định 69 của chính phủ ra đời, chính quyền huyện vẫn không chịu đền bù theo mức mới mà nghị định này quy định, đồng thời sử dụng lực lượng công an để ngăn chặn không cho người dân lên tỉnh khiếu nại, bà Nguyệt nói thêm.
"Mãi sau này, UBND huyện mới chịu nâng tiền từ hơn 19 triệu đồng lên 35 triệu đồng một sào trên 500 mét vuông," bà nói.
"Bây giờ toàn bộ cánh rừng phòng hộ họ đã san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết"
Lê Thị Nguyệt, đại diện các hộ dân
Tuy nhiên, vì mức giá này vẫn còn quá thấp so với mức giá trần đền bù nên tiếp tục bị bà Nguyệt cùng các hộ gia đình khác phản đối.
"Sau gần một năm sau, đến tháng 8 năm 2013 thì UBND huyện mới mời bà con lên nhận tiền hỗ trợ đợt hai, tổng cộng ba lần mới được 47 triệu đồng/sào".
"Sau đó, họ đe dọa những con đi học ở xa của người dân đang kết nạp Đảng hay đang học các trường ở các nơi trong nước, bắt các em điện thoại về gia đình bảo bố mẹ nhận tiền bồi thường."
Bà Nguyệt cũng cho biết vừa rồi, một phóng viên trong nước đã bị chính quyền huyện đe dọa khi đến nơi tìm hiểu vụ việc.
"Vừa rồi, có một nhà báo về quay lại toàn bộ cánh rừng phòng hộ và đưa người dân lên gặp chính quyền UBND xã thì bị ông Phạm Công Tuân, Chủ tịch Hội đồng xã đe dọa và đuổi về," bà nói.